TÓM TẮT
Tứ diệu đế hay là bốn chân lý vĩ đại của Phật giáo chính là cốt tủy cơ bản để hợp thành học thuyết nhân sinh cứu đời. Đó là kết quả suy ngẫm và trải nghiệm thông qua thực tiễn cuộc sống của chính Phật tổ và sự tổng kết những suy tư về cuộc sống chúng sinh được đúc kết lại. Có thể coi mỗi một chân lý (Đế) của Phật giáo là một chủ đề lớn để nhân loại suy nghĩ, trải nghiệm để đúc rút cho thực tiễn sôi động không chỉ hôm qua, ngày nay và cả mai sau. Dĩ nhiên, thành tựu mà Phật giáo đã và đang để lại cho nhân loại không chỉ là Tứ diệu đế mà cả ở nhiều lĩnh vực khác nữa liên quan đến nhiều lĩnh vực mà nhân loại đang hướng tới như vấn đề chiến tranh, hòa bình, môi sinh môi trường, v.v… và cả những vấn đề to lớn hơn như bản thể luận triết học về nguồn gốc thế giới và các loài, vấn đề nhận thức luận và cả vấn đề tư tưởng biện chứng về thế giới mà ngày nay soi chiếu vào nghiên cứu nguồn gốc thế giới. Các nhà khoa học đã nhận thấy Phật giáo có nhiều tư tưởng rất gần với khoa học hiện đại, nhất là Vật lý học. Điều này đã được nhiều học giả nổi tiếng bàn luận đến. Phạm vi bài viết này chỉ bàn vắn tắt về giá trị của Tứ diệu đế với vấn đề giáo dục đạo đức cho nhân loại. Bài viết không đi sâu vào giáo lý uyên nguyên của Phật giáo mà chỉ dừng lại ở những nét cơ bản nhằm làm nổi bật giá trị nhân bản của Phật giáo với việc giáo dục đạo đức cho con người. Trước những biến động khôn lường của thế giới hiện nay, bạo động, chiến tranh, chết chóc, môi trường con người bị đe dọa, thiết tưởng việc nghiên cứu vấn đề này không những chỉ có ý nghĩa học thuật mà còn có gía trị thực tiễn sâu sắc, với mục đích giáo dục đạo đức hướng tới kêu gọi sự thức tỉnh trong mỗi con người trên thế giới nhằm hướng tới một xã hội yên bình, sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc, ai cũng được học hành, đảm bảo tốt an sinh xã hội.
1. Mở đầu
Tứ điệu đế hay là bốn chân lý vĩ đại của nhà Phật nhằm tìm ra con đường nhân sinh diệt khổ cho con người. Những chân lý đó và giá trị của nó đối với việc giáo dục đạo đức con người sẽ được diễn giải cụ thể, ngắn gọn dưới đây.
1.1 Khổ đế
Khái niệm “khổ”, theo quan điểm Phật giáo, bao gồm trong tám phạm trù: gồm có sanh khổ, lão khổ, bịnh khổ, chết khổ, cầu không được khổ, ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ và chấp thủ năm uẩn là khổ. (Nguyễn Hữu Vui chủ biên.1998). Qua nội dung “khổ” của các phạm trù trên, chắc hẳn nhận thức luận này của Phật giáo cần phải được đánh giá lại. Nói theo ngôn ngữ của Walpola Rahula, đạo Phật không hề nhuốm màu bi quan cũng không mang vẻ lạc quan, vì đạo Phật có cách nhìn hiện thực về nhân sinh và vũ trụ, nhìn sự vật một cách như thật.
Nguyên nhân của khổ: đạo Phật không dừng lại ở lời tuyên bố “đời là khổ đau”, mà tiếp tục chỉ ra căn nguyên của nỗi thống khổ muôn đời ấy, đó là: ba độc tham, sân, si; là khát ái hay ái dục và vô minh.
Khổ do ba độc tham, sân, si: “tham, sân, si” là nguyên nhân của cuộc sống đau khổ (Bộ Giáo dục và đào tạo, 1999).
“Tham” là tham lam. Ham muốn thái quá. Đắm say, thích thú muốn có nhiều những thứ mình ưa thích như tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ, v.v… Lòng tham đó chẳng hề biết chán, càng được thời càng ham. Tham cho mình, rồi tham cho cả bà con quyến thuộc, quốc gia, xã hội của mình. Cũng vì lòng tham, mà nhân loại tranh giành giết hại lẫn nhau. Kẻ tham hay ghen ghét những người thành tựu. Chính sự tham dục lạc đó chính là những nguyên nhân ràng buộc kiếp người vào vòng sinh tử, luân hồi, đau khổ.
“Sân” là cơn giận, lòng giận dữ, nóng nảy, thù hận khi không vừa lòng, không được thỏa thích như ý muốn. Bất bình vì bị xúc phạm, nhân đó làm những chuyện sai trái. Sau cơn giận thời giữ lại lòng oán ghét tìm dịp mà trả thù. Kinh Hoa Nghiêm có nói, khi một niệm lòng sân hận nổi lên, thì trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở ra, hay một đốm lửa sân, có thể đốt hết muôn mẫu rừng công đức. Vì thế, đức Phật cũng đã từng khuyên rằng, một khi đã từ bỏ được nóng giận thì phiền não sẽ không đến với chúng ta.
