Ngày đầu tuần, tháng này, năm nay

Buổi sáng vào hãng, sau khi chào hỏi và cụng ngực với những người làm chung. Mình bị tay đốc công gọi vào văn phòng giũa: “Tại sao mầy không coi ngó tụi nó, tuần rồi mấy lô hàng bị sai, ông chủ đang giận dữ”. Mình tức chết đi được, phận sự của mình là cung cấp phụ tùng linh kiện, còn việc khâu kỹ thuật là của thằng James, sao việc gì nó cũng đổ hết cho mình? Mà đâu chỉ mỗi việc này, còn nhiều chuyện bị áp lực nặng khác nữa. Mình làm lâu năm, kinh nghiệm tốt, được khen good job vậy mà bị tay đốc công đì, đối xử bất công. Những người làm cùng việc ở các tổ khác đã tăng lương hai lần rồi mà mình thì không được, đã thế cứ nhè những việc khó thì giao cho mình. Mình xin đổi qua tổ khác nó cũng không cho chuyển… Giận lắm nhưng nhịn thì tức, nhiều lúc muốn chơi nó cho bỏ ghét!

Ở cái vị trí của mình thì rất dễ trả đũa, mình đã suy nghĩ rất nhiều, đã toan tra tay nhưng rồi lại thôi! Mình biết khi mình giận tức là nuôi rắn độc trong tâm, như cầm cục than hồng, tự mình đốt công đức của mình. Phật giáo Tây Tạng có bức tranh nổi tiếng vẽ vòng luân hồi, trong ấy có con rắn, con gà và con heo ngậm đuôi nhau nối thành một vòng tròn; giận dữ hay sân hận lấy con rắn làm biểu tượng đây!

Dù biết vậy nhưng hàng ngày đụng việc như thế thì làm sao mà không giận? Có nhiều lúc cơn giận bùng lên và ý nghĩ phải trả thù cho hả giận. Mình chỉ cần vứt đi một nắm Bios là ông chủ mất cả khối tiền, hoặc mình chỉ cần lẩy móng tay hay chọt vật gì đó lên Motherboard thế là hư những components trên ấy, rồi những cục heatsink hay memory… chỉ cần phá một tí là tay đốc công lẫn ông chủ phải mất bao nhiêu là tiền. Trả thù rất dễ và cũng chẳng ai biết, nhưng… Thật may! Mình đã biết Phật pháp, đã từng nghe pháp, tụng kinh nên trong cái giây phút muốn trả thù ấy đã kịp dừng lại, chánh niệm được khôi phục. Mình dẹp bỏ cái ý nghĩ trả thù, trả đũa. Cái ý nghĩ trả thù, cố ý làm hư hại ấy là một sự thất niệm lớn, rất may mình kịp dừng!

Những món Bios, Motherboard, heatsink, memory, microchip… là những vật vô tri, chúng chẳng can hệ gì đến sự bất công hay bị xử ép của mình. Mình có làm hư hại chúng, làm thiệt cho công ty thì cũng tức là mình tự làm hại mình, làm tổn phước của mình, tạo nghiệp xấu cho mình! Khi chánh niệm phục hồi mình chẳng những không làm hư hại những vật vô tri ấy mà ngược lại còn nâng niu quý trọng chúng, người khác cẩu thả bỏ bừa bãi thì mình gom lại. Mình nhớ thầy dạy: Hữu tình giác ngộ thì vô tình chuyển theo, hữu tình và vô tình cũng không phải một mà cũng chẳng phải hai, từ đó mình càng cẩn thận với những món vật nhỏ bé mà mắc tiền kia, mặc cho ông chủ và bọn đốc công biết hay không biết.

Những lúc như thế này mình lại nhớ đến Tứ chánh cần: “Việc thiện chưa sanh thì làm cho phát sanh, việc thiện đã sanh thì làm cho tăng trưởng, việc ác chưa sanh thì đừng để phát sanh, việc ác đã sanh thì làm cho nó tiêu trừ”. Rất may, nhờ biết Phật pháp mà mình đã kịp dừng lại, cái ý niệm ác sanh khởi nhưng chưa phát tác thành hành động.

Mình làm việc chung trong một tập thể đa sắc tộc, nhiều màu da, khác biệt tôn giáo và văn hóa. Có thể nói mình là người phật tử duy nhất trong nhóm này. Mình được khen là nice, thân thiện và làm việc tốt, hồi nào giờ mình vẫn che dấu gốc Việt và tôn giáo của mình nhưng rồi mình tự hỏi lòng: “Tại sao bọn họ tự hào về gốc gác của họ, tự hào về đức tin của họ, còn mình thì che dấu? Mình là Phật tử thì có gì phải tự hào mới phải?” thế rồi sau đó mình thức tỉnh, lại một lần nữa khôi phục chánh niệm và mình tự hào là một Phật tử Việt.

