Đại diện Ủy ban Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (ICDV) đã không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của núi Bà Đen, Tây Ninh trong chuyến khảo sát nơi được chọn là điểm đến tham quan của hàng ngàn đại biểu từ 80 quốc gia trong đại lễ Vesak 2025
Biểu tượng linh thiêng của Phật giáo
Trong văn hoá Phật giáo, các ngọn núi cao được xem là một biểu tượng linh thiêng, gắn liền với các truyền thuyết về cuộc đời đức Phật. Những ngọn núi nổi tiếng nhất trên thế giới phải kể đến như núi Tu Di, cách thủ phủ Lhasa của Tây Tạng hơn 1.000km về hướng Tây. Ngọn núi được mường tượng như một đài sen nhô lên từ mặt nước này tương truyền là nơi đức Phật ngồi trên tảng đá giảng dạy giáo lý. Tại Ấn Độ, Linh Thứu Sơn nằm cách Bồ Đề Đạo Tràng khoảng 70km nổi tiếng với câu thơ “Khe núi khoá mây trời, nước biếc trào phỉ thuý”, cũng là một nơi Phật tử trên toàn thế giới khao khát được đặt chân đến bởi nơi đây từng là nơi Đức Phật thuyết giảng Kinh Pháp Hoa. Ở Trung Quốc, các ngọn núi được biết đến với những thư viện về Phật giáo, kiến trúc Phật giáo và phong cảnh tuyệt đẹp phải kể đến như núi Ngũ Đài Sơn, núi Nga Mi, hay núi Jiuhua.
Quay trở lại Việt Nam, trải từ Bắc vào Nam, có 4 ngọn núi được biết đến là các huyệt đạo thiêng gồm Fansipan (Lào Cai), núi Nưa (Thanh Hoá), núi Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội) và núi Bà Đen (Tây Ninh). Đây là các ngọn núi gắn liền với đời sống tâm linh của người Việt và có sự hiện diện đậm nét của văn hoá Phật giáo Việt.
Ở độ cao 986m so với mực nước biển, núi Bà Đen nổi lên sừng sững giữa vùng đồng bằng Đông Nam Bộ mênh mông, điều này càng khiến ngọn núi trở thành nơi hội tụ linh khí của đất trời. Theo GS.TS Trần Lâm Biền, vốn dĩ giữa cánh đồng mênh mông nổi lên ngọn núi đơn côi một mình, thì bao giờ núi ấy cũng thiêng: “Đây chính là ngọn núi hút sinh lực của trời cha xuống cho lòng đất để cho muôn loài sinh sôi. Đó cũng chính là một trục vũ trụ nối trời với đất để thúc đẩy cho hạnh phúc được tràn đầy trong tất cả mọi nhà, mọi nơi” – Giáo sư cho biết.
Lần đầu tiên đến núi Bà Đen tham quan và thảo luận về đại lễ Vesak 2025, Hoà thượng TS.Tampalawela Dhammaratana – Phó Chủ tịch ICDV đã vô cùng kinh ngạc khi tại Việt Nam lại có ngọn núi độc đáo này. Theo Hoà thượng, núi Bà Đen đã gợi nhắc đến các ngọn núi là biểu tượng của Phật giáo trên thế giới, gắn liền với các câu chuyện về cuộc đời và hành trình ban giáo lý của đức Phật. “Khi nhìn thấy bức tượng Phật Bà đứng uy nghiêm trên đỉnh Bà Đen, tôi đã cảm nhận được sự gia hộ của Bồ Tát lan tỏa từ nơi đây đến toàn bộ đất nước, đến tất cả mọi người, không chỉ là người Việt Nam, mà còn là các quốc gia trong khu vực châu Á”. “Đây là một nơi kỳ diệu, một nơi thật đẹp. Đối với tôi, đây không chỉ là một điểm đến tâm linh, mà là một trung tâm văn hóa, một nơi linh thiêng đến để chữa lành và cảm nhận sự gia hộ của Đức Phật” – Ngài nói.
Kết nối giữa thế giới tâm linh và thế giới thực
Được mệnh danh là “đệ nhất thiên sơn”, núi Bà Đen vốn nổi tiếng với khung cảnh hùng vĩ, nơi từng được Nữ sĩ Sương Nguyệt Ánh – ái nữ của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu tán dương:“Non linh đất phước trổ hoa thần/Riêng chiếm vườn hồng một cảnh xuân”. Ngọn núi quanh năm mây phủ này còn là một thiên đường hoa rực rỡ bốn mùa, cùng rất nhiều công trình văn hoá tâm linh kỳ vĩ như tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn cao nhất châu Á toạ lạc trên đỉnh núi, tượng Di Lặc bằng đá sa thạch lớn hàng đầu thế giới, hay các khu vườn với lối đi rải sỏi cùng tiếng nước chảy róc rách và các bức tiểu tượng nở nụ cười hoan hỉ mang đến cảm giác an nhiên, thư thái tựa như đi lạc miền tiên cảnh.
Khi đến núi Bà Đen trong chuyến tham quan và làm việc về đại lễ Vesak 2025, Hòa thượng GS.TS Phra Brahmapundit, Chủ tịch ICDV đã nhận định núi Bà Đen là một viên ngọc báu, một điểm nhấn chính cho toàn bộ sự kiện Vesak 2025. Theo Hoà thượng Phra Brahmapundit, đây là nơi rất hiếm hoi trên thế giới tìm thấy sự kết hợp hoàn chỉnh giữa thế giới tâm linh và thế giới thực. “Hầu hết các địa điểm thu hút khách du lịch nói chung đều hoặc là công viên giải trí, hoặc để phụng sự đời sống tâm linh. Núi Bà Đen thì khác, đây là nơi để bạn đến chiêm bái Đức Phật và nuôi dưỡng đời sống tâm linh. Nhưng hành trình này lại không hề nhàm chán chút nào, với khung cảnh êm đềm, đẹp đẽ để nâng niu tâm hồn”.
Theo Chủ tịch ICDV, núi Bà Đen là điểm đến hoàn hảo cho Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 còn bởi hiếm có điểm đến tâm linh nào phù hợp hơn với chủ đề “Hòa hợp và Bao hàm vì Nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững” của Vesak 2025. Và núi Bà Đen thực sự là thiên đường nơi hạ giới, là điểm khởi đầu của hoà bình, khi con người tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn và gắn kết với nhau.
Bên cạnh đó, sự phát triển bền vững, hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo vệ hành tinh cũng là điều rất được Liên Hợp Quốc quan tâm, và điều này được thể hiện rất rõ ở núi Bà Đen. “Tôi thực sự ngạc nhiên khi đến đây, thấy núi Bà Đen rất xanh, khắp nơi đều là màu xanh của cỏ cây, của non nước dù có rất nhiều du khách và cả một không gian văn hoá tâm linh độc đáo được kết hợp bởi công nghệ hiện đại” – Hoà thượng nói thêm.
Theo dự kiến, hàng ngàn Phật tử quốc tế sẽ đến tham quan và chiêm ngưỡng không gian văn hoá Phật giáo sống động tại núi Bà Đen trong dịp Đại lễ Vesak 2025 – ngày hội quan trọng nhất của Phật giáo thế giới diễn ra từ ngày 6-8/5/2025. Điều này cho thấy sự quan tâm của cộng đồng Phật giáo quốc tế đến những giá trị truyền thống của Phật giáo Việt Nam nói chung và núi Bà Đen – ngọn núi thiêng đã đi vào lịch sử và đời sống tín ngưỡng lâu đời của người Việt.
Trung Nghĩa