Sự sống vô cùng quý giá, bất kể là ai, tôn giáo nào, xã hội nào và quốc gia nào. Mọi người mọi loại dù là hữu tình hay vô tình luôn luôn tôn trọng sự sống, bất cứ sự sống nào, từ sự sống của côn trùng cho đến sự sống của cỏ cây.

Đức Phật khuyên không nên sát sinh vì rằng mọi chúng sinh hữu tình đều sợ chết và xem sự sống là điều quý báu nhất trên đời. Bên cạnh việc “không sát sinh” người phật tử chúng ta cần phải “hộ sinh”, nghĩa là bảo vệ giữ gìn chúng sinh, chia sẻ môi sinh trên trái đất để trái đất ngày càng xanh – sạch – đẹp hơn, từ đó cuộc sống của con người của tất cả mọi loài đều được tốt đẹp hơn.

Chúng ta tồn tại giữa cuộc đời này đều có sự tương quan tương duyên mật thiết giữa môi trường và con người.

“Không sát sinh” chính là kiến tạo một môi trường sống lành mạnh, chung tay bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, đảm bảo một xã hội sống hòa bình, tích cực và trong lành.

Tầm quan trọng và ý nghĩa của “không sát sinh

Không sát sinh chữ hán là 不殺生 tiếng anh là Nonkilling. Đôi khi chúng ta không sát sinh, nhưng kiểu không sát sinh này không đi kèm với trí tuệ hiểu biết về hậu quả của nghiệp.

Ví dụ, một số người rất thích câu cá nhưng lại không dám câu cá ở ao thả trước cổng chùa vì chịu áp lực từ xã hội và sợ bị người khác chỉ trích. Bằng cách này, không có sự hiểu biết sâu sắc về “không sát sinh” và cũng thiếu sự chủ động trong việc “không sát sinh”, hay còn gọi là thụ động không sát sinh. Tất nhiên, thụ động không sát sinh cũng được coi là một cách thực hành tốt, bởi vì dù sao bạn cũng đã kiềm chế hành vi giết chóc của chính mình nên đây cũng là một cách thực hành tốt. Chỉ là loại thiện pháp này gọi là “pháp trí tuệ không tương ứng với thiện”, tức là không tương ứng với trí tuệ, chưa đưa đến sự rốt ráo cuối cùng. Đây là tầng ý nghĩa đầu tiên của việc không sát sinh.

Giai đoạn này cả nước đều hướng về miền Bắc yêu thương với trận mưa lũ, sạt lỡ đi vào lịch sử. Chúng ta tặng quà cho người khác như thực phẩm, quần áo; chúng ta cũng tặng tiền, thực phẩm và thuốc men cho các nạn nhân. Nhưng việc giữ giới không sát sinh là một món quà chúng ta trao tặng cho tất cả chúng sinh, mang lại cho mỗi chúng sinh một mảnh bình an. Bất kể lúc nào ở đâu, hay bất kỳ loại sinh mệnh nào, khi gặp bạn nó sẽ không sợ bị bạn giết. Đây gọi là vô uý thí, tất cả mọi người , mọi nhà, mọi ngõ ngách ngoài việc góp công góp của ra còn góp một niệm bình an, một lời cầu nguyện gửi đến đồng bào miền Bắc trước cơn bão Yagi.

Trong số tất cả các món quà, mang lại sự bình yên cho người khác thực sự là một món quà rất hiếm và món quà này rất thực tế. Nếu mọi người tặng một món quà kiểu này, chúng ta sẽ trở nên ấm lòng hơn,  hỷ lạc hơn và chắc chắn chúng ta sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều khi sống trên thế giới này. Nếu mọi người đều giữ giới không sát sinh, và mọi người có thể cho nhau một mảng bình yên thì thế giới này sẽ tươi đẹp biết bao. Bằng cách phát nguyện “không giết hại tất cả chúng sinh” và gìn giữ nó, chúng ta có thể gặt hái vô lượng công đức, bởi vì món quà này của chúng ta không chỉ được trao cho một người hay một chúng sinh, mà cho tất cả chúng sinh, tất cả mọi loài. Đây là một ý nghĩa khác của việc không sát sinh mà xã hội hiện đại đang cần.

Cấp độ tiếp theo của việc không sát sinh là luôn có lòng đại bi đối với mọi chúng sinh, nếu chúng ta thường nhớ đến lời cam kết với bản thân mình là không sát sinh thì tình thương của chúng ta sẽ luôn ở đó, tồn tại thường trực ở đó thì niệm ác về sát sinh sẽ không có ơ duyên để xuất hiện. Đây không phải là lòng tốt thông thường mà là lòng tốt và lòng từ bi vĩ đại có công đức vô lượng vô biên.

