I. KHÁI QUÁT LỄ VU LAN

Vu lan hay Vu lan bồn, Vu lan Thắng hội là một trong những dịp lễ lớn của Phật giáo trong năm, diễn ra vào ngày rằm tháng 7. Sau này, vì tính chất phổ biến của nó, chùa nào cũng tổ chức quy mô, nên lễ Vu lan được gọi chung là mùa Vu lan, nghĩa là kéo dài nguyên tháng bảy âm lịch. Tuy nhiên, thời điểm lý tưởng nhất để tổ chức là từ mùng 8 đến rằm tháng 7. Gốc tích của lễ này xuất phát từ bản kinh Vu Lan Bồn, kể rằng ngày xưa, Mục Kiền Liên, đệ tử lớn của Phật vì muốn cứu mẹ mình thoát khỏi cảnh quỷ đói, nên nhờ Phật chỉ dạy, và Phật đã dạy tổ chức lễ cúng dường cho chư Tăng trong ngày rằm tháng bảy, còn gọi là cúng dường Tự tứ, để nương nhờ công đức và hiệu lực chú nguyện của chúng Tăng giúp mẹ Ngài thoát khổ.

Lễ Vu lan dần được phát triển, có thêm lễ cài hoa báo hiếu, dâng y, văn nghệ, cúng cầu siêu cửu huyền thất tổ, chẩn tế âm linh cô hồn… theo quan niệm “thuyết Trung Nguyên” của Lão giáo.

Về quy mô và không gian tổ chức, lễ Vu lan thường được tổ chúc tự phát, độc lập theo từng chùa, quy mô lớn nhỏ tùy vào năng lực và điều kiện thực tế mỗi nơi, các tư gia hoặc nhóm hộ gia đình cũng thỉnh thoảng có tổ chức Vu lan, nhưng thường là chú trọng việc cúng tế.

Về không gian lễ, thông thường chỉ cần hội trường có sức chứa đủ người tham dự, nên có sân khấu kê cao để mọi người dễ quan sát. In phông background, thậm chí dùng màn ảnh rộng để làm tăng độ trang trọng và chuyên nghiệp của buổi lễ là việc nên làm. Có nhiều chùa lớn như Hoằng Pháp, Giác Ngộ (Thành phố Hồ Chí Minh), Thiền Tôn Phật Quang (Bà Rịa Vũng Tàu)… tổ chức lễ Vu Lan khá quy mô và chuyên nghiệp, với lượng người tham dự lên đến vài nghìn đến vài chục nghìn người.

Về thời gian tổ chức, như đã nói, lễ Vu lan có thể làm bất cứ ngày nào trong tháng 7 âm lịch, nhưng lý tưởng nhất vẫn là khoảng thời gian từ mùng 8 đến 15 tháng 7. Các chùa lớn, có số lượng Tăng chúng đông, lượng Phật tử ổn định thì thường chủ động chọn làm đúng vào ngày 14 hoặc 15; các chùa nhỏ hơn, ít tăng chúng và Phật tử, thì phải xem xét làm vào những ngày khác để có thể cung thỉnh được chư Tăng Ni và mời được quý Phật tử tham dự.

Lễ Vu lan có thể tổ chức bất cứ thời điểm nào trong ngày, tuy vậy, buổi sáng và buổi tối vẫn là chọn lựa phổ biến hơn cả.

II. KHUNG CHƯƠNG TRÌNH ĐỀ XUẤT

Dưới đây là khung chương trình để xuất cho một lễ Vu lan tại chùa, tổ chức vào tuổi tối với quy mô hơn 1000 người tham dự.

Khung chương trình:

  1. Cung đón quý Phật tử, ban tiếp lễ cài hoa ngay tại cổng vào
  2. Ổn định đạo tràng
  3. Cung nghinh Tăng đoàn quang lâm,
  4. Thông qua chương trình
  5. Văn nghệ chào mừng
  6. Niệm Phật cầu gia hộ
  7. Phút tưởng niệm tứ trọng ân
  8. Tuyên bố lý do, thông qua chương trình, giới thiệu thành phần tham dự
  9. Hoài niệm Vu lan
  10. Nghi thức cài hoa (Chư Tăng và Phật tử tự cài hoa, theo sự điều phối của người dẫn chương trình)
  11. Nghi thức Dâng y
  12. Đạo từ của Thượng tọa chứng minh
  13. Quý Phật tử tuần tự cúng dường sớt bát (trong khi chư Tăng tụng bài Sám Vu Lan – Kinh Phước Đức Niệm Phật – Hồi hướng)
  14. Lời cảm tạ của Ban Tổ chức (MC)
  15. Chụp hình lưu niệm
  16. Cung thỉnh Tăng đoàn hồi quy khách đường

III. PHẦN DẪN CHƯƠNG TRÌNH MẪU

Dưới đây là phần dẫn chương trình mẫu, do chúng tôi thực hiện tại đại lễ Vu lan chùa Giác Ngộ năm 2018.

