Trước khi đọc vào từng phẩm của Kinh Pháp hoa, chúng ta cần định hình phương pháp tiếp nhận và thấu hiểu, nếu không chúng ta sẽ hiểu sai lệch về nội dung ý nghĩa của kinh khi đọc lướt trên mặt chữ. Bởi vì, ngôn ngữ của kinh là thể loại ngôn ngữ nghệ thuật chứa đựng quá nhiều biểu tượng được mô tả, và hình ảnh được phác họa đan xen đa tầng.
Đi vào Kinh Pháp hoa, giống như lạc lối vào viện bảo tàng tranh ảnh trừu tượng của nhiều trường phái khác nhau vừa như một tổng thể, vừa như những chi tiết đặc thù đan xen trong một chấm nhỏ của bức hình. Chấm nhỏ “kì dị” này làm bối rối những người không thấu hiểu nghệ thuật hội họa, nhưng lại là “chấm nhỏ” bao quát không thời gian của vũ trụ, nhân sinh bao la, từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, từ hiện tượng đời thường đến bản thể chân lý như nhiên, tháo tung mọi giới hạn của tâm thức cá nhân, phá nát mọi định kiến thông thường, giúp người thưởng thức đi vào chốn chân không, đầy ắp mọi hình thức nhân sinh vũ trụ, nhưng không bao giờ va quẹt lẫn nhau, bởi trong đó, mọi thứ đang vận hành theo quy luật tự nhiên của nó.
Kinh gồm 28 phẩm (bản Phạn ngữ là 27 phẩm, không có Phẩm Đề-bà-đạt-đa). Kinh gồm ít nhất ba lớp ý nghĩa nằm đan xen trong các phẩm. Ba lớp đó là: nguyên lý, hiện tượng và hành trì, còn gọi là bản môn, tích môn và hạnh môn (trong ngôn ngữ triết học, chúng ta có thể gọi là: thể, tướng, dụng = bản chất, dấu hiệu nhận biết, và ứng dụng thực tế).
– Lớp nguyên lý hay chân lý: tầng lớp quy luật tự nhiên của vũ trụ nhân sinh bao la.
– Lớp hiện tượng: tầng lớp ý nghĩa của lịch sử, của sự sống trên trái đất này.
– Lớp ứng dụng: tầng lớp áp dụng những điều của lịch sử để thấu ngộ chân lý nhằm có được cuộc sống bình yên, giải thoát ngay trong hiện tại.
GIẢI THÍCH:
(1) Thứ nhất, nguyên lý hay còn gọi là chân lý, là quy luật tự nhiên của vũ trụ nhân sinh; chúng ta không thể dùng những khái niệm ngôn ngữ ước lệ để chuyển tải đầy đủ bản thể của nó, nên Kinh Pháp hoa dùng đến ngôn ngữ tạo hình nghệ thuật đặc thù để mô tả. Nếu nhìn trên mặt con chữ, loại hình ngôn ngữ này giống như đang kể chuyện huyền thoại, hoang đường, cảnh thần tiên, cảnh chư thiên, cảnh Bồ-tát, cảnh chư Phật, v.v. mênh mông bao la, biến hóa vi diệu, vượt ngoài sức tưởng tượng thông thường của con người, chúng ta không nên bám vào câu chữ như vậy và tin tưởng một cách mù quáng vào những biểu tượng ấy, thay vào đó, chúng ta kéo mình vào điểm “kì dị” của tâm thức để thấy rõ nguyên lý nhất như bao quát trùng trùng điệp điệp của thế giới quan, nhân sinh quan. Đây là lớp ý nghĩa sâu thẳm tận cùng của Kinh Pháp hoa, lớp bản môn.
(2) Tuy nhiên, Kinh Pháp hoa không chỉ dừng lại ở sự mô tả giống như câu chuyện thần thoại phi thực đó, mà kinh còn trùng tuyên những câu chuyện rất thực, rất đời thường, từ những nhân vật lịch sử của xứ Ấn Độ hơn 2500 năm trước, đức Phật Bổn Sư Thích-ca, các vị A-la-hán, như Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, A-nan, v.v., đến những ví dụ vô cùng súc tích của kiếp người, mà những ai nghe qua đều có thể hiểu được ý nghĩa thực tế của nó, giúp con người ứng dụng vào cuộc sống để chuyển hóa khổ đau, đưa đến giải thoát, an lạc. Đây là lớp thứ hai, lớp tích môn.
Phần định hướng cách đọc kinh hơi dài, nhưng đó là điều vô cùng thiết yếu để giúp người đọc kinh không đi sai lệch ý nghĩa của kinh. Qua từng phẩm, chúng ta sẽ rất ngắn gọn, chỉ trình bày ý nghĩa cốt tủy nhất mà thôi.
Mong rằng những ai đọc Kinh Pháp hoa đều có lợi ích thiết thực trong cuộc sống hiện tại của mình; mong rằng người đọc kinh sẽ thấu tỏ ý nghĩa, và ứng dụng nhằm chuyển hóa khổ đau thành an vui, giải thoát.
Thượng Toạ Viên Minh