Trước khi thị tịch, Ngài rất trầm tĩnh sáng suốt, giảng giải cặn kẽ về thiền an-ban sổ tức cho hàng đệ tử, và nhắc lại lời Đức Phật: “An trú hơi thở là an trú của các bậc Thánh”, rồi Ngài trút hơi thở cuối cùng với một nụ cười điểm trên nét mặt bình an tươi tỉnh.
Đại Trưởng Lão Hộ Tông, thế danh Lê Văn Giảng, con cụ ông Lê Văn Nhu và cụ bà Đinh Thị Giêng, sinh năm 1893 tại làng Tân An, huyện Tân Châu, tỉnh Châu Đốc.
Ngài trưởng thành và lập nghiệp tại xứ Campuchia. Mặc dù là một công chức uy tín, một bác sĩ tài năng mà đường công danh đang mở ra rạng rỡ, nhưng dường như vốn có túc duyên với Đạo nên Ngài thấy công danh chỉ là ảo ảnh, hạnh phúc chẳng khác mây sương, Ngài thường tự nhủ:
“Đường thế mịt mù trăm năm đầy tội
Cửa thiền thanh tịnh muôn kiếp nên duyên”.
Đến năm 32 tuổi, nhờ có những linh thị nhiệm mầu thức tỉnh, Ngài quyết thoát ly những cám dỗ trần tục và phát tâm tìm đạo.
Nhưng thấy ra ảo ảnh cõi trần là một việc, còn tìm ra được con đường chân chánh để thoát ly cuộc đời mộng huyễn là một việc hoàn toàn khác. Ngài đã thử qua nhiều pháp môn tu tập như niệm kinh, trì chú, ăn chay, nhịn đói, luyện đơn, khổ hạnh,… với tất cả nỗ lực chuyên cần của một người cư sĩ tại gia, nhưng Ngài sớm nhận ra rằng đó cũng chỉ là ảo ảnh như chính ảo ảnh cuộc đời mà trước đây Ngài đã thấy.
May sẵn có căn duyên cụ túc, tâm đạo chuyên trì, ý chí kiên định, Ngài đã vượt qua mọi thử thách cam go trên đường tìm đạo, cuối cùng Ngài đã gõ đúng cửa chánh pháp. Một vị chơn sư đã chỉ bày cho Ngài Phật Giáo Nguyên Thủy. Như được uống nước tận nguồn, tâm tánh mở khai, trí tuệ thông suốt, Ngài đã liễu ngộ được Bốn Sự Thật. Con đường Bát Chánh Đạo mở ra trước mắt như một thông lộ giải thoát tuyệt vời. Từ đó, Ngài chuyên tâm thực hành hạnh bố thí, trì giới, tham thiền.
Ngài cúng dường đến hàng ngàn Tăng chúng, xây dựng trường Phật học, trùng tu chùa, tháp, Tăng đường, tạo lập liêu, thất, tịnh xá trong rừng sâu cho các vị thọ hạnh đầu đà chuyên tu thiền quán. Và chính Ngài, mặc dù còn là một cư sĩ tại gia, có gia đình với 6 người con, đã nổi tiếng về phương diện hành thiền.
Gặp được chánh pháp, Ngài phấn khởi khuyến khích bạn bè thân hữu cùng nhau tu tập. Ngài lập chùa Sùng Phước tại Campuchia để hướng dẫn Việt kiều thọ Bát Quan Trai Giới. Bấy giờ, chư Tăng và thiện tín gọi Ngài là A-cha Giảng với lòng mến mộ biết ơn. Chùa dần dần có đông chư Tăng và thiện tín. Ngài bắt đầu dịch kinh sách ra tiếng Việt, trong đó có Kinh Nhựt Hành cư sĩ, Kinh Tụng Chư Tăng và bộ Luật Xuất Gia là những dịch phẩm đầu tiền vô cùng quý giá.
Khoảng thập niên 1930, Ngài và một số đạo hữu uyên thâm đạo lý như cụ Nguyễn Văn Hiếu thường về Sài Gòn thuyết giảng, nhờ thế đã quy tụ đông đảo Phật tử hướng về giáo lý uyên nguyên của Đức Phật. Một ngôi chùa Phật Giáo Nguyên Thủy đầu tiên tại Việt Nam đã được thành lập năm 1938 tại Gò Dưa, Thủ Đức, đó là Tổ Đình Bửu Quang ngày nay.
Cũng trong năm đó, nhận thấy đã đến lúc không còn thích hợp với đời sống tại gia mà Đức Phật gọi là “dễ lấm bụi trần”, Ngài đã quyết chí xuất gia, chọn đời sống “không gia đình trắng bạch như vỏ ốc” để có thể chuyên tâm thiền quán. Rằm tháng 10 năm 1941, Ngài đã thọ đại giới với Đức Vua Sãi Chun Nat tại Campuchia.
Đức Vua Sãi nhận ra người đệ tử mới xuất gia của mình là bậc pháp khí có thể lãnh trọng trách Như Lai sứ giả, nên không ngần ngại giao phó cho Ngài sứ mạng truyền trao Chánh Pháp Nguyên Thủy về xứ Việt Nam, và chính tại chùa Bửu Quang, Ngài đã khai pháp hội đầu tiên để thắp lên ngọn đuốc chân lý rọi soi vào lòng người dân Việt.
Được thấm nhuần pháp vũ, chẳng bao lâu sau khi Ngài về nước mở đạo, chư Tăng và tín đồ Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam ngày càng hưng thịnh. Năm 1958, Ngài cùng với Hòa thượng Thiện Luật, Hòa thượng Bửu Chơn, Hòa thượng Tịnh Sự, Pháp sư Thông Kham và nhiều vị cao Tăng tài đức khác đã đứng ra thành lập Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam. Ngài được tôn cử chức vụ Tăng Thống đầu tiên của Ban Chưởng Quản Giáo Hội.
Chánh Pháp đã được lan truyền, nhiều ngôi chùa và tịnh xá đã được xây dựng, Ngài cùng với chư tôn Hòa thượng được sự ủng hộ của đông đảo tín đồ, nhất là cụ Nguyễn Văn Hiếu, đã thành lập các chùa như Kỳ Viên, Bàn Cờ năm 1947; Giác Quang, Chợ Lớn 1950; Tam Bảo, Đà Nẵng 1953; Pháp Quang, Gia Định và Bửu Long, Thủ Đức 1958; Tăng Quang, Huế 1959; Định Quang, Phi Nôm 1963; Bồ Đề, Vũng Tàu 1969; Nguyên Thủy, Cát Lái 1970.
Đến năm 80 tuổi, Ngài vẫn được chư Tăng thỉnh cầu đảm nhiệm chức vụ Tăng Thống hai nhiệm kỳ từ năm 1971 đến năm 1974, Ngài đã giữ vững con thuyền Giáo Hội giữa cơn phong ba bão táp của thời cuộc lúc bấy giờ.
Cũng nên nhấn mạnh rằng việc du nhập Phật Giáo Nguyên Thủy vào Việt Nam là một công đức to lớn, bởi vì:
– Về phương diện tín ngưỡng, Phật Giáo Nguyên Thủy đã mở ra một chân trời mới trong tư tưởng Phật học Việt Nam.
– Về phương diện văn hóa, Phật Giáo Nguyên Thủy đã đóng góp cho nước nhà kho tàng trí tuệ của một vị Phật lịch sử.
Nhưng truyền bá Phật Giáo Nguyên Thủy tại Việt Nam ngay từ đầu đã gặp phải những trở ngại lớn lao:
– Sự chống đối mãnh liệt của các hệ phái Phật Giáo cổ truyền ảnh hưởng màu sắc Trung Hoa.
– Thời kỳ chiến tranh nóng bỏng tại Đông Dương từ năm 1945.
– Tình trạng chia cắt đất nước năm 1954 đã giới hạn con đường hoằng pháp.
– Chính sách kỳ thị tôn giáo dưới thời Ngô Đình Diệm.
Kiên trì vượt qua những trở ngại như thế đòi hỏi phải có một hạnh nguyện xả kỷ độ sinh, một lòng từ bi vô ngại, một trí tuệ thâm uyên và một tâm hồn đại hùng đại lực của vị Bồ tát như Ngài đã phát nguyện.
Nhưng “Công thành thân thoái” là hành xử của bậc thiện trí. Hơn nữa Ngài đã thấy “Thiên địa bỉ” thì “Hiền nhân ẩn” nên sau 80 tuổi Ngài lui về ẩn cư tại chùa Bửu Long, ngôi chùa do chính Ngài lập ra và cũng tại đây Ngài đã để lại biết bao kỷ niệm cuối cùng trước khi viên tịch.
