Đi qua nhiều chốn, trụ trì ở nhiều chùa: Thiên Phúc, Đại Dương Sùng Phúc (Sủi), Sùng Phúc (Hội Xá), những cống hiến của Hòa thượng Thông Tiến với thiền môn, với nhân dân còn mãi trong tâm khảm nhân dân khắp chốn này.

Thân thế

Cố đại lão Hòa thượng Thích Thông Tiến[1] thế danh là Nguyễn Văn Tiến, tự Duy Tiến sinh giờ Ngọ, ngày 6 tháng 7 năm 1891[2]; là con thứ trong gia đình Nho học họ Nguyễn tại làng Mai Xá, xã Công Xá, huyện Nam Xương, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Năm lên 9 tuổi, ngài xin xuống tóc xuất gia tại chốn Tổ Bảo Khám – Tế Xuyên và được Đệ tam Tổ Tế Xuyên – Thích Phổ Tụ nhận làm đệ tử. Hòa thượng Phổ Tụ là bậc Luật sư bác học uyên thâm, thấy được thiên tư nơi chú tiểu nhỏ nên gửi ngài tham học cầu y ở chùa Linh Quang (chùa Bà Đá), Hà Nội với Tổ đệ tứ Thông Toàn. Khi trở về chùa Bảo Khám, Hòa thượng được sư phụ thụ giới Cụ túc rồi vâng mệnh ủy thác khai sáng chùa Đoan Bản ở Thái Bình.

Chân dung Hòa thượng Thích Thông Tiến tại Nhà Tổ, chùa Sủi
Chân dung Hòa thượng Thích Thông Tiến tại Nhà Tổ, chùa Sủi
Khoa cúng chùa Linh Quang (Bà Đá), do Hòa thượng Thích Thông Tiến chép
Khoa cúng chùa Linh Quang (Bà Đá), do Hòa thượng Thích Thông Tiến chép
Khoa cúng chùa Linh Quang (Bà Đá) do Hòa thượng chép đề: “Hậu học Thích Thông Tiến sao”
Khoa cúng chùa Linh Quang (Bà Đá) do Hòa thượng chép đề: “Hậu học Thích Thông Tiến sao”

Tiên phong trong Phong trào chấn hưng Phật giáo miền Bắc

Sinh ra trong thời loạn, ngộ đạo trong giai đoạn Mạt pháp thúc đẩy bậc tu hành như Hòa thượng Thích Thông Tiến cần phải chấn hưng đạo pháp.

Sao chép kinh sách, khắc ván, in kinh, bổ khuyết cho đại tạng nước nhà, nối dài lưu thông pháp bảo

Thông qua việc khảo cứu các tài liệu văn bản và văn bia Phú Thị – Đại Dương tự bi[3] mặt B, chúng tôi được biết Hòa thượng Thông Tiến nhiều lần vâng mệnh Hòa thượng chùa Vĩnh Nghiêm[4], đến trường Bác cổ ở Hà Nội xin phép chép tay Kinh, và Luật[5]. Lại thừa mệnh kiểm duyệt sách san khắc pháp bảo ở các chùa Vĩnh Nghiêm, Bảo Khám, Linh Quang, Liên Phái. Ở chùa Phổ Quang, Hà Nội đích thân mình tham gia san khắc pháp bảo, nguyện được lưu thông.

