Thiền sư Nguyên Thiều được biết là một vị tổ sư, cao tăng gốc Trung Hoa thuộc thế hệ thứ 33 dòng thiền Lâm Tế, đã sang Việt Nam hoằng đạo ở Đàng Trong vào thời Trịnh Nguyễn phân tranh (1627-1789) và giúp phục hồi Phật giáo Xứ Đàng Trong. 

1. Vấn đề về hành trạng thiền sư Nguyên Thiều

Thiền sư Nguyên Thiều được biết là một vị tổ sư, cao tăng gốc Trung Hoa thuộc thế hệ thứ 33 dòng thiền Lâm Tế, đã sang Việt Nam hoằng đạo ở Đàng Trong vào thời Trịnh Nguyễn phân tranh (1627-1789) và giúp phục hồi Phật giáo Xứ Đàng Trong.

Việt Nam Phật giáo Sử luận (VNPGSL) căn cứ vào các sách Ðại Nam Nhất Thống Chí, Ðại Nam Liệt Truyện Tiền Biên của Quốc sử quán triều Nguyễn, Hải Ngoại Kỷ Sự của Thạch Liêm Thích Đại Sán (1633-1704) và Việt Nam Phật Giáo Sử Lược của Thiền sư Thích Mật Thể (1913-1062) ghi nhận Thiền sư Nguyên Thiều họ Tạ, pháp tự là Hoán Bích, người huyện Trình Hưng, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Ðông.

Năm 19 tuổi, ngài xuất gia tại chùa Báo Tư, tu học dưới sự hướng dẫn của hòa thượng Khoáng Viên. Ngài theo thuyền buôn sang Việt Nam năm 1665 trong đời chúa Nguyễn Phúc Tần (nối ngôi 1648-1687). Ban đầu ngài cư trú tại phủ Quy Ninh (Bình Ðịnh bây giờ), ở đó ngài lập chùa Thập Tháp Di Ðà. Chùa này tọa lạc ở làng Thuận Chánh, huyện Tuy Viễn, vì sau chùa có mười ngôi cổ tháp Chàm cho nên chùa được gọi là chùa Thập Tháp, chắc là chùa này được tổ chức lạc thành vào năm 1683 sau nhiều năm xây cất.

Năm 1691, chùa được chúa Nguyễn Phúc Chu (nối ngôi 1691-1725) ban cho biển ngạch và câu đối. Sau đó Nguyên Thiều lại ra Thuận Hóa dựng chùa Quốc Ân (ban đầu gọi là chùa Vĩnh Ân) và xây tháp Phổ Ðồng. Chùa Quốc Ân tọa lạc tại ấp Phước Quả, làng Phú Xuân, huyện Hương Thủy, phủ Phú Xuân (nay thuộc phường Trường An, Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên). Ngôi chùa này cũng được chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho liễn đối có ghi đạo hiệu của chúa là “Thiên Túng Ðạo Nhân”. Ngài Nguyên Thiều cũng cho xây tháp Phổ Ðồng ngay trước chùa Quốc Ân, về sau đã bị binh lửa tàn phá.

Thiền sư Nguyên Thiều từng phụng mệnh chúa Nguyễn Phúc Trăn (còn gọi là Nguyễn Phúc Thái, nối ngôi 1687-1691) sang Quảng Ðông rước thiền sư Thạch Liêm (Thích Ðại Sán) và thỉnh các pháp khí. Bia đá chùa Quốc Ân do chúa Nguyễn Phúc Chú (nối ngôi 1725-1738) đề năm 1729 cũng nói: “Thiền sư Hoán Bích Tạ Nguyên Thiều ở chùa Hà Trung vâng lệnh Nghĩa Vương qua Quảng Ðông mời hòa thượng Ðại Sán”.

Xét kỹ, Nguyên Thiều chưa từng mời Thạch Liêm. Cùng qua Ðại Việt với Nguyên Thiều cũng có những thiền sư khác nhưng không có mặt Thạch Liêm. Thạch Liêm cho biết ông sang Ðại Việt năm 1695 với một người bạn và nhiều đệ tử của ông chứ không đi với Nguyên Thiều. Thạch Liêm cũng kể chuyện ông tới thăm chùa Hà Trung là nơi thiền sư Nguyên Thiều trụ trì mà chỉ gặp một vị giám tự mới thọ giới tỳ khưu mấy tháng trước đó tại giới đàn Thiền Lâm ở Phú Xuân do chính Thạch Liêm làm chủ đàn. Dựa vào chi tiết đó, VNPGSL cho rằng Nguyên Thiều đã tịch trước năm 1695, năm Thạch Liêm tới Ðại Việt; niên đại 1729 đề ở bia chùa Quốc Ân chỉ là niên đại dựng bia chứ không phải niên đại nhập diệt của ngài Nguyên Thiều.