Đức Phật dạy chúng sinh hãy từ bỏ cả tham lẫn sân. Thân tâm dẹp sạch tham dục và sân hận thời trở nên thanh tịnh, đó là điều kiện tốt để sớm chứng được cảnh Niết bàn.
“Si” là si mê, ngu tối. Người si mê không sáng suốt, không suy xét hiểu biết đúng lẽ phải, đúng sự thật để phán đoán việc hay dở, tốt xấu, lợi hại, v.v… nên mới làm những điều nhiễm ô tội lỗi, có hại cho mình và người. Si, theo thế tục gọi là “dại” hay “ngu”. Si che lấp tâm trí, làm cho con người không còn nhìn thấy được những chất bợn nhơ đang gặm nhấm từ bên trong con người khiến các thói hư tật xấu ấy sẽ tăng dần và cuối cùng đưa con người vào con đường tội lỗi triền miên.
Đức Phật dạy rằng si là điều ô trược tệ hại nhất. Hãy dứt bỏ si để trở thành người trong sạch.
Tam độc “tham, sân, si” là những nguyên nhân gây ra bất hạnh và phiền não, ưu tư cho con người. Tham, sân, si có thể được tìm thấy một cách dễ dàng nơi hành động, ngôn ngữ, và ý nghĩ của chính mình cũng như của kẻ khác. Bất cứ ở đâu hay lúc nào, nếu tham, sân, si có mặt và ngự trị thì cuộc sống riêng hay chung đều trở nên xấu xa đau khổ. Tham, sân, si là sản phẩm của con người và xã hội và chính chúng là nguyên nhân làm hư hại cuộc sống an lành của loài người.
Việc thực hiện con đường đi ra khỏi “tham, sân, si” luôn luôn được Đức Phật quan tâm và khuyến khích các đệ tử của Ngài hành trì để từ đó các pháp an lạc được tăng trưởng và các pháp khổ đau được diệt trừ. Nếu không khéo hành trì thì không những các khổ đau tăng trưởng mà các thiện pháp cũng bị tiêu trừ. Nếu ai tu tập và trau dồi tâm trí để thoát khỏi vòng phiền não tham, sân, si, tất nhiên người ấy sẽ được hoàn toàn giải thoát (Nguyễn Đăng Thục, 1991).
Khổ đau do ái dục: Phật xác nhận chúng sanh đang lâm bệnh đau khổ. Sau khi quan sát, nghiên cứu và phân tích tỉ mỉ tận tường chứng bệnh đau khổ, Ngài tìm ra nguyên nhân tiếp theo của nó và tuyên bố rằng nguồn gốc của mọi hình thức đau khổ là ái dục.
Trong kinh Tương Ưng Bộ, phẩm Chuyển pháp luân, Đức Phật khẳng định: “Này các tỷ kheo, chính ái này đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái” (Thích Minh Châu dịch, 2016B .tr.783).
Ái dục là nguồn gốc của đau khổ cũng vì chính trong ái dục đã có mầm mống đau khổ. Ái có ba loại: Dục ái (khát ái đối với sự khoái lạc của các giác quan), hữu ái (khát ái về sự hiện hữu và trở thành), phi hữu ái (khát ái sự không hiện hữu, nghĩa là chán ngán sự tồn tại, chán ghét sự hiện hữu). “Này chư Hiền, thế nào là Khổ tập Thánh đế? Sự tham ái đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia; như dục ái, hữu ái, vô hữu ái. Này chư Hiền, như vậy gọi là Khổ tập Thánh đế”. (Thích Minh Châu dịch, 1992B. tr.563).
Khổ đau do vô minh: theo đức Phật, vô minh chính là nguyên nhân căn bản và sâu xa nhất của khổ đau. Vô minh là không sáng suốt, không có trí tuệ, không có chánh tri kiến, không hiểu Tứ diệu đế, không biết rõ nguyên lí Nghiệp. Vô minh là một trong mười hai yếu tố trong nguyên lí Duyên khởi, là những nguyên nhân làm con người vướng trong luân hồi đau khổ.
Vô minh cũng được xem là gốc của mọi bất thiện trong thế gian và cũng là một đặc tính của khổ. Đó là tình trạng tâm thức không thấy sự vật “như nó là” (như thật tri kiến), cho ảo giác là sự thật và vì vậy sinh ra khổ. Vô minh sinh ái và đó là yếu tố cơ bản dẫn đến sự tái sinh. Như đức Phật dạy trong các kinh A-hàm: thấy các pháp, không biết đúng như thật gọi đó là vô minh. Nghĩa là chúng ta thấy mọi sự vật ở trên đời mà không biết đúng như thật, chỉ biết bằng cách tưởng tượng sai lầm, đó là vô minh. Nói rõ hơn không biết, không thấy đúng như thật pháp Tứ đế: khổ đế, tập đế, diệt đế, đạo đế, gọi là vô minh.