Cấp độ tiếp theo nữa của việc không sát sinh là vĩnh viễn đoạn trừ mọi thói quen sân hận. Đôi khi chúng ta có tính khí nóng nảy, thích nổi giận và làm tổn thương người khác, nhưng nếu một người giữ giới không sát sinh và thường nhớ nghĩ đến việc mình đã phát nguyện không sát sinh, thường cảm thấy hoan hỷ và có lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh, thì sẽ thấy rằng lòng căm thù của bản thân sẽ giảm đi và giảm đi liên tục, sẽ trở thành một người cởi mở, vui vẻ hơn làm tăng sức mạnh tình yêu trong cuộc sống của chúng ta, tạo ra một trạng thái sống khỏe mạnh và tươi đẹp.

Ảnh minh hoạ (sưu tầm)
Ảnh minh hoạ (sưu tầm)

Không sát sinh trong Tứ bộ A hàm kinh

Lòng từ bi của Phật giáo được biểu lộ không chỉ riêng đối với tất cả nhân loại mà còn được biểu hiện qua thái độ bất hại đối với tất cả loài thú vật và thảo mộc. Với từ ngữ “Bất hại” không có nghĩa là “không va chạm”. Nó có nghĩa là “không tàn phá” và “không hủy diệt”.

Những lời dạy liên quan đến “không sát sinh” trong Tứ bộ A hàm kinh

Để hiểu thế nào là không sát sinh đầu tiên chúng ta tìm hiểu thế nào là “sát”. 殺 theo từ điển tiếng việt của viện ngôn ngữ học có nghĩa là giết. “殺生” tiếng phạn là prānātipāta nghĩa là đoạn trừ sinh mạng của con người, của chúng sinh, của tất cả loài hữu tình. Vậy nguyên thuỷ của việc sát sinh được xuất hiện trên thế gian này như thế nào?

Trong “Tăng nhất a hàm kinh” quyển 40 có viết rằng:

爾時,其有人民侵他物者,是時剎利取懲罰之。然復彼人不改其愆,故復犯之,是時剎利之主敕作刀杖,取彼人而梟其首。爾時,世間初有此殺生。[1]

Lúc bấy giờ có người xâm phạm tài sản của người khác thì Sát Lợi trừng phạt họ. Tuy nhiên, người này đã không sửa chữa lỗi lầm của mình và lại phạm tội tương tự. Lúc đó, Chúa tể Sát Lợi ra lệnh dùng kiếm và trượng bắt người và chặt đầu. Vào thời điểm đó, kiểu giết người này lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới.

Hay trong “Trường a hàm kinh” quyển 6 có viết:

世間便有王名,以正法治民,故名剎利,於是世間始有剎利名生。[2]

Tên của vị vua xuất hiện ở thế gian và cai trị dân chúng bằng pháp luật chính đáng nên được đặt tên là Sát Lợi.

Trong các kinh điển nêu trên, chúng ta thấy tư tưởng của đức Phật phù hợp với hệ thống chế độ xã hội bốn đẳng cấp ở Ấn Độ, đức Phật cho rằng sự hình thành của hệ thống xã hội bốn đẳng cấp là khởi nguồn của việc sát sinh. Qua đây ta cũng thấy rõ Phật giáo sơ khai mang đậm hương vị xã hội Ấn Độ cổ đại, điều này không khó để nhận ra tư tưởng của đức Phật cũng bị ảnh hưởng bởi nó đông thời nó còn mang ý nghĩa phê phán mạnh mẽ sâu sắc.

Sát sinh là một tội ác, tội nặng nhất trong các tội, và trong các công đức thì không sát sinh là điều kiện đầu tiên. Vì vậy, trong Quyển 13 của “Trường a hàm” kinh :

捨於刀仗,懷慚愧心,慈念一切,是為不殺[3]

Từ bỏ đao kiếm, có lòng xấu hổ, nghĩ đến mọi sự bằng niệm từ bi thì là không sát sinh.

Vô hại (tiếng Phạn ahijsā) có nghĩa là không sát hại hay làm hại bất kỳ sinh vật nào. Nó cũng là tư tưởng đạo đức luân lý cơ bản của Phật giáo và là một đặc điểm chung của tất cả các tôn giáo Ấn Độ. Giới đầu tiên trong năm giới là giới không sát sinh. Trong mười giới của Sa di hay Sa di ni thì không sát sinh cũng là giới cấm đầu tiên. Cao hơn nữa trong giới của Tỳ Kheo hay của Tỷ kheo ni thì giới sát sinh được quy định rất nghiêm ngặt trong ba la đề mộc xoa. Tất cả đều nhận định rằng tất cả chúng sinh đều có Phật tính, tất cả chúng sinh đều quý trọng sinh mạng của mình và cực kỳ tuân thủ giới không sát sinh này.

 Trong “Tăng nhất a hàm kinh” quyển 20

一者不得殺生,此名為大施。[4]

Người không sát sinh thì gọi là đại thí.

Đức Phật khen ngợi Ngũ Giới là “Ngũ đại thí”. Loại công đức lợi người lợi tha này lớn lao hơn việc bố thí thông thường và có giá trị cao hơn.

Ảnh sưu tầm
Ảnh sưu tầm

Lợi ích của việc “không sát sinh” trong Tứ bộ A hàm kinh

Người từ bỏ việc sát sinh, giữ giới và thanh tịnh thì có thể đạt được thành tựu lớn lao trong tu hành.

