Phật viện Đồng Dương được mệnh danh là “Phật viện Phật giáo đầu tiên của Đông Nam Á”, được xếp hạng “Di tích Quốc gia đặc biệt”. Mặc dù Phật viện Đồng Dương đã bị thời gian làm bào mòn nhưng các giá trị của nó để lại vẫn hiện hữu với thời gian.

1. GIÁ TRỊ LỊCH SỬ 

Phật viện Đồng Dương là chứng nhân lịch sử một thời vàng son của vương quốc Champa. Vương triều Indrapura đã dành sự ủng hộ to lớn cho Phật giáo. Đời sống của Tăng sĩ được nhà nước bảo hộ. Họ được cung cấp vật thực cho đến nhân lực để phục vụ cho công cuộc hoằng dương giáo pháp. Phật giáo một khi bén rễ, ăn sâu vào tâm thức người dân, nhất là các bậc đứng đầu quốc gia thì sự ủng hộ từ những vị này đã tạo điều kiện cho việc phát triển cơ sở vật chất rất lớn. Họ không chỉ chú trọng rèn luyện đạo đức mà còn tu tạo cơ sở thờ tự như là một phần tích tạo công đức. Trong bia ký tại Đồng Dương còn ghi lại lời vua Indravarman II như sau: “Vua, nhờ có linh hồn cao thượng không ngừng được thanh lọc từ đời này qua đời khác” [1]. Như vậy, chứng tỏ người lên làm vua không phải được kế thừa từ cha ông mà từ đạo đức người ấy đã thực hành trong quá khứ.

Tuy nhiên, sau giai đoạn huy hoàng, Phật giáo dần bị suy yếu. Nguyên nhân xuất phát từ các yếu tố sau:

1/ Nhà nước Champa được tổ chức theo thể chế liên bang, các nhà sử học ví nó giống như mô hình Mạn-đà-la. Sự thay đổi vị trí của các tiểu vương trong việc nắm quyền dẫn đến tư tưởng cũng thay đổi. Minh chứng rõ nhất là dưới thời vua Indrapura, Phật giáo phát triển cực thịnh; nhưng đến thời vua Vijaya, Phật giáo dần suy yếu rồi tiêu vong.

2/ Văn hóa người Chăm bị chi phối rất nhiều về tôn giáo. Họ được tự do tín ngưỡng, có thể theo bất cứ tôn giáo nào họ muốn.

3/ Phật giáo không có vai trò to lớn trong việc củng cố quyền lực như đạo Bà-la-môn. Phật giáo chủ trương bình đẳng, không phân chia giai cấp. Trong khi đó, Bà-la-môn lại phân chia xã hội thành 4 giai cấp theo tư tưởng Vệ-đà. Chính sự khác biệt này làm cho hai tôn giáo không thể dung hòa trong cùng một xã hội. Bên cạnh đó, nguyên nhân khách quan cũng ảnh hưởng không nhỏ. Do chiến tranh liên miên với lân bang đã dẫn đến vương triều Indrapura bị xóa sổ. Vương triều suy vong, Phật giáo cũng bị ảnh hưởng theo. Hơn nữa, sự trỗi dậy của Bà-la-môn giáo tại Ấn Độ đã tác động mạnh mẽ đến tôn giáo này tại Champa. Một nguyên nhân khách quan nhưng cũng ảnh hưởng rất lớn, chính là việc truyền bá tư tưởng Phật học cao siêu khiến người dân khó tiếp nhận và ứng dụng vào đời sống [2].

Như một nguyên lý của sự vận hành theo quy luật tự nhiên “thịnh quá hóa suy”, Phật giáo Ấn Độ đã phát triển vượt bậc, vươn ra các nước trong khu vực kể từ thời vua Asoka. Nhưng đến thế kỷ XIII, vì nhiều nguyên nhân trong đó có ngoại xâm, khiến Phật giáo suy yếu và biến mất ngay trên mảnh đất Ấn Độ. Phật giáo Việt Nam dưới thời Lý-Trần cũng phát triển cực thịnh, nhưng đến cuối thời Trần, Phật giáo đã suy vi. Đây cũng là bài học cho thế hệ sau.