1. Ổn định Đạo tràng

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Đã sắp đến giờ cử hành chính thức đại lễ Vu lan năm nay, xin kính mời quý Phật tử đang còn ở bên ngoài nhanh chong trở về chánh điện, ổn định các chỗ ngồi để chuẩn bị cung đón chư tôn đức quang lâm.

2. Cung nghinh Tăng đoàn quang lâm

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu ni Phật. Vào giờ này đạo tràng đã trang nghiêm thanh tịnh, chúng con thành tâm để đầu đảnh lễ, năm vóc sát đất cung thỉnh Tăng đoàn chùa Giác Ngộ quang lâm về chánh điện để bắt đầu đêm hội Vu lan tối hôm nay. Cử chuông trống Bát nhã cung thỉnh Tăng đoàn.

Quý Phật tử đồng đứng dậy, hướng mặt ra lối đi chính giữa, chắp tay thành búp sen để cung đón quý thấy.

3. Thông qua chương trình

Kính bạch Tăng đoàn, kính thưa quý Phật tử.

Đại lễ Vu lan tại chùa Giác Ngộ tối hôm nay sẽ được diễn ra theo các nội dung như sau: (Tuyên đọc phần khung chương trình)

4. Văn nghệ cúng dường

Kính bạch Tăng đoàn, quý thưa quý Phật tử.

Để tăng thêm phần trang nghiêm và cảm xúc cho buổi lễ tối hôm nay, đồng thời cũng với ý nguyện dâng cúng Tam bảo nhân ngày đại lễ của người con Phật, chương trình văn nghệ cúng dường bao gồm 5 tiết mục, xin phép được bắt đầu. (Người của Ban đạo ca chủ động giới thiệu các tiết mục)

5. Nghi thức Lễ Vu lan

Kính bạch chư tôn thiền đức Tăng Ni.

Xin cho khói trầm thơm kết thành mây năm sắc, dâng lên khắp mười phương cúng dường vô lượng Phật, Pháp, Tăng.

Giờ này, chúng con thành tâm cung thỉnh chư tôn thiền đức, chánh thân đoan tọa, hướng tâm về Phật đài linh thiêng, niệm Phật cầu gia hộ, khởi đầu cho nghi thức Vu lan. Xin cung thỉnh chư tôn đức chứng minh khởi xướng niệm Phật.

6. Phút tưởng niệm

Để tưởng nhớ Bốn trọng ân mà người con Phật phải luôn khắc ghi: Ơn Tam bảo soi đường dẫn lối, ơn mẹ cha nuôi dưỡng sinh thành, ơn tổ quốc núi sông muốn đời che chở và ơn chúng sanh vạn loại trùng trùng. Vào giờ phút này, kính mời đại chúng dành một phút để tưởng niệm tứ trọng ân. Phút tưởng niệm bắt đầu. (Phát nhạc tưởng niệm).

Phút tưởng niệm đã qua, cung thỉnh chư tôn đức cùng quý Phật tử an tọa.

7. Tuyên bố lý do

Kính bạch chư tôn thiền đức chứng minh, kính thưa quý Phật tử.

Đệ tử chúng con vâng lời Phật dạy

Ngày rằm tháng Bảy, gặp hội Vu Lan Phạm vũ huy hoàng, đốt hương đảnh lễ.

Theo truyền thống của Phật giáo Đại thừa, vào ngày này năm xưa, thân mẫu của Tôn giả Mục Kiền Liên đang chịu đọa đày trong cảnh giới ngạ quỷ đói khát lầm than, thân tâm chịu bao cảnh dày vò khốn khổ.