Trong “Trung a hàm kinh” quyển 30 có viết : 舍梨子! 云何白衣聖弟子善護行五法?白衣聖弟子者,離殺、斷殺,棄捨刀杖, 有慚有愧,有慈悲心,饒益一切乃至蜫蟲,彼於殺生淨除其心。白衣聖弟子善護行,此第一法。[5]
Tạm dịch Xá Lợi Tử! Tại sao đệ tử hàng bạch y lại hộ trì và thực hành tốt Ngũ Pháp? Người đệ tử bạch y rời xa sát sinh, đoạn trừ sát sinh, từ bỏ gươm đao, có tàm có quý, có tấm lòng từ bi, làm lợi ích cho muôn loài kể cả côn trùng và thanh lọc tâm sát sinh. Đây là pháp hộ trì thứ nhất của hàng bạch y.
Đệ tử tại gia nên giỏi hộ trì, thực hành năm pháp và đạt được tứ nguyện cao nhất. Họ nên xa rời sự sát, đoạn trừ sự sát, bỏ đao kiếm, có tàm có quý và có lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh. Khi đó sẽ không còn đọa vào địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ và những nơi ác khác, có thể đạt được quả Tu Đà Hoàn, đạt được giác ngộ viên mãn, và sẽ được giải thoát.
Ngoài ra trong “Tạp a hàm kinh” quyển thứ 32:
我從昔來,以愚癡無慧,有心殺生。⋯⋯今自悔責。雖不能令彼業不為, 且因此悔責故,於未來世,得離殺生,⋯⋯。亦得滿足正意解脫,滿足慧解脫。意解脫、慧解脫滿足已,得不謗賢聖,正見成就;正見因緣故, 得生善趣天上。[6]
Từ xưa tôi ngu dốt, ngu dốt mà không có trí tuệ, có tâm sát hại. ⋯⋯Bây giờ tôi rất hối hận, tự trách. Mặc dù không thể ngăn cản việc làm đó, nhưng nhờ sự sám hối này, trong những đời sau có thể tránh xa việc sát sinh… đạt được sự giải thoát viên mãn và đầy đủ trí tuệ giải thoát. Khi tâm giải thoát và trí tuệ giải thoát được viên mãn, thì sẽ không phỉ báng các bậc thánh hiền, và chính kiến sẽ được thành tựu. Với sự thành tựu chính kiến thì sẽ được tái sinh vào cõi trời.
Nếu có thể sám hối những ác nghiệp sát sinh do vô minh gây ra trong quá khứ thì tương lai tự nhiên sẽ tránh xa việc sát sinh. Dựa vào đó, người ta có thể thành tựu được những thiện sự, được sinh cõi lành.
Trong “Trung a hàm kinh” quyển thứ 26:
或有一沙門梵志行四行:不殺生、不教殺、不同殺,⋯⋯。彼行此四行, 樂而不進,彼以清淨天眼出過於人,見此眾生死時生時,⋯⋯往來善處及不善處⋯⋯。[7]
Có vị Sa-môn thực hành Tứ hạnh: không sát sinh, không dạy sát sinh, không đồng sát sinh,… Vị ấy thực hành tứ hạnh này thì niềm hỷ lạc cứ đến mãi, với mắt thanh tịnh vị ấy siêu vượt có thể nhìn thấy tất cả chúng sinh lúc còn sống hay đã chết, đến và đi thong dong ở những nơi thiện và bất thiện.

Thọ mạng được tăng trưởng

Trong “kinh Trung a hàm” quyển 44

若有男子女人殺生凶弊,⋯⋯無有慈心於諸眾生乃至蜫蟲,彼受此業, 作具足已,身壞命終,必至惡處,生地獄中,來生人間,壽命極短。⋯⋯ 若有男子女人離殺斷殺,棄捨刀杖,有慚有愧,有慈悲心,饒益一切乃至蜫蟲,彼受此業,作具足已,身壞命終,必昇善處,生於天中,來生人間,壽命極長。⋯⋯當知此業有如是報也。[8]

Nếu có người nam người nữ giết hại chúng sinh và làm điều xấu, không có lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh, kể cả côn trùng, khi nghiệp đến thì thân thể họ sẽ bị hủy hoại và mạng sống của họ sẽ chấm dứt, họ sẽ đến nơi xấu, đọa vào địa ngục, tái sinh vào cõi người thì tuổi thọ của họ sẽ rất ngắn ngủi. ⋯⋯ Nếu có người nam người nữ nào từ bỏ việc sát sinh, từ bỏ gươm đao, có tàm có quý và có tâm từ bi, làm lợi lạc mọi thứ cho đến côn trùng, khi thọ nhận nghiệp quả, chắc chắn sẽ được sinh lên cõi trời, và nếu được tái sinh vào cõi người thì thọ mạng sẽ rất lâu dài.⋯⋯Các ngươi nên biết nghiệp này có quả báo như vậy.