Nhóm làm việc chung của mình hầu hết là tín đồ thiên chúa (có cả bảo thủ lẫn tân giáo). Có một chị làm chung sốt sắng đến độ thái quá, luôn dụ khị mình đi lễ, đem những tài liệu Tin Lành đến cho mình, kể cả dùng vật chất quyền lợi để dụ, có khi thì dọa: “Mầy không tin chúa, không đi lễ cầu nguyện thì khi chết sẽ bị đày xuống hỏa ngục”. Mình chỉ cười nhẹ, nhớ đến lời kinh suy niệm về nghiệp và bảo họ: “Chúng ta là chủ nhân của nghiệp và cũng là những kẻ thừa tự nghiệp, nghiệp là thai tạng là quyến thuộc cho vạn loài, chính nghiệp phân chia sự di biệt trong đời. Chính mình làm việc ác nên mình bị uế trược, chính mình làm việc thiện nên mình thanh tịnh. Thanh tịnh hay uế trược do chính mình, không ai có có thể làm cho người khác uế trược hay thanh tịnh”. Từ đó chị ta bớt sốt sắng một cách thái quá. Mình làm việc trong nhóm rất vui, hòa đồng, duy cái việc bị xử ép, bị bất công ấy nhiều người cũng biết nhưng không giúp gì được, có lẽ là cái nghiệp ân oán của mình trong quá khứ, giờ thì oan gia trái chủ đụng mặt nhau. Mình cũng tự kiểm thảo, tại mình kém, nếu mình ngon lành thì đã bỏ việc để đi tìm việc khác rồi!

Từ khi chánh niệm khôi phục, mình không còn cái ý niệm trả đũa hay chơi cho bỏ ghét. Mình tự xem như một lần chiến thắng được bản thân. Mình nhớ rất rõ ràng, ba nghiệp thân – khẩu – ý nó quyết định số phận của mình, trong ấy thì ý nghiệp là chính, chính nó xui khiến thân hành động và miệng nói. Hôm nay trong lúc làm việc, mình hứng khởi thầm đọc bài kệ:

Dục tri tiền thế nhân
Kim sanh thọ giả thị
Dục tri lai thế quả
Kim sanh tác giả thị.

Xét cho cùng thì cái thiệt của mình chẳng có là bao so với những những khổ đau, bất hạnh khác tên cuộc đời này, chẳng qua là cái tôi nó lớn và nó phát tác nên mới sanh ra cái ý niệm trả thù.

Những người làm chung với mình cũng có đôi khi hỏi về đức Phật và Phật pháp. Họ lầm tưởng đức Phật như chủ tể hay thượng đế trong tôn giáo của họ, nghĩa là Phật cũng có quyền năng xử phạt, trừng phạt hay ban phước… Mình nhớ lời thầy nên không tranh cãi, tuy nhiên cũng vận dụng vốn tiếng Anh ba rọi để gỉai thích cho họ biết chút chút về đức Phật và Phật pháp. Họ ngạc nhiên lắm, họ bảo chưa từng nghe hay biết có tôn giáo nào mà lại tự do và dân chủ như thế! Quả thật đạo Phật rất tự do và dân chủ, ai tin thì theo không tin thì thôi, ai làm gì thì gặt nấy, số phận của mình tùy thuộc vào ba nghiệp tạo tác của chính mình. Trong số bạn làm chung ấy, có thằng William W, nó tỏ vẻ quan tâm nhất và mình đã tặng nó quyển “the Art of life” của thầy Nhất Hạnh, hy vọng nó đọc và sẽ bắt gặp những điều bổ ích. Sở dĩ mình tặng nó quyển này là vì người Âu- Mỹ dễ tiếp cận Phật giáo theo kiểu Làng Mai hơn là Phật giáo truyền thống. Pháp môn hiện pháp lạc trú của Làng Mai đã thu hút rất nhiều người Âu-Mỹ đến với đạo Phật.

Thanh Nguyễn
Ất Lăng thành, 0422


Ngày kế tiếp, tháng này, năm nay

Bốn giờ sáng, trời lạnh căm căm, sương mù dày đặc. Mình phải dậy sớm để đi cày kiếm cơm, đường vắng hoe không một bóng người, thỉnh thoảng vài chiếc xe vút qua, có lẽ cũng là những người đi làm sớm như mình. Thường thường mình lái xe ngang qua một nghĩa địa nhỏ giữa lòng thị trấn, mình nhiều khi sanh nghịch nhìn quanh quất thử xem có thấy ma chăng, chẳng hạn như một bóng áo choàng trắng hay áo choàng đen, một hình nhân nữ với tóc xõa che mặt, một em bé kiểu killing doll… mà đã từng đọc trong sách. Vừa lái xe và phì cười với chính bản thân, trong một lần lơ đễnh như thế, mình vượt qua bảng stop mà không kịp ngừng, đường vắng tanh, ấy vậy mà không biết từ đâu một chiếc xe cảnh sát xuất hiện phía sau cứ như ma vậy!

