Đạo Phật ra đời cách đây đã hơn 25 thế kỷ và trải qua bao cuộc thăng trầm của lịch sử, vẫn phát triển rực rỡ đến ngày nay. Như thế, Đạo Phật phải tiềm tàng những chân lý vượt cả thời gian lẫn không gian. Hơn nữa, những chân lý ấy cũng phải phù hợp với căn cơ của chúng sanh, đáp ứng mọi nhu cầu thiết thực của thời đại. Tất cả những yếu tố đó được bao gồm trong ba tạng kinh điển. Trong đó, luật tạng được xem là bậc thầy cao cả nhất của chúng ta. Như kinh Bồ Tát Giới viết:
“Giới như đại minh đăng,
Năng tiêu trường dạ ám
Giới như chơn bảo kính
Chiếu pháp tận vô di
Giới như Ma Ni châu
Vũ vật tế bần cùng
Ly thế tốc thành Phật
Duy thử pháp vi tối” [1]
Thật vậy, giới chính là nền tảng căn bản, là bước tiến đầu tiên trong việc trau sửa thân, khẩu, ý cho đến chân thiện mỹ. Kinh Phương Đẳng nói: “Giới là cội gốc hết thảy điều lành”. Vì người giữ giới là khuôn khổ làm cho thân, khẩu và ý được trong sạch. Giới giúp hành giả ngăn chặn tội lỗi phát sinh. Do nhờ giữ giới mà chúng ta trong sạch thân tâm, không ai chỉ trích, phiền lòng hay oán thán, do đó có thể duy trì các thiện pháp. Vậy, giới là gì?
ĐỊNH NGHĨA GIỚI
Giới (Sìla): nghĩa là “phòng ngừa tội lỗi, ngăn cấm hành động ác, kìm hãm dục vọng và câu thúc đời sống tư hữu của mình hầu mong tiến dần đến quả vị giác ngộ” [2]. Giới cũng có nghĩa là “phòng phi chỉ ác” (ngăn ngừa điều quấy, chấm dứt điều ác). Nó chính là phương tiện để giúp cho hành giả đạt đến một cảnh giới giải thoát cao xa bằng cách loại trừ dần những tâm niệm xấu xa, vị kỷ, tư dục thấp hèn.
Ba La Đề Mộc Xoa (Pràtimoksa): có nghĩa là Biệt giải thoát luật nghi, Xứ xứ giải thoát hay còn gọi là Tuỳ thuận giải thoát. Sách Thực Dụng Phật Học Từ Điển định nghĩa: “Các giới luật mà bảy chúng lãnh thọ mỗi mỗi đều hướng đến việc giải thoát ba ác nghiệp và thất chi tội, vì để phân biệt sự khác nhau với Định cộng giới và Đạo Cộng giới nên gọi Biệt giải thoát giới. Cũng còn dịch là Tuỳ thuận giải thoát bởi giới luật tuỳ thuận theo hai quả giải thoát Hữu vi và Vô vi nên gọi như vậy”[3].
Luật hay còn gọi Tỳ Ni (Vinaya): nghĩa là pháp luật hay cấm chế. Tức là những nguyên tắc, quy luật, điều lệ nhằm quy định những lối hành xử của Tăng già trên nguyên tắc hành xử pháp yết ma của tập thể Tăng già đó. Như vậy, giới là những điều bảo vệ cá nhân người trì giới, còn luật lại là những điều để bảo vệ sự thanh tịnh và hoà hợp trong Tăng già. “Giới là phương thuốc phòng ngừa sự hư đốn của sinh hoạt Tỳ kheo, luật lại chính là phương thuốc ngăn ngừa sự hư hỏng của giới” [4]. Do vậy, giới luật được ví như hàng rào, tường thành bảo vệ, như chiếc phao nổi để cứu vớt những người đang sắp chết chìm và cũng như những tràng hoa để trang nghiêm pháp thân. Người muốn an lạc, thánh thiện và trang nghiêm không thể không thọ trì giới luật.
