DẪN NHẬP

Bầu Hậu Phật, lập Hậu Phật là hoạt động văn hóa trong sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo ở làng xã nước ta trước đây. Người gửi hậu Phật có thể là do hoàn cảnh, nhu cầu và mục đích khác nhau, nhưng tựu trung, hoạt động này phản ánh tâm linh, tư tưởng, tình cảm và sự tưởng nhớ đối với những người đã khuất. Văn bia hậu Phật xét dưới góc độ pháp lý là văn bản “giao kèo” mang tính đồng thuận và cho phép của cộng đồng làng xã đối với người được lập Hậu. Văn bia Hậu Phật ở Thanh Hóa là sản phẩm của tục lập Hậu, bầu Hậu, nếu xét từng cá thể đơn lẻ thì không có nhiều điều đáng nói, nhưng nếu nghiên cứu theo hệ thống sẽ cho chúng ta nhiều thông tin hữu ích. Trong nội dung bài viết, qua tìm hiểu 38 văn bia Hậu Phật trong tổng số khoảng 240 văn bia có nội dung gửi giỗ Phật, chúng tôi bước đầu giới thiệu một số vấn đề về nội dung, đặc điểm của thể loại văn bia này, cũng như tục bầu Hậu, lập Hậu ở các làng xã tỉnh Thanh Hóa xưa.

NHẬN DIỆN VĂN BIA HẬU PHẬT

Khái niệm và thể loại

Hai từ Hậu Phật (后佛,後佛,厚佛) tuy mang yếu tố gốc Hán nhưng lại viết theo cấu trúc tiếng Việt, xem trong các bộ từ điển của Việt Nam và Trung Quốc, thuật ngữ này không thấy được giải thích. Xuất phát từ nghĩa của hai từ “Hậu Phật” và nội dung văn bia có thể hiểu thuật ngữ này như sau: “Hậu Phật là những người được gửi giỗ thờ trong không gian thờ tự ở các ngôi chùa”, hay hiểu theo nghĩa khác là “Những người được gửi thờ sau Phật trong chùa”. Văn bia Ngọc Trà xã hậu Phật bi ký ghi: 后佛者,後於佛而歆人之供養也 Hậu Phật giả, hậu ư Phật nhi hâm nhân chi cúng dường dã (Hậu Phật tức là người đứng phía sau Phật mà hưởng sự cúng dường của người hâm mộ). Trong các nghiên cứu gần đây, có hai quan điểm về văn bia Hậu Phật: Quan điểm thứ nhất, cho rằng bia Hậu Phật để chỉ loại bia mà nội dung nhắc đến việc hậu Phật thông qua hoạt động mua Hậu, bầu Hậu, lập Hậu và được sự đồng thuận của nhân dân sở tại; quan điểm thứ hai cho rằng, Hậu Phật là để chỉ hoạt động gửi giỗ ở chùa nói chung.

Văn bia Hậu Phật bi ký chùa Tăng Phúc, phường Đông Cương, thành phố Thanh Hóa

Trong tổng số 240 văn bia có nội dung gửi giỗ, gửi Hậu ở Thanh Hóa mà chúng tôi tiếp cập, có 38 văn bia có tiêu đề “Hậu Phật”, số còn lại là “Ký kỵ” và tên gọi khác, ba loại này đều có đặc điểm chung là cung tiến một số tiền hoặc ruộng để gửi giỗ cho người thân hoặc bản thân ở chùa. Tuy nhiên giữa chúng có sự khác nhau khá rõ ràng, loại Hậu Phật phải xin phép và có sự đồng thuận, cam kết của cộng đồng dân cư sở tại, còn đối với loại Ký kỵ là gửi giỗ trực tiếp cho nhà chùa mà không cần thông qua cộng đồng dân cư. Như vậy, Hậu Phật và gửi giỗ về bản chất là giống nhau, còn về tính chất, mức độ là khác nhau. Trong nội dung nghiên cứu này, chúng tôi đề cập đến loại thứ nhất, là những trường hợp bầu Hậu Phật, lập Hậu Phật được sự đồng thuận và giao kết bằng văn bản của ba bên gồm: người gửi giỗ, cộng đồng dân cư sở tại và nhà chùa.