Trung a hàm kinh” quyển 15 dạy về thọ mạng như sau:

我等皆是殺生之人,今寧可共離殺、斷殺,我等應共行是善法!⋯⋯行善法已,壽便轉增,⋯⋯壽十歲人生子壽二十。比丘!壽二十歲人復作是念:⋯⋯我等應共行是善法!⋯⋯行善法已,壽便轉增,⋯⋯比丘! 壽二十歲人生子壽四十。[9]

Nếu người sát sinh sám hối và thực hành thiện pháp kiêng sát, thì tuổi thọ của người đó thay vì sẽ giảm bớt thì do nhân duyên đoạn sát này mà được chuyển hoá thành thọ mạng dài lâu.

Qua hai đoạn kinh trên có thể thấy rằng nếu chúng ta không sát sinh hoặc đoạn trừ nghiệp sát sinh thì tuổi thọ của chúng ta sẽ tăng lên và sẽ được sinh lên cõi trời. Trong thế giới con người nguyên thủy, tuổi thọ ban đầu lên tới 40.000 năm, nhưng do nghiệp sát sinh, tuổi thọ bị giảm đi nhanh chóng, như trong quyển 6 của Kinh trường a hàm ghi lại:

有兵仗已始有殺害,⋯⋯壽命短促。時,人正壽四萬歲,其後轉少,然⋯⋯ 兵仗殺害,轉更滋甚,人命轉減,壽一萬歲。[10]

Sát sinh bắt nguồn từ trong chiến tranh khiến tuổi thọ giảm dần. Ban đầu tuổi thọ của con người là 40.000 năm giảm xuống còn 10.000 năm.

Lại trong “Trường a hàm kinh” quyển 6

一萬歲時,眾生復相劫盜,⋯⋯以劫盜故,便有刀兵,以刀兵故,便有殺害,以殺害故,便有貪取、⋯⋯此三惡業展轉熾盛,⋯⋯我今時人, 乃至百歲,少出多減。[11]

Khi tuổi thọ của con người còn lại 10000 năm, chúng sinh lại bắt đầu cướp bóc lẫn nhau, nên sẽ có gươm đao, sẽ có giết chóc, cho nên ba nghiệp ác này nhân đây mà phát triển, và con người ngày nay tuổi thọ sẽ còn lại là một trăm tuổi, hoặc thậm chí ngắn hơn nhiều.

Nói về tuổi thọ của cõi Diêm phù đề thì trong “kinh Tăng nhất a hàm” quyển 43 có viết:

昔日閻浮地壽命極長,如今閻浮地人民極為短命,滅者難限。所以然者, 由殺害多故,致命極短。[12]

Xưa tuổi thọ của cõi Diêm Phù Đề rất dài, nhưng hiện nay dân chúng cõi Diêm Phù Đề có tuổi thọ rất ngắn. Nhân vì nghiệp sát hại mà khiến cho thọ mạng cực ngắn.

Trong “kinh Tăng nhất a hàm” quyển 44, đức Phật dạy:

爾時,世尊告諸比丘:「其有眾生,修行殺生,廣布殺生,種地獄罪,餓鬼、畜生行;若生人中,壽命極短;所以然者,由害他命。[13]

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: “Có những chúng sinh hành sát hại, truyền bá hành vi sát hại, phạm các tội lỗi địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh; và nếu họ được sinh vào cõi người thì tuổi thọ sẽ rất ngắn; do đó, họ sẽ làm hại mạng sống của người khác.”

Ta thấy rằng vì giết hại chúng sinh là gieo tội ác phải đoạ vào địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh, nên nếu có được tái sinh làm người thì thọ mạng của họ cũng sẽ vô cùng ngắn ngủi.

Trong “kinh Trường a hàm” quyển 6 có viết:

爾時,眾生盡懷慈心,不相殘害,於是眾生色壽轉增,其十歲者壽二十歲。二十時人復作是念:我等由少修善行,不相殘害故,⋯⋯壽命延長至八十歲 。[14]

Nếu chúng ta có lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh và không giết hại chúng, thì tuổi thọ của chúng ta sẽ tăng theo cấp số nhân từ mười năm đến tám mươi năm.

Vì vậy qua đây chúng ta biết rằng việc giữ lòng từ bi và tránh sát sinh là pháp bảo cứu mạng để thế hệ nhân loại tương lai được sống lâu hơn, thọ mạng được miên trường hơn.

Thế nào là sát sinh và không sát sinh trong tứ bộ kinh a hàm

1. Thế nào là sát sinh?

Tạp a hàm kinh quyển 37: Vị ác pháp; Vị ác ác pháp ( nghĩa là tự sát sinh, dạy người khác sát sinh); Vị phi pháp; Vị phi luật; Vị tha hành pháo

Trung a hàm kinh quyển 49: Tà nghiệp

Tạp a hàm kinh quyển 18: Vị thập bất thiện nghiệp

Trường a hàm kinh quyển 9: Vị thập thối pháp

Tăng nhất a hàm kinh quyển 7: Vị bất thiện

2. Thế nào là không sát sinh?

Tạp a hàm kinh quyển 37: Vị chân thật pháp; Vị chân thật chân thật pháp; Vị chính pháp; Vị chính luật; Vị tha hành đạo

Trung a hàm kinh quyển 49: Vị chính nghiệp

Trường a hàm kinh quyển 9: Vị thập tăng pháp

Tăng nhất a hàm kinh quyển 7: Vị thiện.