Trong thời kỳ đầu của Phật pháp, Tăng đoàn Phật giáo là một tập thể hoà hợp thanh tịnh, không cần có bất cứ một điều giới nào ràng buộc. Tất nhiên, chư Tăng lúc ấy được gọi là Vô sự Tăng, là những người hoàn toàn thanh tịnh mà chưa có bất cứ dục vọng hữu lậu nào. Bất cứ người nào muốn xuất gia, tham gia vào đời sống sinh hoạt vô dục thanh tịnh và hoà hợp thì Đức Phật chỉ cần nói: “thiện lai Tỳ kheo”, tức khắc vị ấy trở thành một Tỳ kheo như pháp và là thành viên của Tăng đoàn ấy. Đến năm thứ 13 theo bộ Đàm Vô Đức (năm thứ 5 theo bộ luật Ngũ Phần), giới luật mới bắt đầu xuất hiện, nguyên nhân là do Tăng đoàn ngày càng đông, đời sống bắt đầu có sự hỗn tạp cộng với sự cung dưỡng ngày càng nồng hậu của các hàng vua chúa, quý tộc, đại thần nên bắt đầu có nhiều kẻ lợi dụng trà trộn vào. Do đó, nếp sống thuần thanh tịnh hoà hợp của Vô sự Tăng bị ô nhiễm. Để bảo vệ đời sống Tăng già khỏi những hữu lậu phát sinh, Đức Phật mới chế giới luật. Ở đây, người viết chỉ xin đề cập đến một trong các điều giới mà Đức Phật đã qui định, đó là giới: Cấm sát sinh.
BẤT SÁT SINH – NGUYÊN NHÂN ĐỨC PHẬT CHẾ GIỚI VÀ DIỆU DỤNG
Nguyên nhân Đức Phật chế giới:
Bấy giờ vào một mùa An cư, Phật dạy cho chúng Tỳ kheo hành trì pháp môn quán sát 32 uế vật trong thân, cốt để nhàm chán thân thể, trừ ái dục, gọi là quán bất tịnh. Một số đông Tỳ kheo sau khi đắc quả nhờ pháp tu này, đâm ra chán ghét thân thể xú uế bèn đem y bát của mình thuê một người đồ tể giết giùm cái thân. Trong một ngày mà trong vườn Cấp Cô Độc có đến sáu mươi người chết theo cách ấy. Khi giải hạ, thấy số chúng đến yết kiến Phật giảm thiểu, hỏi nguyên do, Phật bèn quở trách sự hủy hoại thân thể. Thay vì quán bất tịnh, bấy giờ Phật dạy các Tỳ kheo quán hơi thở và các pháp quán tịnh như quán màu sắc các loại hoa xanh, vàng, đỏ, trắng, hư không, ánh sáng… gọi là quán biến xứ hay kasina. Đồng thời Phật cho biết, các vị A-la-hán ấy hủy hoại thân thể là do dư báo của nghiệp “sát” lâu xa về trước, đến khi đắc quả họ vẫn còn phải thọ báo lần cuối cùng. Tất cả những vị ấy xưa kia đều đã từng làm nghề đồ tể giết hại súc sinh [5].