Lòng Ngài quặn thắt nhói đau, thành tâm dâng cơm cho mẹ, nhưng rồi vì lòng tham lam ích kỷ bỏn sẻn, bát cơm đã hóa thành bát lửa đỏ hồng nên không ăn được.

Chứng kiến cảnh tượng hãi hùng ấy, Mục Kiền Liên đã quay về cầu xin Phật chỉ dạy. Đức Thế Tôn đã dạy Tôn giả Mục Liên pháp Vu lan bồn, nương nhờ uy lực của mười phương Tăng trong ngày Tự tứ.

Uy đức của sự thanh tịnh, hòa hợp của bản thể Tăng già, như ngọn đèn rực sáng, chiếu soi bao hắc ám u minh; như ngọn gió thanh lương gột trừ bao nóng bức lầm than khổ lụy. Nhờ nguyên lý ấy đã sáng soi, chuyển hóa tâm thức của bà Thanh Để oan nghiệt.

Nhờ đó, thân mẫu của Tôn giả Mục Liên đã thoát khỏi cảnh khổ u đồ, sinh về nơi hoa lệ chói sáng. Mục Kiền Liên trở thành biểu tượng của lòng hiếu thảo, là tấm gương soi cho chúng sinh trong vạn kiếp sau này.

Đã hơn 25 thế kỷ trôi qua, tấm gương ấy vẫn luôn tỏa sáng và chiếu rọi muôn nơi, truyền cho đời bao cảm hứng thi ca, giáo dục chuyển hóa bao tâm hồn lạc lối.

Trên tinh thần và ý nghĩa đó, hôm nay, ngày 24/8/2018, nhằm ngày 14/7 Âm lịch. Chùa Giác Ngộ long trọng tổ chức đêm hội Vu lan, cài hoa hiếu hạnh, dâng cúng Pháp y, báo đền ơn nặng, nhằm báo đáp công ơn trời biển của bao đấng sinh thành; tôn vinh ân đức thấy tổ đã truyền trao giới thân huệ mạng, và làm sống dậy tấm gương hiếu đạo của Bồ tát Mục Kiền Liên xa xưa.

Đó, cũng là lý do của đêm hội tối hôm nay.

8. Giới thiệu thành phần tham dự

Buổi lễ tối hôm nay được đặt dưới sự chứng minh của:

  1. Thích Nhật Từ, UV HĐTS, Phó trưởng Ban Hoằng pháp, Phó trưởng Ban Phật giáo Quốc tế, Phó trưởng Ban Giáo dục Phật giáo, Phó trưởng Ban Từ thiện Xã hội, Phó Viện trưởng HVPGVN tại TP. Hồ Chí Minh, trụ trì chùa Giác Ngộ, trưởng ban tổ chức đại lễ Vu lan.

Chúng con xin đảnh lễ và giới thiệu:

  1. Thích Nhật Thiện, ủy viên BTS Thành hội PGVN TP. Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Trị sự PG Q.10; Phó Trụ trì chùa Giác Ngộ.
  2. Thích Nhật Bình, Phó Trụ trì chùa Giác Ngộ.
  3. Thích Quảng Chơn, ủy viên BTS Thành hội PGVN TP. Hồ Chí Minh, Phó trưởng BTS Q.10; trú xứ chùa Ấn Quang.
  4. Thích Trung Nguyện, ủy viên BTS Thành hội PGVN TP. Hồ Chí Minh, Phó trưởng BTS Q.10, trú xứ chùa Ấn Quang.

Chúng con xin cung kính đảnh lễ và giới thiệu: Chư tôn đức Tăng Ni là đệ tử của TT. Thích Nhật Từ, trú xứ chùa Giác Ngộ cũng như các vị đang hành đạo khắp nơi trên toàn quốc, cũng đã trở về đây chứng minh và tham dự. Xin phép giới thiệu chung.

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu: Quý Phật tử lâu năm của chùa Giác Ngộ qua các thế hệ truyền thừa; quý Phật tử, lãnh đạo Quỹ Đạo Phật Ngày Nay, các thành viên sáng lập, các hội viên trực thuộc Quỹ; các phụng sự viên trong màu áo cam thân thương… cũng đã trở về tham dự đông đủ. Xin phép giới thiệu chung.