Khi thiền sư Nguyên Thiều viên tịch, thọ 81 tuổi, thì chúa Nguyễn Phúc Chu có ban cho ngài thụy hiệu là Hạnh Ðoan Thiền Sư. Từ đó, Thích Nhất Hạnh đoán định rằng Nguyên Thiều mất vào khoảng từ năm 1691 đến năm 1695 (nghĩa là giữa lúc chúa Nguyễn Phúc Chu lên ngôi đến năm Thạch Liêm qua Ðại Việt) để suy ra ngài Nguyên Thiều sinh vào khoảng 1610-1614, qua Ðại Việt khi đã ở khoảng 51 đến 55 tuổi.

Tác giả của VNPGSL cũng không nghĩ rằng chúa Nguyễn Phúc Trăn có nhờ ngài Nguyên Thiều qua Trung Hoa để mời cao tăng và thỉnh pháp tượng, pháp khí rồi khi Nguyên Thiều trở lại Ðại Việt, chúa Nguyễn Phúc Trăn có cho tổ chức giới đàn lớn tại chùa Linh Mụ do Nguyên Thiều làm chủ đàn, mà chỉ có một giới đàn do Thạch Liêm tổ chức tại chùa Thiền Lâm năm 1695 mà thôi. Chúa Nguyễn Phúc Chu khi tới giới đàn đã quá khâm phục mà nói: “May có Lão Hòa thượng tới đây mới được thấy pháp môn quảng đại trang nghiêm như vậy”. Như thế có nghĩa là từ đó về trước chưa có giới đàn nào tổ chức lớn như vậy, kể cả những giới đàn do thiền sư Nguyên Thiều làm chủ đàn.

Dường như chỉ có một số những vị cao tăng từng lưu trú lại các tổ đình Thập Tháp và Quốc Ân do ngài Nguyên Thiều khai sơn, như Minh Vật Nhất Trí, Minh Hoàng Ðịnh Nhiên, Minh Giác Kỳ Phương, Minh Trí Nguyệt Hạnh, Minh Dung Pháp Thông, Minh Lương Nguyệt An Thành Ðăng Minh Yêu và Thành Thiên Pháp Thông là đã cùng qua Ðại Việt với thiền sư Nguyên Thiều. Còn lại, thời điểm đến Đại Việt của những vị như Minh Hành Tại Tại, Minh Hoằng Tử Dung và Minh Hải Pháp Bảo còn cần phải tìm hiểu kỹ hơn.

Những năm cuối đời, Thiền sư Nguyên Thiều về trụ trì chủa Hà Trung, tọa lạc tại xã Hà Trung, huyện Phú Lộc, Huế có lẽ đã được tạo dựng ngay sau khi chúa Nguyễn Phúc Chu mới lên ngôi. Trụ trì tại chùa Hà Trung không bao lâu thì ngài Nguyên Thiều viên tịch. Thụy hiệu Hạnh Ðoan Thiền Sư là do chúa Nguyễn Phúc Chu ban tặng sau khi ngài Nguyên Thiều viên tịch. Trước khi tịch, ngài có để lại bài kệ cho đồ chúng đệ tử như sau:

“Lặng lẽ gương không chiếu bóng
Sáng trưng ngọc chẳng thâu hình
Rõ ràng Vật không phải Vật
Mênh mông Không chẳng là Không.”

(Tịch tịch cảnh vô cảnh
Minh minh châu bất dung
Ðường đường vật phi vật
Liêu liêu không vật không).