Phật viện Đồng Dương là chứng nhân lịch sử một thời vàng son của vương quốc Champa.
(Ảnh: internet)

2. GIÁ TRỊ VĂN HOÁ 

Cuối thế kỷ II, sau nhiều lần đấu tranh, người Chăm đã độc lập khỏi ách đô hộ của Trung Hoa và xây dựng nhà nước mới là Lâm Ấp. Họ đã tiếp nhận văn hóa Ấn Độ một cách tự nhiên. Do nằm trên trục giao thông đường biển nên người dân sớm có sự tiếp xúc, trao đổi văn hóa với người Ấn. Trong lịch sử, người Chăm đã tiếp thu Phật giáo sớm. Theo Cựu Đường thư ghi nhận “Lâm Ấp theo Phật giáo” hay “Người Chăm theo Phật giáo, đa số xuất gia” [3]. Văn hóa Champa chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa Ấn Độ. Không chỉ trong các đền thờ mà ngay cả điện thờ Phật cũng có các tượng thần Vishnu và điển hình nhất là việc xây dựng các cơ sở thờ tự ở các nơi.

Các nhóm tượng được tìm thấy tại Đồng Dương đã giúp người đời sau thấy phong cách y phục của họ: Một mảnh vải gọi là Kama quấn quanh người từ phải sang trái và che từ ngang lưng xuống đến chân. Ngoài mảnh vải đó ra, cả đàn ông và đàn bà không mặc thêm cái gì nữa, trừ mùa đông mặc thêm một cái áo dày. Đại đa số thường dân đều đi chân đất [4]. Đây là phong cách tiêu biểu cho một thời kỳ văn hóa của người dân Champa.

Minh văn khắc trên bia tại Đồng Dương cho ta thấy đời sống của người dân rất sung túc, hoa màu thu hoạch từ những cánh đồng lớn, các vật dụng bằng vàng, bạc, đồng, sắt,… được vua dâng cúng cho vị Bồ tát bảo hộ vương triều và để Tăng chúng lo việc hoằng pháp. Những ghi chép này đã phản ánh những sinh hoạt náo nhiệt của đời sống nông nghiệp cũng như sự phát triển phong phú của ngành sản xuất. Đồng thời, còn phản ánh niềm tin tôn giáo luôn đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần và chi phối mọi hoạt động của người dân.

Giống như Phù Nam và Chân Lạp, đất nước Champa nằm trong khối Nam bán đảo Đông Dương, chịu ảnh hưởng văn minh và văn hóa Ấn Độ từ rất sớm. Theo chân những đoàn thuyền buôn là những Tăng lữ Bà-la-môn và Phật giáo, họ là những người đầu tiên truyền bá văn hóa tôn giáo vào vùng đất này. “Vào khoảng nửa thế kỷ I Công nguyên chắc chắn đã có cuộc tiếp xúc giữa những người mang văn hóa Ấn Độ với những người dân bản địa Bắc – Trung – Nam nước ta lúc bấy giờ. Nhiều Tu sĩ đã đến tu và truyền giáo ở nước ta đó là cơ sở hình thành một lớp văn minh Phật giáo, Bà-la-môn giáo đầu tiên” [5]. Chính hai tầng lớp Tăng lữ Bà-la-môn và Phật giáo đã dung hòa nhau trong đời sống người dân, tạo nên một sự hỗn dung văn hóa, tín ngưỡng.

Phật giáo sau thời kỳ phát triển mạnh mẽ và rộng khắp tại Ấn Độ đã có sự pha trộn giữa Phật giáo và Bà-la-môn giáo. Việc thờ Phật, Bồ tát và các vị Thần trong khuôn viên Phật viện Đồng Dương cho thấy tín ngưỡng, tôn giáo của người Chăm đã dung hòa yếu tố giữa hai tôn giáo này. Nội dung bia ký cũng như các tác phẩm điêu khắc ở Đồng Dương đều mang tính chất Phật giáo Đại thừa. Sau này, nhiều nhà nghiên cứu khi khảo sát và dịch các văn bia liên quan đến Phật giáo của người Chăm qua các bia ký: Bia Đồng Dương, bia An Thái, bia Roòn và bia Võ Cạnh đã đi đến kết luận là Phật giáo Mật tông. Với những thuật ngữ thể hiện nội dung tư tưởng trong đó như từ: Kim Cương, Liên Hoa, Kim luân, Quan Thế Âm, Kim Cương Tát Đỏa, A Di Đà, Tỳ Lô Giá Na… đã dẫn các nhà khoa học đến kết luận như trên [6]. Đây là một nhận định rất thuyết phục để giải quyết vấn đề có nhiều tượng thần của Bà-la-môn giáo trong khu di tích cũng như tên gọi Lokesvara hay Tara cho tượng nữ bằng đồng.

