Phật giáo, với hơn hàng ngàn năm lịch sử, đã xây dựng một hệ thống giới luật nghiêm ngặt và quan trọng để hướng dẫn người tu hành trên con đường tu tập và giải thoát. Những quy định này không chỉ là các quy tắc về hành vi mà còn là biểu hiện của đạo đức và tâm linh, đóng vai trò then chốt trong việc duy trì sự thanh tịnh và phát triển của tăng đoàn và cộng đồng Phật tử. Quá trình truyền trao và tiếp nhận giới luật là yếu tố cốt lõi để bảo đảm tính chính thống và sự trong sạch của Phật giáo.
Trong Phật giáo, giới luật không chỉ là những quy định bắt buộc mà còn là nền tảng đạo đức và tâm linh cho người tu hành. Đức Phật từng dạy: “Sau khi Như Lai diệt độ, các ông phải lấy giới luật làm Thầy.” Bởi vì giới Kinh dạy: “Giới luật còn thì Phật pháp còn, giới luật mất thì Phật pháp mất.” (Tỳ ni tạng trụ Phật pháp cửu trụ; Tỳ ni tạng diệt Phật pháp diệc diệt). Do đó, việc tuân thủ và duy trì giới luật là nhiệm vụ quan trọng và thiết yếu của mọi Phật tử, dù là xuất gia hay tại gia.
Quá trình truyền trao giới luật là một quá trình cần phải tuân theo các điều kiện và yếu tố nghiêm ngặt và quan trọng để đạt được sự thành tựu. Luật Tứ Phần đã quy định rằng trước khi tác bạch Yết Ma cho thọ Cụ túc giới, Tăng phải tiến hành khảo hạch 13 già nạn. Nếu một giới tử mắc phải bất kỳ một trong 13 già nạn này, họ sẽ không thể đạt được mục tiêu phạm hạnh và không được phép thọ cụ túc giới để trở thành một vị Sư hay Thầy Tỳ-kheo đúng luật, đúng pháp. Hơn nữa, trước khi tiến hành tác bạch Yết-ma thọ cụ túc giới, thành phần tăng-già cần phải tuân thủ một số thủ tục đúng pháp để Yết-ma có thể thành tựu bao gồm: giới thành tựu (10 giới sư phải đồng ý nhất trí cho phép giới tử thọ cụ túc giới), sự thành tựu (quán xét tư cách của giới sư và giới tử có đầy đủ không), tăng thành tựu (10 vị giới sư thanh tịnh hoặc 5 vị nếu là vùng biên địa), và yết-ma thành tựu (khi tất cả các yếu tố và tư cách đều đầy đủ, tuân thủ đúng pháp và được sự đồng ý nhất trí của tăng già).
Trong quá trình phát triển của Phật giáo, ngoài các vị Thánh Đệ Tử của đức Phật Như Tôn Giả Ưu Ba Ly (giới luật đệ nhất) và các vị đệ tử phạm hạnh khác, còn có những vị Tổ Sư như Đức Lục Tổ Huệ Năng và Cư Sĩ Bàn Long Uẩn, đã truyền đạt những bài học quý giá về tôn trọng giới luật và trách nhiệm của một người tu hành.
Đức Lục Tổ Huệ Năng, dù đã ngộ đạo khi còn là cư sĩ tại gia, nhưng khi muốn hoằng pháp lợi sinh, ngài hiện thân tướng tỳ kheo đầu tròn áo vuông. Ngài cũng phải trải qua quá trình truyền trao và thọ nhận giới luật của một vị Tỳ-kheo đúng pháp và đúng luật của Phật, để bảo vệ sự trong sạch và chính thống của đạo pháp. Điều này chứng minh rằng, dù giới Tánh đã đầy đủ, nhưng muốn hiện thân một vị Tỳ-kheo cũng cần phải có giới tướng đầy đủ. Hơn thế nữa, Lục Tổ Huệ Năng đã dùng thân giáo để dạy cho hàng hậu học đời sau sự tôn trọng và biết ơn đối với truyền thống Phật giáo mà còn là một minh chứng cho việc tuân thủ giới luật và quy định của Phật.
Trong khi đó, Cư Sĩ Bàn Long Uẩn, cũng là một người kiến tánh ngộ đạo như đức Lục Tổ, nhưng không hiện thân tướng Tỳ-kheo và vẫn tiếp tục làm tròn bổn phận và trách nhiệm của một cư sĩ tại gia. Ngài không lợi dụng hình tướng tăng để làm vi phạm luật phật chế định. Thay vào đó, ngài giữ vững lòng thành tâm tôn kính đối với giới luật và tăng già và hành động theo đạo đức và giới luật của Phật giáo.
