Sự phát triển của kinh tế hôm nay và sự bình ổn của xã hội, sự an toàn của môi trường trong tương lai không thể tách rời nhau, có mối quan hệ hỗ tương cho nhau
A. Dẫn nhập
Kinh doanh nhằm tạo ra lợi nhuận, nhưng kinh doanh như thế nào để tạo ra những giá trị hữu ích cho bản thân, gia đình và cả cộng đồng thì mô thức kinh doanh đó phải đặt trên nền tảng của đạo đức. Khác với các nhà kinh doanh thị trường cho rằng sản xuất tối đa để gia tăng tối ưu lợi nhuận và tiêu thụ tối đa để thỏa mãn dục vọng, xúc cảm thì ngược lại Phật giáo đề cao tính “thiểu dục tri túc” chi tiêu hợp lý, đúng đắn và mang lại nhiều giá trị hữu ích cho cá nhân và cộng đồng.
Phật giáo chủ trương kinh doanh còn có mối quan hệ mật thiết với đạo đức và nghiệp lực. Đây là điểm trọng yếu của đạo đức kinh doanh trong Phật giáo hay nói cách khác là nền kinh tế theo quan điểm của Phật giáo luôn đề cao tính hiệu quả và bền vững trong việc sản xuất kinh doanh và tạo ra lợi tức cho cá nhân và xã hội.
B. Nội dung
Theo Wikipedia: “Phát triển bền vững (sustainability) là một khái niệm nhằm định nghĩa một sự phát triển về mọi mặt trong xã hội hiện tại mà vẫn đảm bảo sự tiếp tục phát triển trong tương lai xa.
Khái niệm này đang là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới, mỗi quốc gia sẽ dựa theo đặc thù kinh tế, xã hội, chính trị, địa lý, văn hóa… riêng để hoạch định chiến lược phù hợp nhất với quốc gia đó”.
Theo báo cáo Brundtland của Uỷ ban Môi trường và Phát triển thế giới (WCED): “Sự phát triển có thể đáp ứng được các nhu cầu hiện tại mà không tổn hại, ảnh hưởng đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”.
Chúng ta có thể hiểu sự phát triển bền vững là mô hình phát triển có thể đảm bảo được sự phát triển của kinh tế, sự tiến bộ của văn hoá, tài nguyên thiên nhiên cũng như sự an toàn của môi trường và sự ổn định của trật tự xã hội. Tức là 3 khía cạnh kinh tế – môi trường – xã hội phải được liên kết chặt chẽ và ảnh hưởng hỗ tương lẫn nhau và cùng nhau phát triển.
Một đất nước thịnh vượng và hạnh phúc thì yếu tố bền vững phải được đặt lên trên hàng đầu để xây dựng một hệ thống kinh tế, phải luôn cân bằng các hình thái xã hội, phải luôn tạo nên sự hài hoà và gắn kết giữa con người và thiên nhiên, có như thế việc phát triển kinh tế mới giải quyết các vấn đề nghèo đói, bất an và khổ đau của con người. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu những tiêu chí tạo nên hệ giá trị đó sau đây.
1. Niềm tin đúng đắn (Saddhā)
Niềm tin chính là nền tảng cốt yếu để tạo nên mọi thành tựu trên cuộc đời này, niềm tin nó như động lực, nhuệ khí để chúng ta vươn tới những khát khao, hoài bão: “Niềm tin được ví như hạt giống, mang theo tiềm năng, tiềm lực, hy vọng và niềm hăng say, là động lực hành động cho mỗi cá nhân”. Khác với các tôn giáo khác, niềm tin của đạo Phật phải đặt trên sự soi sáng của trí tuệ, nhận thức đúng đắn, tức là niềm tin đó phải chân chính, có chính kiến, đạo Phật gọi đó là chính tín.
Hay nói cách khác, niềm tin phải đặt trên các quy tắc vận hành của đất trời, sự tương quan tương duyên của vạn pháp (duyên sinh), và niềm tin vào chính bản thân (tự tín) cũng có khả năng thành tựu những ước nguyện cũng như các giá trị tinh thần cao cả.
1.1. Tin vào luật “Nhân quả – Nghiệp báo”
Luật nhân quả, nghiệp báo là quy luật vận hành của vũ trụ, định luật này chi phối tất cả mọi sự vật hiện tượng trên thế gian, là một chân lý hiển nhiên, luôn luôn đúng với ba thời: Quá khứ, hiện tại, vị lai và không bị lệ thuộc không gian lẫn thời gian. Đức Phật cũng không có năng lực thay đổi được nhân quả, cũng chẳng phải do đức Phật sáng tạo ra, chỉ là Ngài thấy rõ quy luật vận hành của nhân quả bằng tuệ giác vô thượng của mình và chỉ rõ cho chúng sinh thấy rõ nhân quả và tự quyền quyết định nhân quả cho chính mình. Vì thế, giáo lý nhân quả – nghiệp báo cũng chính là giáo lý nền tảng của hệ thống giáo lý nhà Phật, niềm tin nhân quả cũng là niềm tin được soi sáng bởi chính kiến như lời đức Phật dạy: “Không tin nhân quả, lạc đường tà”.