Cuộc khai quật ở khu trung tâm di tích Đồng Dương đã làm xuất lộ những dấu tích các công trình xây dựng cho những mục đích tôn giáo khác nhau, cùng rất nhiều những hiện vật thờ phụng của cả một quần thể kiến trúc lớn. Tuy nhiên, qua quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã khẳng định khu di tích Đồng Dương chính là tu viện hay Phật viện thờ Lakshmindra Lokesvara đã được ghi chép trong bia ký. Vì mang chức năng mới của một tôn giáo mới, nên tổng thể khu di tích cũng như những kiến trúc riêng lẻ rất khác so với của những mô hình kiến trúc mang đậm tinh thần Bà-la-môn giáo được xây dựng ở một số địa phương trước đó. Nét mới hay sự khác biệt đầu tiên của Đồng Dương chính là những công trình cộng đồng chiếm diện tích khá lớn trong tổng thể khu di tích, mà tiêu biểu là nhà dài của khu II và nhà cột của khu III. Ngoài phần chánh điện còn phát hiện hệ thống nền gạch của một khu Tăng xá, giảng đường nối nhau trên một chu vi rộng lớn. Những viên ngói dùng lợp cho các khu xây dựng cũng được phát hiện rải rác, chứng minh đây là mô hình Phật viện khép kín cho công cuộc đào tạo Tăng tài [7].

3. GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT 

Nghệ thuật Champa được chia ra các giai đoạn: Giai đoạn nghệ thuật miền Bắc (thế kỷ VII-XI), phong cách Mỹ Sơn E1 (thế kỷ VII-VIII), phong cách Đồng Dương: (thế kỷ IX-X), phong cách Mỹ Sơn A1 (thế kỷ X-XI) và giai đoạn miền Nam (sau thế kỷ XI đến thế kỷ XV). Các tháp thuộc phong cách Đồng Dương, theo nghiên cứu, đều chứa hàng trụ bổ tường và vòm cửa trông rất khỏe khắn. Có thể nói, đây là điểm khác biệt giữa phong cách Đồng Dương và các phong cách Mỹ Sơn. Đỉnh cao của phong cách Đồng Dương là kiến trúc một tu viện Phật giáo vào cuối thế kỷ IX. Bức tường tu viện dài đến một cây số và có rất nhiều tượng Phật. Xưa kia, tường dùng để nối thông những đền tháp lại với nhau và dùng làm thành lũy chống cướp bóc [8]. Rất tiếc là di tích đã bị phá hủy nhưng nhiều học giả cho rằng khi còn nguyên vẹn, di tích này cũng giống như các tu viện Phật giáo ở miền Bắc Ấn Độ [9].

Bồ tát Phật, phát hiện tại Đồng Dương, cuối thế kỷ IX đến đầu thế kỷ X.
(Ảnh: sưu tầm)

Tính chất Phật giáo của khu di tích Đồng Dương được thể hiện rõ nét từ: Bia ký để lại, quần thể kiến trúc độc đáo, pho tượng Phật cao 108cm, tượng Lokesvara, bệ thờ chính và nhóm tượng ở Vihara (Phật điện), các khu nhà dài dành cho Tăng chúng sinh hoạt, các kiến trúc có hình dáng như chiếc cột vây quanh những tháp cổng nằm ở bên bờ của mỗi bức tường vành đai là những công trình không xuất hiện trong tất cả các ngôi đền của Champa. Về hình dáng, chúng trông như hình ảnh chiếc lọng ô của Phật giáo: có hình trụ bên dưới với những đai vòng tròn nhỏ dần và có chiếc chóp nón bên trên.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, tất cả những chi tiết khác biệt và rất đặc trưng nói trên đã để lại những ấn tượng mạnh mẽ cho các công trình kiến trúc trong Phật viện. Trước hết, đó là ấn tượng to lớn ở các ngôi đền Đồng Dương, đường rãnh dọc chạy giữa những chiếc cột ốp, đặc biệt là ở các cột ốp tại các góc tường được khắc sâu hơn; còn các cửa (cả cửa ra vào và cửa giả) được đóng khung không phải bằng những cột ốp, mà bằng những cột đá bề thế hình bát giác. Thứ hai, là ấn tượng về chiều ngang mạnh mẽ được biểu lộ rõ qua những đường gờ ngang được chạm sâu và nổi cao ở hai phần chân và đầu tường, thậm chí trên những chiếc cột đá bát giác được gắn vào hai bên các cửa cũng có các đường gờ ngang nổi cao như những vòng nhẫn lớn.