Lúc này trong bụng rối cả lên, vừa sợ giấy phạt vừa lo sẽ bị vợ càm ràm cả buổi cho mà nghe. Tự dưng ngước nhìn hình Bồ Tát treo ở trước mặt và thầm trách: “Con ăn ở hiền lành, sao Bồ Tát không phù hộ?”. Chỉ trong vài phút là anh cảnh đến, anh ta yêu cầu xem bằng lái và bảo hiểm xe. Mình trình đủ và giở thói quen dân Mít nhà ta: “Tôi vượt bảng stop vì lờ đễnh, đây cũng là lần đầu tiên, ông có thể cảnh cáo chứ đừng viết giấy phạt?”. Người cảnh sát bảo: “Để tôi xem background của ông trước rồi tôi sẽ quyết định”. Anh cảnh sát quay về xe của mình hí hoáy trên laptop và chừng mười phút sau thì quay lại: “Lý lịch lái xe của ông rất tốt, tôi chỉ cảnh cáo thôi nhưng ông nhớ lái xe cẩn thận!”. Mình mừng hết lớn, cảm ơn rối rít. Nhìn tướng anh cảnh sát cao to, cơ bắp cuồn cuộn trong bộ sắc phục cảnh sát rất đẹp, ngầu và oai ra phết. Mình thấy mến những anh cảnh sát vất vả cả ngày đêm để giữ trật tự, an ninh và an toàn cho cộng đồng. Nghề cảnh sát ở xứ này rất nguy hiểm, luôn đối mặt với súng đạn, cảnh sát xứ này không có lối vòi vĩnh “bánh mì hay cà phê” hay lót tay thay giấy phạt như xứ mình. Mình cũng tự thấy xấu hổ vì mới vừa phút trước trong bụng còn chửi thầm: “đồ cảnh sát khó ưa, đồ mặc dịch, đồ kỳ thị…” vậy mà sau khi anh ta tha không phạt thì lại thấy dễ ưa, thấy cảnh sát làm việc năng nổ và trách nhiệm. Ôi chao cái tâm vọng động mê loạn của mình!  Phút trước vậy mà phút sau khác rồi, thế mới biết thiên đường – địa ngục không hai, vẫn không ngoài một niệm; thiện – ác tưởng chừng cách xa nhưng nào ngờ cũng chỉ trong một niệm. Từ một niệm mà biến hóa không cùng, bởi thế nhà Phật mới bảo: “nhất thiết duy tâm tạo”, lớn như sơn hà đại địa, nhỏ nhiệm như phù du, hạt bụi… tất cả không ngoài một niệm tâm.

Thập phương hư không bất ly đương xứ
Cổ kim tam thế bất ly đương niệm

Người cảnh sát đi rồi, mình cũng lái xe đi nhưng trong lòng thấy mắc cỡ với chính mình. Mình đã sai lại còn trách Bồ Tát không phù hộ. Mình thất niệm nên vượt bảng stop, nếu lúc ấy mà có xe chạy ngang qua thì đã xảy ra tai nạn rồi. Giờ mình thấy mình may mắn, không bị tai nạn, không bị phạt. Mình sanh tâm sám hối, sám hối với Bồ Tát và sám hối với chính mình.

Chánh niệm thật sự quan trọng, giúp mình kịp dừng lại trước những hành động sai quấy, kịp ngưng trước khi nói những lời thô ác và vi tế hơn là kịp nhận ra mình đang nghĩ bậy bạ. Chánh niệm trong lúc lái xe càng quan trọng hơn, chỉ cần thất niệm một giây là có thể gây tai nạn, có thể chết người như chơi!

Vào trong hãng, nhóm mình làm chung rất vui vẻ, ngày nào cũng tám đủ chuyện trên đời, chuyện bóng cà na, bóng bầu dục, chuyện tin tức thời sự và chuyện đàn bà thì hầu như là không thể thiếu. Những lời bình luận em này đẹp hay xấu, con nhỏ kia bự hay lép…và bao nhiêu chuyện linh tinh khác nữa. Mình cũng tám với cả bọn, những khi ấy mình biết mình đang thất niệm nhưng tự an ủi: “Mình chỉ là một Phật tử chứ không phải người xuất gia” tuy nhiên mình vẫn nhớ mình là Phật tử nên giảm bớt độ “mặn” của câu chuyện, hoặc là lái câu chuyện hướng khác khi nó đi quá đà, hoặc là chuyển đề tài, Tuy nhiên cũng không ít lần bị bắt giò: “Tại sao mầy giãn ra khi câu chuyện đang hấp dẫn?”.

Quả thật từ lý thuyết đến thực hành có một khoảng cách khá xa, nói dễ làm khó. Mình cũng như tất cả những Phật tử khác, ai mà hổng biết cái lý thuyết thân này như cái đãy da hôi thối, toàn máu mủ đờm dãi, tai có ráy, mũi có cứt mũi, miệng có bợn, mắt có ghèn, lỗ chân lông có mồ hôi, tiền môn và hậu môn có phẩn niếu… Dẫu biết rằng cái thân này chỉ là giả hợp của bốn đại… Nhưng hễ thấy người đẹp là mê và mơ! Đôi khi chỉ một nụ cười của người đẹp cũng đủ làm xao xuyến cả tâm hồn, một cái xúc chạm hay một lời tình tứ thì có thể vui lâng lâng thậm chí sanh tơ tưởng nọ kia. Dẫu biết xác thân là bất tịnh nhưng thấy người đẹp vẫn cứ bập vào như thường. Mình cũng như mọi người vậy, cứ để cho lục căn chấp vào sáu trần nên khổ và không biết đến khi nào mới có thể buông được? Lý thuyết đầy đủ cả rồi, biết rồi, thuộc nằm lòng rồi… nhưng thực hành mới là quan trọng, mới có hiệu quả, chứ cứ lý thuyết suông thì cũng như không mà thôi!