Chỉ khi nào có niềm tin bất thối về nhân quả thì chúng ta mới có thể đi theo đúng con đường chân chính bằng ý nghĩ đúng, tư duy đúng và hành động đúng, nhờ thế mới có thể trau dồi, kiện toàn đạo đức và phẩm hạnh của mình, phát triển những hạnh lành, từ bỏ những việc ác. Và khi có suy nghĩ đúng đắn rồi thì mới có những hành động đúng đắn và ý nghĩa mang lại nhiều giá trị, lợi ích cho chính bản thân và cộng đồng.
Bên cạnh đó, luật nhân quả cũng chính là một hình thái khác của đạo đức, tức là khi chúng ta có niềm tin về nhân quả thì mọi mục tiệu hướng tới đều là những lý tưởng đẹp đẽ, vì nó được đặt trên nền tảng của đạo đức, lấy đạo đức làm căn bản, nhờ thế mà chúng ta không bị lạc vào những con đường lẫm lỗi và sai lệch của tà kiến và mê muội.
Vì rằng, phần lớn con người với lòng tham vô tận của chính mình, luôn muốn vơ vét càng nhiều càng tốt để thoả mãn những xúc cảm về vật chất và xem đó là mục tiêu, hạnh phúc của kiếp người. Tuy nhiên, việc sở hữu và tiêu thụ vật chất thì chưa bao giờ có điểm dừng, càng nhiều thì càng thèm khát. Với những cơn khát tham dục như vậy, thử hỏi nếu họ không tin vào nhân quả thì thảm hoạ nào có thể xảy ra? Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra!
Vì thế, nguyên tắc để một có một doanh nghiệp cường thịnh, đường lối kinh doanh bền vững, mang nhiều giá trị cho bản thân và cộng đồng thì việc các cá nhân trong tổ chức đó đều có niềm tin về nhân quả, nghiệp báo là điều không thể thiếu.
1.2. Tin vào sự tương quan tương duyên của vạn pháp (duyên khởi)
Với tuệ giác của một bậc giác ngộ, đức Phật đã nhìn thấu rõ bản chất của vạn vật. Ngài cho rằng, không có bất cứ một cá thể nào có thể tồn tại độc lập trên cõi đời này, mà phải có sự tương quan, tương duyên với các cá thể khác.
Thậm chí, ngay trong cá thể đó cũng chẳng có thực thể gọi là độc lập, mà chủ thể đó được hình thành đều do các nhân duyên giả hợp tác thành, khi các duyên ly tán, thì thực thể đó cũng tan rã. Vạn pháp đều là huyễn hóa, hư ảo, tụ tán, chẳng có một bản thể cố định: “Này các tỳ kheo, sắc là vô ngã, thọ là vô ngã, tưởng là vô ngã, … tất cả pháp là vô ngã”.
Nói cách khác, đức Phật cho rằng mọi sự vật hiện tượng trên cuộc đời này đều vận hành theo lý duyên khởi (Idappaccàyatà): “Do cái này có mặt nên cái kia có mặt; do cái này không có mặt nên cái kia không có mặt; do cái này sinh nên cái kia sinh; do cái này diệt nên cái kia diệt”. Vì vậy, bất cứ một sự vật, sự việc nào cũng đều liên quan chặt chẽ đến các pháp khác và không thể tách rời tập thể, cộng đồng: “Thử hữu tức bỉ hữu – Thử vô tức bỉ vô”. Hay nói cách khác, mọi sự vật chỉ hiện hữu trong tương hệ nhân duyên, trùng trùng duyên khởi, là một chuỗi mắt xích không thể tách rời.
Do đó, con người chẳng có thể sống được nếu không có cây cối để tạo ra quá trình quang hợp, con người cũng chẳng có thể sống được nếu không có những cá thể khác. Một ngày trên cõi đời này, nếu chúng ta sinh ra mà không còn bất cứ một ai thì chúng ta sống với ai?
Vì vậy, nếu chúng ta không có cái nhìn tổng thể về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, cũng như giữa con người với nhau thì chúng ta không thể thấy được rằng, dù là một hành động nhỏ nhoi, tích cực hay tiêu cực đều ảnh hưởng tới những cá thể khác, cộng đồng và môi trường sống.
Vì thế, mô hình kinh doanh có hiệu quả là phải lấy lợi ích số đông làm nền tảng trọng yếu, lấy sự an toàn, ổn định của xã hội và môi trường sống làm mục tiêu hướng đến. Hay nói cách khác, hoạt động kinh doanh phải đặt trên hệ quy chiếu về ý nghĩa nhân sinh, tức là mục đích cuối cùng của hoạt động kinh tế vẫn là nhằm hướng đến phục vụ cuộc sống con người. Cho nên, không phải vì lợi ích trước mắt mà huỷ hoại hệ sinh thái, tàn phá bầu khí quyển và để rồi con người là người chịu ảnh hưởng nặng nề từ những việc làm đó: Thiên tai, xung đột, chiến tranh và ô nhiễm …gây ảnh hưởng trầm trọng đến sự tiến bộ và hưng vượng của đất nước và thế giới.
Mô thức kinh tế lý tưởng phải đặt trên nền tảng của đạo đức, của niềm tin về sự tương duyên của vạn vật, sự tương quan nhân quả, nghiệp báo và được soi sáng bởi chính kiến. Mô hình kinh doanh đó phải hướng đến giải quyết các vấn đề nghèo đói, thiếu thốn của con người.