Ảnh sưu tầm
Ảnh sưu tầm

Không sát sinh vì một Việt Nam “khoẻ mạnh” hơn

Môi trường bao gồm tất cả những gì có ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của con người, bao gồm đất đai, tài nguyên thiên nhiên, động vật, thực vật… Môi trường cung cấp cho chúng ta nơi ở, nơi sản xuất đồ vật và nơi chứa chất thải của chúng ta. Môi trường là một vấn đề lớn đối với tất cả mọi người. Khí hậu đang thay đổi rất nhiều và ngày càng khó khăn hơn để sống theo cách chúng ta muốn. Bão lũ xảy ra liên miên, đất và nước của chúng ta ngày càng trở nên tồi tệ. Chúng ta cũng đang chứng kiến ​​nhiều ô nhiễm môi trường xảy ra. Môi trường là cái phát triển, và sự phát triển của con người gây ra những thay đổi về môi trường. Giữa môi trường và sự phát triển của con người có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Vậy mối liên hệ giữa giới không sát sinh và môi trường là gì?

Bảo vệ môi trường chính là những hành động giúp bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên của các cá nhân, tổ chức và Chính Phủ. Mục tiêu của nó là bảo tồn và nuôi dưỡng nguồn tài nguyên thiên nhiên có sẵn. Chính sách bảo vệ môi trường của nhà nước Việt Nam nhằm bảo vệ môi trường bao gồm rất nhiều hoạt động khác nhau như: Giữ gìn và bảo vệ sự trong sạch của thiên nhiên, cân bằng hệ sinh thái, cải thiện môi trường sống của các loại động, thực vật tự nhiên. Phòng chống, ngăn ngừa và khắc phục những hậu quả xấu của thiên tai hoặc con người gây ra. Không sát sinh góp phần trực tiếp liên quan đến việc cân bằng hệ sinh thái, cải thiện môi trường sống của các loài động thực vật. Được tóm gọn trong bốn phép toán cơ bản đó là “Nhân – Chia – Cộng – Trừ”. Thế nào là nhân, chia, cộng, trừ?

Nhân là gì? Nhân không chỉ đơn thuần là phép tính 2 nhân 2 bằng 4 nữa. Mà nhân là nhân ái, nhân từ , nhân hiếu, nhân đạo, nhân tâm, nhân hậu… thể hiện tấm lòng yêu thiên nhiên bảo vệ môi trường như chính thể bảo vệ người mẹ hiền thiên nhiên, bảo vệ chính bản thân mình. Điều này như tâm từ bi trong giới thứ nhất của con người đối với tất cả mọi loài từ hữu tình đến vô tình.

Chia là gì? Là 6 chia 2 bằng 3 hay là gì? Chia còn có nghĩa là chia sẻ, chia đều, chia đôi…là tuyên truyền, lan truyền những biện pháp, ý thức bảo vệ môi trường, những dự án của chính phủ hay của những tổ chức phi chính phủ góp phần làm cho những kế hoạch, chính sách, điều lệ, điều hay được mở rộng đến với mọi tầng lớp nhân dân. Điều này cũng như sự cộng hưởng trong việc giữ giới không sát sinh, một người giữ giới bản thân được lợi lạc gia đình được an vui , nhiều người giữ giới tập thể giữ giới thì xã hội được an bình quốc gia được hưng thịnh tổ quốc được vinh quang.

Cộng là gì? Là cộng hưởng, cộng đồng, cộng sinh, cộng tác… cộng thêm những biện pháp mới, chính sách mới hiện đại hơn thích hợp với xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là xã hội số hóa thời bấy giờ. Chúng ta cùng chung tay góp sức khắc phục những biến đổi khí hậu, thay đổi tầng ôzoon, xây dựng đập ngăn mặn giữ ngọt, trồng cây gây rừng, phân loại rác, bỏ rác đúng nơi quy định, hạn chế sử dụng túi ni lông…làm cho càng ngày có càng nhiều người từ trẻ đến già thực hiện, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất để có những ảnh hưởng tích cực nhất.

Tinh thần này cũng giống như sự ảnh hưởng của việc giữ giới, của việc đi chùa, đến chùa và sinh hoạt của cộng đồng phật tử. Trong nhà nếu có một người đi chùa, ông bà đi chùa thì sẽ dẫn theo cháu của mình đến chùa, trong nhà có người ăn chay thì cả nhà ăn chay…lần lần hạt giống yêu thương hạt giống bồ đề sẽ lần lần được gieo vào và ngày ngày được phát triển lên, làm cho những hạt giống tham lam, sợ hãi, cuồng si, u mê…bị che lấp, hướng đến hoàn thiện bản thân, đổi mới bản thân gia đình và xã hội.