1.2 Nhân đế (Tập đế)
Trong kinh Tương Ưng Bộ, một trong năm bộ kinh Nikaya, đức Phật cũng nhiều lần đề cập đến mười hai chi phần nhân duyên.
“Này các Tỷ-kheo, vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên sanh sắc; danh sắc duyên sáu xứ; sáu xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; sanh duyên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được khởi lên. Như vậy toàn bộ khổ uẩn này tập khởi. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là tập khởi.” (Thích Minh Châu dịch, 2016A, tr.371).
Mối liên hệ hữu cơ giữa 12 nhân duyên được Phật tổ chỉ rõ:
“Nhưng do ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là đoạn diệt”. (Thích Minh Châu dịch, 2016A, tr.371). Mỗi chi phần của mười hai chi phần đều nằm trong một mối liên hệ với nhau, chúng vừa là nguyên nhân của một yếu tố này cũng vừa là kết quả của một yếu tố khác. Từ đó, thuyết minh quá trình hình thành, tồn tại, tan rã và tan biến của con người.
– Vô minh: là không biết đúng như thật các pháp do duyên sinh, vô tự tánh, không có một tự thể độc lập, bất biến; không hiểu rõ các sự vật, hiện tượng là vô thường, vô ngã, chấp các giả tướng làm tự ngã, sanh khởi lên tham, sân, si; không nhận thức đúng về Tứ diệu đế: sự thật về khổ, sự thật về nguyên nhân của khổ, sự thật về sự diệt khổ, sự thật về con đường dẫn tới sự diệt khổ là tính chất căn bản của đời sống.
– Hành: hành động tạo nghiệp, động lực dẫn dắt tạo nghiệp. Hành động tạo nghiệp này có thể tốt, xấu hay trung tính. Hành có thể ở trong ba dạng: thân hành, miệng hành và ý hành. Do chính vô minh làm nhân, làm duyên cho hành sinh khởi. “Chư Hiền, thế nào là hành, thế nào là tập khởi của hành, thế nào là đoạn diệt của hành, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của hành? Chư Hiền, có ba loại hành này: thân hành, ngữ hành, tâm hành. Từ tập khởi của vô minh, có tập khởi của hành; từ đoạn diệt của vô minh, có đoạn diệt của hành” (Thích Minh Châu dịch, 1992A, tr.126)
– Thức: sự nhận biết, phân biệt của con người về thế giới thông qua các cơ quan chức năng. Thức do các yếu tố nhân duyên mà sanh khởi và tên gọi cũng tùy theo các duyên ấy, như do duyên mắt và các sắc, thức sanh ra, thức ấy có tên gọi là “nhãn thức”, tai (nhĩ thức), mũi (tỷ thức), lưỡi (thiệt thức), thân (thân thức) và ý (ý thức). “Chư Hiền, thế nào là thức, thế nào là tập khởi của thức, thế nào là đoạn diệt của thức, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của thức? Chư Hiền, có sáu loại thức này: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. Từ tập khởi của hành, có tập khởi của thức; từ đoạn diệt của hành có đoạn diệt của thức”. (Thích Minh Châu dịch, 1992A, tr.125).
– Danh sắc: là toàn bộ tâm lí và vật lí của con người, do ngũ uẩn tạo thành. Danh thuộc lĩnh vực tinh thần, sắc thuộc lĩnh vực vật chất. “Chư Hiền, thế nào là danh sắc, thế nào là tập khởi của danh sắc, thế nào là đoạn diệt của danh sắc, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của danh sắc? Thọ, tưởng, tư, xúc, tác ý, Chư Hiền, như vậy gọi là danh; bốn đại và sắc do bốn đại tạo thành, chư Hiền, như vậy gọi là sắc; như vậy đây là danh và đây là sắc, Chư Hiền, như vậy gọi là danh sắc. Từ tập khởi của thức, có tập khởi của danh sắc; từ đoạn diệt của thức, có đoạn diệt của danh sắc (Thích Minh Châu dịch, 1992A, tr.124).
– Lục nhập: là các giác quan, gồm có sáu căn (năm giác quan và khả năng suy nghĩ là sáu). “Chư Hiền, thế nào là sáu nhập, thế nào là tập khởi của sáu nhập, thế nào là đoạn diệt của sáu nhập, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của sáu nhập? Chư Hiền, có sáu nhập này: nhãn nhập, nhĩ nhập, tỷ nhập, thiệt nhập, thân nhập, ý nhập. Từ tập khởi của danh sắc có tập khởi của sáu nhập; từ đoạn diệt của danh sắc có đoạn diệt của sáu nhập” (Thích Minh Châu dịch, 1992A, tr.123,124).