Mô thức đó phải đảm bảo được sự an toàn, nguyên vẹn của thiên nhiên, hệ sinh thái và sự ổn định của trật tự xã hội. Không những thế, việc phát triển hoạt động kinh doanh ấy còn phải hoá giải được những khổ đau, bất an trong bản tâm của con người. Có như thế, con người mới có thể đạt được sự hạnh phúc, an vui thông qua hoạt động kinh tế, là cơ sở để xã hội phồn vinh, hưng thịnh.
1.3. Tin vào khả năng của chính mình (Vaiśaradya)
Sau khi niềm tin chúng ta được soi sáng và dẫn dắt bởi chính kiến, thì chúng ta không còn bị lung lay trước những quan niệm sai lầm, lạc lối, niềm tin vào chân lý cuộc đời trở nên vững chãi, bất thối thì việc tin vào khả năng của chính mình cũng là điều cần thiết.
Trong chính bản thân của mỗi người luôn tồn tại một giá trị mầu nhiệm, phi thường để có thể thành tựu những ước nguyện, hoài bão trong cuộc đời của chính mình. Khi có chính tín rồi thì chính mình là ngọn đuốc soi sáng cho cuộc đời của chính bản thân để bước đi trên hành trình của mình mà không phải nương tựa bất kì một ai khác.
Đức Phật cũng đã tự thân mình tìm ra chân lý cuộc đời, tự mình thực nghiệm và chứng ngộ. Mặc dù đã trải qua các vị thầy chỉ dạy về thiền tập để sinh về cảnh giới chư thiên, nhưng với bản nguyện cao cả, lý tưởng vĩ đại, Ngài vẫn chưa muốn dừng lại ở đó, Ngài vẫn tin mình có thể tìm ra con đường bất tử và chỉ dạy lại cho chúng sinh đi đến sự bất tử giống mình, và cuối cùng đức Phật cũng đã thành tựu được quả vị Vô thượng Chính đẳng Chính giác (Sammāsambuddho) bằng chính sự tinh chuyên, nỗ lực của mình “tự thân tác chứng”. Đây cũng chính là tính “nhân bản” trong đạo Phật.
Trong kinh doanh, việc tin vào bản thân có thể kiên định với những hoài bão lớn, không bị chao đảo, lung lay bởi những trắc trở phía trước cũng là một tài sản lớn để xây dựng nên những công ty lớn, dự án lớn, doanh nghiệp lớn. Và hơn thế nữa, niềm tin vào bản thân có thể trung kiên với những việc thiện, đẹp đẽ trong quá trình kinh doanh cũng là thử thách hết sức to lớn ở các nhà đầu tư, doanh nhân.
Vì lòng tham con người có thể dấy lên bất cứ lúc nào nếu con người không biết kiểm thúc. Vì thế mới nói, việc đặt niềm tin vào chính mình trong việc tạo ra những giá trị hướng thượng, to lớn cho xã hội thông qua con đường thiện lương, chân chính là điều hết sức khó khăn, mà mỗi bản thân con người làm kinh doanh phải luôn đau đáu trong lòng với chí nguyện kiên quyết mạnh mẽ.
2. Thái độ đúng đắn
Dĩ nhiên, không những trong hoạt động kinh doanh mà trong bất cứ lĩnh vực nào cũng đòi hỏi một thái độ đúng đắn và nghiêm túc đối với công việc.
Thái độ đúng đắn nó sẽ mang lại lợi lạc rất nhiều cho số đông. Thái độ đúng nó sẽ quyết định sự thành công trong công việc mang lại một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn. Cùng tìm hiểu những thái độ nào dẫn đến sự hiệu quả trong công việc kinh doanh theo mô hình phát triển bền vững ở phần tiếp theo.
2.1. Đặt lợi ích cộng đồng lên hàng đầu
Lợi ích cộng đồng là vấn đề cần quan tâm và ưu tiên trong bất kỳ lĩnh vực xã hội nào. Kinh tế cũng không ngoại lệ, việc sản xuất kinh doanh phải lấy lợi ích số đông làm chuẩn mực, mục tiêu hướng đến. Nếu lợi ích xã hội không được đặt lên hàng đầu, thì xã hội đó sẽ không ổn định, mất cân đối và hạnh phúc con người sẽ không được đề cao.
Bên cạnh đó, khi ích lợi cộng đồng không được đề cao thì đồng nghĩa với tư lợi sẽ xuất hiện, mà tư lợi là biểu hiện của lòng tham, mà khi lòng tham được đề cao thì sẽ gây ra rất nhiều vấn nạn cho xã hội: sự chênh lệch giàu nghèo, tàn phá hệ sinh thái, ô nhiễm bầu khí quyền, thiên tai, xung đột, chiến tranh xảy ra gây ảnh hưởng xấu đến con người và hoà bình thế giới.
Một vài ví dụ điển hình như sau: Mặc dù kinh tế Thái Lan phát triển vượt bậc gần đây nhưng nạn nghèo khó vẫn còn trầm trọng, những con kênh nước đen lềnh bềnh chứa đầy chất thải kĩ nghệ ở Trung Quốc, chương trình ngăn đập Ngũ Hồ ở Trung Quốc ngoài việc làm hàng triệu nông dân sống quanh vùng phải di tản, tàn phá bao nhiêu di tích lịch sử, trong đó có di tích Đôn Hoàng chứa nhiều di vật khảo cổ Phật giáo cũng chịu chung một số phận. Hay Mỹ thoả thuận với Ấn Độ và Trung Quốc là những nước đang có mức độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất, xé rào hiệp định thư Kyoto và lập thành một khối mới để đối phó với Global Warming. Bên cạnh đó, các tổ hợp khai thác tài nguyên: than đá, dầu, chất đốt, uranium… đang được tận dụng ở mức tối đá đối với các nước phát triển .