Đặc biệt, Tổ Thanh Hanh có hạnh nguyện bổ khuyết vào kho tàng kinh sách những bộ kinh quý nên đã liên hệ với Tổ Tế Xuyên cử 2 đệ tử của Sơn môn Bảo Khám là Thanh Tập và Thanh An tức Hòa thượng Thông Tập (Thông Tiến) và Hòa thượng Tâm An đến trường Bác cổ để sao chép. Cụ thể, trong lời dẫn Đại phương quảng Phật Hoa Nghiêm kinh Phổ Hiền hạnh nguyện phẩm bản khắc năm Khải Định thứ 9, Hòa thượng Thanh Hanh trần tình: “Ở nước Việt ta, từ xưa đã có 80 quyển chính văn của kinh Hoa Nghiêm, nhưng chưa có phẩm này. Trong những năm trước, dù đã nhiều lần tìm kiếm, nhưng chỉ có được bản sớ sao của kinh chính, còn phẩm này vẫn bị thiếu. Mỗi lần muốn tìm kiếm thêm đều không biết làm sao. Đến năm Khải Định thứ tám, nhân có sự bảo hộ của Pháp tại nước ta, trong cuộc hội văn minh lớn, việc khảo cứu và tìm kiếm các sách kinh diễn ra tại trường Bác cổ ở Hà Thành. Tôi đã thân hành kiểm tra và tìm thấy trong mục lục Tam Tạng của Đại Nhật Bản quốc, có hơn ngàn bộ, trong đó may mắn tìm được sớ sao của kinh Hoa Nghiêm và phẩm biệt hành này, đầy đủ hoàn chỉnh. Thật là quý báu, niềm vui không thể kìm nén, tôi đã báo cho Tế Xuyên Pháp Chủ để ủy thác việc sao chép lại phẩm này. Cùng với Thanh Tập và Thanh An, tôi đã cung kính xin sao chép lại phẩm này, để hoàn chỉnh ba phần của kinh, từ đó có sự thống nhất từ đầu đến cuối. Nghĩ lại, trong muôn kiếp sóng gió, những bí điển tại linh đài, thật là may mắn cho ngày hôm nay gặp được và cho lưu hành.”[6]

Những cuốn sách được Hòa thượng Thông Tiến tham gia sao chép, hưng công khắc ván, in kinh gồm: Tập 1 (quyển 1 – 4), tập 2 (quyển 5 – 9), tập 3 (quyển 10), tập 11 (quyển 52 – 53) và tập 24 (quyển 117 – 120) bộ Đại bảo tích. Đặc biệt tờ thứ 29, tập 24, quyển 120 bộ Đại bảo tích có đề “Mậu Lương tự, Thông Tập cúng ngân tam nguyên” để khắc ván, tàng bản lưu tại chùa Bà Đá. Bộ Đại phương quảng Phật Hoa Nghiêm kinh sớ sao huyền đàm (quyển 3 – 6), được Hòa thượng Thông Tiến chép từ Viện Viễn Đông Bác cổ mang lên chùa Vĩnh Nghiêm khắc ván, đây cũng là lần đầu tiên khắc ván tại Việt Nam (từ năm 1925 đến 1926 thì xong), tàng bản lưu tại chùa Vĩnh Nghiêm.

Đại bảo tích, tập 24, quyển 120, phần Pháp cúng phương danh, tờ 29 có đề “Mậu Lương tự, Thông Tập cúng ngân tam nguyên”
Đại bảo tích, tập 24, quyển 120, phần Pháp cúng phương danh, tờ 29 có đề “Mậu Lương tự, Thông Tập cúng ngân tam nguyên”
Đại phương quảng Phật Hoa Nghiêm kinh sớ sao huyền đàm do Hòa thượng Thông Tập (Thông Tiến) sao chép
Đại phương quảng Phật Hoa Nghiêm kinh sớ sao huyền đàm do Hòa thượng Thông Tập (Thông Tiến) sao chép

Tham gia Trị sự và Biên tập Tạp chí Tiếng Chuông Sớm

Cuối năm 1934, Sơn môn Linh Quang (Bà Đá) và Hồng Phúc (Hòe Nhai) đã đặt cơ sở để Tạp chí Phật học Tiếng Chuông Sớm làm cơ quan hoằng dương Phật pháp của Hội Bắc Kỳ Phật giáo Cổ Sơn Môn. Đồng sáng lập là Hòa thượng Đỗ Văn Hỷ (Linh Quang) và Hòa thượng Đinh Xuân Lạc (trụ trì chùa Trầm, Hà Đông và chùa Vũ Thạch, Hà Nội), số đầu tiên đã phát hành giữa năm 1935.

Thông qua khảo cứu Tạp chí Tiếng Chuông Sớm, chúng tôi được biết Hòa thượng Thích Thông Tiến (Nguyễn Duy Tiến), trụ trì chùa Đại Dương Phú Thị đã tham gia Trị sự và Biên tập Tạp chí. Đây được xem là Tạp chí Phật giáo đầu tiên tại miền Bắc Việt Nam, hỗ trợ đắc lực trong buổi đầu chấn hưng Phật giáo miền Bắc. Như tên gọi Tiếng Chuông Sớm, ra mắt có chút vội vàng không thể tránh khỏi những ý kiến trái chiều, nhưng sự mạnh dạn của lần đầu tiên chính là “tiếng chuông” cổ vũ cho các Tạp chí Phật giáo miền Bắc sau này.

