Hòa thượng pháp danh thượng Tâm hạ Ba, tự Nhựt Quang, hiệu Bửu Huệ thuộc đời 41 dòng Lâm Tế và đời 43 thuộc phái Thiên Thai, Phó Viện trưởng Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm, Phó Tổng lý tổ đình Ấn Quang, Viện chủ chùa Huệ Nghiêm.
Thân thế
Hòa thượng pháp danh thượng Tâm hạ Ba, tự Nhựt Quang, hiệu Bửu Huệ thuộc đời 41 dòng Lâm Tế (chữ Nhựt) và đời 43 thuộc phái Thiên Thai (chữ Tâm). Húy danh: Nguyễn Văn Ba, sinh năm Giáp Dần (1914), tại xã Tân Hương, huyện Bến Tranh, tỉnh Ðịnh Tường (nay là tỉnh Tiền Giang). Hòa thượng sinh trưởng trong một gia đình trung nông, giàu lòng kính tin Tam bảo. Thân phụ là ông Ðặng Văn Cử, thân mẫu là bà Nguyễn Thị Thu. Hòa thượng theo họ mẹ, là người con thứ hai trong gia đình gồm hai anh em.
Xuất gia học đạo
Thuở nhỏ, Hòa thượng thường theo mẹ đi chùa lễ Phật. Sớm liễu ngộ lẽ vô thường tan hợp, sinh ly tử biệt nên ngài quyết tâm tìm con đường giải thoát.
Ban đầu, ngài thọ pháp với Hòa thượng Huệ Ðăng ở chùa Thiên Thai tại Bà Rịa.
Năm 1938, khi được sự chấp thuận của song thân, ngài quy y với Hòa thượng Pháp Long, thuộc dòng Lâm Tế, trụ trì chùa Thiên Phước tại Tân Hương. Ngài được Hòa thượng Bổn sư chỉ dạy kinh Phật và hướng dẫn đọc các tạp chí Phật học như Từ Bi Âm, Duy Tâm, Viên Âm, Ðuốc Tuệ…
Năm 1944, Hòa thượng thế phát xuất gia tại chùa Thiên Phước. Tám tháng sau, ngài thọ giới Sa-di ở chùa Long Quang, Vĩnh Long.
Năm 1946, Hòa thượng Trí Tịnh và Hòa thượng Thiện Hoa khai mở Phật học đường tại chùa Phật Quang, Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ (nay là tỉnh Vĩnh Long). Ngài được Hòa thượng Bổn sư cho phép tham dự lớp Sơ đẳng Phật học tại đây trong hai năm.
Năm 1948, Phật học đường Liên Hải được thành lập tại chùa Vạn Phước, xã Bình Trị Ðông, do Hòa thượng Trí Tịnh làm Giám đốc. Ngài cùng với các huynh đệ đồng học lớp Sơ đẳng Phật học, tiếp tục tham dự lớp Trung đẳng Phật học trọn khóa ba năm tại đây.
Năm 1949 tại Phật học đường Liên Hải mở Giới đàn, ngài được Ban Giám đốc cho đăng đàn thọ Tỳ-kheo và Bồ-tát giới.
Năm 1950, Phật học đường Nam Việt được thành lập tại chùa Sùng Đức, Chợ Lớn.
Năm 1951, Phật học đường Nam Việt dời sang chùa Ấn Quang, đường Sư Vạn Hạnh Chợ Lớn. Ngài hoàn tất chương trình Trung đẳng Phật học.
Từ năm 1951 đến năm 1954, ngài học Cao đẳng Phật học tại Phật học đường Nam Việt Ấn Quang, cùng với chư huynh đệ đồng khóa như Thượng tọa Huệ Hưng, Thượng tọa Thiền Tâm, Thượng tọa Tắc Phước, Thượng tọa Bửu Ðạt, Thượng tọa Tịnh Ðức, Thượng tọa Tịnh Chơn….