Tên gọi

Lâu nay đa số đều cho rằng văn bia gửi Hậu, gửi giỗ đều có nhan đề là “hậu Phật”, “ký kỵ”, “kỷ niệm” hoặc “vô đề”. Tuy nhiên khi khảo sát nội dung các văn bia dạng này ở Thanh Hóa chúng tôi nhận thấy có sự đa dạng trong việc đặt tên bia. Tiêu biểu có một số trường hợp đặt tên điển hình sau đây:

Văn bia 丁亥年造 Đinh Hợi niên tạo (Tạo bia năm Đinh Hợi, 1887) ghi: Bà Nguyễn Thị Nậu người thôn Tịnh Xá gửi hai giỗ vào chùa, có cung tiến tiền 60 quan, ruộng 6 sào, được ghi rõ dưới đây. Bản thôn quy định, mỗi kỳ giỗ sắm lễ gồm: Oản 30 cái để cúng Phật, 1 con gà, xôi 2 cân, vàng mã 100 tờ, trầu rượu đủ dùng [1].

Văn bia 上甲后忌 Thượng giáp hậu kỵ (Bia giỗ Hậu thôn Giáp), niên hiệu Tự Đức thứ 35 (1881) ghi: Bà Nguyễn Thị Nhiều và chồng là Lê Tháp Vinh lấy nhau đã lâu nhưng khó khăn trong việc có con nối dõi, người chồng đã mất, còn bà thủ tiết thờ chồng. Năm nay đã ngoài 62 tuổi rồi, tự suy nghĩa đến việc trăm năm thờ phụng hương hỏa, bèn bỏ ra 160 quan tiền cùng 4 mẫu 5 sào ruộng làm hậu kỵ cho hai vợ chồng. Các vị quan viên, chức sắc, kỳ lão trên dưới trong giáp Thượng, thôn Hương Bào Nội, xã Bố Vệ, tổng Bố Đức, huyện Đông Sơn đều chấp thuận, đồng ý cho tạc tượng đặt ở trong chùa [2].

Văn bia 寄忌佛寺碑記 Ký kỵ Phật tự bi ký (Bia ghi việc gửi giỗ vào chùa), niên hiệu Tự Đức thứ 14 (1861) có nội dung như sau: Ông Trần Văn Nghĩa và vợ là bà Phan Thị Triển là người đức độ trong làng, hay làm việc thiện. Nay ông bà cúng cho thôn Mật Sơn, xã Bố Vệ 100 quan tiền và 1 mẫu ruộng để xin gửi giỗ cho bàn thân. Quan viên, dân thôn chấp thuận và định lệ cúng giỗ về sau [3].

Văn bia 進供碑記 Tiến cúng bi ký, niên hiệu Thiệu Trị thứ 5 (1845) ghi: Các vị kỳ lão, chức sắc, lý dịch cùng mọi người trên dưới thuộc thôn Đông Sơn, xã Đông Sơn, tổng Thọ Hạc, huyện Đông Sơn có việc trùng tu chùa thờ Phật. Nay trong thôn có bà Lê Thị Ninh, hằng tâm tiến cúng tiền 30 đồng và 2 sào ruộng tại xứ Đồng Nạp. Bản thôn nhất trí cho khắc họ tên vợ chồng bà vào bia đá, đặt tại bên phải chùa, từ nay về sau, mỗi khi đến ngày rằm, dâng cúng lễ vật theo đúng nghi tiết, giao cho các sư tăng của bản chùa biện lễ, mãi được hưởng ân này [4].

Như vậy, trong việc xác định loại hình văn bia hậu Phật không thể chỉ căn cứ vào hai chữ “Hậu Phật” ở phần tên bia, mà phải căn cứ vào nội dung văn bia, bởi những cách đặt tên như trình bày ở trên mang tính phổ biến trong thể loại văn bia Hậu Phật ở Thanh Hóa.