Danh sách các nhân viên Tòa soạn và Trị sự của Tạp chí Tiếng Chuông Sớm
Danh sách các nhân viên Tòa soạn và Trị sự của Tạp chí Tiếng Chuông Sớm

Trụ trì Đại Dương Sùng Phúc tự (chùa Sủi)

Năm Canh Ngọ (1930)[7], Hòa thượng Thông Tiến phụng mệnh Hòa thượng Tổ sư[8] về trụ trì chùa Sủi. Tổ sư khi đến chốn này, nhận thấy bản ấp này là đất anh linh, do đó đã bái cúng tiền và cử đệ tử của mình là Hòa thượng Thông Tiến về đây trụ trì. Chùa có tên chữ là Đại Dương Sùng Phúc tự (大揚崇福寺), tọa lạc tại đất làng Sủi, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Chữ Sủi là cách đọc ngắn gọn tên trang Thổ Lỗi[9] (土磊).

Tại đây, ngày 8 tháng 4 năm Tân Mùi (1931), Hòa thượng cho đúc tạo một tòa tượng Cửu Long bằng đồng, có thếp vàng; lại đúc bốn quả chuông đồng, một quả để phụng thờ tại Tam Bảo, một quả cúng bên Nhà Từ[10] (chữ theo văn bia), một quả cúng ở đình, một quả cúng ở điện, tổng 4 quả chuông hết một nghìn hai trăm đồng.

Tới năm Nhâm Thân (1932), Hòa thượng cho xây thêm bốn mặt tường xung quanh chùa, phát quang lại lũy tre bên ngoài chùa, lại san lấp khai phá đất hoang làm thành ruộng ở bên dưới. Sau đó ngài làm hai tấm biển, một đôi câu đối thờ tại Nhà Từ và một tấm biển, một đôi câu đối thờ tại đình.

Đôi câu đối tại Nhà Từ:

Nguyên văn chữ Hán:

“演派聯方脉引大揚彰祖教,
雲門列燭覺華崇福欝心宗。”[11]

Phiên âm:

“Diễn phái liên phương mạch dẫn Đại Dương chương Tổ giáo,
Vân Môn liệt chúc giác hoa Sùng Phúc uất tâm tông.”

Dịch nghĩa:

“Pháp mạch diễn biến của Tổ tới chùa Đại Dương thì khởi sáng,
Tông Vân Môn các đệ tử kế nối xum xuê tỏa sáng như những bó đuốc.”

Tấm biển được thờ tại đình là bản phụng án về Ỷ Lan phu nhân, đoạn cuối đề lạc khoản:

“Cử nhân Hoàng Thúc Hội, hiệu Yên Sơn bái đề. Mùa thu năm Nhâm Thân, niên hiệu Bảo Đại (1932), trụ trì bản tự là Nguyễn Duy Tiến kính chép và khắc.”

Năm Quý Dậu (1933), Hòa thượng kiểm kê lại ruộng hương hỏa của chùa cùng ruộng mới mua, cho khai phá đất hoang thành ruộng, tổng cộng được bao nhiêu mẫu, bao nhiêu sào, tại xứ đồng nào thảy số lượng bao nhiêu rồi kính khắc vào bia đá để lưu truyền lâu dài cho đời sau. Người sau nối dòng trụ trì, có thể tự biết mà truy tìm về lai nguyên, đời nối đời trao truyền vĩnh viễn. Tiết thứ chỉnh biện hưng công gây dựng từng việc đều đưa lên ghi chép.

Mặt A của Phú Thị – Đại Dương tự bi, Cử nhân Hoàng Thúc Hội cũng đã viết lời tâm sự, cảm nghĩ về Hòa thượng trụ trì chùa Sủi – Hòa thượng Thích Thông Tiến như sau:

“Khoảng vài dặm về phía Bắc sông Hồng có một ngôi chùa cổ là Đại Dương – Phú Thị. Người thầy chùa có tên là Tiến là chỗ giao du với tôi. Thời gian gần đây ngài bận rộn về việc viết sách và kiểm duyệt[12], việc ấy thực đủ có công đức lớn với điển tịch nhà thiền…

