Có lần chúng tôi đi du hóa ngoài Quảng Ngãi cùng với quý Thầy, dân ở đây gần biển nên chuyên làm nghề đánh cá, dù vậy họ rất mộ đạo. Một chị Phật tử qua xin quý Thầy dạy cách tu, một Thầy nói: “Chị làm nghề ác, đi biển đánh cá là tội lỗi, nó phạm vào giới sát, không bỏ nghề làm sao tu”. Nghe thế, cô ấy bật khóc. Thấy vậy tôi mới kêu cô ấy ra ngoài nói chuyện: “Tôi cho xâu chuỗi này để chị niệm Quán Âm, đi biển ắt dễ có tai nạn rủi ro, nên lúc nào cũng cầu Bồ Tát cứu. Đúng là đi biển không tốt như quý Thầy nói, hiện tại chị chưa bỏ nghề được thì phát tâm trước Bồ Tát, trong tương lai con sẽ chuyển nghiệp. Cứ miên mật một câu niệm Quán Âm là đủ”. Chị ta mừng rỡ.
Sở dĩ tôi bâng khuâng nhiều, là cuộc sống người dân rất nhiều cơ cực, ít ai hành trì đúng Bát Chánh Đạo, họ luôn vì miếng ăn mà tạo ác nghiệp. Nói đến Phật lý cao thâm, nghe thì rất hay, nhưng liệu mấy ai làm được nhất là trong đười sống cư sĩ tại gia, còn tính chuyện vãng sanh thì lòng dạ không chuyên nhất, nghĩa là tín, nguyện, hạnh không khi nào vững vàng vì lòng tham cầu của thế gian. Chỉ có lòng từ bi của Bồ Tát mới dung được họ, dù họ đến với Bồ Tát vì sự linh cảm, vì sự cầu cạnh chén cơm manh áo, nhưng không có nghĩa là họ chẳng gieo được chút duyên gì với đạo, không có nghĩa là họ không tu được, càng không có nghĩ là họ không thể thành Phật.
Còn nhớ, thuở nhỏ, khi tôi đi chùa, nghe một người đàn ông chỉ vào một số cô gái ăn sương đang lễ Phật nói: “Mấy con quỷ này mà tu hành cái gì?”. Lòng tôi rất xót xa, nếu xã hội cứ khinh rẻ họ, đẩy họ đi thì ai sẽ giúp họ đứng dậy? Công án ấy theo tôi suốt những năm dài lang thang sống cùng dân. Dân khổ, dân nghèo, họ chỉ lo cái ăn cái mặc, mấy ai tính chuyện ra khỏi luân hồi. Đọc lại kinh Phổ Môn, quả thật trì danh Quán Âm chính là pháp môn vi diệu nhất, nó không buộc hành giả buông bỏ cõi đời trần tục này, càng tu càng lợi lạc. Pháp môn ấy, thấp hơn pháp môn Tịnh Độ rất nhiều vì nó không đòi hỏi phải ngộ thêm một cái gì ngoài khổ. Khổ là vấn đề ai cũng dễ nhận ra, khổ tình, khổ tiền, khổ cơm ăn áo mặc, khổ nhà cửa, khổ nợ nần, khổ già, khổ bệnh, khổ chết v.v…. Con đường đi cho những kẻ cùng khổ và cực ác, cực si mê quay đầu. Khi họ bắt đầu quay đầu có nghĩa là họ đi từ NIỆM đến ĐỊNH, TUỆ, GIỚI, ĐẠO, chứ không phải là buông xuống hết mọi thứ thọ trì giới luật trước tiên. Vì họ niệm danh Quán Âm chỉ để giải quyết mọi thứ rối ren trong đời sống là chủ yếu, đến khi có Định, tự họ phân biệt đúng sai, tốt xấu, tự họ buông bỏ để bắt đầu tiến xa hơn trên lộ trình giải thoát.
Dù họ là ai, ở đâu, người thế nào, trong Kinh Đại Bi nói: chỉ cần nhìn thấy, nghe danh Quán Âm Bồ Tát chắc chắn sẽ thành Phật trong tương lai. Kinh này lại khẳng định: “Niệm Quán Âm quyết định vãng sanh Cực Lạc”, đi sâu hơn là giải thoát ngay trong đời này như Bát Nhã Tâm Kinh, vì không có một vị Bồ Tát nào lìa tự tánh nơi mỗ chúng sanh, đấy mới đích thực là Quán Tự Tại.
Không những đối với người có nghề ác mà với người phá giới, phạm trai Bồ Tát vẫn không từ bỏ. Trong Niệm Phật Ba La Mật, Bồ Tát thuyết Chú Như Lai Vô Lượng Thọ để giúp cho tứ chúng dễ dàng hoàn phục tịnh giới và tiêu trừ tội lỗi. Riêng về công năng Chú Đại Bi càng không thể nghĩ bàn.
Người ác có tu được không? Ai nói không là phụ lòng từ bi của Phật, Bồ Tát. Trong truyền thống này, bất kì ai cũng tu được, vì nếu anh khổ vì tham, sân, si thì Bồ Tát sẽ độ cho anh hết tham sân si vậy. Đừng bao giờ vì thấy người khác sân si mà khinh tiện, vì khi ấy chính anh đã bị tham, sân, si chi phối.
Thích Như Dũng
(ảnh sưu tầm)