– Xúc: Sự tiếp xúc, tương tác giữa sáu căn (6 nội xứ: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) và đối tượng của chúng là sáu trần (6 ngoại xứ: hình thể, âm thanh, hương vị, mùi vị, xúc chạm và ý tưởng – pháp). “Chư Hiền, thế nào là xúc, thế nào là tập khởi của xúc, thế nào là đoạn diệt của xúc, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của xúc? Chư Hiền, có sáu loại xúc này: nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc. Từ tập khởi của sáu nhập, có tập khởi từ xúc; từ đoạn diệt của sáu nhập, có đoạn diệt của xúc” (Thích Minh Châu dịch, 1992A tr.123).
– Thụ: là cảm nhận của con người mới với thế giới bên ngoài. Nói khác đi là các phản ứng tâm lý phát sinh khi mắt tiếp xúc với hình thể, tai tiếp xúc với âm thanh, v.v… ý tiếp xúc với ý tưởng.
– Ái: gọi đủ là ái dục hay khát ái, sự vướng mắc, yêu thích, tham luyến. “Chư Hiền, thế nào là ái, thế nào là tập khởi của ái, thế nào là đoạn diệt của ái, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của ái? Chư Hiền, có sáu loại này: sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái, pháp ái. Từ tập khởi của thọ, có tập của ái, từ đoạn diệt của thọ, có đoạn diệt của ái” (Thích Minh Châu dịch, 1992A, tr.121).
– Thủ: là điều cá nhân muốn chiếm lấy cho mình, gọi đủ là chấp thủ: sự kẹt vào, bám víu, đeo chặt của tâm thức vào đối tượng. “Chư Hiền, thế nào là thủ, thế nào là tập khởi của thủ, thế nào là đoạn diệt của thủ, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của thủ? Chư Hiền, có bốn thủ này: dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã luận thủ. Từ tập khởi của ái, có tập khởi của thủ; từ đoạn diệt của ái, có đoạn diệt của thủ”. (Thích Minh Châu dịch, 1992A, tr.120).
– Hữu: là toàn bộ những gì ta gọi là tồn tại, sự sống, thế giới. “Chư Hiền, thế nào là hữu, thế nào là tập khởi của hữu, thế nào là đoạn diệt của hữu, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của hữu? Chư Hiền, có ba hữu này: dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu. Từ tập khởi của thủ, có tập khởi của hữu; từ đoạn diệt của thủ có đoạn diệt của hữu và Thánh Đạo Tám Ngành này là con đường đưa đến đoạn diệt của hữu”. (Thích Minh Châu dịch, 1992A, tr.119).
– Sinh: là sự có mặt, hiện diện của con người, là cuộc sống hàng ngày bao gồm dục là tham ái và lòng ham muốn. “Chư Hiền, thế nào là sanh, thế nào là tập khởi của sanh, thế nào là đoạn diệt của sanh, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của sanh? Thuộc bất kỳ hữu tình giới nào, trong từng mỗi loại hữu tình, sự sanh, hiện khởi, xuất hiện, hiện diện, hiện hành các uẩn, tụ đắc các xứ; Chư Hiền, như vậy gọi là sanh. Từ sự tập khởi của hữu có sự tập khởi của sanh, từ sự đoạn diệt của hữu, có sự đoạn diệt của sanh” (Thích Minh Châu dịch, 1992A, tr.118).
– Lão, tử: già và chết. Tức sự suy nhược, tàn lụi, tuổi thọ lớn, tan rã, tiêu mất, tử vong. Với sinh mạng con người, lão tử được biểu hiện dưới các hiện tượng: răng long, tóc bạc, da nhăn, các cơ quan tri giác suy yếu và chết.
Trong mười hai chi phần nhân duyên trên, mỗi chi phần vừa là nhân, vừa là quả. Nghĩa là nó vừa được tác thành bởi một nhân, nhưng đồng thời nó cũng chính là nhân hay điều kiện cho các thành tố còn lại. Khi mười hai chi phần nhân duyên sinh khởi đồng nghĩa với sự sinh khởi của khổ uẩn và khi mười hai chi phần nhân duyên diệt đồng nghĩa với sự đoạn diệt của khổ uẩn. Đây là nguyên lý sinh khởi và đoạn diệt của con người và vạn vật. Mười hai chi phần này mang tính tương đối và phụ thuộc lẫn nhau để tồn tại, không có cái gì gọi là tuyệt đối hay độc lập. Nó cũng không do bất cứ ai sáng tạo hay cũng không phải là sản phẩm của bất cứ một đấng siêu nhiên, thần thánh nào.
1.3 Diệt đế
Phật quan niệm, nỗi khổ con người có thể tiêu diệt được nếu con người thực hiện đúng Đạo đế để đạt đến Niết bàn. Niết bàn chính là mục tiêu cuối cùng của đời sống phạm hạnh.