…Vào dịp mùa Đông có vị khách đến thăm tôi và có lời rằng: “Từ năm Canh Ngọ, bản ấp có thỉnh mời Tăng về chùa trụ trì. Hết thảy những trao đổi hỏi đáp, lựa chọn lần lượt theo thứ tự xin tạc vào đá, chẳng dám tự ý sắp bày, để lưu truyền cho đời sau, có tư liệu mà khảo cứu vậy”. Rồi đốc thúc tôi đến thăm chùa, ý muốn đích thân quan sát vậy. Tôi lên đường đến nơi và đi quanh thăm chùa…

…Nay ngài Tiến trụ trì ở đây. Có thể kế nối được uy phong nức tiếng, tích nghiệp lớn lao ấy chăng? Rằng, chưa biết được. Nhưng lấy hiện tượng mà xét những việc ngài ấy làm, cũng đủ để làm làm rạng rỡ cái đẹp ấy cho đương thời và mai sau vậy…

…Người kia[13] đoạn lục căn[14], tịnh lục trần[15], răn trừng tham, sân, si[16]; dứt tuyệt tà dâm – sát sinh – trộm cắp, thân thanh tịnh, miệng ăn chay, ấy là chay miệng ăn, tịnh bụng đói để dứt trừ phẩm vật, là tùy duyên hỷ xả.”[17]

Buổi giao thời của đất nước, văn hóa Âu châu du nhập có những tác động lớn đối với Phật giáo và Nho giáo trong nước. Trong buổi nhiễu nhương ấy, vị Cử nhân không khỏi đặt một câu thán điều gì là trân quý! Và hình ảnh một bậc thạc đức tu hành bận rộn với việc chép sách, khắc ván, in kinh phụng sự pháp bảo chấn hưng Phật giáo, xiển dương đạo pháp là câu trả lời về sự chân quý đó.

Năm 1960, Hòa thượng cùng với đệ tử của mình là Hòa thượng Thích Thanh Bích về Tổ đình Hội Xá (chùa Sùng Phúc), nay ở xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội. Vẹn ba thập kỷ gắn bó với chùa Sủi, quản đường hương hỏa, ruộng nương, trùng tu chùa, phát tâm Bồ đề nấu cháo cứu đói cho nhân dân; hình ảnh về vị trụ trì tên Tiến cho đến giờ vẫn còn mãi trong ký ức của những người dân Phú Thị.

Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam

Tháng 3/1958, Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam thành lập, là sự hợp nhất của 4 tổ chức Phật giáo: Hội Phật giáo Cứu Quốc Bắc bộ, Hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Tăng già Bắc Việt và Hội Phật tử Việt Nam. Với mục đích hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh, phụng sự Tổ quốc và bảo vệ hòa bình.[18]

Hòa Thượng Thích Thông Tiến đã giữ chức vụ Ủy viên Ban Chứng minh đạo sư khóa III, IV Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam. Ban Chứng minh đạo sư nhận định vấn đề cơ bản của đạo là công việc hoằng dương Phật pháp, chính vì vậy, Hội coi trọng việc giúp đỡ Tăng, Ni và cư sĩ nâng cao trình độ Phật học. Ngay cả trong điều kiện chiến tranh, trường Tu học Phật pháp chỉ mở được hai khóa thì hai khóa này đều đã đạt được thành tựu viên mãn. Từ Trung ương đến địa phương, hằng năm đã mở khóa tu học Xuân – Hè an cư kiết hạ hoặc Thu – Đông tham thiền học đạo. Những cuộc giảng kinh thuyết pháp được tổ chức thường xuyên. Để hoằng đạo lâu dài, Ban Chứng minh đạo sư đồng ý lập quỹ bảo trợ Phật học để giúp cho các trường Phật học lâu dài.[19]

Dựa vào nội dung của trường Tu học Phật pháp, Hội đã hướng dẫn khóa Hạ ở địa phương, giúp đỡ các vị Tăng, Ni, cư sĩ năm vững những vấn đề cơ bản của đạo. Căn cứ vào mục đích và phương pháp hành đạo của đạo, Hội hướng dẫn các hoạt động tôn giáo của Tăng, Ni và đạo hữu đi đúng hướng, phục vụ tốt hơn mục đích của đạo và uốn nắn những hoạt động không phù hợp. Quan tâm chăm sóc đời sống của Tăng, Ni; nêu cao tinh thần vô ngã vị tha, thực hiện ý nghĩa lục hòa, lục độ, giúp đỡ lẫn nhau.[20]