Đối với nghệ thuật điêu khắc, ngoài bệ thờ chính, tượng các vị Bồ tát trên Phật điện thì hai pho tượng được phát hiện tại Đồng Dương là tài sản vô giá làm nên giá trị lịch sử và văn hóa cho Phật viện Đồng Dương. Thứ nhất, tượng Phật đúc liền từ một khối bằng đồng, có chiều cao 108cm (không kể bệ sen) trong tư thế đứng mang phong cách nghệ thuật Amaravati với đầu tròn, tóc xoắn ốc, nhục kế nhô cao, hai tai dài, y phục được gấp nhiều nếp, tay phải kết ấn. Thứ hai, tượng Alokesvara mà nhiều nhà khoa học trong thời gian dài đã đưa ra những tên gọi không thống nhất Laksmindra-Lokesvara, Prajnaparamita hay Tara.

Trong bài viết “Nhận thức mới về pho tượng Bồ tát bằng đồng của Đồng Dương: Laksmindra-Lokesvara, Prajnaparamita hay Tara?” [10] của Trần Kỳ Phương và Nguyễn Tú Anh đăng trên trang của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã trình bày nhận định và tên gọi khác nhau của các nhà khoa học về tượng này. Từ tên gọi ban đầu là Laksmindra-Lokesvara, cho đến tên Prajnaparamita hay Tara, mỗi nhà khoa học đều đưa ra những cơ sở để đi đến việc đặt tên cho pho tượng. Qua nghiên cứu trang trí trên tóc của bức tượng, hai tác giả đã đi đến kết luận: tượng này là Tara xanh mà không phải là Bồ tát. Tuy nhiên, người viết nhận thấy vấn đề này cần phải xem xét lại cho cẩn thận. Bởi lẽ, như minh văn trong bia Đồng Dương đã nêu rõ là “tất cả những cánh đồng này đức vua dâng cho Lokesa”. Lokesa là viết tắt từ Avalokitesvara, có nghĩa là Bồ tát Quan Thế Âm. Hơn nữa, danh từ Tara (tiếng Phạn Tārā) là tên của một vị nữ Bồ tát thường gặp trong Mật tông. Ngay từ thế kỷ VI-VII, Hindu giáo tại Ấn Độ đã có một số yếu tố xâm nhập vào Phật giáo tạo nên một tông phái mới trong Phật giáo là Mật tông. Nữ thần Tara trong Hindu giáo là một nhân vật rất thích máu. Trong bài viết “Tara từ tín niệm Hindu đến các độ mẫu Phật giáo” [11] đã phân tích mối liên hệ giữa Tara và Bồ tát Quan Âm: “Trong Phật giáo Tây Tạng, Tara được đề cập như là vị Bồ tát của lòng từ bi và cứu độ. Tara là mặt nữ tính của Avalokiteśvara/Quán Thế Âm Bồ tát.” Chính vì vậy, có một thời, người ta xem Mật tông là “quái thai của Phật giáo” vì đã dung nạp tín ngưỡng của Hindu giáo. Vấn đề người viết muốn nêu ra ở đây chính là: Do sự thịnh hành của Mật tông trong văn hóa Champa mà tại Phật viện Đồng Dương đã có bức tượng này, cũng như để giải thích cho sự tồn tại các bộ tượng Shiva… trong khu vực thờ cúng dành riêng cho Phật giáo.

Đài thờ Phật, phát hiện tại Đồng Dương (Ảnh: sưu tầm)

Không chỉ từng khu kiến trúc riêng lẻ, mà cả quần thể những công trình xây dựng lớn nhỏ của Phật viện kết hợp lại tạo ra một ấn tượng đặc biệt hoành tráng và nguy nga có một không hai. Những ngôi đền thờ nằm bên trong bức tường bao khá dài. Những khoảng sân gạch, những ngôi đền, những gian phòng, những chiếc cổng lớn… lấp đầy phần bên trong Phật viện. Ở khoảng cực Tây của Phật viện, là cả một quần thể kiến trúc được tạo bởi tòa tháp trung tâm mở ra bốn hướng và mười tám ngôi đền lớn nhỏ bao quanh. Kiến trúc này được thiết kế theo kiểu Mạn-đà-la, nhất là ở khu I.