Niết bàn: tiếng Pàli là Nibbàna. Học giả Đoàn Trung Còn giải thích: niết bàn là “cảnh trí của nhà tu hành dứt sạch các phiền não và tự biết rằng mình chẳng còn luyến ái” và theo lối chiết tự thì: “Niết (Nib): ra khỏi, Bàn hay bàna: rừng, tức là ra khỏi cảnh rừng mê tối, rừng phiền não”. Pháp sư Huyền Trang chiết tự Niết bàn – Nirvana (Sanskrit) như sau: (i) Nir: ra khỏi, ly khai; vana: con đường vòng vèo, quanh quẩn, đổi thay. Nirvana là ly khai con đường quanh quẩn, chuyển dịch (bứt vòng sinh tử luân hồi); (ii) Nir: không; vana: hôi tanh, dơ bẩn, Nirvana là không hôi tanh, dơ bẩn (thanh tịnh, trong sạch); (iii) Nir: xa lìa, đào thải; vana: rừng rậm, Nirvana là xa lìa rừng rậm (đào thải những phiền tạp của đời sống). Mặc dù, các cách hiểu này không đồng nhất, song đều có chung một nghĩa căn bản: niết bàn là sự đoạn trừ dục vọng, xa lìa chấp trước, không còn phiền não, dứt hết nghiệp báo luân hồi. “Này Thiên chủ, một cách tóm tắt, đến mức độ như vậy, một Tỷ-kheo ái tận giải thoát, cứu cánh thành tựu, cứu cánh an ổn, khỏi các khổ ách, cứu cánh phạm hạnh, cứu cánh viên mãn, bậc tối thắng giữa chư Thiên và loài Người” (Thích Minh Châu dịch, 1992A, tr.554). Như vậy, niết bàn trong Phật giáo không phải là một cõi cực lạc có vị trí không gian, thời gian như thiên đường của Thiên Chúa giáo, mà là một trạng thái tâm linh hoàn toàn thanh thản, yên tĩnh, sáng suốt, không vọng động, dứt sạch ái dục, xoá bỏ vô minh, chấm dứt mọi khổ đau, phiền não, thấy rõ tất cả thực tánh của con người và vạn hữu, không còn tái sanh trong sanh tử luân hồi.
1.4 Đạo đế (Bát Chánh Đạo)
Bát chánh đạo là con đường tám nhánh để giải thoát khỏi khổ đau. Bát chánh đạo chính là giáo lý căn bản của “đạo đế” (trong tứ đế) gồm ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Ðây là con đường độc nhất đi vào giải thoát hết thảy các lậu hoặc. Người thực hành có thể đi vào giải thoát bằng ngõ bảy giác chi, bốn niệm xứ…, nhưng tất cả những ngõ đường ấy đều được bao hàm trong Bát chánh đạo: chánh kiến (cái nhìn đúng đắn), chánh tư duy (suy nghĩ chân chánh), chánh ngữ (lời nói chân chánh), chánh nghiệp (hành động chân chánh), chánh mạng (nghề nghiệp chân chánh), chánh tinh tấn (siêng năng, tinh cần đúng mức), chánh niệm (tưởng nhớ đúng đắn), và chánh định (sự tập trung đúng đắn). Phật dạy: “Từ tập khởi của vô minh có tập khởi của lậu hoặc; từ đoạn diệt của vô minh có đoạn diệt của lậu hoặc và thánh đạo tám ngành này là con đường đưa đến đoạn diệt của lậu hoặc, tức là: chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định” (Thích Minh Châu dịch, 1992A, tr.128).
2. Con đường đạt đến hạnh phúc cho con người
Để đạt đến hạnh phúc và giải thoát cho con người, Phật quan niệm, ngoài con đường Bát chánh đạo đã nêu trên, con người cần tạo nếp sống hòa hợp. Nếp sống đó có thể gói gọn trong sáu pháp sau như lời Phật dạy: “Này các Tỷ-kheo, có sáu pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến vô tranh luận, hòa hợp, nhất trí” (Thích Minh Châu dịch, 1992A, tr.704).
Theo kinh Trung bộ, sáu pháp hay Lục hòa cộng trụ được thể hiện trên sáu lĩnh vực và theo thứ tự như sau:
Thứ nhất, thân hoà đồng trụ: Nguyên tắc này có nghĩa là “hoà đồng trên nguyên tắc hành động”; mọi hoạt động, hành vi trong cộng đồng đệ tử đức Phật đều hợp nhất: đi cùng đi, ở cùng ở, ăn cùng ăn, làm cùng làm, nghỉ cùng nghỉ,… không lập dị kiểu cách, không phách lối quan liêu, biết hoà mình, đồng sự đối với mọi người, không sống đóng khung, cô lập, để rồi gây rạn nứt, sứt mẻ đối với những người cùng chung sống cả trước mặt lẫn sau lưng, để tạo thành mối tương thân, tương ái, tương kính và hoà hợp lẫn nhau.
Thứ hai, khẩu hoà vô tránh: Nguyên tắc này có nghĩa là “hoà đồng trên nguyên tắc ngôn luận”; luôn dùng lời ái ngữ dễ mến, tạo niềm tin yêu thật sự cho người nghe, không nói lời lọc lừa mà lời nói thành thật; không nói lời thêu dệt mà nói lời ngay thẳng; không nói lời hung ác mà nói lời từ ái; không nói lời gây chia rẽ và hận thù mà nói lời mang ý nghĩa xây dựng và hoà giải;…; không gây rạn nứt, sứt mẻ mối thâm giao tình cảm đối với những pháp lữ, đồng môn cả trước mặt lẫn sau lưng,… để tạo thành tương thân, tương ái, tương kính và hoà hợp lẫn nhau, nhất trí không tranh luận; nguyên tắc này được xem là bí quyết cho sự an lạc, hạnh phúc cho cá nhân và thịnh vượng cho tổ chức.