Những đóng góp của cố đại lão Hòa thượng Thích Thông Tiến cùng các thành viên Ban Chứng minh đạo sư Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam đã giúp xiển dương đạo pháp, Phật pháp xương minh, chính pháp trường tồn, lợi lạc đến quần sinh; là nền tảng vững chắc để đến năm 1981, Phật giáo Việt Nam hoàn thống nhất cùng đứng trong một mái nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Đi qua nhiều chốn, trụ trì ở nhiều chùa: Thiên Phúc, Đại Dương Sùng Phúc (Sủi), Sùng Phúc (Hội Xá), những cống hiến của Hòa thượng Thông Tiến với thiền môn, với nhân dân còn mãi trong tâm khảm nhân dân khắp chốn này. Cuộc đời vô thường, ngài đã rời cõi tạm về chốn Niết bàn, an nhiên thị tịch giờ Dậu, ngày 14 tháng 5 năm Bính Thìn (1976).[21] Xá lợi của ngài được an nhập vào tháp Hòa Bình tại chùa Hội Xá, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Tác giả: Thủy Nguyễn
Trung tâm Bảo tồn Di sản Phật giáo


Tài liệu tham khảo

1. Chương trình Phật sự Thủ đô, “Tự Viện: Chùa Hội Xá - Nơi phát tích của các bậc danh Tăng đất Bắc”, phát sóng ngày 30/08/2024.
2. Đại bảo tích, tập 1, 2, 3, 11, 24.
3. Đại phương quảng Phật Hoa Nghiêm sớ sao huyền đàm, quyển  3 - 6.
4. Đặc san Phật giáo, Đại hội đại biểu lần thứ III Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, in tại nhà in CTHD Bắc Hà, tháng 10/1964.
5. Gia phả họ Nguyễn, lưu trữ tại nhà ông Nguyễn Văn Dùng trưởng dòng họ Nguyễn Văn tại Mai Xá, Đồng Lý, Lý Nhân, Hà Nam.
6. Khoa cúng Lịch đại Tổ sư chùa Bà Đá.
7. Khoa cúng Lịch đại Tổ sư chùa Thiên Phúc.
8. Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,... (1993), Đại Việt sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản, Mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), Nxb Khoa học xã hội.
9. Phú Thị - Đại Dương tự bi, dựng chính giữa phía trước tòa Tam Bảo chùa Đại Dương Sùng Phúc tự (chùa Sủi), xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội
10. Tài liệu Đại hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam lần thứ IV, tháng 4/1972, in tại nhà in Việt Hoa.
11. Tài liệu Tổ sư - Danh Tăng Sơn môn Tế Xuyên Bảo Khám, lưu trữ tại Tổ đình Bảo Khám, Tế Xuyên.
12. Tạp chí Tiếng Chuông Sớm, tập 2, Thư Viện Huệ Quang.
13. Thủy Nguyễn, “Hòa Thượng Tâm An phụng sự Đạo pháp và Dân tộc”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học online, 19/10/2024, truy cập ngày 30/10/2024.
14. Trần Quốc Vượng (2005), Việt sử lược, Nxb Thuận Hóa.

Chú thích:

[1] Về pháp danh của Hòa thượng, qua khảo cứu tài liệu chúng tôi tìm được hai pháp danh là Thanh Tập, Thông Tập, căn cứ vào tài liệu Tổ sư – Danh Tăng sơn môn Bảo Khám lưu tại Tổ đình Bảo Khám, Tế Xuyên và khoa cúng Lịch đại Tổ sư chùa Thiên Phúc để khẳng định hai pháp danh trên đều là của Hòa thượng Thích Thông Tiến.

[2] Nhiều tài liệu chép Hòa thượng sinh năm 1889, tuy nhiên chúng tôi căn cứ vào cuốn Gia phả họ Nguyễn,  lưu trữ tại nhà ông Nguyễn Văn Dùng trưởng dòng họ Nguyễn Văn tại Mai Xá, viết về thân thế Hòa thượng như sau: “Sinh triều Nguyễn vua Thành Thái thứ 3, năm Tân Mão (1891), ngày 06 tháng 7, giờ Ngọ.”