Vì thế, lợi ích cho số đông, cộng đồng là yếu tố tiên quyết và trọng yếu của những người làm kinh tế để mang lại một mô hình kinh doanh hiệu quả, vừa sản xuất được sản phẩm, vừa kiếm được lợi nhuận nhưng cũng vừa mang lại lợi ích cho cộng đồng và bảo đảm được sự an toàn cho môi trường sống, thì khi ấy việc làm kinh tế cũng giống như việc tu tập, từ thiện, và những việc làm công ích xã hội, góp phần xây dựng cõi “Tịnh độ” trên cuộc đời này.
2.2. Tinh thần trách nhiệm
Tinh thần trách nhiệm được hiểu như là sự hy sinh, cống hiến cho sự tiến bộ, phát triển của một tập thể và rộng hơn nữa là tinh thần phụng sự mang lại lợi lạc cho đất nước. Về góc độ cá nhân, có thể hiểu tinh thần trách nhiệm như là đức hạnh, phẩm chất cấu thành nên nhân cách sống của mỗi người, thực hiện tinh thần trách nhiệm là đang thực hành đạo đức con người.
Về phương diện xã hội, tinh thần đó gắn kết được các mối quan hệ xã hội, góp phần vào sự tiến bộ, bình ổn của đất nước, đảm bảo quyền lợi chung của con người. Tinh thần cống hiến, hy sinh, vô ngã, vị tha, lấy lợi lạc số đông làm mục tiêu là những biểu hiện cho tinh thần trách nhiệm.
Đạo Phật đề cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân, xem đó là một phẩm tính mà mỗi người con Phật cần trau dồi để kiện toàn nhân cách bản thân và làm lợi lạc cho số đông. Điều đó được thể hiện qua “Tứ trọng ân”, mỗi chúng ta phải có trách nhiệm với cha mẹ, người sinh thành, dưỡng dục mình; với Tam bảo, những bậc giác ngộ giúp chúng ta tìm thấy được nguồn sống, chân lý của cuộc đời, dẫn dắt chúng ta đi trên con đường thánh thiện, giúp chúng ta lìa khổ được vui; với chúng sinh hay cộng đồng cùng chung sống với chúng ta; và ơn đất nước đã bảo bọc, che chở mình để có cuộc sống yên bình, an vui như hôm nay.
Ngoài ra, những giáo lý hay những nền đạo đức Phật giáo như ngũ giới (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không dùng các chất kích thích), một nền đạo đức nhân văn, tôn trọng sự sống của muôn loài, xem mạng sống của vạn vật cũng giống như chính mình, tôn trọng của cải vật chất được làm ra, bảo vệ quyền hạnh phúc của gia đình và sự bình ổn của xã hội.
Xây dựng con người đề cao chữ tín và sự chính trực, tôn trọng mọi phẩm chất đạo đức tốt đẹp; Tứ vô lượng tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả) một phương pháp tu tập để đạt được trạng thái tâm nhu nhuyến, rộng lượng, bao dung, giàu lòng trắc ẩn, xem niềm vui nỗi khổ của tha nhân cũng là của chính mình, xót thương cho nỗi thống khổ, đau thương của chúng sinh và vun đúc tâm nguyện giúp chúng sinh thoát khổ; Lục độ ba la mật (Bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, trí tuệ) là những pháp tu giúp con người phát triển ở cả hai chất liệu từ bi và trí tuệ, giúp con người thành tựu những Thánh hạnh thiêng liêng ngay trong cuộc đời này và phát tâm đại bi cứu giúp chúng sinh thoát khỏi những nỗi khổ niềm đau, hay Tứ nhiếp pháp (Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự) một số phương cách hữu hiệu cho mọi người áp dụng vào những môi trường làm việc tập thể để mang lại sự hiệu quả và hài hoà trong tổ chức, cộng đồng… Những lời chỉ dạy đó của đức Phật đều cùng đề cao trách nhiệm của bản thân đối với số đông và cùng chung mục đích là giúp tự thân và tha nhân hết khổ được vui, đạt được sự an vui giải thoát ngay trong cuộc đời này như lời đức Phật xác quyết: “Ta chỉ nói khổ và con đường diệt khổ”.
Trong bối cảnh kỷ nguyên toàn cầu hoá hiện nay, tinh thần trách nhiệm không chỉ đơn thuần dừng lại ở phạm vi cá nhân, gia đình mà rộng hơn nữa, các công ty, doanh nghiệp hay trong bất cứ các hình thái tổ chức xã hội nào đều cần phải đề cao phẩm chất này.
Đặc biệt trong bối cảnh xã hội hiện nay, việc đạo đức xuống cấp trầm trọng, con người đề cao chủ nghĩa kim tiền, chủ nghĩa hưởng thụ, cùng với nó là sự cắt đứt các sợi dây liên kết trong các mối quan hệ xã hội, con người trở nên vô cảm, lạnh nhạt, nhân cách con người đang xuống cấp, thì tinh thần trách nhiệm càng được thực thi mãnh liệt hơn nữa ở các cá thể trong xã hội.