– Và đặc biệt, là sự tham dự đông đảo của hơn 2.000 Phật tử đã trở về đây, ngồi kín cả bốn hội trường chùa Giác Ngộ, cũng như hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn Phật tử xa gần đang theo dõi buổi lễ trực tiếp trên các trang mạng truyền thông của chùa Giác Ngộ. Xin hãy nhiệt liệt chào mừng tất cả quý vị bằng một tràng vỗ tay thật lớn và nồng nhiệt.

9. Hoài niệm ngày Vu Lan – Ý nghĩa cài Hoa Hồng Kính bạch chư tôn đức, kính thưa quý liệt vị.

Dù con đi khắp chân trời, cũng không đi hết những lời mẹ ru

Dù con phụng dưỡng mẹ cha, biển trời ân đức không sao báo đền.

Vì ai dáng mẹ héo mòn

Vì ai dáng mẹ cõi còm nắng mưa

Vì ai sáng nắng chiều mưa

Vì ai hoa đốm phủ đầy tóc cha.

Sau đây, kính mời đại chúng hãy lắng lòng thanh tịnh, hướng về những đấng sinh thành cao cả thông qua phần diễn đọc hoài niệm Vu lan, thông qua giọng đọc của Phật tử Phạm Nghĩa, Như Châu và Liên Thủy.

Trước tiên là hoài niệm Mẹ, một cậu thanh tiên lớn lên trong giàu sang nhung lụa, nhưng đã ngậm ngùi khi mẹ mất, mình vẫn còn ngao du tận trời Tây. Xin hãy cùng lắng nghe qua giọng đọc của Phật tử Phạm Nghĩa.

– Vâng, xin cảm ơn Phạm Nghĩa, cảm ơn những lời văn mộc mạc nhưng thật sâu lắng ngọt ngào.

Tiếp theo, chúng ta sẽ được lắng nghe lá thư của một người con gái gửi cho Ba sau 10 năm Ba mất. Giờ cô ấy đang sinh sống và thành đạt tại đất nước cờ hoa tráng lệ bên bờ Đại Tây Dương ồn ào sóng biển. Xin mời lắng nghe “Thư gửi ba” của giọng đọc Như Châu.

Vâng, xúc động quá, ngọt ngào quá & sâu lắng quá! Dường như không ai cầm được giọt nước mắt vì xúc động. Xin cảm ơn Như Châu.

Và bây giờ, là tâm sự cuối cùng, của một người con gái miền Tây, rời xa làng quê lên Sài Gòn trọ học, bao nhiêu cay đắng tủi hơn, cha cô đều nhận hết, âm thẩm cam chịu căn bệnh gan ngày càng thêm nặng để bồi đắp những hơi thở cuối cùng cho cô yên tâm học hành, đắp xây sự nghiệp. Đến ngày cô công thành danh toại, thì … Cha mình đã mỉm cười nơi chín suối.

Vâng, xin hãy cùng lắng nghe bài viết “con cảm ơn Ba” qua giọng đọc của Phật tử Liên Thủy.

10. Lễ cài Bông Hồng

Kính bạch chư tôn đức, kính thưa đại chúng.

Vu Lan về con cài lên ngực áo

Đóa hoa hồng tưởng nhớ mẹ cha

Tháng Bảy mưa ngâu hay nước mắt nhạt nhòa

Bao tâm thức, hướng về bên cha mẹ.

Đêm nay, nếu bạn may mắn còn mẹ, còn cha, tôi xin chúc mừng bạn, bạn có quyền cài lên ngực áo mình một đóa hoa hồng đỏ thắm, màu của hạnh phúc ngập tràn, màu của ngọt ngào kiêu hãnh.

Bạn hãy tận hưởng nó đi! Ta hãy cùng nhau tận hưởng, bạn nhé!

Còn nếu… không may, mẹ cha ta đã về bên kia thế giới, thì tôi xin chia buồn cùng bạn, bạn hãy cài lên ngực áo mình đóa hoa hồng tang trắng, màu trắng của mất mát đau thương, màu của u sầu ly biệt.

Còn hoa hồng màu vàng, màu của giải thoát thanh cao, màu của bao dung vô ngại, xin dâng lên chư tôn đức Tăng Ni, những bậc xuất trần thượng sĩ, khước từ bao hạnh phúc riêng tư, nguyện làm con của vạn nhà, làm em của vạn kiếp phôi pha, làm anh của vạn đầu em nhỏ. Cha mẹ của các Ngài không chỉ là hai đấng song thân, mà là hết thảy vạn loại chúng sanh trong thế giới bao la vô tận.