[3] Phú Thị – Đại Dương tự bi  là văn bia bốn mặt, dựng chính giữa phía trước tòa Tam Bảo chùa Đại Dương Sùng Phúc tự (chùa Sủi), xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Khắc bia bởi tăng trụ trì bản tự Nguyễn Duy Tiến. Kích thước: Mặt trước = Mặt sau = 120 x 227 (cm). Người soạn văn bia: Cử nhân Hoàng Thúc Hội, hiệu Cúc Hương, xã An Quyết, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Niên đại ghi trên văn bia năm Quý Dậu niên hiệu Bảo Đại thứ 8 (tức Dương lịch năm 1933).

[4] Tức Hòa thượng Thích Thanh Hanh.

[5] Ở Việt Nam, kinh điển Phật học giai đoạn này còn khuyết nhiều bộ, Hòa thượng Thanh Hanh (Tổ Vĩnh Nghiêm) và Hòa thượng Phổ Tụ (Tổ Tế Xuyên) đã xin Viện Viễn Đông Bác cổ cho các đệ tử của mình trong đó có Hòa thượng Thông Tiến đến sao chép kinh sách để bổ khuyết cho tàng thư Phật học trong các Sơn môn. Đại Chính tân tu đại tạng kinh được vua Đại Chính  (1897 – 1926) của Nhật Bản tu bổ, hiệu đính lại các kinh điển Phật giáo trong 10 năm từ năm 1924 đến 1934. Đây được xem là bộ kinh hoàn chỉnh nhất lúc bấy giờ và người Pháp đã mua về lưu trữ tại Viện Viễn Đông Bác cổ.

[6] Thủy Nguyễn, “Hòa Thượng Tâm An phụng sự Đạo pháp và Dân tộc”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học online, 19/10/2024, truy cập ngày 30/10/2024.

[7] Theo Phú Thị – Đại Dương tự bi, chữ được Cử nhân Hoàng Thúc Hội viết, Tăng trụ trì Nguyễn Duy Tiến khắc bia, đặt trước tòa Tam Bảo chùa Sủi: “自歲庚午,本邑請僧卓錫本寺,凡所應辦以次第舉請碑之, 非敢自敘也. 傳諸後以資考擷耳.”

[8] Đệ tam Tổ Phổ Tụ.

[9] Căn cứ theo Việt sử lược và Đại Việt sử ký toàn thư, xét thấy trong loạn 12 sứ quân đã xuất hiện tên gọi là Thổ Lỗi 土 磊, đến năm 1068, vua Lý Thánh Tông cho đổi hương Thổ Lỗi thành hương Siêu Loại 超 類 鄉, năm 1116 đổi làm huyện Siêu Loại. Thời thuộc Minh, huyện Siêu Loại thuộc phủ Bắc Giang. Năm 1466 đời vua Lê Thánh Tông đặt thuộc phủ Thuận An, thời Nguyễn thuộc tỉnh Bắc Ninh. Địa phận Siêu Loại ngày nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội, và huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

[10] Nhà Từ được nói đến ở đây là Nhà Tổ của chùa.

[11] Theo Thượng tọa Thích Thanh Phương – trụ trì chùa Sủi, đây là đôi câu đối được Hòa thượng Thích Thông Tiến đề chữ.

[12] Việc kiểm duyệt viết sách của thầy trụ trì tên Tiến ở đây là ngài đang cùng với chùa Vĩnh Nghiêm và Sơn môn Bà Đá thực hiện việc kiểm duyệt khắc ván một số bộ kinh Phật.

[13] Chỉ Hòa thượng Duy Tiến.

[14] Lục căn theo ngôn ngữ nhà Phật gồm: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.

[15] Lục trần là sáu đối tượng của lục căn: sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần, pháp trần.

[16] Nhà Phật gọi tham lam, sân hận, si mê là ba thứ độc.

[17] Phú Thị – Đại Dương tự bi, Tlđd.

[18] Đây là tôn chỉ, mục đích của Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam qua các kỳ Đại hội, trích từ Báo cáo đại hội khóa IV: “Mục đích của đạo ta là cứu nhân độ thế, lợi lạc quần sinh. Phương pháp hành đạo là kết hợp chặt chẽ giữa hoằng dương Phật pháp với lợi lạc quần sinh.”

[19] “Báo cáo của Ban Thường trực Trung ương Hội”, Tài liệu Đại hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam lần thứ IV, tháng 4/1972, tr. 18.