Như vậy, Phật viện Đồng Dương là một công trình kiến trúc Phật giáo có quy mô và kích thước vào loại lớn nhất khu vực Đông Nam Á thế kỷ IX-X. Những dấu tích để lại đã được phát lộ cho thấy, bên cạnh một loạt những yếu tố của kiến trúc và nghệ thuật Phật giáo, những truyền thống nghệ thuật và kiến trúc Bà-la-môn giáo truyền thống của Champa vẫn được duy trì và phát triển trong Phật viện Đồng Dương. Chính sự kết hợp sáng tạo giữa hai dòng văn hóa và nghệ thuật này đã sản sinh ra phong cách nghệ thuật Phật giáo Đồng Dương, một trong những phong cách nghệ thuật Phật giáo lớn nhất, đẹp nhất và cũng đặc sắc nhất của nghệ thuật Phật giáo thế giới thế kỷ IX – X .

4. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA 

G. Goedes đã từng nói: “Lịch sử Champa là một bộ phận hội nhập của lịch sử Việt Nam”. Vì lẽ đó, những gì Phật viện Đồng Dương để lại cũng là một phần trong nền văn hóa chung của dân tộc Việt Nam. Việc gìn giữ và phát huy các giá trị mà người Chăm nói chung và Phật giáo Champa nói riêng là trách nhiệm của đời sau. Công trình “Thống kê khảo tả các di tích Chăm ở Trung Kỳ” của H. Parmentier đã cho chúng ta một cái nhìn khách quan về hiện trạng của các ngôi tháp Champa còn lại trên lãnh thổ. Theo ghi nhận của ông, các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận, cũng như một số tỉnh Tây Nguyên đều có các di tích hay phế tích và con số lên đến hàng trăm. Nhưng hiện tại chỉ còn lại 21 di tích là một con số quá ít, nên việc bảo tồn, gìn giữ và tiếp tục khai quật là một trong những công tác cần sự quan tâm hơn nữa của nhà nước.

Việc trùng tu các ngôi đền tháp cổ Champa đang là vấn đề được các nhà khoa học quan tâm và đã xảy ra những vấn đề nan giải vì đối tượng cần bảo quản quá mới đối với khoa học. Việc tìm ra giải pháp tối ưu vẫn là vấn đề nan giải, từ việc sử dụng nguyên vật liệu cho đến việc lắp đặt mái che đều có những ưu khuyết điểm của nó. Từ những thách thức đó, cho ta thấy được trình độ điêu khắc của người Chăm đạt đến tầm cao. Những công trình còn hiện hữu như là chứng nhân cho những bàn tay và trí tuệ siêu phàm của họ.

Việc hàng trăm di tích đã nằm trong lòng đất hay trở thành phế tích, nếu được bảo vệ và nghiên cứu sẽ tiếp tục cung cấp cho hậu thế một cái nhìn toàn vẹn về đất nước và con người Champa. Nhờ việc khai quật của các nhà khoa học vào đầu thế kỷ XX đã giúp cho “nền điêu khắc cổ Champa được vinh danh là một trong những nền điêu khắc cổ đẹp nhất và có giá trị nhất khu vực Đông Nam Á và Châu Á” [12]. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, chúng ta lại càng nhận biết thêm những giá trị mà trong suốt một thời gian dài đã được dân gian “huyền thoại hóa” thành những câu chuyện ly kỳ, đầy bí ẩn về “thiên tài” xây dựng của người Champa xưa. Họ xem những kiệt tác nghệ thuật kiến trúc dường như không phải do con người trần thế sáng tạo ra [13].

Những nét đặc sắc và những cổ vật tại Đồng Dương đã tạo nên nét riêng cho Phật giáo Việt Nam cũng như lịch sử nước nhà. Đồng thời, những gì liên quan Phật viện Đồng Dương đã tạo nên sức hút đối với các nhà khoa học trong và ngoài nước qua các thế hệ. Điều đó chứng minh được tầm quan trọng của khu di tích có một không hai trong lịch sử. Với sự đóng góp như thế, thiết nghĩ trong tương lai, nhà nước cần có những biện pháp để khôi phục lại phế tích Đồng Dương để nó không bị thời gian tiếp tục làm hư hoại, cũng như không bị phai mờ trong tâm trí người đời sau.