Xin cung thỉnh Tăng đoàn cùng toàn thể tất cả Phật tử, hãy trang nghiêm, trịnh trọng nâng đóa hoa hồng trên đôi tay bé nhỏ; (Âm thanh: Phát nhạc nền hòa tấu: Lòng mẹ)… hãy nâng đóa hồng lên đặt trước trái tim mình, để dịu dàng miên man bao ký ức, gọi ta về bên hơi ẩm mẹ cha.

Đại chúng hãy tiếp tục nâng giữ đóa hoa hồng ngay trước trái tim, để nghe tiếng lòng bao thổn thức, để chan hòa với suối ngọt yêu thương qua nhạc khúc Bông Hồng cài áo.

(Nhạc khúc Bông hồng cài áo) – (Hát nửa bài, kính mời Tăng đoàn và đại chúng cùng cài hoa lên ngực áo)

11. Tác bạch cúng dường pháp Y

Kính bạch Tăng đoàn, kính thưa đại chúng.

Chúng con từng nghe:

Muốn sang bờ giác phải nương thuyền Bát Nhã

Cứu độ song thân, ắt phải nương pháp Vu Lan bồn.

Vu Lan là thời điểm chư Tăng kết thúc ba tháng Kiết hạ an cư để trau dồi giới đức, là ngày Tăng Tự tứ, ngày Phật hoan hỷ, là ngày mà đạo lực mỗi người sung mãn nhất. Vì vậy mà xưa kia, để cứu bà Thanh Đề ra khỏi chốn tội đồ đau khổ, đức Phật đã dạy Tôn giả Mục Kiền Liên sắm sửa tứ sự cúng dường, mời thỉnh chư Tăng trở về, thành tâm dâng cúng, nhờ hiệu lực chú nguyện của chúng Tăng thanh tịnh, mới có thể sáng soi tâm thức tối tăm của bà.

Vì vậy, dâng cúng Pháp y trong lễ Vu lan đã trở thành một nét đẹp nhiều ngàn năm nay của hàng Tăng Ni Phật tử.

Hôm nay, trong tiết Vu lan, chư Tăng và Phật tử chùa Giác Ngộcũng học theo pháp hạnh của người xưa, sắm sửa Pháp y, thành tâm dâng cúng dường chư Tăng, ngõ hầu hồi hướng phước báo cho cha mẹ bà con: Người hiện còn phước thọ tăng thêm, người quá vãng được sanh thiên giới.

Chúng tôi kính mời Phật tử Giác Diệu Thanh và quý Phật tử trong đoàn dâng y cùng tiến đến đối trước chư tôn đức để dâng lời tác bạch cúng dường.

(Âm thanh: Phát nhạc dâng y; lên đến nơi, quỳ xuống và tắt nhạc)

Đọc tác bạch dâng y:

12. Đạo từ Thượng tọa trụ trì

Kính thưa đại chúng,

Thân cận giới xuất gia

Siêng nghe giảng giáo pháp

Dự pháp đàm học hỏi

Là phước đức lớn nhất.

Để cho hàng Phật tử chúng con được hiểu rõ hơn về ý nghĩa, lợi ích của việc cúng dường Vu lan, dâng cúng Pháp y, cài hoa hiếu hạnh.

Vào giờ phút này, chúng con thành tâm cung thỉnh Thượng tọa Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ, trưởng ban tổ chức đại lễ, đệ nhất chứng minh có đôi lời đạo từ. Chúng con thành kính cung thỉnh Thượng tọa.

(Đạo từ xong)

Thật là vi diệu, bạch thấy, thật là vi diệu!

Như người vừa dựng đứng lên những vật đã bị xô ngã xuống, như người đem ánh sáng vào những nơi bị che khuất tối tăm. Cũng vậy, giáo pháp của đức Thế Tôn đã được thấy diễn giảng, khai thị khéo léo, tinh tế vô cùng. Nhờ đó, hàng đệ tử chúng con được hiểu rõ hơn những lời dạy cao cả của đức Thế Tôn.

Quý vị hãy hướng về chư tôn đức, cung kính xá lễ ba lần để tỏ bày lòng tôn kính ngôi Tam bảo.