[20] “Báo cáo của Ban Thường trực Trung ương Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam tại hội nghị lần thứ III của Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam”, Đặc san Phật giáo Đại hội Đại biểu lần thứ III Hội Phật giáo Thống Nhất Việt Nam, 1964, tr. 18.

[21] Nhiều nghi vấn xung quanh việc Hòa thượng mất năm 1976 hay 1986, ở đây chúng tôi căn cứ vào tài liệu Tổ sư – Danh Tăng sơn môn Bảo Khám lưu tại Tổ đình Bảo Khám, Tế Xuyên và Gia phả họ Nguyễn tại Mai Xá để khẳng định Hòa thượng mất năm 1976.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Đại Trưởng lão Hộ Tông (1893 -1981) – Sơ tổ Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam
Danh Tăng

Trước khi thị tịch, Ngài rất trầm tĩnh sáng suốt, giảng giải cặn kẽ về thiền an-ban sổ tức cho hàng đệ tử, và nhắc lại lời Đức Phật: “An trú hơi thở là an trú của các bậc Thánh”, rồi Ngài trút hơi thở cuối cùng với một nụ cười điểm trên nét mặt...

Tiểu sử Trưởng lão Hòa thượng Thích Chánh Trực (1931-1995)
Danh Tăng

Hòa thượng Thích Chánh Trực là một trong những vị giáo phẩm lãnh đạo Phật giáo qua các thời kỳ, trung kiên với lý tưởng phụng sự Đạo pháp và Dân tộc, thiết thân với chư huynh đệ trong đạo tình pháp quyến, lân mẫn và gắn bó với tín đồ ở các hoàn cảnh...

Hòa Thượng Thích Thanh Kiểm (1921-2000)
Danh Tăng

Hoà thượng Thích Thanh Kiểm, tên thật là Vũ Văn Khang, sinh ngày 23 tháng 12 năm 1921 tại làng Tiêu Bảng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định Ngài xuất gia từ năm 15 tuổi và đã có nhiều đóng góp quan trọng cho Phật giáo Việt Nam. Ngài viên tịch vào ngày 30 tháng...

Tiểu sử Hòa thượng Thích Bửu Huệ (1914-1991)
Danh Tăng

Hòa thượng pháp danh thượng Tâm hạ Ba, tự Nhựt Quang, hiệu Bửu Huệ thuộc đời 41 dòng Lâm Tế và đời 43 thuộc phái Thiên Thai, Phó Viện trưởng Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm, Phó Tổng lý tổ đình Ấn Quang, Viện chủ chùa Huệ Nghiêm. Thân thế Hòa thượng pháp danh thượng...

9 Đại Cao Tăng Lừng Danh Trong Lịch Sử Thái Lan
Danh Tăng

9 Vị thánh tăng nỗi danh nhất trong lịch sử phật học của Thái giai đoạn năm 1582 – 1981 Các thầy có thể coi là sư tổ của các sư thầy ngày nay có 1 tầm ảnh hưỡng rất lớn trong giáo hội phật giáo Nam Tông Thái Lan những người có phật pháp...

Tiểu sử Hòa thượng Thích Giải Quảng
Danh Tăng

Tiểu Sử Hòa Thượng THÍCH NHƯ NGHĨA tự GIẢI QUẢNG Khai Sơn: Chùa Quảng Hiệp, Xã Tân Hiệp, Huyện Long Thành, Tỉnh Đồng Nai, và Chùa Quảng Phước, xã Phước Thái, Huyện Long Thành, Tỉnh Đồng Nai. Hòa Thượng Thích Giải Quảng, thế danh Trương Đình Ân, sinh ngày 27 tháng 1 năm 1944 ( nhằm...

Bậc Thầy của những vị Thầy
Danh Tăng, Tuỳ bút, Văn học

Cách đây hơn hai mươi năm, vào khoảng cuối thiên niên kỷ trước, tôi có dịp gặp và trò chuyện với thầy Tuệ Sỹ lần đầu tiên. Tôi cùng đi với Đỗ Quốc Bảo, đến thăm thầy khi ấy đang ở trên một căn gác trong khuôn viên chùa Quảng Hương Già Lam. Lúc ấy thầy...

Những câu nói hay của Hòa thượng Thích Chơn Thiện
Danh Tăng

Trưởng lão Hòa thượng Thích Chơn Thiện, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Huế, viên tịch ngày 8-11-2016 (9-10-Bính Thân) tại tổ đình Tường Vân (Thừa Thiên Huế).