Thứ ba, ý hoà đồng duyệt: Nguyên tắc này có nghĩa là “hoà đồng trên nguyên tắc ý chí”. “Và lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo an trú từ ý nghiệp đối với các vị đồng Phạm hạnh, chỗ đông người và chỗ vắng người. Khả niệm pháp này tác thành khả ái, tác thành tôn kính, đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất” (Thích Minh Châu dịch, 1992B, tr.77).
Thứ tư, lợi hoà đồng huân: Nguyên tắc này có nghĩa là “hoà đồng trên nguyên tắc quyền lợi”. Đối với vật chất thuộc tứ sự, tức vật thực, y áo, thuốc men, chỗ ngủ nghỉ nhận được đúng pháp, hợp pháp; các vị tỳ-khưu san sẻ đồng đều đến các vị đồng phạm hạnh để tạo nên đời sống tương ái, tương kính; và nhất là xóa bỏ sự bất bình đẳng về lợi dưỡng.
Thứ năm, giới hòa đồng tu: Nguyên tắc này có nghĩa là “hoà đồng trên nguyên tắc kỷ luật”. Cộng đồng đệ tử đức Phật giữ gìn giới luật không để bị nhiễm ô, sứt mẻ đối với những người bạn đồng tu cả trước mặt lẫn sau lưng, để tạo thành tương thân, tương ái, tương kính và hoà hợp lẫn nhau.
Thứ sáu, kiến hoà đồng giải: Nguyên tắc này có nghĩa là “hoà đồng trên nguyên tắc nhận thức”; thành tựu mọi tri kiến, hợp nhất mọi nhận thức trong cộng đồng đệ tử đức Phật, không những nâng đỡ nhau về đời sống vật chất mà còn giúp nhau trong cuộc sống tinh thần về tri thức, tri kiến và hiểu biết.
Với sáu nguyên tắc chung sống hòa hợp trên, nguyên tắc nào cũng giữ một vai trò quan trọng nhất định giúp cộng đồng được an lạc hạnh phúc. Nhưng, theo Đức Phật “kiến hoà đồng giải” là nguyên tắc giềng mối cho các nguyên tắc còn lại: “Này các Tỷ-kheo, có sáu pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí. Này các Tỷ-kheo, trong sáu pháp cần phải ghi nhớ này, có một pháp tối thượng, thâu nhiếp tất cả, làm giềng mối cho tất cả, chính là tri kiến này, thuộc về bậc Thánh, có khả năng hướng thượng, khiến người thực hành chân chánh diệt tận khổ đau. Này các Tỷ-kheo, ví như một căn nhà có mái nhọn như ngọn tháp, có một pháp tối thượng, thâu nhiếp tất cả, làm giềng mối cho tất cả, chính là mái nhọn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong sáu pháp cần phải ghi nhớ này, có một pháp tối thượng khiến người thực hành chân chánh diệt tận khổ đau” (Thích Minh Châu dịch, 1992A, tr.705).
Nhìn chung, tinh thần Lục hoà là bí quyết của hành vi ứng xử cao thượng của một cá nhân, là một nếp sống đẹp để xây dựng đời sống cộng đồng. Sáu nguyên tắc sống hoà hợp này được xem như là bản hiến pháp đầu tiên trong Phật giáo, với tinh thần thỏa thuận chung rất cởi mở, tự do và ý thức. Thiết nghĩ, nguyên lý sống này không riêng gì nếp sống đạo mà nó thích ứng trong mọi gia đình, học đường và bất cứ hoạt động tổ chức xã hội nào.
Nếu sáu nguyên tắc chung sống hòa hợp áp dụng trong đời sống gia đình thì gia đình ấy được ấm êm, hạnh phúc; áp dụng trong đời sống tập thể, tổ chức nào thì tập thể, tổ chức ấy sẽ được lớn mạnh, hưng vượng, đoàn kết; áp dụng cho mỗi quốc gia, thì quốc gia, dân tộc ấy sẽ được giàu mạnh, văn minh, tiến bộ.