Với đức tánh hiền hòa khiêm tốn, bao dung nhẫn nại, giới hạnh trang nghiêm và tuổi tác cũng lớn hơn các vị đồng học nên Hòa thượng được xem là người anh cả. Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Phật học, ngài cùng với huynh đệ đồng khóa trụ lại Ấn Quang một thời gian để hỗ trợ Hòa thượng Giám đốc và chư vị pháp sư trong việc điều hành và quản lý Phật học đường. Ngài đảm nhận chức Tri sự, Thượng tọa Thiền Tâm đảm nhận chức Tri chúng. Ngài luôn hoàn tất tốt mọi công tác mà Ban Giám đốc và đại chúng giao phó, được người trên quý trọng khen ngợi, kẻ dưới thương yêu kính mến.
Thời gian sau, ngài và Thượng tọa Thiền Tâm xin phép Ban Giám đốc trở về quê hương để lập thất tịnh tu trong thời gian dài. Hai vị đồng phát nguyện với Ban Giám đốc, sau 10 năm tịnh tu sẽ cùng nhau gánh vác Phật sự nhằm báo ơn Thầy Tổ và Tam bảo.
Thời gian hành đạo
Từ lúc cắt ái từ sở thân, xuất gia cầu đạo cả, ngài đã vạch sẵn một lối đi rõ rệt: “Tôi phát nguyện học Phật 10 năm, nhập thất tịnh tu 10 năm và ra làm Phật sự 10 năm”. Cho nên, sau khi xin phép Ban Giám đốc trở về quê, từ năm 1954-1964, ngài bế quan tại tịnh thất Nam Tuyền, xã Tân Hương, tỉnh Định Tường.
Nhận được sự hộ trì tận tâm từ gia đình người anh ruột về vật chất, ba năm đầu kết thất, bằng pháp môn Thiền – Tịnh song tu, ngài đã hàng phục vọng tâm, an định nội ma, diệt trừ ngoại chướng, dung hòa chơn tục, tỏ tường diện mục, xuất nhập thong dong, an nhiên tự tại. Bảy năm tiếp theo là thời gian tiến sâu hơn vào con đường biện tâm và niệm Phật tam muội.
Từ năm 1958-1961, số lượng Tăng sinh ở các tỉnh miền Tây đến Sài Gòn tham học ngày càng đông. Đặc biệt, sau pháp nạn 1963, Phật giáo bắt đầu khôi phục và khởi sắc, nhu cầu mở rộng Phật học đường là điều tất yếu nên Hòa thượng Thiện Hoa và Hòa thượng Thiện Hòa quyết định dời lớp Trung đẳng vào An Dưỡng Địa, huyện Bình Chánh.
Trong phiên họp ngày 4-2-1964 tại chùa Ấn Quang, Thượng tọa Thanh Từ thừa ủy nhiệm của nhị vị Hòa thượng Thiện Hoa và Hòa thượng Thiện Hòa về Tân Hương thỉnh ngài, và đến Bến Tre thỉnh Thượng tọa Thiền Tâm xả thất để thực hiện sứ mệnh hoằng pháp độ sinh, “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”. Nhận thấy duyên tiếp chúng độ Tăng đã đến nên ngài và Thượng tọa Thiền Tâm hoan hỷ nhận lời mời và chung tay cộng tác Phật sự. Kể từ đây, ngài đã chánh thức bước vào con đường tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức.
Về lĩnh vực giáo dục
Thừa sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Phật học đường Ấn Quang, Trường Trung đẳng Phật học Chuyên khoa được thành lập và đặt tại chùa Huệ Nghiêm thuộc huyện Bình Chánh, tỉnh Gia Ðịnh (nay là TP.Hồ Chí Minh) do Hòa thượng Bửu Huệ làm Giám đốc, Hòa thượng Thiền Tâm làm Giáo thọ, Hòa thượng Thanh Từ làm Quản viện. Cùng thời gian đó, Phật học Ni trường Dược Sư được khai mở, cũng dưới sự lãnh đạo của ba vị Hòa thượng.
Trong phiên họp ngày 4-5-1965 tại chùa Ấn Quang, Ban Giám đốc kết hợp Tổng vụ Tăng sự và Phật học vụ, bàn bạc về việc cải thiện và phát triển ngành Giáo dục Phật giáo. Cuối cùng quyết định đổi tên trường Trung đẳng Phật học Chuyên khoa thành Phật học viện Huệ Nghiêm và tiếp nhận thêm khoảng 300 Tăng sinh vào tu học tại Viện.