Bố cục nội dung

Về bố cục nội dung, thông thường văn bia Hậu Phật có 5 phần: Phần thứ nhất là tên bia; phần thứ hai là bài ký ghi địa chỉ họ tên, quê quán, công trạng của người gửi Hậu; phần thứ ba, ghi tên húy, hiệu, ngày giỗ của người được gửi Hậu; phần thứ tư, ghi các quy định về phẩm vật, nghi thức trong cúng Hậu, phần thứ năm, ghi các thông tin về chức sắc địa phương đã ký xác nhận, ngày tháng năm dựng bia, người soạn, người viết, người khắc. Tuy nhiên, trong thực tế bố cục nội dung bia Hậu Phật thường mang tính linh hoạt. Như trường hợp văn bia 后佛碑記 Hậu Phật bi ký chùa Sùng Nghiêm (phường Tào Xuyên, thành phố Thanh Hóa), niên hiệu Cảnh Hưng 19 (1758), mặt trước ghi tên người được gửi Hậu còn mặt sau ghi bài ký và những nội dung khác theo bố cục chung [5]. Trường hợp văn bia 無題 Vô đề chùa Cảnh Tiên, xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân, không có phần nêu công trạng, không có lời cam kết về việc cúng giỗ, thậm chí không ghi niên đại, chỉ có thông tin về họ tên, ngày giỗ của người được gửi giỗ [6].

Các văn bia Hậu Phật thời Lê Trung Hưng đa số là những tấm bia lớn có số lượng từ 500 – 800 chữ, viết cầu kỳ theo bố cục, trong đó chú trọng ở bài ký kể về thân thế, ca ngợi công trạng, đức hạnh của người được gửi Hậu. Các văn bia thời Nguyễn thường có bài ký ngắn gọn trong khoảng 250 – 400 chữ, bài ký viết ngắn gọn về người được gửi giỗ, chỉ chú trọng ở nguyên nhân gửi giỗ và số tiền, ruộng đất cung tiến.

Đặc điểm hình thức

Qua khảo sát, văn bia Hậu Phật tỉnh Thanh Hóa đa dạng về kích cỡ, không theo quy cách hoặc tiêu chí cố định. Về cơ bản, kích thước văn bia và hình thức trang trí phụ thuộc vào địa vị xã hội, phụ thuộc vào số tiền và ruộng đất mà người được gửi Hậu đã cung tiến cho làng xã, cho chùa. Các văn bia thời Lê Trung Hưng thường có kích cỡ lớn, trang trí cầu kỳ, các họa tiết truyền thống như rồng chầu mặt trời, mặt nguyệt trên trán, diềm bia hoa hoa lá, sóng nước. Bia Hậu ở thời Nguyễn thường có kích cỡ nhỏ, giản lược hình thức, nhiều bia không có trang trí hoặc trang trí đơn giản. Nhìn chung, về hình thức trang trí, văn bia Hậu Phật tỉnh Thanh Hóa với 3 mô típ chủ yếu sau:

– Trán bia trang trí Rồng chầu nhật, chầu nguyệt, diềm bia trang trí hoa lá đơn giản.

– Chỉ có hình mặt trời ở trán bia, diềm bia để trơn hoặc trang trí đơn giản.

– Không có trán bia, diềm bia không trang trí.

NỘI DUNG PHẢN ÁNH CỦA VĂN BIA HẬU PHẬT

Đối tượng được bầu và tham gia hoạt động bầu Hậu, lập Hậu

Nghiên cứu văn bia Hậu Phật Thanh Hóa có thể thấy đối tượng được bầu Hậu, lập Hậu phải có điều kiện nhất định. Từ những thông tin trong nội dung văn bia, có thể hình dung khái quát việc bầu Hậu, lập Hậu như sau: Điều kiện để được bầu Hậu, lập Hậu là phải đóng góp một số tiền và ruộng đất nhất định cho làng xã, cho chùa hoặc có công lớn với làng nước. Trên cơ sở đó, các vị chức sắc, nhân dân, nhà sư đại diện cho chùa họp lại để bàn bạc. Sau khi thống nhất, bên tổ chức bầu Hậu có văn bản cam kết thực hiện, trong văn bản cam kết ghi rõ số tiền, ruộng đất của người xin bầu Hậu cung tiến; ghi rõ tên tuổi, ngày giỗ của người được lập Hậu; phẩm vật cúng tế cùng nghi thức cúng tế. Sau khi văn bản lập xong, các vị chức dịch đại diện cho cộng đồng làng xã ký vào văn bản cam kết. Người cung tiến phải có trách nhiệm bàn giao lại cho làng xã hoặc cho chùa các văn tự, khế ước, khoán ước liên quan đến quyền sử dụng đất đai đã cúng tiến. Tất cả những nội dung cam kết sẽ được khắc ghi vào bia đá.