Mình tự kiểm thảo mình, trong năm món dục thì có lẽ nặng về sắc. Tài vốn không có bao nhiêu, kiếm sống đủ chi tiêu, tâm cũng không có ý định cầu và cũng biết chắc chắn là có cầu cũng không được, cái này tùy vào phước của chính mình. Danh thì chẳng có, chỉ là kẻ vô danh tiểu tốt, lại càng không để tâm đến. Thực thì cũng buông được, ăn chay, ăn đủ dinh dưỡng để sống chứ không có ý thích ăn ngon cao lương mỹ vị hay ăn nhậu lu bù. Thùy thì cũng chỉ ở mức căn bản bình thường, không ham ngủ nghỉ nhiều. Duy có sắc là khó nhất, thường mơ tưởng, thường nghĩ đến, khi thấy người đẹp là quên béng đi đấy là cái túi da hôi thối hay là giả hợp của tứ đại, lúc ấy chỉ thấy đó là người đẹp mắt biếc má đào, đó là cái đẹp của cuộc đời… rồi tặc lưỡi cho qua và tự ngụy biện: “Đời mà, chẳng có gì tuyệt đối!”

Mặc dù mê cái đẹp nhưng vẫn tin tưởng vào Phật pháp, vẫn biết giữ được năm giới thì mới có thể tái sanh làm người, giữ được thập thiện thì có thể sanh thiên… Mình đang chiến đấu với bản thân mình, một cuộc chiến giữa giữ giới hay sống theo cảm tính, rõ ràng đây là một cuộc chiến khó khăn mà phần thắng hay thua còn ngang ngửa nhau, điều này phụ thuộc vào bản lãnh của chính mình, tuy nhiên trợ duyên thầy lành bạn tốt cũng rất quan trọng và cần thiết biết bao.

Thanh Nguyễn
Ất Lăng thành, 0422


Ngày giữa tuần, tháng này, năm nay

Một ngày làm việc bình thường như mọi ngày, công việc quen thuộc nằm lòng, thấy dễ đến độ có thể nhắm mắt làm cũng được. Từ bấy lâu nay mình vẫn có thói quen vừa làm vừa thầm niệm Phật, nghĩ Phật, tuy nhiên những lúc bận rộn hay giao tiếp thì tạm ngưng.

Mình vẫn niệm Phật theo lối Bắc truyền, nghĩa là niệm danh hiệu Phật A Di Đà (niệm Phật theo Nam truyền có khác, nghĩa là niệm Phật, niệm pháp, tăng, thiên, thí… tử). So với các phương pháp khác thì niệm Phật là dễ và đơn giản, có thể thực hiện mọi lúc mọi nơi. Những lúc làm việc thì các phương pháp khác khó có thể thực hiện, duy chỉ có niệm Phật là chẳng ảnh hưởng gì đến công việc cũng như những người cùng làm chung.

Mình đã vài lần có sự sảng khoái hưng phấn rất kỳ lạ trong lúc niệm Phật, một làn sóng rần rần lan tỏa từ đầu đến chân, len lỏi vào từng tế bào. Lúc ấy mình ngồi niệm phật trước bàn thờ Phật mà tự dưng thấy như thể bay bổng, cơ thể nở to ngang trời đất, thấy mình vượt cả trùng trùng mây, rồi từ cái cơ thể to lớn ấy nhìn thấy cái thân mình bé tí teo đang ngồi niệm Phật. Cái cảm giác lạ lùng ấy xuất hiện đâu chừng hai hoặc ba lần, sau này nhiều năm rồi không còn gặp lại nữa.

Hôm nay nhân có bạn thân chuyển cho mình một cái link, trong ấy một vị cư sĩ thuyết pháp trên Youtube. Mình rất ngạc nhiên và nghe cho đến hết. Vị ấy bài xích phật giáo Bắc truyền một cách rất cực đoan, phủ nhận toàn bộ Phật giáo Bắc truyền, mỉa mai các vị Phật, Bồ Tát và kinh điển Bắc truyền. Vị ấy tự phụ và khẳng định chỉ có Nam truyền mới đúng chánh pháp và những ai tu theo Nam truyền mới tu đúng, còn lại là tu sai, lạc đường hết! Vị ấy bảo kinh điển Phật giáo Bắc truyền do người Tàu viết… Thật ra thì chuyện tranh luận giữa Phật giáo Bắc truyền và Nam truyền đã xảy ra lâu nay, nhưng hiện giờ, thông qua các mạng xã hội một số vị cực đoan mạnh miệng bài xích một cách thái quá. Mình vốn không muốn tranh luận nhưng bạn mình yêu cầu mình cho biết ý kiến nên mình mới vạch ra một số điểm không đúng của vị cư sĩ kia.

Phật giáo đại thừa vốn hình thành từ Ấn Độ chứ không phải hình thành ở Trung hoa, các vị bồ tát Long Thọ, Thế Thân… đều là xuất thân ở Ấn Độ, một số bộ luận đại thừa do hai vị ấy viết chứ không phải tất cả do người Trung Hoa viết. Việc vị cư sĩ ấy cực lực bác bỏ việc cầu nguyện với lý do hồi đức Phât còn tại thế không có cầu nguyện, cầu nguyện sẽ làm tăng lòng tham, dính mắc và không có trong chánh pháp. Có lẽ vị ấy nghĩ cầu nguyện là van xin thần thánh, thượng đế ban ơn xá tội như các tôn giáo khác nên mới nói vậy. Thật ra cầu nguyện là một cách hướng tâm đến việc thiện lành, tỷ như cầu cho cha mẹ an lạc, cầu cho mọi người gặp thầy lành bạn tốt, cầu cho chúng sanh sống trong tình thương, tỉnh thức, trách nhiệ,m, cầu đời đời gặp phật pháp… thì làm sao có thể tăng tâm tham hay dính mắc được cơ chứ? Còn giả như cầu tài, cầu lộc, cầu thăng quan tiến chức… thì việc cầu ấy mới đáng phê phán! Vị cư sĩ ấy nằng nặc xóa bỏ việc cầu nguyện trong Phật giáo, trong khi cầu nguyện là một việc hành trì không thể thiếu. Cầu nguyện để tín tâm kiên cố, bồ đề tâm tăng trưởng.