Kinh doanh cũng không ngoại lệ, người lãnh đạo hay các cộng sự của mình cho đến nhân viên đều phải được trau dồi phẩm chất đạo đức này, để mỗi người trở nên tốt hơn, tận tâm cống hiến cho công ty, doanh nghiệp ngày một hưng thịnh và tiến triển hơn.
Mỗi người đều phải thấy được rằng trách nhiệm của chính mình đối với xã hội trong việc sản xuất, buôn bán, và đầu tư. Trong tâm khảm mỗi người phải luôn đau đớn về lợi ích của cộng đồng, những sản phẩm làm ra phải đạt chất lượng, mang lại sức khoẻ, hạnh phúc hay đáp ứng được những yêu cầu cơ bản về đạo đức, tức là sản phẩm tạo ra không làm phương hại đến cộng đồng về nhiều phương diện: Sức khoẻ, môi trường, khí quyển, tài nguyên…
Vì rằng, trong thị trường tiêu thụ sản phẩm hiện nay, các hàng giả, hàng nhái tràn lan, thậm chí người tiêu dùng không chọn được sản phẩm chính hãng, chất lượng tốt để tiêu thụ, chọn sản phẩm chính hãng đang là nỗi lo, nỗi ám ảnh đối với người tiêu dùng.
Vì thế, quyền lợi và nghĩa vụ là hai yếu tố không thể tách rời trong kinh doanh, luôn tồn tại song hành và luôn liên kết chặt chẽ với nhau. Do đó, tinh thần trách nhiệm không chỉ đánh thức lòng yêu thương con người và môi trường sống mà còn là nhân tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp, trở thành lối sống phổ cập của cá nhân và doanh nghiệp.
2.3. Suy nghĩ cho thế hệ tương lai
Một mô hình phát triển bền vững thì không thể không nhắc tới sự tiến triển và ổn định của các mô thức kinh tế, xã hội và môi trường trong tương lai.
Vì thế, sự phát triển của kinh tế hôm nay và sự bình ổn của xã hội, sự an toàn của môi trường trong tương lai không thể tách rời nhau, có mối quan hệ hỗ tương cho nhau, hôm nay phát triển thì tương lai phải ổn định và tương lai muốn ổn định thì hôm nay phải có sự phát triển ổn định, đó mới gọi là sự phát triển bền vững.
Một số thực trạng cho thấy rằng, con người với lòng tham vô tận chỉ tập trung sản xuất và tiêu thụ tối đa ở thời điểm hiện tại mà chẳng ai muốn nghe: “Tiếng kêu cứu của thế hệ tương lai”. Chẳng hạn, theo Robert Pinkdyck – Nhà Kinh tế học của Viện công nghệ MIT cho biết rằng việc nếu chúng ta cứ phát triển theo mô hình của các nhà kinh tế thị trường thì “sự biến đổi khí hậu dự báo sẽ phân bố nhiệt độ trung bình toàn cầu gia tăng ở phạm vi từ 0,4 đến 2,2 độ C vào năm 2025, tuỳ thuộc vào lượng khí thải nhà kính mà chúng ta thải vào bầu không khí”.
Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy rằng sự nóng lên của Trái đất, lượng khí thải từ các nhà máy xí nghiệp thải vào bầu khí quyển ngày một tăng.
Các nước phát triển như Mỹ và Úc vẫn không chịu ký hiệp định Kyoto, họ cho rằng những bằng chứng khoa học đó chưa đủ thuyết phục và hơn nữa còn bịt miệng những nhà khoa học những nhà khoa học về việc công bố kết quả về khí hậu, sự tăng nhiệt độ của khí quyển.
Nói theo khía cạnh tích cực, thì chủ nghĩa tiêu thụ thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thông qua việc sản xuất hàng hoá và tiêu thụ sản phẩm, bên cạnh đó còn đảm bảo được mức sống cho công nhân lao động nhờ việc tham gia sản xuất và gia tăng chất lượng cuộc sống, làm giảm thiểu tình trạng thất nghiệp. Ngoài ra, chủ nghĩa tiêu thụ còn thúc đẩy quá trình tìm kiếm và sáng tạo không ngừng để tìm ra phương thức đáp ứng những nhu cầu mua sắm và tiêu thụ khổng lồ như thực trạng ngày nay.
Dĩ nhiên, là không có gì sai lầm khi khuyến khích và thúc đẩy việc sản xuất hàng hoá và tiêu thụ chúng. Nhưng đặt trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, khi môi trường đang bị tàn phá, bầu khí quyển đang bị đe doạ bởi chất thải carbon dioxid, con người thì luôn bé nhỏ và bị đe doạ bởi những tác động xấu từ thiên tai, xung đột và chiến tranh, thì thử hỏi với việc đề cao chủ nghĩa phát triển và tiêu thụ tối đa như vậy có phải là một phương án phù hợp và thích đáng? Và câu hỏi được đặt ra ở đây là chúng ta có cần tiêu thụ quá nhiều như vậy?