Tuy nhiên, có rất nhiều văn bia thể hiện việc lập Hậu chỉ có sự tham gia cam kết giữa đối tượng gửi Hậu và sư trụ trì chùa mà không có sự tham gia của bộ phận chức sắc làng xã. Từ nội dung văn bia cho biết, giai đoạn Lê Trung Hưng, nhà chùa thường đứng ra cam kết với người xin bầu Hậu Phật, đời Nguyễn thường là các vị chức sắc, quan viên, hương lão trong làng xã đứng ra cam kết với người xin bầu Hậu Phật.

Những người xin bầu Hậu không chỉ là người trong làng xã mà còn có những người ở địa phương khác. Như trường hợp văn bia 后佛碑記 Hậu Phật bi ký ghi: Tín chủ Lê Thị Giang ở xã Đức Trai, tổng Cốc Xá thành tâm góp công đức vào chùa Quảng Phúc (xã Quảng Thi, tổng Quảng An) số tiền 20 đồng và 1 sào ruộng ở xứ Ngã Tư để xin hậu Phật cho bản thân.

Đặc biệt, có trường hợp sư trụ trì chùa gửi giỗ cho tiên linh ngay tại ngôi chùa mình trụ trì như trường hợp văn bia 后佛碑記 Hậu Phật bi ký chùa Tăng Phúc, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 36 (1775) ghi: Nay, sư trụ trì chùa Tăng Phúc ở thôn Ngọc Sơn, xã Đông Sơn, huyện Đông Sơn giữ chức Tăng phó Tăng lục ti là Lê quý công, tên tự là Tính Vạn có 2 mẫu 6 sào ruộng cúng về Tam bảo để làm Hậu Phật lưu lại cho đời sau. Tăng của chùa đảm nhiệm canh tác để làm hương hỏa vào ngày giỗ chạp chư Phật, sau là cúng các chân linh cùng tổ tiên [7]. Văn bia 后忌碑記 Hậu kỵ bi ký ghi việc vị Bang trưởng người nước Thanh (Trung Quốc) cùng con trai, con gái, con rể cúng tiền văn 100 quan tiền văn và 8 sào ruộng để gửi hậu cha mẹ vợ ở chùa Bạch Hạc thôn Tịnh Xá [8]. Văn bia 立佛寺香火留傳碑 Lập Phật tự hương hỏa lưu truyền bi  tạo dựng năm Cảnh Trị thứ 6 (1669) ghi việc cộng đồng làng xã đứng ra bầu Hậu như sau: Vậy nên, trên dưới trong xã cùng nhau bàn bạc, tôn thờ ông làm tướng của nhà Phật. Việc này để thấy rằng: Trời hậu đãi công bằng, Phật độ người có duyên. Hương hỏa phụng thờ cùng đất trời không thôi, mãi mãi lâu dài. Điều lành nhiều như cát sông khôn lường, lớn lao muôn vàn. Cho nên khắc vào bia đá để ghi công, để tụng đức, để lưu truyền mãi mãi [9].

Có thể thấy, tham gia vào việc gửi Hậu gồm nhiều thành phần khác nhau, từ những người có địa vị xã hội, các sư chùa, thường dân, người nước ngoài cư trú ở trên địa bàn cho đến cộng đồng dân cư đều có thể tham gia hoạt động này, miễn là họ có thể đáp ứng được các điều kiện về vật chất, đức hạnh hoặc công trạng. Trong đó, nữ giới là đối tượng tích cực tham gia vào hoạt động bầu Hậu, lập Hậu hơn so với nam giới. Thống kê 38 văn bia Hậu Phật cho số liệu đối tượng tham gia hoạt động bầu Hậu như sau: Nữ 18 bia chiếm 47%, nam 6 bia chiếm 15%, nam – nữ 9 bia chiếm 23,5%, làng xã 5 chiếm 13%, có sự tham gia trực tiếp của nữ 27 bia chiếm 71%. Thống kê trên chứng tỏ vai trò chủ đạo của người phụ nữ trong hoạt động bầu Hậu, lập Hậu và gửi giỗ.