Trừ là gì? Là trừ bỏ, trừ diệt, trừ hao, trừ khử… trừ đi những thói quen xấu , ý thức kém về môi trường , làm cho mất hẳn đi không còn tồn tại để gây tác động xấu được nữa. Những hoạt động của con người như Săn bắt thú quý hiếm; Khai thác rừng bừa bãi; Xả rác, chất thải bừa bài…chúng ta nên “Trừ” đi những hoạt động này mà thay vào đó nên chăm sóc, bảo vệ thú quý hiếm, có biện pháp can thiệp để phục hồi lại quần thể đó; Khai thác rừng hợp lí, bảo vệ rừng và trồng rừng; Ý thức bảo vệ môi trường, giữ vệ sinh nơi ở và nơi công cộng…

Một trong những loại khí nhà kính được sản xuất rộng rãi nhất trên thế giới là khí mêtan. Khí này giữ nhiệt trong bầu khí quyển. Như các nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết, nhà sản xuất khí mêtan lớn nhất là chăn nuôi gia súc. Theo nghĩa này, việc sản xuất các sản phẩm động vật đóng góp lớn vào khí mêtan, một loại khí nhà kính chủ yếu từ phân động vật và quá trình lên men trong ruột. Khi tiếp tục có nhu cầu về các sản phẩm thịt, những người nông dân tiếp tục tăng nguồn cung hàng hóa bằng cách nuôi nhiều động vật hơn, sát sinh nhiều hơn và do đó dẫn đến nhiều khí nhà kính hơn, nhiều vấn đề xảy ra hơn đối với môi trường. Do vậy không sát sinh là việc làm trực tiếp giảm thiểu ăn thịt, giảm thiếu khí mêtan trong bầu khí quyển.

Nhạc phẩm “Một đời người một rừng cây” của tác giả Trần Long Ẩn có viết “khi nghĩ về đời người, tôi thường nghĩ về rừng cây, khi nghĩ về rừng cây tôi thường nghĩ về đời người” nói lên mối tương quan mật thiết, gắn bó giữa con người với thiên nhiên, gắn bó giữa cuộc đời với trái đất. Đây là một bài ca về nhân cách sống, phản ánh cuộc sống chân thực và tôn vinh tinh thần đồng lòng, tương thân tương ái. Nó còn liên tưởng sâu sắc đến mối quan hệ giữa cuộc đời mỗi con người với cộng đồng, với dân tộc mình đang sống, môi trường có trong lành, sinh sôi nảy nở thì con người mới phát triển, xã hội mới thịnh vượng, Việt Nam mới “khoẻ mạnh” hơn.

Qua việc phân tích tìm hiểu về “không sát sinh” trong tứ bộ kinh a hàm ta thấy sự tương quan mật thiết với cuộc sống, với môi trường sống của chúng ta. Ta càng thêm vững lòng với những lời dạy của đức Phật qua những bài kinh đã có cách đây hàng ngàn năm, nó vẫn tồn tại và có ý nghĩa sâu sắc trong việc ứng dụng vào thực tiễn, dù là xã hội nào, thời đại nào, tôn giáo nào hay là lĩnh vực nào.

Tác giả: Tuệ Anh
Sinh viên Khóa 7 Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế


Ghi chú:

[1] CBETA, T02, no. 125, p. 737, c5-21
[2] CBETA, T01, no. 1, p. 38, c1-2、c14-15
[3] CBETA, T01, no. 1, p. 83, c14-15
[4] CBETA, T02, no. 125, p. 648, a15-16
[5] CBETA, T01, no. 26, p. 616, b10-19
[6] CBETA, T02, no. 99, p. 232, a12-19
[7] CBETA, T01, no. 26, p. 594, c11-23
[8] CBETA, T01, no. 26, p. 705, a4-16
[9] CBETA, T01, no. 26, p. 523, b14-25
[10] CBETA, T01, no. 1, p. 40, c22-27
[11] CBETA, T01, no. 1, p. 40, c27-p. 41, a11
[12] CBETA, T02, no. 125, p. 785, b19-21
[13] CBETA, T02, no. 125, p. 785, c25-27
[14] CBETA, T01, no. 1, p. 41, b11-19