Diệu dụng:
Giới không sát sinh bao gồm không giết hại từ người, các loài động vật như voi, ngựa, trâu, bò cho đến các loài nhỏ bé như côn trùng. Không những không giết hại mà còn không làm tổn thương, đau đớn cho con người và các loài. Người Phật tử cũng không bảo người khác, bày mưu kế cho người khác làm các việc hành hạ, giết hại chúng sanh các loài. Khi thấy người khác đánh đập, sát hại con người và súc vật thì sinh lòng thương xót và khuyên can ngăn cản. Sự từ bi của chúng ta đối với chúng sinh dựa trên đạo lý: bởi vì ai cũng yêu quý cuộc sống của chính mình, không muốn bị hành hạ hoặc giết hại. Khi ta đặt mình vào trạng thái của chúng sinh và cảm nhận tình trạng đó, người ta sẽ từ bỏ việc sát hại. Phật thuyết trong kinh Pháp cú rằng:
Hình phạt ai cũng sợ
Mất mệnh, ai cũng khiếp
Lấy ta suy ra người
Chớ giết, chớ bảo giết [6]
Như vậy, không sát sinh xuất phát từ lòng bi và lòng từ đối với tất cả chúng sinh. Ai có lòng từ bi, người đó không bao giờ sát hại. Tư tưởng bất hại cũng mang lợi ích, niềm vui cụ thể cho chính người thực hành. Phật giáo quan niệm rằng, theo luật nhân quả thì người làm lành, không giết hại sẽ gặp hạnh phúc và không bị hại. Từ đó người ta có thể suy ngược lại rằng, ai ôm ấp tư tưởng sát hại, không có lòng từ bi sẽ tự đưa mình đến những hoàn cảnh bất hạnh. Sự giữ giới không sát sinh nhằm mục đích bảo vệ công bằng, mọi chúng sanh đều muốn sống sợ chết, mọi chúng sanh đều có Phật tánh như nhau. Giữ giới không sát sinh là nuôi dưỡng lòng từ bi, người có lòng nhân không nỡ sát hại người hay vật. Trong Bước đầu học Phật, Hòa thượng Thanh Từ có giảng về lợi ích của việc giữ năm giới như sau: “Không sát sanh, bản thân không bị người giết hoặc tù tội về giết người, cũng không có thù hận về nợ máu với nhau. Thế là sống chúng ta không kinh hoàng sợ hãi do thù hận gây nên.[7]
Nói cách khác, vì thương yêu chúng sanh, không phân biệt loại nào, chúng sanh nào cũng tham sống sợ chết, cũng cảm thấy đau khổ khi bị xâm phạm thân thể, cảm nhận đựơc niềm đau của chúng sanh như nỗi đau của mình, vì thế mình giữ giới không giết hại. Tâm cảm thông và thương yêu ấy đưa đến giữ giới một cách tự nhiên không gượng ép. Người giữ giới sát sinh luôn luôn có tâm an ổn, nét mặt hiền hòa. Một cách lý tưởng, nếu mọi người trên thế giới đều giữ giới không sát sinh thì thế giới không còn chiến tranh giết hại nữa (“Nhất thiết chúng sanh vô sát nghiệp, thập phương hà xứ động đao binh”). Giới luật của Đạo Phật nói chung và giới bất sát sinh nói riêng không do sự mặc khải của một thần linh nào mà bởi Đức Phật với cái nhìn Tuệ nhãn đã thấy rõ hạnh phúc hay khổ đau, lợi ích hay tai hại đều từ nơi những hành động thiện hay bất thiện của mỗi con người tạo ra, từ đó Ngài thiết lập giới luật. Giới luật là nguyên tắc đạo đức giúp cho chúng sanh nương vào để trau dồi đạo hạnh và ngăn ngừa điều xấu ác. Đây là nguyên tắc cơ bản của sự tu tập, là căn bản đạo đức làm người, là đức tính cơ bản của luân lý, là chiếc cầu nối đưa đến an lạc Niết bàn. Đó cũng là yếu tố để xây dựng nền tảng hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội.