Tiểu sử Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh (1936-2024)
Danh Tăng

Trưởng lão Hòa thượng đã cống hiến trọn đời mình cho Đạo pháp và Dân tộc, ngài đã đóng góp nhiều công đức trong sự phát triển, ổn định của Phật giáo TP.Hồ Chí Minh. Là bậc Tông trưởng của Thiền Tịnh đạo tràng, ngài là bậc đống lương, nương tựa của tứ chúng, góp...

Hòa thượng Tâm An phụng sự Đạo pháp và Dân tộc
Danh Tăng, Lịch sử, Nghiên cứu

Từ những buổi đầu Phật giáo suy vi, dân tộc chịu ách thống trị của thực dân Pháp, ngài tham gia cuộc chấn hưng Phật giáo Bắc Kỳ. Khi có Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, ngài tích cực tham gia phong trào Phật giáo Cứu Quốc. Dẫn nhập Phật...

Hòa Thượng Thích Viên Mãn (1922 – 2001) khai sơn chùa Kỳ Viên Quảng Nam
Danh Tăng

Hòa thượng thế danh Nguyễn Thanh Tịnh, pháp húy Tâm Trì, tự Chánh Không, hiệu Viên Mãn, sinh năm Nhâm Tuất (1922), trong một gia đình trung nông có truyền thống mộ đạo, nơi miền quê yên tỉnh thuộc thôn Dạ Lê, ngoại vi cố đô Huế. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Thanh Bòng...

Hòa Thượng Thích Viên Quang – Vĩnh Thừa (Chùa Châu Lâm – Huế)
Danh Tăng

Hòa Thượng thế danh Nguyễn Hữu Ký, sinh ngày 20 tháng 11 năm Ất Dậu niên hiệu Thành Thái (1895), nguyên quán làng Đa Nghi, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị nhưng sinh trưởng tại làng Lang Xá Bàu, xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thân phụ là cụ ông Nguyễn...

Tiểu sử Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Đàm (1924-2022) – Phó Pháp chủ GHPGVN
Danh Tăng

Cả cuộc đời của ngài sống hết mình, bình dân, giản dị, hòa nhã, nhẫn nhục, tuy rất nghiêm khắc với bản thân nhưng đối với tứ chúng lại khiêm cung hòa nhã và thường dạy các đệ tử noi gương Tổ Bách Trượng “ngày không làm thời cũng không ăn”. Phó pháp chủ Hội...

Trưởng lão Giác Chánh – Đệ nhị Tổ sư Phật giáo Khất Sĩ: Một đời nghiêm trì giới luật
Danh Tăng

Trưởng lão Giác Chánh là một trong những cao đồ của đức Tổ sư Minh Đăng Quang – người khai sáng Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam. Trước khi vắng bóng, đức Tôn sư đã phó chúc cho Tỳ kheo Giác Chánh là người kế thừa trách nhiệm điều hành Tăng đoàn Khất Sĩ. Bởi thế về...

Tiểu sử Hòa thượng Thích Huệ Trí (1952-2024)
Danh Tăng

Hòa thượng Thích Huệ Trí (1952-2024) Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN; Phó Trưởng ban Ban Tăng sự Trung ương; Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; Nguyên Phó Chánh Văn phòng 2 Trung ương GHPGVN; Nguyên Trưởng ban Ban Pháp chế Trung ương; Nguyên Trưởng ban Ban Trị sự...

Sơ lược tiểu sử Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh, Pháp chủ Giáo hội Tăng-già Nam Việt
Danh Tăng

Mục lục bài viếtThân thếTiên phong trong Phong trào chấn hưng Phật giáo miền BắcTham gia Trị sự và Biên tập Tạp chí Tiếng Chuông SớmTrụ trì Đại Dương Sùng Phúc tự (chùa Sủi)Hội Phật giáo Thống nhất Việt NamThời niên thiếu Đại lão Hòa thượng thượng Đạt hạ Thanh, pháp danh Như Thông, thế danh Võ Minh Thông,...

Ads Blocker Image Powered by Code Help Pro

Đã phát hiện trình chặn quảng cáo!!!

Chúng tôi đã phát hiện thấy bạn đang sử dụng tiện ích mở rộng để chặn quảng cáo. Vui lòng hỗ trợ chúng tôi bằng cách vô hiệu hóa các trình chặn quảng cáo này.