Cả hai ngài này, dù một là người xuất gia hai là người tại gia, nhưng đều thể hiện sự tôn trọng và tuân thủ giới luật của Phật. Các ngài có trách nhiệm làm tròn vai trò và bổn phận của mình trong đạo Phật và là những tắm gương sáng cho hàng đệ tử Phật cả xuất gia và tại gia. Bằng cách này và theo các ngài, chúng ta có thể bảo vệ và phát triển đạo pháp một cách chân chính và bền vững.
Gần đây, hiện tượng một số người tự ý cạo tóc, khoác y áo, và mang theo nồi cơm điện đi khất thực đã tạo ra nhiều ngộ nhận về Phật giáo. Việc này không chỉ vi phạm các quy định truyền thống mà còn làm mất đi giá trị và sự tôn nghiêm của giới luật.
Thứ nhất, việc tự ý thọ giới mà không qua quá trình truyền trao chính thống là một sự sai lệch nghiêm trọng. Theo luật Phật, không ai được phép tự thọ giới pháp mà không có sự chấp nhận và hướng dẫn của tăng già. Việc này thứ nhứt nhằm bảo đảm cho người thọ giới có đủ kiến thức, phẩm chất và sự hướng dẫn cần thiết để thực hành giới luật một cách đúng đắn và hiệu quả. Thứ hai là sự tôn trọng giới luật của Phật quy định, và thứ ba là bảo đảm tính chính thống và sự trong sạch của Phật giáo.
Thứ hai, hành động này không chỉ gây hiểu lầm mà còn làm tổn thương đến uy tín của Phật giáo. Người dân, vì không hiểu rõ ràng giới và luật của Phật, có thể nhầm lẫn và cho rằng những hành vi tự ý cạo tóc, khoác y, và đi khất thực là chính thống, từ đó dẫn đến việc tẩy chay các chùa chiền và quý thầy tu hành đúng pháp. Điều này không chỉ làm suy yếu hệ thống tôn giáo mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển đạo pháp trong cộng đồng, xã hội, và đất nước.
Để bảo vệ giá trị cao đẹp và phạm hạnh thanh tịnh của người xuất gia, tăng già cần phải đoàn kết và kiên quyết không tiếp nhận những người tu hành sai lệch như vậy vào hàng ngũ tăng-già. Sự đoàn kết này không chỉ bảo đảm tính thống nhất và trong sạch của giới luật mà còn giữ vững lòng tin của cộng đồng Phật tử đối với đạo pháp.
Quý Phật tử tại gia cũng cần hiểu rõ những nguyên tắc và giới luật căn bản, cũng như quá trình truyền trao và tiếp nhận giới pháp trong Phật giáo. Điều này giúp các vị không bị lôi cuốn bởi những xu hướng lệch lạc và bảo vệ sự thanh tịnh của giới luật. Đức Phật đã dạy rằng, giới luật là nền tảng của đạo pháp, và việc giữ gìn giới luật là bảo vệ sự tồn tại và phát triển của Phật giáo.
Trong bối cảnh đầy thách thức và những biến động của xã hội hiện đại, việc bảo vệ sự truyền trao và tiếp nhận giới luật trong Phật giáo trở nên vô cùng quan trọng. Trong Phật giáo, việc bảo vệ sự truyền truyền và tiếp nhận giới luật không chỉ là nhiệm vụ của các tăng già mà còn là trách nhiệm của toàn bộ cộng đồng Phật tử. Hệ thống giới luật đã được xây dựng qua hàng ngàn năm lịch sử, không chỉ là các quy định hành vi mà còn là biểu hiện của đạo đức và tâm linh, đóng vai trò then chốt trong việc duy trì sự thanh tịnh và phát triển của tăng đoàn.
Việc hiện tượng người tự ý cạo tóc, khoác áo cà sa và đi khất thực không chỉ là vi phạm các quy định truyền thống mà còn gây ra nhiều hiểu lầm và tổn thương đến uy tín của Phật giáo. Điều này càng làm cho sự đoàn kết và tuân thủ giới luật trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Chỉ bằng sự đoàn kết và kiên quyết của cả tăng già và phật tử tại gia, chúng ta mới có thể bảo vệ và phát triển đạo pháp một cách chân chính và bền vững. Hơn nữa, việc hiểu biết và tuân thủ giới luật giúp chúng ta không bị lôi cuốn bởi những xu hướng lệch lạc và bảo vệ sự thanh tịnh của đạo pháp. Đó chính là cách để bảo vệ sự tồn tại và phát triển của Phật giáo theo hình thức đúng đắn và trường tồn. Do đó, hãy cùng nhau gìn giữ và tuân thủ những nguyên tắc và giới luật căn bản, để đạo pháp tiếp tục tồn tại và phát triển trong sự trong sạch và chính thống.
Tỳ Kheo Thích Thiện Trí (Thánh Trí)