Năm 1968, Phật học Viện Huệ Nghiêm trở thành Học viện Chuyên khoa Nội điển nên các Tăng sinh có nhu cầu học song song chương trình thế học và Phật học được chuyển đến các Phật học viện khác để lưu học như: Hải Ðức ở Nha Trang, Liễu Quán ở Phan Rang, Bảo Tịnh ở Phú Yên, Nguyên Thiều ở Bình Ðịnh…
Thể theo lời mời của Thượng tọa Tổng vụ Trưởng Tổng vụ Văn hóa Giáo dục, Hòa thượng đảm nhận chức Phụ tá Vụ trưởng Phật học vụ, đặc trách các Phật học Viện Phật giáo Bắc tông tại các tỉnh miền Nam.
Năm 1970, Ðại hội Văn hóa Giáo dục kỳ IV họp tại TP.Ðà Lạt, Giáo hội quyết định thành lập Viện Cao đẳng Phật học và đặt tại chùa Huệ Nghiêm, suy cử Hòa thượng Trí Tịnh làm Viện trưởng và Hòa thượng Bửu Huệ làm Phó Viện trưởng. Bên cạnh đó, ngài đóng vai trò trực tiếp quản lý và điều hành chương trình tu học cho các Tăng sinh ở Huệ Nghiêm.
Từ năm 1971 đến năm 1975, ngài phụ trách giảng dạy bộ môn luận Biện trung biên cho Tăng, Ni sinh ở hai trường Phật học Huệ Nghiêm và Dược Sư.
Quản lý cơ sở
Ngày 7-12-1974, Hòa thượng Thiện Hòa lâm trọng bệnh. Trước sự chứng minh của ông Chưởng khế Nguyễn Bích Lưu, Hòa thượng Thiện Hòa đã lập văn bản ủy quyền cho Hòa thượng Bửu Huệ quản lý và điều hành các cơ sở trực thuộc tổ đình Ấn Quang mà Hòa thượng đã sáng lập từ năm 1951 như hãng nước tương Vị trai Lá Bồ Ðề (cơ sở đặt tại chùa Giác Sanh, đường Âu Cơ), Cô nhi viện Diệu Quang (huyện Bình Chánh)… Hòa thượng Bửu Huệ vâng theo chỉ thị, ký tên và nhận lãnh trách nhiệm, đồng thời trở thành thành viên chính thức trong Hội đồng Quản trị tổ đình Ấn Quang, với chức vụ Phó Tổng lý. Về sau, Hội đồng Quản trị tổ đình Ấn Quang và Giáo hội Phật giáo suy cử ngài làm Trưởng ban Ban Quản trị để duy trì và phát triển Cao đẳng Phật học viện Huệ Nghiêm.
Mặc dù phải điều hành nhiều Phật sự của Giáo hội, nhưng ngài vẫn luôn tập trung vào công tác đào tạo Tăng tài và hướng dẫn hàng Tăng Ni, Cư sĩ, Phật tử tu tập theo pháp môn Tịnh độ, duy trì câu Phật hiệu trong nếp sống sinh hoạt hàng ngày.
Khai đàn truyền giới
Năm 1965, thừa sự chỉ đạo của Tổng vụ Tăng sự, ngài đảm nhận nhiệm vụ Trưởng ban Tổ chức và làm Giáo thọ sư trong Giới đàn truyền Sa-di giới cho 200 giới tử, tổ chức tại Phật học Viện Huệ Nghiêm.
Năm 1966, thừa sự chỉ đạo của Tổng vụ Tăng sự, ngài đảm nhận nhiệm vụ Trưởng ban Tổ chức Ðại giới đàn Quảng Ðức lần thứ I, tổ chức tại Phật học Viện Huệ Nghiêm, truyền Tỳ-kheo và Bồ-tát giới cho các giới tử tại bổn viện và từ các địa phương khác.
Năm 1968, ngài được Ban Giám đốc Phật học viện Nha Trang và Ban Kiến đàn cung thỉnh làm Giáo thọ sư trong Ðại giới đàn Hải Ðức, tổ chức tại Phật học Viện Trung phần Nha Trang.