Thực tế cho thấy, Trái đất không thể nào cung ứng nỗi những tài nguyên thiên nhiên cung cấp cho quá trình sản xuất tối đa của kinh tế thị trường, và cũng không thể nào tái tạo lại kịp lượng nhiên liệu đó gây ra rất nhiều hiện tượng nguy hiểm, “Ngày Trái đất quá tải” (Earth Overshoot day) sẽ đến gần trong tương lai.
Như vậy, chúng ta thấy rằng, những thảm hoạ khủng khiếp sẽ xảy ra trong tương lai nếu chúng ta không biết cân bằng giữa sự phát triển kinh tế và môi trường sống. Sẽ chẳng có một nền kinh tế nào bền vững mà không đặt trên sự tương quan tích cực với các hình thái khác: môi trường, tài nguyên thiên nhiên, bầu khí quyển… Vì thế, muốn nền kinh tế phát triển bền vững thì phải nghĩ đến sự ổn định và an toàn của môi trường, sự sống trong tương lai. Hay nói cách khác, suy nghĩ cho thế hệ tương lai cũng là một nền tảng trọng yếu cho việc phát triển kinh tế ngày hôm nay.
3. Trau dồi phẩm chất cá nhân
3.1. Trau dồi đức tính vô ngã, vị tha
Tinh thần vô ngã, vị tha luôn được đề cao trong đạo Phật, cũng có thể nói là bản hoài của đức Phật và các vị đệ tử của Ngài: “Này các tỳ kheo, hãy đi cùng khắp, vì hạnh phúc cho đại chúng, vì an lạc cho đại chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì lợi ích, vì an lạc cho loài Người, loài Trời. Chớ có đi hai người cùng một chỗ…”. Điều đó được minh chứng rõ ràng qua cuộc đời đức Phật trong suốt 49 năm hoằng pháp lợi sinh, chẳng có thời gian nào đức Phật rãnh rỗi và luôn hướng về tâm nguyện cứu khổ giúp đời. Hằng ngày, sau khi đức Phật đi khất thực xong Ngài tìm nơi vắng vẻ thọ thực trước giờ Ngọ và sau khi thọ thực xong chư tỳ kheo tập hợp lại để nghe đức Phật giảng một bài pháp ngắn. “Sau đó, Ngài lui về tịnh thất nghỉ ngơi.
Nếu muốn, Ngài nằm nghiêng mình bên mặt và định thần một lát. Lúc dậy, đức Phật nhập Đại Bi định (Maha Karuna Samapatti) và dùng Phật nhãn quán sát thế gian”.
Buổi chiều thì đức phật thuyết pháp cho thiện tín nam nữ cư sĩ, “từ sáu giờ đến mười giờ là khoảng thời gian đức Phật dành riêng cho các vị tỳ kheo được tự do thỉnh cầu Ngài rọi sáng những mối hoài nghi của mình, hỏi Ngài về những điểm phức tạp trong giáo pháp, xin Ngài đề mục thiền định và nghe thuyết pháp”. Canh giữa, chư Thiên và chư Phạm Thiên đến hầu Phật và hỏi Ngài về giáo pháp.
Canh cuối, đức Phật đi kinh hành (Cankamana), Ngài nhập Đại Bi định và rải tâm “từ” đến hết mọi nơi, làm mát dịu tâm trí chúng sinh. Và sau đó, Ngài dùng Phật nhãn để xem ai cần cứu giúp tế độ thì Ngài giúp đỡ .
Như vậy, chúng ta thấy cả cuộc đời đức Phật chỉ dành cho tâm nguyện hoằng pháp lợi sinh, giúp chúng sinh thoát khổ đạt vui, giác ngộ giác thoát. Bản hoài xuất trần cao cả ấy là biểu hiện cho tinh thần vô ngã, vị tha, vì lợi ích tha nhân mà không màng về sự khổ nhọc của bản thân, không vì sĩ diện, tên tuổi hay thậm chí là danh dự, nếu có cơ hội giúp đỡ, cứu vớt cho người khác thoát khỏi khổ đau đều sẵn sàng không màng lao nhọc. Dĩ nhiên, đức tính này không phải là sự gượng ép, chịu đựng mà sự giúp đỡ trong tâm thế muốn được phụng sự, muốn được hy sinh và cống hiến.
Trong phạm vi cá nhân, việc trau dồi đức tính này sẽ giúp chúng ta giải trừ những tâm thức xấu ác do tam độc: tham, sân, si gây nên, chuyển hoá chúng và trở nên tốt đẹp hơn.
Chúng ta thử đặt câu hỏi, tham gia hoạt động kinh doanh, mà mỗi cá nhân đều biết nghĩ về lợi ích chung, luôn muốn đóng góp, cống hiến cho sự phát triển của công ty, doanh nghiệp, xoá bỏ các suy nghĩ ích kỷ, tư lợi thì công ty ấy có phát triển trong tương lai không?
Vì thế, mỗi người trong một doanh nghiệp, công ty đều phải trau dồi tinh thần làm việc cao thượng, tốt đẹp này để đóng góp cho sự phát triển chung của tập thể và sự hưng thịnh của đất nước.
Khi chúng ta luôn nghĩ về hạnh phúc của con người, bình ổn của môi trường và thịnh vượng của đất nước thì những hoạt động kinh doanh: sản xuất, buôn bán, thương mại, dịch vụ, tài chính… đều mang một giá trị tốt đẹp, tích cực gián tiếp hay trực tiếp góp phần vào sự phát triển chung của xã hội.