3. Giá trị của Tứ diệu đế
Tứ diệu đế hay là bốn chân lý vĩ đại của Phật giáo chính là bản chất để hợp thành học thuyết nhân sinh cứu đời. Đó là kết quả suy ngẫm và trải nghiệm thông qua thực tiễn cuộc sống của chính Phật tổ và sự đúc rút những suy tư về cuộc sống chúng sinh được tổng kết lại. Có thể coi mỗi một chân lý (Đế) của Phật giáo là một chủ đề lớn để nhân loại suy nghĩ, trải nghiệm để đúc rút cho thức tiễn sôi động không chỉ hôm qua, ngày nay và cả mai sau. Dĩ nhiên, thành tựu mà Phật giáo đã và đang để lại cho nhân loại không chỉ là Tứ diệu đế mà cả ở nhiều lĩnh vực khác nữa liên quan đến nhiều lĩnh vực mà nhân loại đang hướng tới như vấn đề chiến tranh, hòa bình; môi sinh, môi trường, v.v… và cả những vấn đề to lớn hơn như bản thể luận triết học về nguồn gốc thế giới và các loài. Vấn đề nhận thức luận và cả vấn đề tư tưởng biện chứng về thế giới mà ngày nay soi chiếu vào nghiên cứu nguồn gốc thế giới, các nhà khoa học đã nhận thấy Phật giáo có nhiều tư tưởng rất gần với khoa học hiện đại, nhất là Vật lý học. Điều này đã được nhiều học giả nổi tiếng bàn luận đến (Nguyễn Tường Bách, 2011). Tác giả nổi tiếng của thuyết tương đối E.Eintein, sớm thừa nhận: “Nếu có một tôn giáo nào đương đầu được với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo… Cây cầu Phật giáo đã kích thích con người khám phá những tiềm năng lớn lao nằm sâu kín trong chính con người và trong môi trường sống xung quanh. Phật giáo vượt thời gian và mãi mãi có giá trị” (Trần Hồng Liên, 2010, tr. 82).
Đặc biệt những phương thức quan sát và tìm hiểu thế giới đúng như nó có là nội dung chủ yếu của trường phái truyền thông hiện đại, truyền thông tỉnh thức, hầu như đã được Phật tổ thực thi từ rất lâu thời trước công nguyên. Ngày nay, nhìn thấy sự vật đúng như như thật và phản ánh sự kiện đúng như nó xảy ra là nguyên tắc cơ bản, gần như bất biến của truyền thông nhân bản hiện đại, truyền thông tỉnh thức. Xem lại lịch sử, có thể thấy phương pháp thấy sự việc đúng như thật (vipassana) đã được Đức Phật phát hiện từ hàng ngàn năm trước và sử dụng như phương pháp quan sát và tìm hiểu thế giới xung quanh. Điều này đã được nhiều học giả tên tuổi thế giới phát hiện và làm rõ hơn. Trong cuốn Báo chí trách nhiệm và đạo đức tin tức trong kỉ nguyên số – Một cách tiếp cận Phật giáo, các tác giả Shelton A. Gunaratne, Mark Pearson và Sugath Senarath coi lý thuyết báo chí tỉnh thức gắn liền với Tứ diệu đế trong Phật giáo. Hơn thế, các tác giả trên còn khẳng định: Báo chí tỉnh thức đòi hỏi nhà báo phải hiểu được lý do cho những khổ đau và hạn chế sử dụng nghề nghiệp của mình để gia tăng tham ái và chấp ngã. Và báo chí cần hướng tới mang lại hạnh phúc và hiểu biết chân thực cho mọi người. Mark Pearson, chuyên gia nghiên cứu về đạo đức truyền thông và truyền thông tỉnh thức, đề xuất sử dụng Bát chính đạo trong Phật giáo như khung quy chiếu đạo đức cho báo chí hiện đại. Theo ông, nhà báo cần thực hành chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tấn, chính niệm, chính định trong hoạt động nghề nghiệp hàng ngày của mình. Không chỉ có tác dụng chỉ dẫn hành vi mọi người, các nguyên tắc đạo đức này còn có giá trị định hướng nghề nghiệp của nhà báo. Hơn thế, theo ông trong hoạt động tìm kiếm và phản ánh sự thật, nhà báo cần có chính kiến đúng đắn, hành vi cư xử đúng mực, tránh gây tổn hại đến người khác cả về vật chất và tinh thần. Nhà báo là người có thể tạo ra những ảnh hưởng sâu sắc đến những người liên quan bằng ngôn ngữ của mình, nên cần chú ý thực hành chính ngữ. Truyền thông tỉnh thức là truyền thông vì mục đích tốt đẹp, biết nghĩa đến lợi ích của những người liên quan. Dù mục đích thông tin là chủ yếu, song nhà truyền thông cần đạt sự hài hòa giữa mục tiêu phản ánh và phục vụ lợi ích xã hội. Cách tiếp cận tỉnh thức không cho phép nhà truyền thông hy sinh mục tiêu lợi ích xã hội cho mục tiêu thông tin. Truyền thông tỉnh thức là cách tiếp cận mới nhưng không phải là chìa khóa vạn năng cho mọi vấn đề phức tạp của xã hội hiện nay nhưng ít ra nó cũng thắp lên hy vọng về một văn hóa truyền thông mới gắn liền với những giá trị đạo đức và minh triết căn bản nhất của con người. Trong bối cảnh tin tức giả, truyền thông giật gân, những phát ngôn gây bất hòa đã và đang sinh sôi trên môi trường truyền thông truyền thống và truyền thông xã hội, truyền thông tỉnh thức như là dòng nước mát lành làm giảm bớt căng thẳng và bức xúc trong xã hội (Vũ Thanh Vân, 2018). Một cách tiếp cận như vậy, dường như đã được Phật tổ tiên tri và thực hành từ hàng ngàn năm trước. Điều đó, một lần nữa cho thấy tầm nhìn xa và dự báo tương lai của Phật giáo và ý nghĩa lớn lao của đạo Phật. Phương Đông nói chung và Ấn Độ nói riêng đã để lại cho nhân loại nhiều tượng đài về đạo đức, Tứ diệu đế của Phật giáo lại xây dựng nên thứ tượng đài vĩ đại đi vào lòng người và có giá trị phổ quát không chỉ cho châu Á, châu Âu mà cả toàn nhân loại. Thực tiễn đã minh chứng, ngày nay Phật giáo được truyền bá rộng rãi đến nhiều nới trên thế giới, trong đó còn lan truyền đến cả các nước phương Tây, và cả nước Mỹ như là làn gió mới thổi vào xã hội thực dụng vật chất tưởng như đã lên ngôi và làm bá chủ xứ cờ hoa nơi đây. Thêm một lần nữa, điều đó chứng tỏ ý nghĩa đạo đức nhân sinh vì con người của Phật giáo mà cốt lõi nhất là Tứ diệu đế có sức lay động, lan tỏa sâu sắc như thế nào.