Còn có một điều khó có thể tưởng tượng hơn nữa là vị ấy còn bảo không nên tổ chức lễ Phật đản, tổ chức lễ Phật đản bởi vì mục đích tư lợi của những tu sĩ và cư sĩ. Mình không tranh cãi, chỉ phản biện những điểm vô lý thái quá và vị cư sĩ ấy chụp mũ mình: “… Người này không biết gì, không có tu cũng không có nghiên cứu…” ừ thì là vậy, mình chỉ là một Phật tử bình thường, chẳng có công phu hay nghiên cứu chi cả, mình chỉ nói những gì mình biết mà thôi! Nghiệp ai tạo nấy thọ, phước ai làm nấy hưởng, đâu cần phải lên gân mạnh miệng làm gì.

Mình xưa nay vốn không thích việc thỉnh tượng sư tử Tàu, La Hán Tàu, pháp khí Đài Loan về chưng tùm lum, tuy nhiên nhưng việc bài xích Phật giáo Bắc truyền một cách cực đoan như thế thì khó có thể chấp nhận được! Mặc dù Phật giáo Bắc truyền mang đậm dấu ấn Trung Quốc, có nhiều sự thêm bớt châm chế của các tổ sư Trung Hoa, có sự pha trộn những yếu tố tín ngưỡng bản địa. Mình ví dụ như: Trong kinh Dược Sư có yếu tố thắp đèn diên thọ, treo phan tục mạng… đó là Lão giáo chứ trong Phật pháp không hề có. Tuy nhiên cái cốt lõi của Phật pháp vẫn là: Tứ diệu đế, bát chánh đạo, thất bồ đề phần, ba mươi bảy phẩm trợ đạo… là cốt lõi, là căn bản, còn những yếu tố “hoa lá cành” thêm vào cũng chẳng sao. Mình lại ví Phật giáo Bắc truyền và Nam truyền như một qủa trứng gà, nếu cố chấp cứ phủ nhận Phật giáo Bắc truyền thì có khác gì đập vỡ cái trứng gà để lấy cái lòng đỏ tinh túy. Sự cực đoan ở ngòai đời vốn đã khó chấp nhận huống chi là trong đạo Phật. Đạo Phật là một tôn giáo hòa bình, từ bi, trí huệ đi theo con đường trung đạo. Nếu cứ khăng khăng Phật giáo Bắc truyền là tu sai, không phải chánh pháp của Thích Ca Mâu Ni Phật thì hãy nhìn xem các ngài: Thích Thiền Tâm, Thích Trí Tịnh, sư bà Hải Triều Âm… hay các ngài Huyền Quang, Quảng Độ, Tuệ Sĩ…. Không lẽ các ngài tu sai hết cả chăng?

Có đôi lúc việc phủ nhận Phật giáo Bắc truyền của một số sư cũng làm cho tâm mình lung lay, may mà mình vẫn quyết tâm niệm Phật, tưởng Phật, nhớ Phật. Câu Phật hiệu giống như cái neo giữ cho con thuyền tâm không bị trôi dạt. Câu Phật hiệu như sợi dây giúp con diều bay cao mà không bị rơi hay cuốn theo gió. Thay vì trụ vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp thì trụ vào câu Phật hiệu để đỡ dính mắc. Câu Phật hiệu như cái áo giáp bảo vệ hữu hiệu tâm mình.

Mình vẫn làm việc, vẫn đùa giỡn với mọi người nhưng hễ rảnh ra thì thầm niệm Phât. Câu Phật hiệu giúp ích rất nhiều, tâm mình an tịnh hơn, bớt loạn động, kiềm chế sự thái quá của những cơn vui, mừng, hờn, giận… Niệm Phật trong những lúc lo lắng hay sợ sệt, hồi hộp giúp làm giảm căng thẳng rất nhiều. Mình chưa dám nói sâu xa đến chuyện nhất tâm bất loạn hay vãng sanh. Mình chỉ dám đề cập đến việc áp dụng niệm Phật như một liệu pháp tâm lý rất hiệu quả và hữu ích trong cuộc sống hàng ngày.

Thanh Nguyễn
Ất Lăng thành, 22


Ngày thứ năm, tháng này, năm nay

Một ngày làm việc như mọi ngày, công việc vẫn bao nhiêu đó, cứ lập đi lập lại như vòng quay của chiếc kim đồng hồ, lại như vòng đời của mỗi chúng sanh. Ngày nào cũng ăn, ngủ, làm việc rồi lại tái nạp năng lượng. Đôi khi mình cảm thấy nhạt nhẽo quá, mà nào chỉ mình, hầu như tất cả mọi người đều như vậy cả. Mình làm còn có thời gian nghỉ ngơi chứ nhiều người hùng hục làm, ham làm đến độ quên cả cuộc sống. Đức Đạt Lai Lạt Ma có nói: “cái buồn cười nhất của con người là khi trẻ thì đem hết sức lực ra đổi lấy tiền, khi già hay bệnh thì lại dồn hết tiền để mua sức khỏe”. Dốc hết sức đổi lấy tiền thì có thể chứ còn dốc tiền mua sức khỏe thì vô phương.