GIÁ TRỊ CỦA VIỆC KHÔNG SÁT SINH TRONG ĐỜI SỐNG
Đại Trí Độ Luận dạy: “Chư dư tội trung sát nghiệp tội trọng, Chư công đức trung phóng sanh đệ nhất” (Trong các tội lỗi, nghiệp sát hại chúng sanh là nặng nhất, Trong các công đức thì phóng sanh là đệ nhất). Kinh Phạm Võng dạy: “Người Phật tử nếu lấy tâm từ mà làm việc phóng sinh thì thấy tất cả người nam đều là cha mình, tất cả người nữ đều là mẹ mình. Vì mình trải qua nhiều đời đều do đó mà sinh ra, nên chúng sinh trong sáu đường đều là cha mẹ của mình. Nếu giết hại sinh mạng để ăn thịt tức là tự giết cha mẹ mình, cũng là giết thân cũ của mình. Tất cả đất, nước là thân trước của mình. Tất cả gió lửa là bản thể của mình. Cho nên, thường thực hành phóng sinh thì đời đời sinh ra thường gặp Chánh pháp. Khuyên dạy người làm việc phóng sinh, nếu thấy người đời giết hại súc vật, nên tìm phương tiện để giải cứu, khiến cho chúng được thoát khổ nạn” [8]
Giới được thiết lập trên nền tảng Từ bi, là tình thương đối với mọi chúng sinh. Như vậy, giới được thiết lập không chỉ thuần lý mà còn là sự cảm thông, sự ước muốn tất cả chúng sinh thoát khổ. Cho nên, một người có giới là người đầy lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, sẵn sàng vì mọi người, quên mình vì lợi ích chúng sinh. Trong khi trí tuệ thấy rõ sự vận hành của quy luật thiện ác tạo tác đình chỉ các điều ác thì từ bi thúc đẩy thực hành các điều thiện. Tâm từ bi làm nền cho mọi hành động, soi chiếu cho mọi việc làm đối với chúng sinh. Dựa trên cơ sở tình thương bao la mà lập giới đó là con đường đặc biệt của Phật giáo. Giữ giới là phương pháp tập tu trái tim tình cảm làm cho tâm hồn trở nên sinh động, đầy cảm xúc thanh cao, quân bình hoà điệu trái tim và khối óc, hay nói cách khác hoà điệu ý, tình, trí vươn tới con người toàn diện. Nếu giữ giới mà tâm địa hẹp hòi, khó chịu, bảo thủ, chấp chặt … thì không còn bản chất giới của Phật nữa mà trở thành phiền não. Tất cả giới luật đức Thế Tôn chế định đều là những chuẩn mực đạo đức làm nền tảng cho sự giải thoát mọi khổ đau, cắt đức mọi tham ái ràng buộc. Hành trì Giới luật là làm theo những lời Đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, Ta khuyến cáo các người hướng đến Sa môn hạnh, chớ có từ bỏ mục đích này, khi đang còn công việc phải làm hơn nữa? Thân mạng của chúng ta phải được thanh tịnh, phải hộ trì các căn, biết tiết độ trong ăn uống, chú tâm cảnh giác, chánh niệm tỉnh giác…” (Trung bộ I, P.593, 1992).
Thay lời kết
Sự sống vô cùng quý giá, nên Đức Thế Tôn luôn luôn tôn trọng sự sống, bất cứ sự sống nào, từ sự sống của côn trùng cho đến sự sống của cỏ cây. Kinh sách dạy rằng Ngài không đổ các đồ ăn dư thừa của mình trên bãi cỏ xanh hay trong nước có các loài côn trùng nhỏ. Do vậy, Đức Phật khuyên chúng ta không nên sát sanh vì rằng mọi chúng sanh hữu tình đều sợ chết và xem sự sống là điều quý báu nhất trên đời. Đối tượng chúng sinh trong giới cấm thứ nhất của Đạo Phật là hữu tình chúng sinh, tức là những chúng sinh có hệ thần kinh, có tình cảm, biết cảm giác, biết đau đớn và vui sướng. Chúng sinh ấy bao gồm từ người cho tới các loài động vật trên bộ, trên không và dưới nước, từ những con vật lớn như voi tượng, như cá ông cho đến các con vật nhỏ bé như kiến, như sâu trùng. Từ quan điểm nơi mỗi cá thể chúng sinh đều có Phật tánh, đều có khả năng thành Phật nên có đặc tính bình đẳng. Do đó, người Phật tử chúng ta không những không thể sát hại chúng sinh mà còn phải tôn trọng và bảo vệ chúng sinh dù là loài vật, vì chúng cũng có quyền sống, có quyền được chia sẻ môi sinh trên trái đất, nơi mà con người đang ở.