13. Sớt bát cúng dường

Trong khi tiến hành nghi thức dâng y và sớt bát, chúng con cung thỉnh chư tôn đức cử hành nghi thức Vu lan (Tụng bài Sám Vu Lan – Niệm Phật)

Xin quý Ngài cho chúng con một phút để sắp xếp việc cúng dường Sớt bát:

Xin lưu ý:

Xin quý Phật tử có phát tâm chuẩn bị cúng dường sớt bát đêm nay lưu ý: Để cho buổi lễ được trang nghiêm thanh tịnh, quý vị hoan hỷ xếp hàng đi một chiều từ phải sang trái (nhìn từ bàn Tam bảo); Theo sự hướng dẫn của Thấy Quảng Tín.

Tất cả phong bì cúng dường sẽ được đặt vào các khay mây tượng trưng cho bình bát của chư Tăng, đã được Ban Tổ chức chuẩn bị sẵn phía trên sân khấu. Đó như là ruộng phước, khi đặt vào, hãy quán tưởng rằng: Ta đang gieo giống vào các tấm ruộng phước này.

Bình bát của quý thượng tọa chứng minh, được đặt chính giữa, và được kê cao hơn so với các bình bát còn lại. Quý vị có thể để riêng các phong bì ấy và đi lần lượt đến bình bát của chư thượng tọa chứng minh, quý vị sẽ đặt xuống đúng với tấm ruộng mà các vị muốn gieo trồng hạt giống giải thoát.

Giờ này, xin cung thỉnh quý Ngài cử hành nghi thức Vu Lan bồn.

14. Cảm tạ của Ban tổ chức

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính bạch chư tôn đức Tăng Ni.

Kính thưa quý Phật tử.

Vậy là, đêm hội Vu lan Phật lịch 2562, dương lịch 2018 tại chùa Giác Ngộ đến nay đã thành tựu viên mãn.

Chúng con, xin thay mặt ban tổ chức, thành tâm đảnh lễ cảm tạ chư tôn đức Tăng Ni đã đáp lời thỉnh cầu của chúng con, chấn tích quang lâm, chứng minh tham dự lễ.

Nguyện cầu Tam bảo sáng soi gia hộ, quý ngài pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, Phật sự viên thành.

Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến: Quý vị Phật tử trong Quỹ Đạo Phật Ngày Nay, cũng như toàn thể quý Phật tử xa gần cùng đóng góp tâm lực, trí lực và vật lực cũng như đã trở về tham dự lễ tối hôm nay.

Trong lúc tổ chức, cung đón và diễn ra lễ, không sao tránh khỏi những thiếu sót, kính xin quý Ngài, xin quý Phật tử từ bi hoan hỷ cho.

Cầu chúc quý vị thân khỏe tâm an, đạo tâm kiên cố, mãi tinh tấn tu hành theo lời Phật dạy.

Nam mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha tát.

Giờ này, chúng con cung thỉnh chư tôn thiền đức và toàn thể chúng hội cùng khởi thân hồi hướng.

Cử chuông trống Bát nhã cung tiễn quý ngài hồi quy phương trượng.

Trích Kỹ năng Dẫn chương trình trong Phật Giáo (Thích Quảng Tịnh)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Kỹ Năng Dẫn chương trình Phật Giáo – Đêm hội trăng rằm
Sự kiện

I. KHÁI QUÁT VỀ CHƯƠNG TRÌNH Đêm hội trăng rằm là chương trình tết thiếu nhi dành cho các cháu thiếu niên nhi đồng. Trong gần mười năm trở lại, các chùa có xu hướng tổ chức đêm hội trăng rằm, trước hết cho con em Phật tử, và rộng ra là cho thiếu niên...

Hào khí anh hùng bảo hộ trời Nam
Sự kiện

Không khí nước nhà những ngày này như đặc quánh lại vì nỗi thương tiếc cho một sự ra đi lớn. Nước mắt dân đã đổ, hiển lộ mọi cung bậc tri ân và hun đúc tinh thần yêu nước của các thế hệ người Việt. Duyên trời khéo sắp, ngày tiễn Bác về đất...

Góc quan điểm: XU HƯỚNG MINH TUỆ – KHÔNG PHẢI CHUYỆN MỚI MẺ
Điểm nhìn, Sự kiện

Đối với người Việt xưa nay, tính hướng ngoại và chạy theo các trào lưu mới không phải chuyện sớm sủa gì, từ nhu cầu sử dụng vật chất, đến tiếp nhận văn hóa ngoại lai, … thậm chí là tiếp nhận luồng tư tưởng mới trong một tôn giáo, cụ thể là đạo Phật....

