Chùa Dâu nằm trong thôn Khương Tự, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc, cách Hà Nội về phía Đông Nam khoảng 30 km, là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở nước ta được gìn giữ cho đến ngày nay.
Chùa nguyên có tên chữ là Pháp Vân. Đến đời Lý, chùa được đổi tên thành Cổ Châu. Sang đời Trần lại đổi thành Thiền Định và đến đời Hậu Lê, chùa lại có tên là Diên Ứng.
Chẳng rõ lý do vì sao chùa lại được đổi sang nhiều tên như vậy, chúng tôi chỉ biết chùa đã có mặt ở vùng đất Luy Lâu mà một thời là cố đô của Phật giáo này vào khoảng đầu thế kỷ thứ 3, Tây lịch. Lịch sử của chùa đã gắn liền với huyền thoại Man Nương, người con gái làng Mãn Xá ở bên kia sông Đuống, sang bên này bờ Bắc học đạo với Thiền sư Khâu-đà-la, Ngài là người Thiên Trúc ở chùa Linh Quang, xã Phật Tích – Tiên Sơn, là người rất tinh thông trong việc kết hợp Mật Tông với tín ngưỡng dân gian để truyền bá Phật pháp và được cư dân vùng Luy Lâu mến mộ.
Tương truyền, một hôm sau giờ hành lễ, Khâu-đà-la đã bước qua người Man Nương trong lúc nàng đang nằm ngủ khiến nàng thụ thai. Một năm hai tháng sau, nhằm ngày Phật đản, Man Nương sinh hạ một bé gái và mang đến trả cho Thiền sư. Khâu-đà-la bồng đứa bé đến một gốc cây cổ thụ ven sông, niệm thần chú rồi dùng thiền trượng gõ vào gốc cây. Cây nứt ra, đứa bé được đặt vào. Cây khép lại và một mùi hương thơm ngát toả ra. Kỷ vật cuối cùng mà Khâu-đà-la trao cho Man Nương là cây thiền trượng với lời dặn “Khi nào gặp trời hạn hán thì cắm cây thiền trượng này xuống đất mà cầu nguyện, phép mầu sẽ hiện ra”. Man Nương làm theo, quả nhiên có sự linh nghiệm: trời đổ mưa.
Sau một đêm mưa to gió lớn, cây cổ thụ, nơi gởi xác đứa con gái của Man Nương bỗng đổ xuống sông và trôi về làng Dâu. Dân làng không ai khiêng nổi cây, may có Man Nương dùng dải yếm kéo được. Đem lên bờ, đêm ấy dân làng được thần báo mộng, khuyên nên đem cây tạc tượng để thờ. Từ đó ra đời bốn pho tượng nữ thần: thần Mây (tức Pháp Vân, còn gọi là Bà Dâu, thờ ở chùa Thiền Định), thần Mưa (tức Pháp Vũ, còn gọi là Bà Đậu, thờ ở chùa Thành Đạo), thần Sấm (tức Pháp Lôi, còn gọi là Bà Tướng, thờ ở chùa Phi Tướng) và thần Chớp (tức Pháp Điện, còn gọi là Bà Dàn, thờ ở chùa Phương Quan).
Huyền thoại Man Nương, người con gái trở thành Phật Mẫu sinh ra Tứ Pháp đã khiến cho tín đồ Phật giáo và du khách thập phương hằng năm về chùa Dâu mở hội vào ngày Phật đản, như nhân gian có câu:
“Dù ai đi đâu về đâu,
Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về.
Dù ai buôn bán trăm nghề,
Nhớ ngày Phật đản thì về hội Dâu”.
Hội chùa Dâu không chỉ là dịp để các Phật tử hành hương về chiêm bái Phật, Tổ, mà còn được tham dự các nghi thức cổ truyền của dân tộc. Hội diễn ra khắp cả tổng với các đám rước tưng bừng (gồm rước chào, rước đón, rước đưa), thỉnh các tượng Bà Đậu, Bà Tướng, Bà Dàn về qui tụ với chị cả là Bà Dâu ở chùa Diên Ứng.
***
Sách Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh kể rằng, Khâu-đà-la lập am ở duới gốc cây đa, rất có thể ngôi chùa Dâu đầu tiên chỉ là một ngôi đền thờ các vị nữ thần nông nghiệp theo tín ngưỡng dân gian và người ta đã đem thờ Phật chung với các vị thần. Tại chùa Dâu, nhân dân vẫn thờ Pháp Vân, một trong 4 vị thần nông nghiệp của làng quê. Việc làm đó đã nói lên được rằng ông cha ta đã đón nhận Phật giáo một cách trân trọng, cởi mở nhưng không làm mất bản sắc truyền thống của mình. Việc Phật hóa các nữ thần của mình trở thành các Phật bà là một nét đặc sắc của Phật giáo nước ta.
Trải qua nhiều lần trùng tu, xây dựng nhưng chùa Dâu vẫn giữ được nét kiến trúc độc đáo cổ xưa. Qua các pho tượng đá, qua phong cách chạm khắc trên các kèo nhà, qua các hoa văn trang trí, chúng ta không chỉ nhận ra sự tinh tế, uyển chuyển trong nghệ thuật chạm khắc, mà còn thấy được tính tư tưởng qua quan niệm sống của người xưa. Chúng ta cũng được nhìn thấy bóng dáng người quân tử qua hình dạng cây trúc dưới mái chùa.
Qua thời gian quá lâu, bị xuống cấp rất nhiều, hiện chùa đang được Bộ Văn Hoá Thông Tin cho trùng tu lại. Khi chúng tôi đến, phía trước sân chùa là một đống đổ nát bao gồm gạch, ngói và nhiều vật liệu xây dựng khác đang còn bày biện ngổn ngang.
Hiện nay chùa còn lưu giữ nhiều tác phẩm văn hoá nghệ thuật khác nhau rất có giá trị về mặt lịch sử như tượng đá Thạch Quang, tượng bà Pháp Vân (cả bệ và tượng cao 2,8m) tượng Ngọc Nữ thế kỷ thứ 14, tượng bà chúa Trắng, tượng bà chúa Đỏ…. Trong đó, chùa còn giữ được bản khắc gỗ “Cổ Châu Phật Bản hạnh” rất có giá trị trong việc giúp ích cho việc nghiên cứu sử sau này.
Nằm trên một khu đất rộng ven sông Dâu, một nhánh của sông Đuống, chùa Dâu, tức chùa Pháp Vân đã từng là một trung tâm Phật giáo lớn của cả nước: trung tâm Luy Lâu. Chính nơi đây đã chứng kiến và đào tạo nên các vị Thiền sư danh tiếng như: Thiền sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi (người Thiên Trúc, sang nước ta vào khoảng năm 580), Thiền sư Pháp Hiền và các Thiền sư danh tiếng khác như Trì Bát, Định Không, Thiện Hội… Sách Thiền Uyển Tập Anh còn ghi lại cuộc hội ngộ và tâm truyền độc đáo giữa Thiền sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi và Thiền sư Pháp Hiền diễn ra ở chùa Dâu, đánh dấu sự xuất hiện của Thiền trong đời sống văn hoá dân tộc.
Đức Dung.
(Bài viết có tham khảo “Những ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam” của Võ Văn Tường)
[Tập san Pháp Luân – số 14, tr.53, 2005]