Tứ diệu đế với nhiều chân lý vĩ đại mà mỗi chân lý nêu phân tích mổ xẻ kĩ lưỡng sẽ rút ra nhiều điều bổ ích để răn dạy con người hướng tâm đến điều thiện, làm việc thiện vì lợi ích chung của cộng đồng, nhân loại. Tư tưởng về Ngũ giới có nhiều nội dung rất mới, góp phần giảm bớt chiến tranh, giết chóc, bảo tồn các giống sinh vật trên thế giới, một sinh quyển hòa đồng tương tác qua lại với trí quyển của con người và chỉ con người với trí tuệ trong sáng biết điều chỉnh hành vi của mình hướng về điều thiện là mục đích chung của cả nhân loại đã và đang hướng tới. Những điều không nên làm của Phật giáo góp phần hạn chế sự mâu thuẫn, thù hận và sự ham muốn thái quá của con người nhằm đích ngắm là cuộc sống hòa đồng, hòa bình cho tất cả. Và hơn hết, sự từ bỏ ngai vàng tương lai của Phật tổ, từ bỏ sung sướng riêng để tự rèn luyện gian khổ để tìm ra con đường diệt khổ cho chúng sinh là tấm gương chói sáng về việc giáo dục đạo đức cho toàn nhân loại. Một tấm gương sáng có giá trị hơn hàng triệu lời kêu gọi. Tấm gương sáng tỏ của Phật tổ đến cuộc đời trải nghiệm và học thuyết Tứ diệu đế của Người đã minh chứng sống động cho chân lý trên. Trước những biến động khôn lường của thế giới hiện nay, bạo động, chiến tranh, chết chóc, môi trường con người bị đe dọa, thiết tưởng việc nghiên cứu vấn đề này không những chỉ có ý nghĩa học thuật mà còn có gía trị thực tiễn sâu sắc, với mục đích giáo dục đạo đức hướng tới kêu gọi sự thức tỉnh trong mỗi con người trên thế giới nhằm hướng tới một xã hội yên bình, sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc, văn minh, ai cũng được học hành, đảm bảo tốt an sinh xã hội.
Tác giả bài viết: Tiến sĩ Triết học TRẦN HỒNG LƯU
(Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, Việt Nam)
Nguồn: Journal: Nghiên cứu Phật học, Volume: 2,
Issue: 2000, Pages: 80-91, Publisher: Hồng Đức
Trích dẫn tệp PDF từ: https://vbgh.vn/
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Nguyễn Tường Bách, 2011. Lưới trời ai dệt, Nhà xuất bản Trẻ. Bộ Giáo dục và đào tạo, 1999, Lịch sử triết học. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục. Thích Minh Châu (dịch) 1992A, Đại tạng kinh Việt Nam, Kinh Trung Bộ, Tập I, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành. Thích Minh Châu (dịch). 1992B). Đại tạng kinh Việt Nam, Kinh Trung Bộ, Tập III, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành. Thích Minh Châu (dịch). 2016A. Đại tạng kinh Việt Nam, Nam truyền – Kinh Tương Ưng Bộ, Tập I, Nxb Tôn giáo. Thích Minh Châu (dịch). 2016B. Đại tạng kinh Việt Nam, Nam truyền – Kinh Tương Ưng Bộ, Tập II, Nxb Tôn giáo. Trần Hồng Liên. 2010. Tìm hiểu chức năng xã hội của Phật giáo. Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Nguyễn Đăng Thục. 1991. Lịch sử triết học phương Đông, tập III, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh. Vũ Thanh Vân. 2018. “Truyền thông tỉnh thức: Cách tiếp cận hiện thực và nhân bản”, trong Hồ sơ Sự kiện, Chuyên san của Tạp chí Cộng sản, 377, 25.6, tr. 23-24. Nguyễn Hữu Vui chủ biên, 1998. Lịch sử triết học. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia.