Hòa thượng thế danh Nguyễn Thiện (tức Nguyễn Thành) sanh ngày 18 tháng 06 năm Mậu Tý (1948) tại làng Triều Sơn Tây, xã Hương Sơ, quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên; nay là tổ I, phường An Hòa, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Hải, pháp danh Nguyên Trước; thân mẫu là cụ bà Lê Thị Nương pháp danh Nguyên Ngân. Hòa thượng sinh trưởng trong một gia đình gồm năm chị em (một nữ và bốn nam) hòa thượng là con thứ ba, một gia đình với nhiều đời thâm tín Phật pháp. Lúc các con còn nhỏ nhưng song thân của hòa thượng đều đã thọ “tại gia Bồ tát giới”. Hòa thượng có người chú ruột xuất gia học đạo với hòa thượng khai sơn chùa Châu Lâm; và hai người em trai là hòa thượng Thích Huệ Chúc, đệ tử cố hòa thượng Thích Chánh Pháp, nguyên trú trì chùa Phổ Quang và cố thượng toạ Thích Thiện Đức, đệ tử cố hòa thượng Thích Thiên Hỷ, khai sơn chùa Thiên Hỷ – Huế.
Chính trong môi trường gia đạo có truyền thống thâm tín Tam Bảo đã trợ duyên lớn cho chủng tử thiện nghiệp và chí nguyện xuất trần nảy nở. Hòa thượng đã phát nguyện ăn chay niệm Phật và đặc biệt đã thuộc lòng năm đệ Lăng Nghiêm lúc còn tại gia, trong khi đợi cơ duyên đầu sư học đạo.
Năm 16 tuổi, vào ngày 20 tháng 8 năm 1964, được sự chấp thuận của song thân, hòa thượng được song thân đưa đến đảnh lễ hòa thượng Thích Vĩnh Thừa chùa Châu Lâm để cầu xin pháp yếu và đã được hòa thượng bổn sư đặt pháp danh là Nguyên Minh.
Trải qua những năm tháng hành điệu cần mẫn, chăm học, với bản chất đôn hậu, chất trực và cầu tiến, hòa thượng được bổn sư cho thọ giới sa di và được ban pháp tự Phước Thành, tại giới đàn Tây Thiên vào ngày 19 tháng 6 năm Kỷ Dậu, tức ngày 01 tháng 8 năm 1969, do Cố hòa thượng Đệ nhị Tăng thống thượng Trừng hạ Thủy, tự Chí Thâm, hiệu Giác Nhiên, tọa chủ tổ đình Thiền Tôn – Huế làm Đường Đầu Hòa thượng; hòa thượng Thích Mật Hiển trú trì chùa Trúc Lâm – Huế làm Yết ma sư và hòa thượng Thích Huyền Không trú trì chùa Quốc Ân – Huế làm Giáo thọ A xà lê sư. Sau khi thọ giới, hòa thượng lại càng tinh tấn hơn trong sự nghiệp tu học, nghiên tầm Kinh, Luật, Luận dưới sự chỉ dạy, giảng giải trực tiếp từ hòa thượng Bổn sư nên hòa thượng nắm rất vững tư tưởng các kinh Kim Cang, Hoa Nghiêm, Lăng Nghiêm, Viên Giác, Lăng Già và Duy Thức v.v. Đồng thời hòa thượng luôn là người có tâm trong việc chăm lo thờ Thầy.
Năm Quý Sửu (1973), hòa thượng thọ Cụ túc giới tại Đại Giới đàn Phước Huệ do hòa thượng Thích Phước Hộ làm Đường đầu, tổ chức tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Từ đó, cuộc đời hoà thựơng như chim đại bàng vững cánh, tung bay giữa gió núi mây ngàn, góp cánh én mùa xuân với đất trời bát ngát bằng tinh thần “phát túc siêu phương, thiệu long thánh chủng” trong giai đoạn đất nước đang chuyển mình.
Chỉ sau thời gian ngắn nước nhà độc lập, thống nhất, ngày 14 tháng Giêng năm Bính Thìn, tức ngày 13 tháng 2 năm 1976, hòa thượng Bổn sư viên tịch, từ đó vai trò “trụ pháp vương gia, trì Như lai tạng” được đặt lên vai vị tỳ kheo trẻ mới 28 tuổi đời và 3 tuổi đạo, kế thừa sự nghiệp “tục diệm truyền đăng” tại ngôi chùa Châu Lâm mà Bổn sư giao phó.
Trong vai trò mới, với tuổi trẻ đang lên, với chí nguyện thiết tha “tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”, hòa thượng đã ra sức tiếp tăng độ chúng, duy trì và phát triển chốn Già lam xán lạn, xây dựng kinh tế nông thiền phù hợp với đời sống của tăng ni trong giai đoạn kinh tế tự túc, tự lực, tự cường từng bước ổn định và phát triển quê hương, xứ sở. Do vậy, hòa thượng đã đón nhận được những tấm lòng mến mộ của tăng ni pháp lữ, Phật tử gần xa.
Năm 1986, hòa thượng đảm nhận Phó Ban Kinh tế Nhà chùa và Từ thiện Xã hội của Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo tỉnh Bình Trị Thiên. Đến năm 1989, thành lập tổ hợp Tín Thành ở phường Trường An và làm Tổ trưởng tổ Mây Tre xuất khẩu, giải quyết công ăn việc làm cho một số lượng người khá đông.
Năm 1992, Đại hội Phật giáo Tỉnh lần thứ 2, với tâm nguyện góp phần vào sự nghiệp hoằng dương chánh pháp, xây dựng ngôi nhà Giáo hội vững mạnh, hòa thượng đã tham gia Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh với cương vị, ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Kinh tế Từ thiện Xã hội. Trong nhiệm vụ của mình, hòa thượng rất hăng say với công tác Phật sự chung của Giáo hội, luôn là người tiên phong, không ngại gian lao, không quản khó nhọc.
Năm 1995 Hòa thượng cùng chư tôn đức trong Giáo hội đứng ra thành lập Tuệ Tĩnh Đường Diệu Đế. Song chỉ ít năm sau, do bệnh duyên, hòa thượng đã dừng lại mọi công việc Giáo hội, lui về dạy dỗ đồ chúng và chuyên sâu vào lãnh vực thư pháp.
Năm 1996, hòa thượng hợp tác với hòa thượng Thích Tịnh Hạnh ở Đài Loan, tổ chức các lớp dịch thuật Đại Tạng Kinh và giảng dạy giới luật cho một số tăng ni tại chùa, xây dựng mới cổng tam quan.
Năm 1997, hòa thượng tiến hành trùng tu bảo tháp của hòa thượng Bổn sư với chiều cao bảy tầng và ốp đá hoa cương được khắc họa hình ảnh lục cúng và thư pháp của chính mình để cúng dường lên bậc thầy tôn kính của mình.
Cơn lũ lịch sử năm 1999 hoành hành các tỉnh miền Trung, hòa thượng đã tích cực trong việc cứu trợ nạn nhân bị lũ lụt. Đồng thời hòa thượng còn đề xuất và thực hiện chương trình hỗ trợ vốn làm ăn cho hàng trăm đồng bào Phật tử, và những người nghèo khó.
Tháng 4 năm 1999, nhân kỷ niệm 990 năm ngày vua Lý Thái Tổ ra chiếu dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, hòa thượng đã vinh dự được mời triển lãm thư pháp nhân dịp “Tuần Văn Hoá Huế tại Thủ đô Hà Nội” cùng với hai nhà thư pháp xứ Huế là hòa thượng Thích Giới Đức, bút hiệu Minh Đức Triều Tâm Ảnh và cư sỹ Nguyệt Đình.
Vào năm 2000, lễ hội Festival đầu tiên tổ chức tại Huế, hòa thượng tham gia Festival Huế với những bức thư pháp đậm nét nghệ thuật bằng chất liệu mây, tre, nứa và vỏ thông độc đáo được trưng bày trong ngôi nhà làm bằng toàn tre. Trong lễ hội đầu tiên này, hòa thượng được mời làm thành viên thư pháp của Unesco tại Việt Nam.
Tháng 8 năm 2001, Hội Thân hữu Phật tử Châu Âu và chùa Khuông Việt tại Paris Pháp quốc mời hòa thượng sang thăm và chữa bệnh, trong dịp này hòa thượng được bà hoạ sỹ Dominique người Pháp gốc Nga mời thực hiện một cuộc triển lãm thư pháp tại quận 13 thành phố Paris với chủ đề: Bút Khí (Le Soufflé des Signes 19-23-1-2001 dans la cave de Dominique de Miscault, 68 avenue d’Italie – 75013 Paris). Sau đó, hòa thượng thăm viếng các chùa ở Đức và Bỉ.
Tháng 7 năm 2005, hòa thượng được Phật học viện Viên Quang, Trung Lịch – Đài Bắc mời tham dự hội thảo giao lưu văn hoá và dự lễ tốt nghiệp, cấp phát văn bằng Cao Học niên khoá 2002 – 2005. Với đức hạnh khả kính hòa thượng được cung thỉnh thuyết giảng cho lớp học Tăng Ni tại Khai Thành Thiền tự, huyện Nghi Lan. Khi viếng thăm Phật Quang Sơn với tư cách là nhà thư pháp, hòa thượng được mời phóng bút, hiện nay bút tích này vẫn còn lưu giữ một cách trang trọng trong bộ sưu tập thư pháp của thư viện.
Năm 2006, hòa thượng lại tổ chức lớp phiên dịch Đại tạng khác tại chùa Châu Lâm với sự hỗ trợ của chư vị cư sĩ trí thức như đạo hữu Trần Tiễn Khanh, Trần Tiễn Huyến.
Năm 2007 hòa thượng trùng kiến hai nhà Đông – Tây của chùa thành hai căn nhà rường ba căn hai chái theo kiểu kiến trúc cổ truyền của xứ Huế – Kinh Kỳ.
Hòa thượng là một người bình dị, chơn chất, trực tánh, trách nhiệm với công việc, luôn sát cánh cùng huynh đệ pháp lữ trong môn phái Tường Vân với tâm nguyện: “Tổ ấn trùng quang”. Đối với đạo hữu Phật tử, hòa thượng rất cần mẫn, nhiệt tình chăm lo và hỗ trợ tinh thần lẫn vật chất, đáp ứng nhu cầu nghi lễ khi hữu sự. Đối với hàng đệ tử hòa thượng rất mực quan tâm dạy dỗ, nhờ đó các vị đệ tử đã từng bước dễ dàng trưởng thành trên con đường học vấn và du hoá như: Thượng toạ Thích Thiện Phước, Đại đức Thích Thiện Niệm, Đại đức Thích Thiện Tâm, Đại đức Thích Thiện Quang, Đại đức Thích Thiện Ngộ v.v.
Hòa thượng đã thế độ gần 30 vị đệ tử xuất gia tăng. Lớp đầu chữ “Thiện” gồm:
Đức[1] Phước Niệm[2] Tâm[3] Quang
Ngộ Năng[4] Bảo Như Ý[5]
Vinh[6] Phong[7] Hoằng[8] Mẫn Chơn.
Lớp đệ tử thứ 2 do bệnh duyên phải đi Pháp chữa trị nên nhờ thầy Phước Viên đặt với chữ “Đàm” gồm có:
Chiếu[9] Huy[10] Diên Thuận Tịnh.
Lớp thứ 3 khởi đầu bằng chữ Hạnh gồm các vị sau:
Tuệ Đạo Quả[11] Viên Thông[12]
Tuấn Quang Minh.
Ngoài ra hòa thượng đã quy y và gửi xuất gia với chư tôn đức ni rất nhiều đệ tử năm giới xuất gia ni như: Sư cô Kiều Nghiêm (Quảng Hương) trú trì chùa Tây Phúc, tỉnh Thái Nguyên; Tâm Từ (Nguyên Ấn); Minh Trân (Nguyên Huệ) chùa Diệu Đức; Thuần Châu (Nguyên Tú) [13] chùa Từ An; Thoại Khánh (Quảng Trang) chùa Long Thọ; Tuệ Châu (Quảng Phương) chùa Liên Hoa; Tuệ Quảng (Quảng Thiện) chùa Liên Hoa; Chánh Pháp (Quảng Lan), Hạnh Nguyện (Quảng Liên) trú trì chùa Dạ Lê Chánh; Phước Huy (Quảng Yến) chùa Tịnh Độ; Tuệ Trân (Quảng Hiếu) trú trì chùa Hương Tuệ tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; Tịnh Quang (Quảng Mãn)[14], chùa Vĩnh Nhơn; Thoại Nguyên (Quảng Tâm) chùa Hiền Sỹ, tỉnh Hải Dương; Thoại An (Quảng Như); Viên Tường chùa Hồng Ân; Khánh Định (Quảng Niệm) trú trì chùa; Khánh Châu; Thuần Thiện (Quảng Hoa) chùa Từ An; Tịnh Nhân (Quảng Phụng) chùa Tây Linh; Tịnh Thiền (Quảng Hảo) chùa Diệu Hỷ; Thuần Tánh (Quảng Hiền) chùa Phò Quang; Thuần Quý (Quảng Nhi) chùa Vĩnh Nhơn; Thuần Minh (Quảng Duyên) chùa Từ An; Thuần Khiêm (Quảng Phương) chùa Từ An; Thuần Cát (Quảng Thanh) chùa Từ An; Thuần Quang (Quảng Thư) chùa Từ An; Thuần Niệm (Quảng Liễu) chùa Từ An; Thuần Phương (Quảng Hương) chùa Từ An…
Đầu xuân năm Mậu Tý (2008), trong dịp huý nhật hòa thượng Bổn sư, hòa thượng đã tổ chức đặt đá khởi công đại trùng tu ngôi chánh điện. Công việc đang tiến hành thuận lợi thì hòa thượng lâm trọng bệnh, mặc dù được các y bác sỹ khoa Cấp cứu hồi sức bệnh viện Trung Ương Huế cùng các đệ tử tận tình chu đáo chăm sóc, nhưng hoá duyên đã mãn, thân tứ đại trở về với tứ đại, tất cả các pháp hữu vi sanh diệt, diệt sanh như một lẽ thường tình, hòa thượng đã nhẹ nhàng xả báo thân vào lúc 14h15’ ngày 8 tháng 8 năm 2008, tức ngày 8 tháng 7 năm Mậu Tý giữa muôn vàn thương tiếc.
Kể từ đây:
Thầy đi nghiên mực khô sầu
Bút hoa nhỏ lệ khóc câu ân tình
Rừng thiền cây cỏ u linh
Lá hoa rơi rụng tử sinh trắng bờ.
Và trượng thất vắng bóng, nhưng giác linh hòa thượng, sự nghiệp hoằng hóa của hòa thượng vẫn bất diệt giữa dòng sinh diệt như Cổ đức thường dạy: “Đàm hoa dĩ lạc hữu dư hương: Hoa ưu đàm rụng, hương vẫn còn thơm.”
Đúng vậy, hương thơm của cảo bút ngày nào của bậc tài hoa bút pháp vẫn còn mãi với dòng sống nghệ thuật, với những ai yêu mến cái đẹp của chữ nghĩa.
Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu lại một phần nào của những tác phẩm thư pháp cả chữ Hán lẫn chữ Nôm do hòa thượng đã tự tay chăm chút tạo nên từ những vần thơ, câu đối, cách ngôn thấm đẫm triết lí, ý nghĩa, giáo dục và nhân cách sống của chư vị tiền nhân, tiền bối và cả những vần thơ câu đối do chính hòa thượng sáng tác. Những tác phẩm này đã được triển lãm tại các cuộc triển lãm như: Kỷ niệm 990 năm Thăng Long Hà Nội 1999, Festival Huế 2000 tại Phu Văn Lâu, “Bút Khí” tại Paris Pháp 2001, Festival Huế 2004 tại Huyền Không Sơn Thượng, “Tình mẹ 2005” tại Trung Tâm Văn Hóa Liễu Quán Huế hoặc bàng bạc trong các tư gia, đình chùa mà chúng tôi đã sưu tập được. Đồng thời chúng tôi phiên âm, dịch nghĩa thành thơ và nói rõ xuất xứ của những di cảo bút pháp mà thầy chúng tôi viết lúc sanh thời đến với những ai yêu mến “nghệ thuật thư pháp” dễ bề cảm nhận qua phần “Bút tích”.
THÍCH THIỆN QUANG
CHÚ THÍCH
[1] Thiện Đức vừa em vừa đệ tử y chỉ. [2] Thiện Niệm chùa Khuông Việt, Paris Pháp. [3] Thiện Tâm trú trì chùa An Bằng bang South Colorado, nước Mỹ. [4] Thiện Năng thế danh Trần Tĩnh đã hoàn tục và làm giáo viên Anh văn tại trường cấp 2 A Lưới. [5] Thiện Ý trú trì chùa Triều Sơn Tây, Huế. [6] Thiện Vinh thế danh Ngô Hữu Phú đã hoàn tục. [7] Thiện Phong trú trì chùa Thác Lại Huế. [8] Thiện Hoằng trú trì chùa Linh Quang, thôn Đào Viên, xã Nguyệt Quang, Thuận Thành Bắc Ninh. [9] Đàm Chiếu thế danh Đỗ Sơn Hải đã hoàn tục. [10] Đàm Huy thế danh Phạm Tài Thọ. [11] Hạnh Quả thế danh Trần Lâm. [12] Hạnh Thông thế danh Võ Văn Thưởng. [13] Đệ tử năm giới của Hòa thượng Khai sơn nhưng được hòa thượng Phước Thành hướng đạo xuất gia. [14] Thích nữ Tịnh Quang chùa Vĩnh Nhơn đã thuận tịch.