Hình ảnh về “xã hội hóa” trong hoạt động xây dựng làng xã, xây dựng chùa chiền 

Nội dung của 38 văn bia cho biết, người được lập Hậu là đối tượng có một trong hai tiêu chí chính sau: Đóng góp tiền, ruộng đất cho làng xã để phục vụ cho việc xây dựng chùa chiền và dân sinh hoặc có nhiều công lao với đất nước với làng xã. Đối với tiêu chí thứ nhất, đây là một dạng ghi nhận công đức của người cúng tiến ở mức độ cao nhất, vì không dừng lại ở việc ghi nhận công đức, lập Hậu Phật mang ý nghĩa tinh thần, người được lập Hậu Phật không chỉ lưu danh mà còn được thờ cúng mãi mãi. Đối với tiêu chí thứ hai, đó là sự hâm mộ, ghi nhận công lao của người đã mất nên cộng đồng dân cư họp bàn và thống nhất lập Hậu Phật cho họ. Điển hình như trường hợp văn bia 無題 Vô đề chùa Tây Xương thôn Vinh Quang, xã Thịnh Trị, huyện Đông Sơn ghi: Vào văn Bính Tuất (tháng 11 năm 1924) dân thôn Thịnh Trị có 5 người chết vì việc nghĩa. Quan viên, dân thôn lập nơi thờ các vị này ở cạnh chùa Tây Xương, hàng năm vào các lễ cầu phúc đều tổ chức rất chu đáo [10]. Đối tượng được lập Hậu này không có đóng góp về vật chất nhưng lại có đóng góp về giá trị tinh thần. Đây là một trong những nét đẹp văn hóa nơi cộng đồng làng xã, thể hiện sự tri ân, kính trọng đối với người vì nghĩa lớn mà quên thân.

Phẩm vật cúng lễ Hậu Phật

Các định lệ về nghi thức, phẩm vật cúng được quy định rõ trong văn bia Hậu Phật, những định lệ này được giao ước cụ thể giữa người lập Hậu và quan viên chức sắc cũng như sư trụ trì trong chùa. Thông thường người gửi Hậu hàng năm được hưởng hai nghi thức cúng là cúng giỗ và cúng vào ngày sóc vọng trong năm. Khi đó, làng xã hoặc nhà chùa phải chuẩn bị đầy đủ phẩm vật cúng tế như trong giao kết, những vật phẩm cho lễ cúng thường dùng có xôi, oản, hoa quả, trầu cau, vàng mã, đèn hương, cỗ chay, cỗ mặn. Văn bia 厚忌碑記 Hậu kỵ bi ký chùa Bạch Hạc, niên hiệu Tự Đức thứ 36 (1883) ghi: Nay gửi giỗ cha mẹ vợ ở chùa Bạch Hạc trong thôn [Tịnh Xá], có tiền văn 100 quan, ruộng 8 sào. Ước định mỗi kỳ giỗ dâng lễ cúng Phật gồm 30 cái oản cùng quả, trầu, vàng mã. Lễ dâng cúng giỗ gồm 2 cân xôi, gà 1 con, vàng tiền, trầu rượu đầy đủ [11]. Văn bia 厚忌碑誌 Hậu kỵ bi chí chùa Thôn Quảng Nạp xã, An Hoạch, huyện Đông Sơn, dựng năm Gia Long thứ 15 (1816) ghi: Lão nhiêu Ngô Viết Lỗ và vợ Nguyễn Thị Bản sau này trăm tuổi tạ thế, ngày mất của họ bản thôn chuẩn bị lễ gồm: lợn một con, xôi 1 mâm, lễ xong chia đều khắp thôn. Đến ngày giỗ bản thôn mỗi lần làm giỗ lễ gồm có: Lợn 1 con, xôi 1 mâm, vàng mã 1000 tờ cùng trầu rượu, mang đến từ đường làm lễ giỗ, lễ xong biếu tộc trưởng 1 đùi, còn lại chia đều trong thôn. Mỗi năm đến sáng mồng 1 tết, bản thôn đem vàng mã 1000 tờ, trầu rượu đến từ đường dâng lễ. Mỗi năm đến các lễ tế xuân, kỳ phúc, thường tân, tế thần thì bản thôn làm một mâm đồ ăn chín đem đến từ đường dâng lễ, lễ xong chia đều trong thôn. Phẩm vật cúng lễ lớn hay nhỏ, nhiều hay ít, số lượng như thế nào đều tùy thuộc vào mức độ góp của Hậu cho làng xã, cho chùa. Chuẩn bị cỗ cúng cũng tùy theo giao ước từ trước, có thể do nhà chùa hoặc làng xã đứng ra lo liệu.

