ĐẠO PHẬT
THÍCH ĐỒNG THÀNH
A – GIỚI THIỆU:
– Đạo Phật là một trong những Tôn giáo lớn của nhân loại. Đó là một truyền thống tâm linh có ảnh hưởng rất lớn đến lịch sử văn minh của nhân loại.
– Vì sao Đạo Phật có thể tồn tại lâu dài và có ảnh hưởng tích cực đối với nền văn minh của nhân loại? Đặc tính của đạo Phật là gì? Vai trò của Đạo Phật đối với xã hội ngày nay như thế nào? v.v. Đó là những vấn đề mà chúng ta sẽ tìm hiểu.
B – NỘI DUNG:
I – Định nghĩa:
1. Đạo:
– Chữ Đạo thường có 3 nghĩa:
+Con đường: các cảnh giới như chư thiên (Thiên đạo), loài người (Nhơn đạo), Atula (Atula đạo)…
+Đạo lý: bổn phận, nguyên tắc đạo đức xã hộ, các hành xử giữa người với người.
+Lộ trình đưa đến sự trức nhận (nhận rõ trực tiếp) và thể nhập lý tánh tuyệt đối, chân lý vũ trụ và bản thể vạn vật. Đây chính là ý nghĩa chữ Đạo trong Đạo Phật.
2. Phật:
– Chữ Buddha có nghĩa là Bậc Tỉnh Thức, Đấng Giác Ngộ (Giác Giả), chỉ cho bậc đã giác ngộ hoàn toàn, giải thoát hoàn toàn, chứng đắc cảnh giới Niết Bàn.
*Xét về nghĩa, chữ Giác có 3 nghĩa:
– Tự giác: tự thân tu tập, thành tựu phước huệ viên mãn, giác ngộ được chân lý của vũ trụ, phước trí nhị nghiêm. Chứng ngộ nhân quả thế gian và xuất thế gian.
– Giác tha: dùng bình đẳng trí, vọng tâm vô duyên từ để dộ khắp chúng sánh (Đây là công hạnh của Bồ Tát).
– Giác hạnh viên mãn: Đức Phật chứng được căn bản trí, đoạn trừ phiền não ngũ trược, không còn hai thứ sanh tử, muôn đức đều đầy đủ, 10 hiệu trọn vẹn, nên được tôn xưng là Viên Mãn Giác Hạnh.
* Xét về quả vị, chữ Phật thường được dùng để chỉ 2 quả vị:
– Độc Giác Phật: là bậc hoàn toàn giác ngộ nhưng không có duyên hóa độ chúng sanh.
– Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác: bậc đã giác ngộ hoàn toàn và giáo hóa chúng sanh.
3. Đạo Phật:
Là một truyền thống tâm linh do Đức Phâtk thiết lập, là con đường đưa đến sự giác ngộ do Đức Phật khám phá, chứng ngộ và chỉ dạy.
Đạo Phật có thể hiểu theo 3 nghĩa:
– Trên phương diện đạo đức xã hội, Đạo Phật là lối sống cao thượng, đạo đức, mô phạm để đưa đến hạnh phúc chân thật và trọn vẹn.
– Trên phương diện triết học. Đạo Phật là hệ thống giáo lý, triết lý sâu sắc giúp hành giả nhận rõ chân lý vũ trụ và bản thể của vạn vật.
– Trên phương diện tôn giáo, Đạo Phật là một truyền thống tâm linh tỉnh thức, hưởng đến việc tự lợi và lợi tha, tự giác và giác tha, độ mình và độ người được rốt ráo viên mãn.
II – Đạo phật là một tôn giáo hay một hệ thống triết học?
1. Tôn giáo:
– Theo quan điểm Tây phương, Tôn giáo (religion) là sự thâu lượm sức mạnh siêu nhiên, là sự chú ý hay tôn kinh.
– Theo quan điểm Đông phương, tôn giáo là gốc, nơi sinh ra cành ngọn, giáo là dạy dỗ, là tu sửa những gì đã có => Tôn giáo là sự biểu lộ của những tư tưởng, tình cảm của quần chúng đối với các đấng thần linh siêu nhiên. Đó là một hệ thống tín ngưỡng bao gồm nghi lễ, giáo điều,…
2. Triết học:
– Theo tây phương, Triết học (Philosophi) có nghĩa là yêu chuộng tri thức, là một hệ thống lý thuyết để giải thích về những:
(1) Cái chưa biết (bản thể, siêu hình)
(2) Cái đã biết nhưng chưa rõ ràng (nhận thức luận, tâm lý học, thẩm mỹ học…), dùng ngôn ngữ phức tạp để mổ xẻ vấn đề đơn giản của cuộc sống.
– Theo Đông phương, Triết học là môn học luận lý có tính cách chia chẻ phân tích và làm sáng tỏ từng vấn đề, tìm hiểu đặc điểm và bản chất sự vật.
* Đạo Phật không giống những hình thức tôn giáo Tây phương. Đức Phật cũng không muốn đạo của Ngài là một hệ thống triết học, bởi vì triết học chỉ quanh quẩn trong phạm vi tìm hiểu và lý giải hơn là sự thực hành và thể nghiệm. Đạo Phật không phải riêng của ngành học nào mà nó bao trùm khắp tất cả như: Tôn giáo, luân lý, triết học, khoa học,…
III – Mục đích của Đạo Phật:
1. Điều phục tự thân:
– Là sự phòng hộ, kiểm thúc, điều phục và làm chủ được các căn và văn bản thân mình, để từ đó chế ngự những phiền não trong tâm.