SC. Thích Nữ Minh Ðạt/ Tạp chí văn hóa Phật giáo

Chú thích và tài liệu tham khảo:
[1] Georges Maspero (2020), Vương quốc Champa, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia dịch, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.187.
[2] Quảng Văn Sơn (2014), “Phật giáo Champa từ tư liệu đến nhận thức”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 06 (132),  tr.54-55.
[3] Cựu Đường thư, Q.197, Liệt truyện 147, Nam Man, phần “Lâm Ấp quốc”.
[4] Georges Maspero, Sđd, tr.36.
[5] Cao Xuân Phổ, Những ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ vào Việt Nam, tài liệu chuyên khảo cho nghiên cứu sinh, Tư liệu Viện Khảo cổ học.
[6] Nguyễn Sinh Duy (2013), Quảng Nam, những vấn đề lịch sử, Nxb. Văn học, tr.394.
[7] Ngô Văn Doanh (2015), Phật viện Đồng Dương – Một phong cách nghệ thuật của Champa, Nxb. Văn hóa-Văn nghệ, tr.40.
[8] Georges Maspero, Sđd, tr.53.
[9] “Phong cách nghệ thuật Champa” https://vi.wikipedia.org/wiki/.
[10] “Nhận thức mới về pho tượng Bồ tát bằng đồng của Đồng Dương: Laksmindra-Lokesvara, Prajnaparamita hay Tara?”, https://chammuseum.vn/view.aspx?ID=436.
[11] “Tara từ tín niệm Hindu đến các độ mẫu Phật giáo”, http://hoangphap.info/Page.aspx?ArticleID=5880&ID=2&SubID=5.
[12] Ngô Văn Doanh (2019), Tháp cổ Champa, Nxb. Văn hóa Văn nghệ, tr.348.
[13] Ngô Văn Doanh (2019), Sđd, tr.349.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Ảnh hưởng của Phật giáo thời Lý đến các lĩnh vực giáo dục, văn học và phong tục tập quán của người Việt
Lịch sử, Văn hóa - Xã hội

Phật giáo thời Lý có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các lĩnh vực giáo dục, văn học và phong tục tập quán của người Việt góp phần tạo nên bản sắc dân tộc ta trong giai đoạn nhà Lý trị vì. Tóm tắt: Khi đề cập đến sự tín ngưỡng tâm linh của người Việt thì...

Chính quyền Chúa Nguyễn với các ngôi chùa Sắc tứ ở Đàng Trong (giai đoạn 1558-1777)
Lịch sử, Nghiên cứu

Các chùa sắc tứ luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của chính quyền chúa Nguyễn, mặt khác, thông qua các hoạt động và thực hành nghi lễ Phật giáo với quy mô lớn, thời kỳ này các ngôi chùa sắc tứ đã tỏ rõ vai trò quan trọng trong việc xiển dương Phật...

Đi tìm cơ sở truyền thừa của Ni giới tại Việt Nam qua thư tịch Hán cổ
Lịch sử, Nghiên cứu

Lịch sử truyền thừa của Ni giới ở một số bộ phái Phật giáo nói chung mãi đến hôm nay vẫn còn nhiều vấn đề chưa thể lý giải trọn vẹn. Ngay như tại Việt Nam, do đặc thù của các điều kiện lịch sử, thế nên nhiều nguồn thư tịch quý giá cổ xưa...

Hai bảo vật quốc gia ở chùa Sùng Khánh và chùa Bình Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Vị Xuyên – Hà Giang không chỉ nổi tiếng về phong cảnh thiên nhiên phong phú, nhiều phong tục tập quán, văn hóa truyền thống và những di tích lịch sử mang đậm nét bản sắc dân tộc, mà còn nhiều điểm du lịch tâm linh như: Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, đền thờ...

Chủ nghĩa Platon và giáo lý đạo Phật
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Thời đó, khoa học chưa phát triển, máy móc còn thô sơ nhưng họ hướng tới sự tìm tòi thế giới, bản tính con người một cách sâu sắc. Phật pháp ở thế gian, không xa sự giác ngộ của thế gian, tuy hai nền triết học khác nhau nhưng đều chung tư tưởng giúp...

Chấn hưng Phật giáo – Con đường truyền bá tư tưởng yêu nước của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Lịch sử, Nghiên cứu

Trong hành trình phương Nam, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã tích cực tham gia và có nhiều đóng góp quan trọng cho phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Bộ… Tóm tắt: Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một người yêu nước. Trong hành trình trên mảnh...

Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian qua trường hợp Thiền sư Từ Đạo Hạnh
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian ở vùng đồng bằng sông Hồng qua trường hợp thiền Sự Từ Đạo Hạnh đã tạo nên hỗn hợp Phật – Thánh mang tính quy chuẩn từ kiến trúc không gian thờ tự cho đến nội dung tôn giáo, trở thành một tổng thể tương đối...

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên… Tín ngưỡng thờ...

Bước đầu khảo cứu mộc bản kinh sách Phật giáo Đàng Trong thời chúa Nguyễn
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Thông qua hoạt động tổ chức khắc in kinh sách, chúng ta thấy được mối quan hệ mật thiết giữa chính quyền chúa Nguyễn với các vị cao tăng, bên cạnh đó là mối quan hệ gắn bó, cầu tiến, giúp đỡ lẫn nhau giữa các vị sư tăng ở các tông phái khác nhau....

Quá trình phát triển giáo dục Phật giáo miền Nam 1954-1981
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Giáo dục Phật giáo là nền tảng cho mọi hoạt động hoằng pháp của tăng ni, tri thức giúp họ gặt hái được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp truyền thừa mạng mạch phật pháp. Lời mở đầu Lịch sử Việt Nam được hình thành và phát triển trên hai nghìn năm văn...

Bồ-tát Quán Thế Âm Trong Văn Hóa Tín Ngưỡng Của Người Việt
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Đức Quán Thế Âm trở nên thân thiết trong đời sống của người dân Việt đến mức trong sâu thẳm trái tim của mỗi người đều có hình ảnh về vị Bồ-tát luôn đầy lòng bi mẫn này. Ngài là một đối tượng tín ngưỡng thiêng liêng nhưng đồng thời là một người Mẹ thân thương luôn là chỗ dựa cho con cái trên đường đời lắm thác ghềnh,...

Thuyết tái sinh góp phần xây dựng giá trị đạo đức xã hội
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Theo nhân quả nghiệp báo thì một hành động thiện sẽ dẫn đến các cảnh giới tái sinh tốt đẹp, do đó, tinh thần bất bạo động được xây dựng dựa trên nền tảng từ bi vô ngã trí tuệ của Phật giáo. Tóm tắt: Thuyết tái sinh và nghiệp báo là một trong những chủ...

Hòa thượng Tâm An phụng sự Đạo pháp và Dân tộc
Danh Tăng, Lịch sử, Nghiên cứu

Từ những buổi đầu Phật giáo suy vi, dân tộc chịu ách thống trị của thực dân Pháp, ngài tham gia cuộc chấn hưng Phật giáo Bắc Kỳ. Khi có Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, ngài tích cực tham gia phong trào Phật giáo Cứu Quốc. Dẫn nhập Phật...

Ảnh hưởng của đạo Phật đến các giá trị văn hóa xã hội
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Sự nhấn mạnh vào nhận thức bản thân, từ bi tâm và công lý xã hội đã biến đạo Phật thành một động lực kiên cường cho sự chuyển hoá tích cực. Đạo Phật ra đời ở Ấn Độ từ thế kỷ thứ 6 trước Tây lịch, trong điều kiện xã hội phân chia theo chế...

Những đóng góp của triều đại nhà Trần đối với Phật giáo Việt Nam về văn hoá, tư tưởng
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Triều đại nhà Trần không chỉ là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong công cuộc khôi phục và phát triển đất nước, mà còn là thời kỳ đánh dấu sự thăng hoa của Phật giáo trong mọi lĩnh vực văn hóa, giáo dục và tinh thần của dân tộc. Chương I. Khái quát...

Các thiền sư thời Lê sơ và sự nỗ lực chấn hưng truyền thống văn hóa dân tộc Đại Việt
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng với dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước, đánh bạt âm mưu xâm lược, nô dịch văn hóa của thế lực phương bắc ngay từ những thế kỷ đầu. Tóm tắt Phật giáo thời Lê sơ (1428 – 1527) tuy ít được triều đình...

Ads Blocker Image Powered by Code Help Pro

Đã phát hiện trình chặn quảng cáo!!!

Chúng tôi đã phát hiện thấy bạn đang sử dụng tiện ích mở rộng để chặn quảng cáo. Vui lòng hỗ trợ chúng tôi bằng cách vô hiệu hóa các trình chặn quảng cáo này.