Suy Ngẫm Về Ngày Phật Đản Vesak (song ngữ)
Sự kiện

Hạnh phúc thay, Đức Phật ra đời. Hạnh phúc thay, bài giảng Phật Pháp đúng đắn. Hạnh phúc thay, Tăng Đoàn hòa hợp. Những lời nói trên đây, được trích dẫn từ buổi trình bày, và nói chuyện về Kinh Pháp Cú. Ngày Ra Đời Của Đức Phật (Ngày Phật Đản) là một cơ hội hiếm có, là một ngày vui vẻ bởi vì Đức Phật đã đem ánh sáng đến cho thế gian đang chìm trong màn...

Kỹ Năng Dẫn chương trình Phật Giáo – Lễ Phật Đản
Sự kiện

I. KHÁI QUÁT VỀ LỄ PHẬT ĐẢN Phật Đản là nói tắt của cụm từ “Phật đản sinh”, thường được tổ chức vào khoảng thời gian từ mùng 8 đến 15 tháng 4 âm lịch hàng năm, căn cứ theo lịch của người Ấn Độ cổ xưa. Về quy mô tổ chức, có thể tổ...

Đức Phật nhà văn hóa lớn của nhân loại
Lịch sử, Nghiên cứu, Sự kiện, Văn hóa

Đức Phật được Liên Hiệp Quốc tôn vinh là nhà văn hóa lớn của nhân loại của 25 thế kỷ qua, hẳn là cuộc đời hoằng hóa và hệ thống giáo lý của Ngài đã cống hiến cho nhân loại nhiều đóng góp quan trọng và ý nghĩa. Nhà Phật học H.W. Schumann đã phát biểu về Đức Phật trong tác phẩm thời danh của Ông, nhan đề Đức Phật lịch sử (The Historical Buddha) rằng: “Rất hiếm nhân vật trong lịch sử tư tưởng nhân...

Ngát Hương – Vô Ưu
Sự kiện, Tuỳ bút, Văn học

Hằng năm cứ độ tháng Tư lại về, bầu trời trong xanh tươi mát, gió thoảng đong đưa, người trời hân hoan đón mừng bậc Thế Tôn giáng trần. Là người con Phật ai ai cũng hiểu ngày đó, chính là ngày Đức Thế Tôn đản sanh tại thành Ca Tỳ La Vệ thuộc xứ Ấn Độ thời bấy giờ. Chúng ta một lòng hướng về cội...

Thực tập hạnh lắng nghe và thấu hiểu theo Bồ tát Quán Thế Âm
Đời sống, Sự kiện

Lắng nghe và thấu hiểu là hai chất liệu cần thiết để hiến dâng cho đời, có khả năng xóa đi những nỗi khổ niềm đau, nội kết và thù hận, mang lại an lạc hạnh phúc cho mọi người. Nỗi đau khổ của con người cần phải được xoa dịu bằng tình thương, chỉ...

Thành Kính Tưởng Niệm Ngày Đức Từ Tôn Nhập Niết Bàn
Sự kiện

Trên đường từ thành Tỳ-xá-ly về Câu-thi-na, sau khi thọ buổi cơm cúng dường cuối cùng của người thợ rèn Chunda (Thuần-đà), Thế Tôn đã nhiễm bệnh lỵ huyết rất nặng, song Ngài vẫn nhẫn nại chịu đựng cơn đau đi cùng tôn giả A-nan và một số tăng chúng, thỉnh thoảng Ngài dừng chân nghỉ. Trên đường, Thế Tôn nhận hai chiếc y kim sắc sáng rỡ do Pukkusa dâng cúng. Tôn...

Thông Điệp Thành Đạo Của Đức Phật
Phật học, Sự kiện

Vậy là hai mươi sáu thế kỷ đã trôi qua, kể từ một đêm khu rừng hoang vắng bên bờ sông Ni-liên-thuyền (Nairanjama), ánh trăng chiếu lờ mờ bàng bạc trong không gian hoàn toàn im ắng, cô tịch. Khu rừng chìm trong màn đêm huyền ảo, thỉnh thoảng có âm vang những tiếng muông thú kêu trong đêm trường nghe rờn rợn, tiếng côn trùng...