Tháp Hóa Môn được dựng trên một khu đồi nhỏ xóm Thuận Hóa, làng Dương Xuân Thượng để an trí nhục thân ngài Nguyên Thiều. Bia đá chùa Quốc Ân nói về Nguyên Thiều thì mãi đến năm 1725 mới đặt, do chúa Nguyễn Phúc Chú (1725-1738) cho thực hiện. Bài minh trên tháp bia đặt năm 1725 là tác phẩm của Nguyễn Phúc Chu (mất năm 1725) viết, ca ngợi ngài Nguyên Thiều như sau:

“Cao vút trí tuệ
Phạm hạnh vun trồng
Giới đao một lưỡi
Trăng nước thung dung

Ngồi đứng một thân
Trong lặng kiên cường
Hoằng pháp lợi người
Quán thân vốn không

Mây từ che khắp
Trời tuệ chiếu cùng
Ngắm đi ngắm đi
Thái Sơn oai hùng.”

(Ưu ưu bát nhã
Ðường đường Phạm thất
Thủy nguyệt ưu du
Giới trì chiến lật

Trạm tịch cô kiên
Trác lập khả tất
Quán thân bổn không
Hoằng pháp lợi vật

Biển phú từ vân
Phổ chiếu tuệ nhật
Chiêm chi chiêm chi
Thái Sơn ngật ngật)

Như thế có thể đoán định ngài Nguyên Thiều viên tịch tại chùa Hà Trung vảo khoảng 1691 đến 1695, nghĩa là không đồng ý với Việt Nam Phật Giáo Sử Lược của Thiền sư Thích Mật Thể cho rằng ngài Nguyên Thiều viên tịch tại chùa Hà Trung vào năm Bảo Thái thứ 10 (1729), trong khi các tài liệu của Quốc sử quán triều Nguyễn không nói gì đến năm sinh năm mất của vị thiền sư này. Ở đây có điều lạ, là văn bia lập năm 1725 có ghi cụ thể ngày sinh ngày mất của ngài Nguyên Thiều, không hiểu vì lý do gì mà tác giả Việt Nam Phật giáo Sử luận lại không biết để phải suy đoán!

Tổ sư Nguyên Thiều - Pháp danh Hoán Bích
Tổ sư Nguyên Thiều – Pháp danh Hoán Bích

2. Vài khảo đính về hành trạng ngài Nguyên Thiều

Vài chục năm trở lại đây có nhiều nhà nghiên cứu đặt vấn đề về những thiếu sót và sai lạc trong hành trạng của ngài Nguyên Thiều. Sự phát hiện quan trọng nhất có lẽ là sự việc được nêu trong tác phẩm Lịch sử Phật giáo Đàng Trong của tác giả Nguyễn Hiền Đức.

Theo tác phẩm này, tác giả cho biết vào cuối năm 1988 ông phát hiện một tháp của Tổ sư Nguyên Thiều Siêu Bạch, và một tháp Phổ Đồng đặt tại chùa Kim Cang ở tỉnh Đồng Nai; ngôi tháp Tổ được xây như một tháp mộ, do đó ông đã nghĩ đến việc ngài Nguyên Thiều viên tịch tại chùa Kim Cang tỉnh Đồng Nai, thay vì tại chùa Hà Trung ở Huế như các sách trước đã ghi nhận, và ông đã tìm hiểu.

Về ngày viên tịch của ngài Nguyên Thiều, tác giả Nguyễn Hiền Đức căn cứ trên tấm bia “Sắc tứ Hà Trung tự – Hoán Bích Thiền sư tháp ký minh” xác định đó là ngày 19 tháng 10 năm Mậu Thân 1728 chứ không phải năm Bảo Thái thứ 10 (1729) như ngài Mật Thể viết trong  Việt Nam Phật Giáo Sử Lược hoặc nêu một khoảng thời gian ước chừng từ 1691 đến 1695 như trong VNPGSL của Nguyễn Lang.

Lịch sử Phật giáo Đàng Trong nhận định rằng bài văn bia cho biết rõ vị ban lời minh trên bia của ngài Nguyên Thiều là chúa Nguyễn Phước Chú (nối ngôi 1725), chứ không phải là chúa Nguyễn Phước Chu (mất năm 1725), sự việc diễn ra vào ngày lễ Phật Đản năm Kỷ Dậu (1729) thuộc niên hiệu Bảo Thái thứ 10; còn ngày mất của Thiền sư Nguyên Thiều được xác định là ngày 19 tháng 10 năm Mậu Thân, tức là ngày 20 tháng 11 năm 1728, có ghi cụ thể trong bài minh.