Cuộc sống không thể không làm việc, nhất là ở xứ này, không làm là thấy hậu quả ngay lập tức. Rất nhiều người chỉ vì mất việc và không trả tiền nhà vài lần là ra đường thôi, vì vậy mà xứ này giàu có hùng mạnh nhất thiên hạ nhưng người không nhà cửa lang thang khắp nơi.

Kiếm sống cũng có năm bảy đường, kiếm sống vừa hợp pháp, vừa chánh mạng thì càng quý. Thế gian có nhiều nghề hợp pháp nhưng lại là tà mạng, chẳng hạn như: mua bán rượu, cần sa (tùy tiểu bang), mở hộp đêm, giết mổ gia súc, sản xuất hay mua bán vũ khí… Mình có vài người bạn làm ở hãng LM, một hãng sản xuất vũ khí hàng đầu của nước Mỹ, rõ ràng là nghề hợp pháp nhưng chiếu theo lời Phật dạy thì lại không chánh mạng. Bạn mình cũng phân vân và ray rức, tuy nhiên vì lương cao và cũng không tìm được việc khác nên vẫn phải làm. Có lần bạn mình bị tai nạn đứt ngón tay, hãng bồi thường một món tiền lớn và bạn mình tâm sự: “mình đứng máy sản xuất đạn dược, vũ khí đã gây chết chóc và thương tích cho người khác, có lẽ tai nạn này cũng là một sự trả quả”. Mình thật sự cũng chỉ biết an ủi một cách thường tình chứ cũng không biết nói gì hơn. Hãng LM sản xuất vũ khí từ thông thường cho đến hạng nặng hoặc loại thông minh kỹ thuật cao. Chiếu theo lời Phật dạy thì sản xuất và mua bán vũ khí là tà mạng, nhưng ở phương diện quốc gia, nếu không sản xuất vũ khí thì lấy gì tự vệ? lấy gì bảo đảm an ninh cho đất nước cũng như của người dân? Điều này quá lớn, vượt qua sự hiểu thấu đáo của mình, mình chỉ tình cờ lan man một chút nhân chuyện bạn mình thế thôi!

Mấy nay bạn bè làm chung với mình vẫn bàn tán xôn xao theo thế sự. Ai cũng chửi rủa Putin đã ra tay tàn độc dã man ở Ukraine. Y đã tiến hành xâm lược và hủy diệt Ukraine, nhiều thành phố, thị trấn, làng, mạc bị san bằng thành bình địa. Y độc ác đến độ hạ lệnh tấn công cả trường học, nhà thờ, siêu thị, bệnh viện, nhà hát, trạm xe buýt, nhà máy điện, cầu cống… Y ra lệnh tàn sát cả dân lành để trả thù sự kháng cự ngoan cường của họ. Những địa danh Kyiv, Mariupol, Bucha… giờ trở thành những địa điểm đẫn máu, đầy xác người. Những địa danh ghi dấu ấn tội ác diệt chủng của quân đội Nga. Cũng may cho Ukraine. Mỹ và Tây Âu đã viện trợ nhiều vũ khí tối tân để giúp Ukraine tự vệ và tồn tại. Ukraine đã kháng cự thành công, quân Nga không thể chiếm được Ukraine. Chúng ta có thể thấy, nếu không có vũ khí hiện đại tân tiến ấy thì Ukraine khó mà đứng vững với chỉ tình thần và ý chí. Vũ khí vừa có thể tàn sát lại vừa có thể tự vệ để sống còn. Xét cho cùng thì vũ khí là vật chất vô tri, cái mục đích sử dụng mới là vấn đề quan trọng.

Putin tàn độc, bạn bè làm chung với mình và cả mình cũng vậy, ai cũng mong cho y chết, mong có ai ám sát hay lật đổ y, có như vậy mới có thể dừng lại cuộc chiến xâm lược kia, vậy phạm giới chăng? vì Phật có dạy giới cấm sát sanh, không những không tự giết mà cũng không được vui với việc giết của người khác, không xúi người khác giết. Nhưng trường hợp Putin hay những kẻ độc tài cùng hung cực ác thì có chết mình cũng vui. Nhà nho có câu: “sát nhất miêu cứu vạn thử”, truyện bổn sanh cũng kể trong những kiếp lâu xa của đức Phật, ngài cũng vì cứu đoàn thương nhân và những người vô tội khác mà phải ta tay hạ tên cướp hung bạo.