Thay lời kết

Lệ bầu Hậu, gửi Hậu là nét đẹp văn hóa mang đậm đạo lý uống nước nhớ nguồn và tinh thần Phật giáo nơi làng xã Việt Nam xưa, thể hiện ước vọng cầu mong cho chân linh của tiên linh gia đình mình được nương tựa nơi cửa Phật, được siêu sinh chốn cực lạc. Từ đó, người thân của các hậu cũng được hướng theo tinh thần của Phật pháp. Mỹ tục bầu Hậu gắn liền với Phật giáo, kết hợp với văn hóa bản địa tạo nên một hệ văn hóa tín ngưỡng riêng, mang đặc điểm thân cận, gần gũi với tầng lớp bình dân trong cộng đồng làng xã. Bên cạnh đó, mỹ tục bầu Hậu Phật thể hiện chính sách “xã hội hóa” trong đóng góp tịnh tài tịnh vật để tu bổ và xây mới các công trình văn hóa tại địa phương, góp phần bảo lưu, bảo tồn các giá trị văn hóa mà tiêu biểu là các giá trị vật chất và tinh thần của Phật giáo.

Cũng bởi thế, văn bia Hậu Phật trở một di sản văn hóa thành văn độc đáo của riêng dân tộc Việt Nam ta. Nghiên cứu, bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị của chúng là góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.

Tác giả: ThS. Vũ Ngọc Định – Ths khoa Khoa học Xã hội, Trường Đại học Hồng Đức.


Chú thích:

[1] Tên địa danh trong bài viết được giữ nguyên theo văn bia.

[2] Nguồn: Tổng tập thác bản Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, tập 9, ký hiệu thác bản 16597.

[3] Nguồn: Tổng tập thác bản Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, tập 9, ký hiệu thác bản 16267.

[4] [5] [7] [8] [10] [11] Nguồn: Sưu tầm.

[6] Nguồn: Tổng tập thác bản Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, tập 9, ký hiệu thác bản 17888.

[9] Nguồn: Tổng tập thác bản Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, tập 9, ký hiệu thác bản 1916.

 

Tài liệu tham khảo:

[1] Phạm Thị Thùy Vinh (2003), Văn bia thời Lê xứ Kinh Bắc và sự phản ánh sinh hoạt làng xã, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
[2] TS. Mai Hồng (2003), Tục bầu hậu Thần, hậu Phật qua một số tấm bia ở một làng quê Thái Bình, Thông báo Hán Nôm học, tr.270-277.
[3] Trần Thị Kim Anh (2004), Bia Hậu Việt Nam, Tạp chí Hán Nôm, số 3 (64).
[4] Trịnh Khắc Mạnh (2008), Một số nhận xét về đặc điểm, hình thức bia Việt Nam, Tạp chí Hán Nôm, số 1.
[5] Lê Văn Cường (2019), Tìm hiểu Văn bia Hậu thời Tây Sơn, Luận văn Thạc sĩ Hán Nôm, Đại học Quốc gia Hà Nội.
[6] Viện Cao học thực hành, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (2009), Tổng tập thác bản Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
[7] TS. Lê Văn Cường (2022), Mỹ tục bầu Hậu Phật trong văn hóa tín ngưỡng làng xã Việt Nam thời trung đại, Tạp chí Văn học Nghệ thuật, số 500.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Triết học cho giáo dục gia trong thế giới cuồng loạn
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viếtDẪN NHẬPNHẬN DIỆN VĂN BIA HẬU PHẬTKhái niệm và thể loạiTên gọiBố cục nội dungĐặc điểm hình thứcNỘI DUNG PHẢN ÁNH CỦA VĂN BIA HẬU PHẬTThay lời kết “Chúng ta đang thiếu tinh thần công cộng và lòng ái quốc chân chánh ngay bây giờ. Chúng ta còn đang mưu cầu lợi...