Chẳng hạn như, sản phẩm tạo ra đạt chất lượng giúp người tiêu thụ khi sử dụng có nhiều sức khoẻ, dịch vụ chăm sóc khách hàng tận tuỵ, tử tế luôn lắng nghe nỗi niềm từ khách hàng mà có sự cung ứng thích đáng… Những gì nằm trong khuôn phép của đạo đức và tình thương thì đều mang lại những hệ giá trí cao quý.
3.2. Kiểm thúc lòng tham, sự ích kỷ
Lòng tham (Taṇhā) được ví như là cái hố không đáy, nó là nguyên nhân tạo nên sự kích thích, đòi hỏi của con người và hình thành nên muôn vàn đau khổ trên cõi đời này: “Này, chư tỳ kheo, nguyên nhân đau khổ là một thực tại chắc thật, đây là chân lý cao thượng, chính tham ái dẫn dắt tái sinh, nó kết hợp với sự vui thích và tham chấp, tìm kiếm khoái cảm ở đây ở kia…”. Nó tạo nên một xung lực hướng ra bên ngoài để tìm kiếm, khao khát và thoả mãn các giác quan và chúng được nuôi dưỡng bởi vô minh (avijjā), sự khát khao này chưa bao giờ có điểm dừng, vì thế con người luôn đau khổ và bất an khi đi tìm thức ăn cho nó.
Bản chất của tham ái nó đã bao ham cả sự ích kỷ, tư lợi và rất nhiều biểu hiện tâm lý tiêu cực khác: đố kỵ, sân hận, mê muội, hiểm độc… khi con người hướng tới khát khao tìm cầu thức ăn cho tham ái mà không đạt được thì muôn vạn trạng thái tâm lý khổ đau xuất hiện và tạo ra nhiều hệ luỵ khổ đau kéo theo phía sau.
Vì vậy nó cũng chính là nguyên nhân chính tạo nên sự chìm đắm, quẩn quanh trong các cõi luân hồi: “Tham ái trói buộc người, sinh tử mãi không thôi,… ba độc từ ba căn, gây ra ba loại nghiệp, sinh trưởng trong ba thời, đều do lửa tham ái”.
Do đó, xét theo bối cảnh kinh tế hiện nay, sự kiểm thúc lòng tham, ích kỷ trong chính bản tâm chúng ta bằng cách thực hành con đường trung đạo mang lại nhiều giá trị tích cực trong việc kiến tạo đường lối kinh doanh, định hình mô thức sản xuất, thương mại.
Vì con đường này không chỉ đơn thuần khắc phục được lối tư duy đề cao giá trị vật chất mà bỏ quên giá trị văn hoá tinh thần tức là chúng ta phải biết cân bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần, mà còn định hướng con người xây dựng một mô hình kinh doanh theo hướng tích cực, biết quân bình lợi tức và môi trường sống, hệ sinh thái và tài nguyên thiên nhiên, biết cân lường, đong đếm về lợi ích trước mắt và những hậu quả trong tương lai xảy ra với con người trong việc sản xuất, kinh doanh.
Vì thế, giá trị của tư tưởng trung đạo đã cho chúng ta thấy một góc nhìn tốt đẹp trong việc định hình cơ cấu kinh tế bền vững để bảo tồn được những hệ giá trị khác cộng tồn và giáo dục con người thoát khỏi sự kìm hãm của dục vọng và ích kỷ thông qua lối sống thiểu dục tri túc, nếu những nhà kinh tế thực hành được lối tư duy này thì chính họ cũng có thể là Bồ tát bằng xương bằng thịt sống ở thời đại này và nghe tiếng kêu cứu giúp của chúng sinh và cứu giúp con người thoát khỏi sự vô minh của tham (kinh tế thị trường), sân (cổ động thù hận và chiến tranh) và si (đánh mất ý nghĩa của cuộc đời).
3.3. Kiên trì và nhẫn nại
Đứng trước những nghịch cảnh, chông gai con người thường có bản năng nản lòng và bỏ cuộc. Nguyên tắc khác biệt giữa người thành công và kẻ thất bại chính là kiên trì và nhẫn nại. Có thể hiểu, kiên trì là thái độ kiên định, trung kiên với hoài bão, mục tiêu đặt ra và đi đến đích dù có gặp khó khăn, thử thách. Nhẫn nại là khả năng kiên nhẫn, bình tĩnh và chịu đựng những gập ghềnh, gian khó mà chúng ta phải đối mặt trên con đường đi đến đích, không có thái độ bất mãn, chán chường hay giận dữ.
Những người sở hữu những phẩm chất này họ luôn chủ động và kiên định để giải quyết vấn đề mà không để những trạng thái tâm lý xấu xảy ra với họ, luôn kiên định với những mục tiêu đặt ra và không bỏ cuộc, buông xuôi khi gặp thách thức, gian nan.
Những người có tính kiên trì và nhẫn nại họ xem chướng ngại, thử thách chính là cơ hội để họ học hỏi, trau dồi và hoàn thiện bản thân đến mức tốt nhất. Họ luôn xem những bất trắc, bão giông của cuộc sống là bài học để họ trưởng thành hơn trong công việc cũng như trong cuộc sống, giúp họ có bản lĩnh hơn, đỉnh đạt hơn, tránh những thái độ sống bồng bột, hấp tấp và bốc đồng.