Tài liệu tham khảo

Châu, H. M., & Thiên, N. (1995). Những Lời Dạy Của Ðức Phật Về Hòa Bình Và Giá Trị Con Người.
Chương, đ. t. n. phát huy vai trò nguồn lực phật giáo vì một xã hội việt nam bền vững. gia đình hòa hợp và xã hội bền vững, 241.
Dương, K. Đ., & Vũ, Q. H. (1994). Từ điển trái nghĩa-đồng nghĩa Tiếng Việt.
Lay, T. T. Xây dựng một xã hội hài hoà và bình an bằng Phật giáo.
Nam, N. H., Huê, H. T., & Nhạn, N. T. T. (2018). Cách tiếp cận thị trường trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu: Kinh nghiệm Hoa Kỳ. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Nghiên cứu Chính sách và Quản lý, 34(4), 43-50.
Nguyễn, N. Ý. (2001). Từ điển tiếng Việt thông dụng. Nhà xuất bản giáo dục.
Phê, H. (2009). Từ điển tiếng Việt. Nhà xuất bản Đà Nẵng.
Thắng, N. V., Hiệu, N. T., Thục, T., Hương, P. T. T., Lan, N. T., Thăng, V. V., ... & Sáp, K. T. V. (2010). Biến đổi khí hậu và tác động ở Việt Nam. Nhà Xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.
Thông, T. H. (2014). Phật giáo với mục tiêu phát triển bền vững về bảo vệ môi trường. trong Thích Nhật Từ và Thích Đức Thiện, chủ biên, Phật giáo góp phần bảo vệ môi trường, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr, 305-317.
《長阿含經》後秦 佛陀耶舍共竺佛念 譯,T01,no.1
《中阿含經》東晉 瞿曇僧伽提婆 譯,T01,no.26
《雜阿含經》劉宋 求那跋陀羅 譯,T02,no.99
《增壹阿含經》東晉 瞿曇僧伽提婆 譯,T02,no.125
《摩訶僧祇律》東晉 天竺三藏佛陀跋陀羅共法顯譯,T22,no.1425
《根本說一切有部毘奈耶雜事》三藏法師義淨奉 制譯,T24,no.1451
《阿毘達磨順正理論》尊者眾賢 造,唐 玄奘 譯,T29,no.1562

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Học và ứng dụng giới luật Phật giáo trong đời sống tu tập
Luật, Phật học

Phật giáo do Đức Phật sáng lập là một tổ chức gồm có ba thành phần tạo nên là Phật, Pháp và Tăng, còn gọi là Tam bảo. Trong đó, Đức Phật là bậc Thầy vĩ đại và là tấm gương cao thượng để các đệ tử học tập theo, giáo pháp là con đường...

Luận “Sa môn bất kính vương giả”
Luận, Phật học

Khi một tu sĩ không giữ mình, không có giới hạnh, lại dùng tà thuyết chiêu dụ mê hoặc, thì không còn tư cách làm thầy làm sư, thậm chí còn thấp hơn người thế tục; khi đó họ nhận nhân quả – bị phỉ báng cũng là tất yếu. “Sa môn bất kính vương...

Tư tưởng Long Thọ trùng phùng trên nẻo đường quê hương
Phật học

(TƯỞNG NIỆM ÂN SƯ THÍCH TUỆ SỸ) Thầy sinh ra và lớn lên tại thành phố Paksé, tỉnh Champasak, Lào; năm chín tuổi được phụ mẫu gửi vào ngôi chùa làng gần nhà (chùa Trang Nghiêm) hành điệu. Thiên bẩm thông minh, học đâu nhớ đó, điều này khiến cho thân mẫu lo sợ, liên...

Ý nghĩa phương tiện và cứu cánh qua phẩm Tín giải trong Kinh Pháp Hoa
Kinh, Phật học

Kinh Pháp Hoa gửi thông điệp: Ai cũng sẽ thành Phật. Các tôn giáo khác không bao giờ nói tín đồ bằng giáo chủ, đây là điểm khác biệt trong Phật giáo. Mục lục bài viếtTầm quan trọng và ý nghĩa của “không sát sinh”Không sát sinh trong Tứ bộ A hàm kinhNhững lời dạy liên...

Nghiên cứu triết lý kinh Pháp Hoa qua Phẩm Tựa
Kinh, Phật học

Sự ra đời của kinh Pháp Hoa chính là để hòa giải, thống lĩnh, điều hòa và hợp nhất các tông phái nên tạo ra nhất thừa. Mục lục bài viếtTầm quan trọng và ý nghĩa của “không sát sinh”Không sát sinh trong Tứ bộ A hàm kinhNhững lời dạy liên quan đến “không sát sinh”...

Lược Khảo Về Tư Tưởng Niệm Phật
Luận, Phật học

Tịnh Độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương; Di đà là tính sáng soi, Mựa phải nhọc nhằn tìm về Cực Lạc.[1] Mục lục bài viếtTầm quan trọng và ý nghĩa của “không sát sinh”Không sát sinh trong Tứ bộ A hàm kinhNhững lời dạy liên quan đến “không sát sinh” trong Tứ bộ A hàm...

Kinh Kiến Chánh – Thích Nguyên Hiền dịch
Kinh, Phật học

NHÂN DUYÊN DỊCH KINH KIẾN CHÁNH Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Từ lúc xuất gia, ngay cả nhiều năm được diễm phúc tiếp xúc với Đại tạng kinh, tôi vẫn chưa bao giờ nghe đến tên kinh Kiến Chánh. Năm Quý Mùi (2003), tôi may mắn được về hầu Thầy nhập thất. Một...

Đại ý Kinh Lăng Già
Kinh, Phật học

108 nghĩa đúng với thực tướng như xa rời thế gian. 39 môn phái ý kiến giải, mà tuyên truyền chính pháp. Hiểu rõ danh và tướng đều là giả trá bởi mê vọng thường ấp ủ, dựa chính trí để hiểu chân như giác ngộ lý duyên khởi mà quy chân lý màu nhiệm....