Năm 1969, thừa chỉ đạo của Tổng vụ Tăng sự, ngài đảm nhận nhiệm vụ Trưởng ban Tổ chức Ðại giới đàn Quảng Ðức lần thứ II, tổ chức tại Phật học Viện Huệ Nghiêm, truyền Tỳ-kheo và Bồ-tát giới cho các giới tử đến từ các địa phương khác.
Dạy chúng tịnh tu
Hòa thượng dạy: “Người xuất gia học đạo, không khác gì một lương tướng xông vào trận giặc, đánh dẹp hiên ngang, trước hết phải tinh thuần võ nghệ. Ðược như thế, thì cách vãn hồi an ninh trật tự cũng không khó.
Trọng trách của người độ hóa quần sinh, trước hết cần phải giải thoát chính mình, bản thân chưa tự cởi trói thì làm sao cởi trói cho người.
Giống như loài trâu, ban ngày ăn no cỏ, tối về nhai lại. Người học Phật, khi tiếp nhận Phật lý thì phải tư duy, nghiền ngẫm thấu đáo rồi mới ứng dụng tu hành. Cho nên việc nhập thất tịnh tu, là một pháp môn thiết yếu trong nhiều pháp môn. Thời gian nhập thất là lúc tư duy Phật lý cho chín muồi và ứng dụng vào đời sống cho viên mãn”.
Sau năm 1975, mọi sinh hoạt Phật sự tại Viện Cao đẳng Huệ Nghiêm có nhiều thay đổi nhưng đều tiến triển nhịp nhàng theo hoàn cảnh xã hội. Ngài hướng dẫn chư Tăng tập trung vào việc tu trì, tránh bớt duyên trần, xây dựng đời sống hướng nội, tinh cần vững chãi trước sự đổi thay của xã hội và tiếp tục duy trì mạng mạch của Phật pháp.
Ngài kiến thiết các tịnh thất để hướng dẫn chư Tăng nơi Phật học viện theo thứ tự luân phiên đả thất, nhằm trau dồi định tuệ, tấn tu đạo nghiệp, thấu triệt nguồn tâm.
Rằm tháng Tư năm Bính Thìn (1976), Hòa thượng đã thân lâm chứng minh lễ sái tịnh khai thất, mở ra chương trình kết thất tịnh tu cho chư Tăng tại bổn viện, lấy lục tự Di Đà làm pháp môn hành trì với tông chỉ một đời vãng sinh Tây phương Tịnh độ.
Hòa thượng thị chúng: “Chúng ta không những làm Phật sự trong một kiếp này, mà còn làm Phật sự cho đến khi Ðức Phật Di Lặc ra đời. Vấn đề trọng yếu, là đừng cho mất thiện căn tu hành.
Phải biết rằng, ngày nay chúng ta đang học và làm bài thi của Ðức Bổn Sư Thích Ca. Nhưng Giám khảo chấm thi, đó là Ðức Phật Di Lặc. Ba vị Tam thế Bổn Sư có nhân duyên lớn với chúng sinh trong cõi Ta-bà, đó là Phật Di Ðà, Phật Thích Ca và Phật Di Lặc.
Như vậy, chúng ta phải làm thế nào để được gặp Phật Di Lặc thọ ký trong hội Long Hoa, có như vậy mới đủ tư cách thượng hoằng Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”.
Ngài thích sống cộng trụ, hòa mình với đại chúng và xem Tăng thân là những bậc thiện trí thức. Ngài thường nói: “Chúng ta nguyện làm pháp lữ Ðại thừa với nhau, cho đến khi Ðức Từ Thị ra đời!”
Với hơn 300 Tăng sinh được sự giáo dưỡng của Hòa thượng suốt hơn 25 năm tại Phật học Viện Huệ Nghiêm, nay đều trở thành những bậc thạch trụ tòng lâm, tiếp nối sự nghiệp hoằng dương Phật pháp và gìn giữ ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Thời kỳ viên tịch
Thân tứ đại mỏi mòn trên cuộc lữ,
Xe Ðại thừa chở khách dặm đường xa.
Duyên giáo hóa vẹn tròn theo năm tháng,
Đường độ sinh muôn thuở ngát hương hoa.