Ngài Thế Thân: Cuộc đời, Tác phẩm, Duy Thức, và Những tranh luận
Lịch sử, Nghiên cứu

Mục lục bài viếtDẪN NHẬPNHẬN DIỆN VĂN BIA HẬU PHẬTKhái niệm và thể loạiTên gọiBố cục nội dungĐặc điểm hình thứcNỘI DUNG PHẢN ÁNH CỦA VĂN BIA HẬU PHẬTThay lời kết Ngài Thế Thân (thế kỷ thứ 4 sau Tây Lịch) được đánh dấu niên đại ở vào thời cực thịnh của triều đại Gupta...

Thiền Trúc Lâm Yên Tử – Dòng thiền Việt Nam
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viếtDẪN NHẬPNHẬN DIỆN VĂN BIA HẬU PHẬTKhái niệm và thể loạiTên gọiBố cục nội dungĐặc điểm hình thứcNỘI DUNG PHẢN ÁNH CỦA VĂN BIA HẬU PHẬTThay lời kết Xuất phát từ dân tộc Việt, với đặc thù riêng, không như các thiền phái khác, thiền Trúc Lâm Yên Tử là dòng thiền...

Vua Phật Việt Nam
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viếtDẪN NHẬPNHẬN DIỆN VĂN BIA HẬU PHẬTKhái niệm và thể loạiTên gọiBố cục nội dungĐặc điểm hình thứcNỘI DUNG PHẢN ÁNH CỦA VĂN BIA HẬU PHẬTThay lời kết (Đề tài tham luận Hội thảo: “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Thiền phái Trúc Lâm” Do trường Đại Học...

Khảo sát về nguồn gốc của nghi lễ tấn hương
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viếtDẪN NHẬPNHẬN DIỆN VĂN BIA HẬU PHẬTKhái niệm và thể loạiTên gọiBố cục nội dungĐặc điểm hình thứcNỘI DUNG PHẢN ÁNH CỦA VĂN BIA HẬU PHẬTThay lời kết Tập tục tấn hương qua các mục thảo luận trên chúng ta thấy có rất nhiều thuyết khác nhau, nhưng rõ và gần nhất...

Vài điều liên hệ trong sự nghiệp của Đại sư Thiện Hoa ở Việt Nam và Đại sư Huyền Trang ở Trung Hoa
Lịch sử, Nghiên cứu

Mục lục bài viếtDẪN NHẬPNHẬN DIỆN VĂN BIA HẬU PHẬTKhái niệm và thể loạiTên gọiBố cục nội dungĐặc điểm hình thứcNỘI DUNG PHẢN ÁNH CỦA VĂN BIA HẬU PHẬTThay lời kết Mỗi dân tộc, tôn giáo trong từng giai đoạn lịch sử đều có những bậc vĩ nhân. Có thể tiêu chí về bậc vĩ...

Chuyện vua Minh Mạng với những lần ghé chùa Thiên Mụ
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viếtDẪN NHẬPNHẬN DIỆN VĂN BIA HẬU PHẬTKhái niệm và thể loạiTên gọiBố cục nội dungĐặc điểm hình thứcNỘI DUNG PHẢN ÁNH CỦA VĂN BIA HẬU PHẬTThay lời kết Minh Mạng là vị vua thứ hai của vương triều Nguyễn, giữ ngôi từ năm 1820 đến năm 1840. Ông nổi tiếng thông minh...

Sơ lược truyền thừa phái Ni dòng Lâm Tế miền Bắc
Lịch sử, Nghiên cứu

Mục lục bài viếtDẪN NHẬPNHẬN DIỆN VĂN BIA HẬU PHẬTKhái niệm và thể loạiTên gọiBố cục nội dungĐặc điểm hình thứcNỘI DUNG PHẢN ÁNH CỦA VĂN BIA HẬU PHẬTThay lời kết Ghi chép truyền thừa về Ni giới ở ta thời xưa, cách ghi chép ngắn gọn, thường ghi các đời trụ trì một ngôi...

Động và tĩnh – Triết lý sống trong bài thơ “Dụng chân tâm” của Trần Thánh Tông
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viếtDẪN NHẬPNHẬN DIỆN VĂN BIA HẬU PHẬTKhái niệm và thể loạiTên gọiBố cục nội dungĐặc điểm hình thứcNỘI DUNG PHẢN ÁNH CỦA VĂN BIA HẬU PHẬTThay lời kết Dụng chân tâm không chỉ đơn thuần là một bài thơ thiền sâu sắc mà còn là một lời nhắc nhở giản dị về...