Phẩm chất kiên trì và nhẫn nại được tôi luyện và mài giũa thông qua kiến thức, kinh nghiệm sống và phẩm chất đạo đức ở mỗi người. Nó chính là chìa khoá thành công giúp chúng ta mở những cánh cửa thử thách phía trước, giúp bản thân đạt đến mục tiêu dài hạn, giải quyết vấn đề một cách khôn ngoan và dĩ nhiên thành công là điều tất yếu.
Đặc biệt, tính nhẫn nại cũng được hiểu là “sự kiên định với cái thiện và chấp nhận những nghịch cảnh, khó khăn trên con đường đi tới cái thiện đó” để dấn thân, cống hiến làm những việc lợi lạc cho cộng đồng, an vui cho tha nhân.
Ở tầng nghĩa này chúng ta có thể hiểu, kham nhẫn trong kinh doanh cũng là sự củng cố vững chắc cho đường hướng phát triển của mô hình kinh tế, cho tâm nguyện giúp đời, tức là hoạt động kinh doanh luôn được định hướng theo cái thiện, cái lợi ích, dù có trải qua bao nhiêu gian truân, thử thách để định hướng công ty hay doanh nghiệp phát triển theo mô thức bền vững, lấy con người làm mục tiêu, môi trường làm trọng yếu, thì cũng không bao giờ chán nản, từ nan.
Mà ngược lại, lấy sự khó nhọc đó làm động lực cho phương hướng hoạt động, vì biết rằng, chỉ có phát triển bền vững thì mới có lợi ích lâu dài. Mặt khác, nếu tính nhẫn nại không được rèn giũa vững chãi, chưa được trí tuệ và từ bi soi sáng thì họ rất dễ nản lòng trên con đường phụng sự.
Vì rằng, con đường nào cũng vậy, luôn có những bất trắc, nguy hiểm, nhưng con đường làm lợi ích cho cộng đồng thì càng khúc khuỷu hơn nữa. Vì thế, khi bị những phần tử xấu ác tấn công thì họ rất dễ bỏ cuộc vì sự kiên nhẫn chưa đủ mạnh. Vì thế, mỗi cá nhân đều có tính trung kiên và nhẫn nại cũng là yếu tố cần thiết cho một tổ chức lớn mạnh để gặt hái những thành tựu phía trước.
C. Kết luận
Mô hình kinh doanh bền vững đòi hỏi phải có sự liên đới chặt chẽ của hiện tại và tương lai về nhiều phương diện: kinh tế, giáo dục, môi trường và bầu khí quyển…Vì thế, việc phát triển kinh tế ở hiện tại đòi hỏi phải bảo tồn được những hình thái khác ở tương lai. Không có một cơ cấu kinh tế nào bền vững mà chỉ biết những lợi ích trước mắt mà bỏ quên sự an toàn và phát triển ở tương lai, nếu đường hướng kinh tế đó tồn tại thì gây rất nhiều hậu quả to lớn cho xã hội và toàn thế giới.
Vì chẳng có bất cứ tổ chức xã hội nào dựa trên lòng tham, vị kỷ mà tồn tại lâu dài và phát triển, mà ngược lại chúng phải được đặt trên nền tảng của đạo đức cộng đồng và ích lợi xã hội. Mô hình kinh doanh đó phải đặt trên nền tảng của nhân quả, sự tương quan tương duyên của con người với thiên nhiên và con người với nhau; phải được cân đo, đong đếm giữa lợi ích trước mắt và sự mất mát của xã hội, môi trường sống; phải lấy hạnh phúc của con người làm mục tiêu trọng yếu cho việc sản xuất, buôn bán, không đề cao tư lợi và ích kỷ.
Vì khi chủ nghĩa cá nhân được đề cao thì lòng tham sẽ phát sinh, tham ái phát sinh thì gây ra rất nhiều hậu quả khó lường, vì lòng tham là một cái hố không đáy, càng uống càng thấy khát, càng ăn càng thấy thèm.
Vì thế, con đường trung đạo là yếu tố trọng yếu cho việc định hình phương thức kinh doanh để phát triển doanh nghiệp theo hướng bền vững, là cơ sở để mang lại nhiều giá trị tốt đẹp cho tổ chức và sự hưng thịnh, phồn vinh của đất nước.
Ngược với các nhà kinh tế thị trường, cho rằng đạo đức chỉ làm cản trở sự phát triển kinh tế, hay muốn phát triển kinh tế đòi hỏi phải bỏ lại đạo đức phía sau. Thì đức Phật cho chúng ta thấy rằng giữa kinh tế và đạo đức luôn có mối liên hệ chặt chẽ và không thể tách rời nhau, luôn hỗ tương cho nhau và có mặt trong nhau: “Thử hữu tức bỉ hữu”, nếu tách rời chúng ra thì sẽ là một đường hướng phá nát môi trường, tàn sát hệ sinh thái và huỷ hoại con người.
Hay nói cách khác, muốn có mô hình kinh tế mang lại nhiều giá trị hữu ích cho con người và xã hội thì mô thức kinh tế đó phải đặt trên nền tảng của đạo đức và nhân quả, nghiệp báo.
Thích Nhuận Kiện – Học viên Cao Học khóa IV tại HVPGVN TP.HCM