Xét về thời điểm ngài Nguyên Thiều đến Đại Việt được ghi trên bia là năm Ất Tị, tức là năm 1665, rồi so sánh với năm sinh của ngài Nguyên Thiều cũng được ghi trên văn bia, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong cho rằng có sự nhầm lẫn trong việc khắc văn, vì nếu như thế, ngài Nguyên Thiều đến Đại Việt khi ngài mới 18 tuổi, chưa xuất gia!

Do vậy, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong cho rằng ngài Nguyên Thiều đến Đại Việt vào năm Đinh Tị, 1677, phù hợp với nhận định của nhà sử học Linh mục Léopold Cadière viết trong bài “Vị khai sơn chùa Quốc Ân” đăng trong tạp chí Những người bạn Cố đô Huế năm 1914. Lịch sử Phật giáo Đàng Trong còn dẫn sách “Chính Truyền Nhứt Chi: từ Trung Thiên đến Trung Hoa và Trung Việt” của Thiền sư Pháp Chuyên Luật Truyền (1726-1798) ở chùa Từ Quang trên núi Đá Trắng, tỉnh Phú Yên để củng cố quan điểm của mình về thời điểm ngài Nguyên Thiều đến Đại Việt.

Tiếp theo, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong trình bày việc phát hiện tháp Tổ Nguyên Thiều tại chùa Kim Cang tỉnh Đồng Nai và đề nghị bổ túc về hành trạng ngài Nguyên Thiều. Theo đó Lịch sử Phật giáo Đàng Trong nhận định các đời chúa Nguyễn liên tiếp, từ chúa Hiền Nguyễn Phước Tần, chúa Nghĩa Nguyễn Phước Trăn cũng như Minh vương Nguyễn Phúc Chu (1691- 1728) đều sùng kính Tổ Nguyên Thiều, lẽ ra vẫn để Tổ Nguyên Thiều trú trì Quốc Ân thay vì cử ngài ra Hà Trung rồi lại mời Thạch Liêm thuộc phái Tào Động sang Phú Xuân rồi quy y thọ giáo với vị này, được ban pháp danh Hưng Long và đạo hiệu Thiên Túng đạo nhân.

Lý do được Lịch sử Phật giáo Đàng Trong nêu ra là “năm 1692, một người Trung Hoa tên A-Ban lại xúi dục nổi loạn ở vùng Bình Thuận, giết nhiều quan chức trấn giữ ở đó. Chúa phải cử đại quân vào đánh dẹp. Qua biến loạn này, có thể Chúa không còn tin ở sự trung thành của người Hoa kiều nữa, tổ sư Nguyên Thiều lại cũng là người Hoa, nên Chúa cử ra trụ trì chùa Hà Trung”. Thêm nữa: “Năm 1694-1695, triều đình chúa Nguyễn lại xảy ra chính biến và nổi loạn, Việt Sử Xứ Đàng Trong của Phan Khoang dựa vào Quốc sử thời nhà Nguyễn đã viết như sau: ‘Năm Giáp Tuất (1694), Chưởng cơ Nguyễn Phước Huệ và Nguyễn Phước Thông (con của Thiền sư Nguyễn Phước Diễn) mưu nổi loạn. Chưởng cơ Nguyễn Phước Nhuận tố giác. Huệ, Thông và 7 người đồng mưu bị giết”.

Tiếp theo, “Năm Ất Hợi (1695), ở Quảng Ngãi có một người lái buôn tên Linh (không rõ họ), tự xưng là Lĩnh vương, tạo chiến thuyền, đúc binh khí, rồi cùng người ở Qui Ninh (Qui Nhơn), tên Quảng Phú hợp nhau ra vào rừng núi, hoành hành cướp bóc, quan quân địa phương không dẹp được, nhân dân báo lên chúa. Chúa sai dinh Quảng Nam, hợp với hai phủ Quảng Ngãi và Qui Ninh đem binh đi đánh. Khi quan quân đến sơn trại thì Linh đã chết, Quảng Phú trốn vào Phú Yên, bị dân mọi bắt đem nạp”.