Giới thuyết về Thiền uyển tập anh
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viếtDẪN NHẬPNHẬN DIỆN VĂN BIA HẬU PHẬTKhái niệm và thể loạiTên gọiBố cục nội dungĐặc điểm hình thứcNỘI DUNG PHẢN ÁNH CỦA VĂN BIA HẬU PHẬTThay lời kết Trích yếu: Thiền uyển tập anh là bộ sử Phật giáo quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Thiền uyển tập anh tập hợp các...

Cuộc đời Tôn giả Rahula qua Kinh tạng Nikaya
Lịch sử, Nghiên cứu

Mục lục bài viếtDẪN NHẬPNHẬN DIỆN VĂN BIA HẬU PHẬTKhái niệm và thể loạiTên gọiBố cục nội dungĐặc điểm hình thứcNỘI DUNG PHẢN ÁNH CỦA VĂN BIA HẬU PHẬTThay lời kết Thế Tôn dạy cho Rahula phải biết quán xét, suy ngẫm tường tận điều nào đưa đến tự hại, hại người, hại cả hai...

Ảnh hưởng của Phật giáo thời Lý đến các lĩnh vực giáo dục, văn học và phong tục tập quán của người Việt
Lịch sử, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viếtDẪN NHẬPNHẬN DIỆN VĂN BIA HẬU PHẬTKhái niệm và thể loạiTên gọiBố cục nội dungĐặc điểm hình thứcNỘI DUNG PHẢN ÁNH CỦA VĂN BIA HẬU PHẬTThay lời kết Phật giáo thời Lý có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các lĩnh vực giáo dục, văn học và phong tục tập quán của người...

Chính quyền Chúa Nguyễn với các ngôi chùa Sắc tứ ở Đàng Trong (giai đoạn 1558-1777)
Lịch sử, Nghiên cứu

Mục lục bài viếtDẪN NHẬPNHẬN DIỆN VĂN BIA HẬU PHẬTKhái niệm và thể loạiTên gọiBố cục nội dungĐặc điểm hình thứcNỘI DUNG PHẢN ÁNH CỦA VĂN BIA HẬU PHẬTThay lời kết Các chùa sắc tứ luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của chính quyền chúa Nguyễn, mặt khác, thông qua các hoạt động...

Đi tìm cơ sở truyền thừa của Ni giới tại Việt Nam qua thư tịch Hán cổ
Lịch sử, Nghiên cứu

Mục lục bài viếtDẪN NHẬPNHẬN DIỆN VĂN BIA HẬU PHẬTKhái niệm và thể loạiTên gọiBố cục nội dungĐặc điểm hình thứcNỘI DUNG PHẢN ÁNH CỦA VĂN BIA HẬU PHẬTThay lời kết Lịch sử truyền thừa của Ni giới ở một số bộ phái Phật giáo nói chung mãi đến hôm nay vẫn còn nhiều vấn...

Hai bảo vật quốc gia ở chùa Sùng Khánh và chùa Bình Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viếtDẪN NHẬPNHẬN DIỆN VĂN BIA HẬU PHẬTKhái niệm và thể loạiTên gọiBố cục nội dungĐặc điểm hình thứcNỘI DUNG PHẢN ÁNH CỦA VĂN BIA HẬU PHẬTThay lời kết Vị Xuyên – Hà Giang không chỉ nổi tiếng về phong cảnh thiên nhiên phong phú, nhiều phong tục tập quán, văn hóa truyền thống và...

Chủ nghĩa Platon và giáo lý đạo Phật
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viếtDẪN NHẬPNHẬN DIỆN VĂN BIA HẬU PHẬTKhái niệm và thể loạiTên gọiBố cục nội dungĐặc điểm hình thứcNỘI DUNG PHẢN ÁNH CỦA VĂN BIA HẬU PHẬTThay lời kết Thời đó, khoa học chưa phát triển, máy móc còn thô sơ nhưng họ hướng tới sự tìm tòi thế giới, bản tính con...

Ads Blocker Image Powered by Code Help Pro

Đã phát hiện trình chặn quảng cáo!!!

Chúng tôi đã phát hiện thấy bạn đang sử dụng tiện ích mở rộng để chặn quảng cáo. Vui lòng hỗ trợ chúng tôi bằng cách vô hiệu hóa các trình chặn quảng cáo này.