Một tuần trước khi ra đi, hằng đêm Ngài thấy chư thiên hào quang chiếu sáng chung quanh cốc, Ngài nói với các đệ tử: “Ta sắp ra đi, và đang cảm thấy thanh thoát lạ thường. Lẽ đời có sinh có diệt, các con nhớ tinh tấn tu hành.” Biết trước giờ tịch diệt, sau khi sắp đặt mọi Phật sự cho Tăng chúng và Ni chúng trong chùa, Ngài viết di chúc gởi Giáo Hội để chọn người thừa kế, đồng thời Ngài cúng dường tứ sự đến chư Tăng tại 33 ngôi chùa Phật Giáo Nguyên Thủy, tổ chức trai Tăng, để bát, thuyết pháp 7 ngày tại Bồ đề Phật cảnh,… cho đến lúc 16 giờ 45 phút ngày 26 tháng 7 năm Tân Dậu (nhằm thứ ba, ngày 25 tháng 8 năm 1981), Ngài đã an nhiên thị tịch, hưởng thọ 88 tuổi.
Trước khi thị tịch, Ngài rất trầm tĩnh sáng suốt, giảng giải cặn kẽ về thiền an-ban sổ tức cho hàng đệ tử, và nhắc lại lời Đức Phật: “An trú hơi thở là an trú của các bậc Thánh”, rồi Ngài trút hơi thở cuối cùng với một nụ cười điểm trên nét mặt bình an tươi tỉnh.
Lễ Trà Tỳ được cử hành một cách đơn giản theo lời di chúc của Ngài vào lúc 9 giờ ngày 29 tháng 7 Tân Dậu (thứ sáu ngày 28 tháng 8 năm 1981) tại hỏa đài chùa Bửu Long. Đặc biệt không hẹn mà chư Tăng về dự lễ Trà Tỳ đúng với số tuổi của Ngài là 88 vị. Kim quang được cung tống đến hỏa đài với sự hiện diện của đông đảo tín đồ, kính thành cầu nguyện trong không khí vô cùng trang nghiêm và xúc động. Trưởng lão Viên Minh được ngài tín nhiệm di chúc thừa kế chùa Bửu Long đã xúc động cảm tác 4 câu thơ nghe rất nhẹ nhàng, dung dị mà sâu lắng dường bao:
“Người đi còn lại nụ cười
Cho yêu thương nối tình người ngàn sau
Cho cây đơm lá xanh màu
Cho trăng sáng mãi nhịp cầu thủy chung”.
Các vị đồng phạm hạnh thường nhắc đến những đức tính của Đức Sơ Tổ mà chỉ những ai có ba-la-mật sâu dày mới có được:
– Ngay thẳng, bộc trực, không thiên vị.
– Giới luật nghiêm minh nhưng bao dung, từ ái.
– Mặc dù có nhiều đồ chúng, nhưng ngài lại ưa thích đời sống độc cư thiền tịnh.
– Mặc dù dư dả tứ sự cúng dường nhưng ngài lại sống đời dị giản “tam thường bất túc”.
– Bố thí xả ly là hạnh nổi bật nhất.
Với công đức lớn lao, với công hạnh sâu dày và với những đức tính ưu việt như thế, Đại Trưởng Lão Hộ Tông quả xứng đáng là vị Sơ Tổ khai sáng Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam.
THƠ KHUYẾN TU CỦA ĐỨC HỘ TÔNG:
Đường trần sao lắm cuộc bi ai
Thế sự khác nào chốn chông gai
Mịt mịt hơi sầu vòng gác tía
Mù mù gió thảm vẻ cân đai
Trăm lo nghìn liệu gây oan trái
Năm mỏi tháng mòn vướng nghiệp tai
Đầy đủ phước hồng rồi cũng bỏ
Tội trường oan trái khổ liền tay.
Cửa Phật tháng ngày chẳng thảm ai
Thiền môn nào phải chốn chông gai
Thanh sơn đâu quản khanh cùng tướng
Tịnh thất nào hay mão với đai
Muôn thưở an vui hành Bát Chánh
Kiếp trần thong thả lánh tam tai
Nên chăng hỡi khách công hầu gẫm
Duyên kết Niết-bàn được rảnh tay.
Trung tâm Hộ Tông