Bản chất của chúng sinh, dù loài nào, cũng đều ham sống sợ chết. Giết hại chúng sinh tức là gây cho chúng sinh sự đau đớn về thân thể và sự tuyệt vọng khi lòng ham sống bị đe dọa và xâm phạm. Hơn nữa, cái chết của một chúng sinh luôn luôn đồng nghĩa với sự chia lìa thân quyến. Khi một chúng sinh bị đe dọa đến mạng sống, chúng cũng có những phản ứng tự vệ, ít nhất là phát ra những nỗi oán hờn thù hận đến những ai định tâm sát hại chúng. Tại sao chúng ta làm đau đớn hay hủy hoại mạng sống của chúng trong khi chúng ta muốn sống và không muốn ai hành hạ chúng ta? Lòng từ bi của Phật giáo được biểu lộ không chỉ riêng đối với tất cả nhân loại mà còn được biểu hiện qua thái độ bất hại đối với tất cả loài thú vật và thảo mộc. Với từ ngữ “Bất hại” không có nghĩa là “không va chạm”. Nó có nghĩa là “không tàn phá” và “không hủy diệt”. Đó là một thái độ truyền thống của Đạo Phật được bắt nguồn từ lời dạy của Đức Phật cách đây hơn 25 thế kỷ.
Tóm lại, là người con Phật, hàng Thích tử chúng ta phải đặt mục tiêu trí tuệ lên hàng đầu. Học thôi chưa đủ mà phải có thực nghiệm của sự tu đạo. Ta phải thực hành bằng phương pháp hành trì giới luật để trang nghiêm pháp thân. Như thế mới tiếp nối được chí nguyện người trước, không cô phụ chí nguyện của mình, lại tạo được niềm tin đối với người sau, làm cho ánh sáng giới luật ngày càng quang huy xán lạn. Do vậy, nếu một con người, một xã hội, một quốc gia biết áp dụng giới luật vào đời sống hằng ngày thì điều chắc chắn con người đó, xã hội đó sẽ không còn cảnh đầu rơi máu đổ, ân oán hận thù không còn xảy ra trong cuộc sống.
THÍCH NỮ LIÊN LIÊN
(Văn Hóa Phật Giáo Số 366)
Chú thích: [1] Thích Trí Tịnh (dịch) (2008), (Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới, Dịch Giả HT Thích Trí Tịnh, NXBTG, năm 2008, Nxb. Tôn giáo, tr. 6 Trang 6) [2] Tâm Tuệ Hỷ (2005), Danh từ Phật học, Tâm Tuệ Hỷ, NXB. Nxb. Tôn giáo, 2005, tr. 361 [3] Thích Phước Nghĩa (dịch) (2005), Tỳ ni nhật dụng thiết yếu giảng giải, TK.Thích Phước Nghĩa (dịch), NXBxb. Tôn giáo, 2005tr. 10. [4] Thích Phước Cẩn (dịch) (2011), Tỳ ni nhật dụng thiết yếu giải, Thíc Phước Cẩn (dịch), NXBxb. Phương Đông, 2011, tr.15. [5] Ni sư Trí Hải (soạn dịch) (2010), Sự tích giới luật, NS. Trí Hải soạn dịch, NXBxb. Tôn giáo, 2010, tr. 6 [6] Thích Thiện Siêu (dịch) (2000), Kinh Pháp cú, Thích Thiện Siêu dịch, NXBNxb. Tôn giáo, 2000, tr. 41 [7] Thích Thanh Từ (2001), Bước Đầu Học Phật, Thích Thanh Từ, NXBNxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2001, tr. 33 [8] Pháp sư Viên Nhân, “Công đức phóng sinh”, Hòa Thượng Tịnh Không, www.hoathuongtinhkhong.vn/cong-duc-phong-sinh-tap-hai-cong-duc-phong-sinh-654991–2