Chiến tranh thật tàn khốc và kinh khủng, xây dựng phải tốn hàng trăm năm, thậm chí vài trăm năm nhưng chiến tranh phá hủy chỉ trong vài giờ hoặc vài ngày. Đất nước Ukraine tươi đẹp thanh bình,vậy mà qua những đợt tấn công dã man của quân Nga đã tan hoang. Ukraine tiêu điều dưới những trận mưa bom và hỏa tiễn của lòng tham vô độ, sự sân hận vô lý, những tính toán sai lầm đầy hoang tưởng của Putin. Lịch sử loài người là lịch sử của những trận chiến, không đánh lớn thì đánh nhỏ, không nơi này thì nơi khác, không lúc này thì lúc khác, xưa nay những trận chiến liên miên không dứt, chiến tranh không thể dứt khi mà con người còn tạo ra nhân chiến tranh, con người còn sống trong sự thù hận, đố kỵ, tham lam và si mê. Phật dạy: “lấy oán báo oán, oán ấy không dứt” nhưng ở thế gian này thì biết làm sao đây? Không phải ai cũng biết Phật pháp, không phải ai cũng chấp nhận Phật pháp và không phải ai cũng đem Phật pháp áp dụng vào đời. Nhất là những người nắm quyền lực cao, những người có quyền quyết định vận mệnh của dân tộc hay quốc gia, những tập đoàn chính trị, quân sự, kinh tế… A Dục là một ông vua tàn bạo thuở ban đầu, sau đó hồi tâm chuyển ý và trở thành một ông vua nhân từ, ủng hộ Phật pháp, áp dụng Phật pháp vào việc lãnh đạo quốc gia và đối xử với con người. Thế gian này tìm đâu ra người lãnh đạo như vua A Dục?

Bát chánh đạo là con đường trung đạo, nếu y cứ vào đó mà tu hành thì có thể chuyển phàm thành thánh. Bát chánh đạo tuyệt vời như thế, thánh thiện như thế nhưng áp dụng vào đời qủa là không dễ. Địa vị càng cao càng khó có chánh ngữ nói riêng bát chánh đạo nói chung. Với người bình thường như chúng ta thì có áp dụng cũng chút chút chứ khó mà làm tròn (nếu làm trọn vẹn thì đã thành thánh cả rồi). Mỗi người chúng ta vì khác biệt ở nguồn gốc xuất thân, quan điểm chính trị, trình độ hiểu biết, quyền lợi… nên khó có được chánh kiến, vì thiếu chánh kiến nên tư duy cũng không chánh, hai mục trên không chánh thì không thể chánh ngữ (nói sai sự thật để được gì đấy hay để bảo vệ cái tà kiến của mình). Đã tà kiến, tà ngữ rồi thì tạo cái nghiệp không chánh đáng hay nói khác là tà nghiệp. Không có chánh kiến cũng khó vượt qua tà mạng, làm những việc không chánh mạng (mua bán rượu, thuốc gây nghiện, vũ khí, mại dâm…). Một khi đã không có chánh kiến thì mọi sự cố gắng cũng không thể nào chánh được, vì thế mà không thể có chánh tinh tấn và chánh niệm, chánh định. Chánh kiến đứng đầu trong bát chánh đạo, chánh kiến vô cùng quan trọng như thế, bởi vậy mà trong pháp lục hòa của nhà chùa cũng để: “kiến hòa đồng giải” đứng đầu là vậy.

Thanh Nguyễn

Ất Lăng thành, 2022

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Ngát Hương – Vô Ưu
Sự kiện, Tuỳ bút, Văn học

Hằng năm cứ độ tháng Tư lại về, bầu trời trong xanh tươi mát, gió thoảng đong đưa, người trời hân hoan đón mừng bậc Thế Tôn giáng trần. Là người con Phật ai ai cũng hiểu ngày đó, chính là ngày Đức Thế Tôn đản sanh tại thành Ca Tỳ La Vệ thuộc xứ Ấn Độ thời bấy giờ. Chúng ta một lòng hướng về cội...

Thơ: Giấc mộng phù sinh
Thơ, Văn học

Giấc mộng phù sinh Đời như giấc mộng phù sinh Nửa chừng tỉnh giấc thấy mình đã xa Một thời phiếm mộng phù hoa Tàn cơn gió lạnh như là khói sương Ngẫm nhìn một đoá liên hương Trầm lao phủ lối tà dương ngược dòng Hoa yên nhuộm áo nâu sòng Đường xa tuyết...

Lời Kinh Từ Những Buồng Biệt Giam
Tuỳ bút, Văn học

Cách đây khá lâu, tôi đã có lần đọc câu chuyện về những người phạm nhân ở trong trại cải tạo và mối tương quan đồng cảm của những người giám thị trại giam dành cho họ, đó là chia sẻ về Phật pháp, đặc biệt là đối với những tử tội. Hãy tưởng tượng rằng những người đang...

“Xuân Khai Phúc Lạc” qua góc nhìn chư Tổ
Thơ, Văn học

“Xuân Nhật Tức Sự” được lưu truyền là của Thiền sư Huyền Quang (1254- 1334) là vị Tổ thứ ba Thiền phái Trúc Lâm. Đây là bài thơ hay, bài thơ này rất đẹp về “Xuân”, vì sao? Vì Ngài diễn tả một hành động thong dong tự tại của cô gái tuổi tròn trăng...

Cảm Niệm Đêm Phật Thành Đạo
Thơ, Văn học

Namo Sakya Muni Buddha CẢM NIỆM ĐÊM PHẬT THÀNH ĐẠO Thích Tánh Tuệ Cách đây hơn 2500 năm về trước, Đức Phật nhập định dưới cội cây bồ đề, rồi từ đó cả nhân loại bước sang một trang mới. Lòng từ bi của Người soi sáng cả pháp giới, ánh quang minh bao phủ muôn vạn loài, những khổ đau muôn kiếp theo vô minh vỡ tan. Nhờ có đêm thành đạo mà...