Bát Nhã Ba La Mật Đa
Kinh, Phật học

Wikipedia: Bát-nhã-ba-la-mật-đa (zh. 般若波羅蜜多, sa. prajñāpāramitā, en. perfection of wisdom/insight, de. Vollkommenheit der Weisheit/Einsicht/Erkenntnis) có nghĩa là sự toàn hảo (sa. pāramitā, en. perfection) của Bát-nhã (sa. prajñā). Cũng được gọi ngắn là Bát-nhã-ba-la-mật. Mục lục bài viếtTầm quan trọng và ý nghĩa của “không sát sinh”Không sát sinh trong Tứ bộ A hàm kinhNhững lời...

Từ nguyên và hình thức sám hối của người xuất gia
Luật, Phật học

Mục lục bài viếtTầm quan trọng và ý nghĩa của “không sát sinh”Không sát sinh trong Tứ bộ A hàm kinhNhững lời dạy liên quan đến “không sát sinh” trong Tứ bộ A hàm kinhLợi ích của việc “không sát sinh” trong Tứ bộ A hàm kinhThọ mạng được tăng trưởngKhông sát sinh vì một Việt Nam “khoẻ...

Vai trò của giới luật trong nếp sống thiền môn
Luật, Phật học

Trong tam tạng kinh điển thì luật tạng (vinaya) có một vai trò và vị trí vô cùng quan trọng trong Phật giáo. Theo thứ tự sắp xếp thông thường thì tam tạng bao giờ cũng được sắp xếp tuần tự từ kinh, luật và luận. Nhưng theo văn học Pāli, luật tạng được xếp đầu tiên sau đó đến kinh và luận. Điều này cho thấy rằng, luật tạng luôn được đặt trọng tâm trong nếp sống tu học của tứ...

Tìm hiểu Thành Thật Luận
Luận, Phật học

Mục lục bài viếtTầm quan trọng và ý nghĩa của “không sát sinh”Không sát sinh trong Tứ bộ A hàm kinhNhững lời dạy liên quan đến “không sát sinh” trong Tứ bộ A hàm kinhLợi ích của việc “không sát sinh” trong Tứ bộ A hàm kinhThọ mạng được tăng trưởngKhông sát sinh vì một Việt Nam “khoẻ...

Luận khơi dậy đức tin Đại thừa
Luận, Phật học

LUẬN KHƠI DẬY ĐỨC TIN ĐẠI THỪA Nguyên tác: Bồ-tát Mã Minh Hán dịch: Tam tạng pháp sư Chân Đế, người Tây Ấn Độ, dịch vào đời nhà Lương Việt dịch: Sa-môn Nguyên Hùng Mục lục bài viếtTầm quan trọng và ý nghĩa của “không sát sinh”Không sát sinh trong Tứ bộ A hàm kinhNhững lời dạy liên quan đến “không sát sinh”...

Nghĩ về tánh Không
Luận, Phật học

Shikantaza(1) là thực hành hay hiện thực hóa tánh Không. Mặc dù bạn có thể đã có một sự hiểu biết sơ sài nào đó về tánh Không qua tư duy, nhưng bạn nên hiểu tánh Không qua trải nghiệm của mình. Bạn có một ý tưởng về vô và một ý tưởng về hữu và bạn nghĩ rằng hữu và vô là hai ý tưởng đối lập nhau. Nhưng trong Phật giáo, cả hai đều...

Tâm Lý Học Phật Giáo
Luận, Phật học

TÂM LÝ HỌC PHẬT GIÁO Thích Chơn Thiện Mục lục bài viếtTầm quan trọng và ý nghĩa của “không sát sinh”Không sát sinh trong Tứ bộ A hàm kinhNhững lời dạy liên quan đến “không sát sinh” trong Tứ bộ A hàm kinhLợi ích của việc “không sát sinh” trong Tứ bộ A hàm kinhThọ mạng được tăng trưởngKhông sát...

Nghiệp Và Các Loại Nghiệp | U Silannanda – Khánh Hỷ dịch
Luận, Phật học

Bài giảng hôm nay nói về luật Nghiệp Báo. Nhiều người không sinh ra trong gia đình Phật Giáo, nhưng đã tìm học về Phật Giáo nhờ nghe luật Nghiệp Báo; bởi vì luật Nghiệp Báo đã giải thích cho họ thấy rõ lý do của sự bất đồng của các cá nhân trong xã hội con người, đồng thời cũng giải thích cho họ biết tại sao những người rất tốt trên cõi đời này lại...

Ads Blocker Image Powered by Code Help Pro

Đã phát hiện trình chặn quảng cáo!!!

Chúng tôi đã phát hiện thấy bạn đang sử dụng tiện ích mở rộng để chặn quảng cáo. Vui lòng hỗ trợ chúng tôi bằng cách vô hiệu hóa các trình chặn quảng cáo này.