2. Đạt được sự thanh tịnh và an lạc:
– Theo Đạo Phật, sự thanh tịnh và an lạc đích thực không phải đến từ đời sông vật chất, danh vọng hay sự thành đạt trong sự nghiệp mà đến từ trong tâm của minh. Người có sự thanh tịnh và an lạc thì không còn phải sợ hãi, lo âu, phiền muộn dù người ấy đang ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào và làm bất cứ việc gì.
3. Đạt được sự giải thoát (Moksa), Niết bàn (Nirvana):
– Niết bàn là mục đích tối hậu trong đạo Phật, đó là sự chấm dứt mọi khổ đau, phiền não; là trạng thái thanh tịnh và sáng suốt tuyệt đối; là sự thành tựu trí tuệ tối thượng.
IV – Những đặc tính tiêu biểu của Đạo Phật:
1. Tính chân thật (tathagat):
– Đạo Phật là đạo Như Thật, đạo nói về chân lý và sự thật. Người tu theo Đạo Phật cần phải xa lìa sự giả dối để trở về với sự thật: sự thật về con người (vô thường, khổ, vô ngã) và sự thật về thế giới (duyên khởi, nhân quả).
– Phương pháp tu tập, sự thành đạo và sự giáo hóa của Đức Phật được đặt trên nền tảng của nguyên lý Như thị hay Như Thật, nghĩa là trở về với cái nguồn thanh tịnh của chân tâm.
– Để nhận được tính Như thật đó, hành giả phải thực hành những nguyên lý (Tứ Thánh Đế, Duyên Khởi, Vô ngã v.v.) theo lộ trình Giới Định Tuệ.
2. Tính nhân bản:
– Nhân bản là đáp ưng và giải quyết những nhu cầu, ưu tư và ước vọng chân chính của loài người. Đức Phật không chấp nhạn quan điểm về một thượng đế hay đấng sáng tạo quyết định vận mệnh của mỗi người mà ngược lại, trên nền tảng của nhân quả nghiệp báo, Ngài khẳng định hạnh phúc hay khổ đau của mỗi người hay mỗi cộng đồng do chính con người hay chính khổ đau của mỗi người hay mỗi cộng đồng là do chính con người hay chính cộng đồng ấy quyết định.
– Tinh thần tự lực được xem là nhân tố chính để thành tựu mọi ước vọng của con người.
– Theo Đạo Phật, con người không chỉ có khả năng hoàn thiện nhân cách của chính mình mà còn có thể tu tập chứng đắc các quả vị thánh thiện, ngay cả quả vị Phật,
3. Tinh thần từ bi và trí tuệ:
– Đạo Phật được gọi là đạo từ bi, đạo cứu khổ. ở đâu có Đạo Phật ở đó có tình thương và sự sống đích thực. Hành giả tu theo Đạo Phật là người đang nhận diện, thể nghiệm và ban rải lòng từ bi đến cho mọi muôn loài, đến cả pháp giới chúng sinh.
– Trong Phật pháp, Chánh kiến là yếu tố đầu tiên trong nhận thức và tu tập, mục đích tối hậu của Đạo Phật là thành tựu trí tuệ giải thoát. Đạo Phật luôn lấy trí tuệ làm sự nghiệp.
– Từ bi và trí tuệ được xem là hai yếu tố cần và đủ của những hành giả Phật giáo, đó chính là nền tảng của Đạo Phật.
4. Tinh thần thực tiễn:
– Đạo Phật không bàn đến những vấn đề siêu hình, không hứa hẹn một tương lai xa xôi, mà chỉ chú trọng tìm hiểu và giải quyết những vấn đề trước mắt của kiếp người.
– Một trong những nghĩa của chữ Pháp là thiết thực, hiện tại, không hoài niệm về quá khứ, không vọng tưởng về tương lai mà chỉ tiếp xúc trọn vẹn với hiện tại.
5. Tinh thần hướng đến tự do, giải thoát:
– Tùy theo căn cơ, nghiệp thức, hoàn cảnh và nhân duyên khác nhau mà mỗi người đến để tìm hiểu và hành trì theo Đạo Phật bằng những phương cách khác nhau.
– Đạo Phật đề cao tinh thần tự do tư tưởng, tự do ý chí, tự do tu tập. Nhưng đó không phải là sự tùy tiện mà là sự tự do trong ý thức tự chủ. Trên nền tảng của sự tự do này, nhiều tư tưởng giáo lý và nhiều tông phái được hình thành. Tuy là có sự khác nhau, nhưng giống như nước bốn biển chỉ có một vị mặn, các hệ thống tư tưởng và tông phái của Đạo Phật đều hướng đến một mục tiêu tối hậu là Giác ngộ, giải thoát.
C – KẾT LUẬN
– Đạo Phật không phải là một hệ thống lý thuyết suông mà là một phương pháp để thực tập và thể nghiệm.
– Người học Phật không chỉ giáo lý của Đức Phật mà còn phải học từ đời sống phạm hạnh, mô phạm và thanh tịnh của Ngài để áp dụng cho đời sống tu học của mình.