Ai điếu Hòa thượng Tuệ Sỹ
Thơ, Văn học

Một giọt sương rơi Cho hiên chùa thêm quạnh Một vầng trăng về tây Cho biển tối thêm sâu Một Tăng Triệu thời nay Giũ áo qua cầu Tiếng thạch sùng khuya Gió lùa tàng kinh các Cầm đèn tuệ chênh vênh sống một đời cao sĩ Vóc hạc gầy mong manh hồn chứa hết...

Cội tùng Phật giáo, 500 năm có một
Tuỳ bút

Hay tin Ôn bệnh đã lâu, đêm qua bất chợt tôi lại thao thức đến gần 2h sáng. Những niệm cảm xúc trượt qua tâm tư cứ ghim chặt tại chỗ không muốn rời đi, nhói lòng. Chúng ta đều sở hữu thân phàm, không ai có thể tránh khỏi lực hút của vòng xoáy...

Tuệ Sỹ, buông tay nơi vách núi
Tuỳ bút

Không có ngôn từ nào đủ để miêu tả chính xác và đầy đủ về chân dung một người nhỏ thó về ngoại hình nhưng quá khổ về tầm vóc của Thầy Tuệ Sỹ. Thầy không chỉ là một nhà tu. Thầy là một nhân vật văn hóa vĩ đại với dấu ấn vĩ đại...

Tôn Sư Trọng Đạo, Nét Đẹp Tri Thức Và Nhân Văn
Tuỳ bút, Văn học

“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, một chữ cũng là Thầy, nửa chữ cũng là Thầy là câu lưu truyền để nói lên công ơn của những người Thầy đã dành cho chúng ta, dù nhiều hay ít, cũng là những nền tảng để mỗi người có được sự hiểu biết và phát triển theo hướng tích cực. Tôn sư trọng đạo vốn là truyền thống cao đẹp, thiêng...

Bình yên giữa đời
Tuỳ bút, Văn học

Khi vệt nắng đầu ngày mới lên, chỉ vừa đủ ấm để làm tan những hạt sương mai, hiện ra vẻ đẹp dịu dàng của thiên nhiên nơi làng quê yêu dấu, khiến kẻ xa xứ lâu năm càng yêu quê hương mình thêm thắm thiết. Với tôi, mỗi ban mai là mỗi kỷ niệm...

Hãy Bỏ Bớt Những Gánh Nặng Cuộc Đời!
Tuỳ bút, Văn học

Mỗi người trong cuộc sống này luôn có một thử thách để chinh phục và vượt qua, đó là gì? Phải chăng là một vị trí cao trong xã hội? Một gia tài đồ sộ? Một danh tiếng lẫy lừng? Là vượt qua tất cả người khác để chiếm giữ vị trí độc tôn? Người đời thường quan tâm đến những thứ đang tồn tại bên ngoài, mong muốn chinh phục và nắm giữ những thứ phù phiếm hư danh,...

Lịch sử văn học kinh Hoa Nghiêm
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn học

Lịch sử văn học kinh Hoa Nghiêm Thích Nhuận Thịnh A. DẪN NHẬP Trong quá trình thuyết giáo của đức Phật, những lời dạy của Ngài không được lưu giữ dưới dạng văn bản chữ viết mà được lưu giữ bằng trí nhớ của các bậc trưởng lão kỳ túc, tức là hình thức khẩu...

Kinh Địa Tạng, bà mẹ của mặt đất điêu linh
Tuỳ bút

Lúc nào có dịp đọc lại mấy câu ca dao này: Lạy trời mưa xuống Lấy nước tôi uống Lấy ruộng tôi cày Lấy đầy bát cơm Lấy rơm đun bếp Thì tự nhiên trong ký ức bề bộn của tôi cũng đều hiện lên những mảnh đời lam lũ của một vùng quê nghèo xơ...

Lễ Vu Lan, Mùa Của Tình Thương!
Tuỳ bút, Văn học

Việt Nam ta là một Đất nước có truyền thống tôn sư trọng đạo, nhân lễ nghĩa và thờ kính Cha Mẹ từ ngàn xưa. Lễ Vu Lan được xem là ngày Lễ thiêng liêng của những người con đối với bậc sinh thành, đây là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo, xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu Mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ.  ...

Thơ: Mẹ là bình yên
Thơ, Văn học

Mẹ là bình yên! Nắng trưa phủ xuống hiên nhà Mẹ ngồi nhóm bếp khói pha vườn trầu Thương cho đôi mắt đã sâu Tóc pha sương bởi dãi dầu nắng mưa Nhớ ngày Mẹ trẻ thời xưa Nụ cười thắm sắc, tóc thời còn xanh Thời gian bỏ ngõ qua mành Mẹ đà già...

Thơ: Tùy Duyên
Thơ, Văn học

  Ở đời nên học chữ tùy duyên Học chi thi nấy chớ than phiền Bận tâm chi chuyện thi và điểm Hãy học cho mình cảm thấy yên Ở đời nên học chữ tùy duyên Ai đến ai đi cũng có quyền Miễn sao xin chớ làm liên lụy San sẻ niềm vui lấy...