Năm 1980, biến chứng từ căn bệnh sốt rét trong quá khứ có phần nghiêm trọng, dù chư Tăng tại Viện tận tâm tìm kiếm các bác sĩ Đông y, Tây y để chữa trị nhưng sức khỏe của ngài bắt đầu suy giảm. Từ đó, việc quản lý và điều hành tại Viện được giao phó Ban Quản chúng đảm nhiệm, ngài chỉ giữ vai trò Cố vấn chỉ đạo.
Ngài giao phó nhiệm vụ cho bốn vị Thượng tọa: Thích Chơn Lạc, Thích Minh Thông, Thích Chơn Thanh và Thích Thiện Quý, tiếp tục duy trì và phát triển cơ sở Huệ Nghiêm.
Từ năm 1980-1991 dù thân mang trọng bệnh nhưng hàng ngày ngài luôn an trú trong câu Phật hiệu, hòa nhan ái ngữ, từ nhãn thị chúng.
Đầu thu năm Tân Mùi (1991), trong buổi khai thị về niệm Phật, ngài bảo đại chúng: “Tôi thấy hoa sen lớn bằng mẫu đất hiện ra trước mặt, ba ngày sau mới tan biến”.
Vào lúc 14 giờ, ngày 27 tháng 10 năm Tân Mùi (2-12-1991), ngài tắm gội sạch sẽ, gọi đại chúng đến phương trượng, nói lời từ biệt và xả báo an tường.
Ngài trụ thế 78 năm, 42 hạ lạp.
Theo hồi chuông trống Bát-nhã, chư Tăng tại Viện đồng thanh niệm Phật tiễn đưa Người cha lành trở về quê xưa cảnh cũ và viên thành hạnh nguyện.
Lễ cung tống kim quan cố Hòa thượng, được cử hành vào ngày mồng 1 tháng 11 năm Tân Mùi (6-12-1991). Bảo tháp lập tại chùa Huệ Nghiêm.
***
Hòa thượng Bửu Huệ đã hiến trọn cuộc đời thanh tu của mình cho chúng sinh và đạo Pháp. Hơn 40 năm không kể gian lao, chẳng từ khó nhọc, bằng tấm lòng từ bi vô ngã, bình đẳng vị tha, ngài đã tận tâm trong sự nghiệp đào tạo Tăng tài và dẫn dắt tín đồ Phật tử bước theo con đường Chánh pháp.
Về mặt tự độ, Hòa thượng là bậc chân tu thanh tịnh. Ngài thích cuộc sống ẩn dật tịch tĩnh nhàn cư, an trú trong chánh định của Thiền và tam muội của Phật hiệu. Với phương châm “Muốn độ tha thì trước hết phải tự độ”; cho nên, sau khi hoàn tất quá trình tham học, ngài trở về quê hương, dành 10 năm để kết thất tịnh tu, gội rửa não phiền, lau chùi gương tâm. Vì thương tưởng đến chúng sinh và để báo đền ơn Thầy Tổ nên ngài mới rời xa cảnh giới khinh an tịnh lạc của chánh định mà dấn thân vào con đường hoằng pháp độ sinh.
Về mặt độ tha, trong sự nghiệp giáo dục, Hòa thượng là bậc Thầy uyên bác và dày dặn kinh nghiệm, có tầm nhìn sâu rộng ở hiện tại và tương lai. Trải qua 25 năm, ngài đã cùng chư tôn đức đương thời đã giáo dưỡng và đào tạo cho Giáo hội Phật giáo những bậc đống lương, thạch trụ, giúp cho ngôi nhà Phật pháp thêm vững mạnh và trường tồn.
Nhân duyên với cuộc đời đã mãn, hạnh nguyện với chúng sinh đã vẹn tròn, Hòa thượng nhẹ gót về Tây, để niềm tiếc thương và sự mất mác to lớn đối với Giáo hội và hàng Tăng Ni, Cư sĩ, Phật tử.
Nam-mô Huệ Nghiêm đường thượng, tự Lâm Tế chánh tông tứ thập tam thế, húy thượng Tâm hạ Ba, tự Nhựt Quang, hiệu Bửu Huệ Đại lão Hòa thượng Giác linh thùy từ chứng giám.