Hoàn cảnh xã hội ấy đã tác động đến lòng tin của chúa Nguyễn đối với Tổ Nguyên Thiều, nhưng chúa Nguyễn Phúc Chu chỉ đưa ngài vào Hà Trung, và có lẽ ngài cũng rời Hà Trung trước khi ngài Thạch Liêm đến thăm chùa Hà Trung vào năm 1695. Lịch sử Phật giáo Đàng Trong cho rằng từ khoảng 1694-1695 cho đến khi viên tịch (1728), tổ Nguyên Thiều đã vào hoằng hóa trong vùng Đồng Nai, trụ trì chùa Kim Cang ở Biên Hòa ngày nay.

Lịch sử Phật giáo Đàng Trong cho biết chùa Kim Cang ở ấp Bình Thảo, xã Bình Phước, huyện Phước Long, dinh Trấn Biên (ấp Bình Thảo, xã Tân Phước, thị xã Vĩnh An tỉnh Đồng Nai ngày nay). Ngôi chùa này đã bị đốt cháy vào năm 1946 trong thời kháng chiến chống Pháp, nhưng dân địa phương vẫn thường nhắc đến tên “chùa tháp” là vì chùa này có hai ngôi tháp cổ, mà dân địa phương chỉ biết có một tháp là của vị tổ khai sơn chùa Kim Cang chứ không biết phương danh của vị tổ ấy. Khảo sát cho thấy hàng chữ chính giữa bia tháp có ghi (dịch nghĩa) “Tháp của Hoà thượng Tổ sư Hoán Bích húy Siêu Bạch, thế hệ 33, Đường thượng Quốc Ân và Kim Cang”, các hàng chữ bên ghi tên các ngôi chùa có những vị thượng thủ tham gia việc dựng tháp.

Trên cơ sở phát hiện này, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong bổ sung một thời kỳ 1695-1728 là giai đoạn ngài Nguyên Thiều lập chùa Kim Cang và hoằng hóa ở Đồng Nai. Từ đó, tác giả Nguyễn Hiền Đức đã tham khảo các tài liệu xưa và di tích ở nhiều chùa quanh Đồng Nai để xác định rằng Tổ sư Nguyên Thiều đã vào Đồng Nai lập chùa Kim Cang và hoằng hóa ở vùng này một thời gian dài rồi viên tịch ở chùa này, đã đào tạo được một số đệ tử và pháp tôn góp nhiều công đức trong việc hoằng dương Phật pháp ở khắp miền Nam mà trước đây không ai biết đến. Lịch sử Phật giáo Đàng Trong cũng đã căn cứ vào các bài kệ truyền đăng của nhiều dòng phái để xác định thế hệ các vị pháp tử pháp tôn của Tổ Nguyên Thiều.

Để giải thích cho việc vẫn có một tháp tổ Nguyên Thiều gọi là tháp Hóa Môn ở làng Dương Xuân Thượng, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong ghi “Sau khi Tổ sư Siêu Bạch Hoán Bích viên tịch ở chùa Kim Cang (Đồng Nai), đồ chúng ở phủ thành Phú Xuân và xứ Thuận Hóa lập “tháp vọng” để thờ Tổ sư ở chùa Hà Trung và xin với chúa Nguyển Phước Trú (1725 – 1738) ban cho bài minh. Nhân lễ Phật Đản năm Kỷ Dậu, niên hiệu Bảo Thái thứ 10 (Mùng 8 tháng 4 năm Kỷ Dậu 1729), chúa Nguyễn Phước Trú ban thụy hiệu cho Tổ sư Siêu Bạch là “Thiền sư Hạnh Đoan” và ban cho bài ký minh trên tháp “Sắc tứ Hà Trung tự Hoán Bích thiền sư tháp ký minh”. Trong bài ký minh này, chúa đã nhắc lại về tiểu sử của Tổ sư Siêu Bạch Hoán Bích và ca ngợi hạnh đức của Tổ sư trong bài minh”. Lịch sử Phật giáo Đàng Trong không cho biết bằng cách nào mà đồ chúng của Tổ ở Phú Xuân và Thuận Hóa biết tin ngài Nguyên Thiều đã viên tịch ở Đống Nai để lập tháp vọng.

Tóm lại, sự nghiệp cụ thể nhất của ngài Nguyên Thiều là để lại được nhiều thế hệ truyền thừa khiến hoạt động hành hóa của thiền phái Lâm Tế chính tông vẫn được duy trì đến tận ngày nay. Ở Thuận Hóa, chúng ta biết đến vị đệ tử của ngài là ngài Minh Hằng Định Nhiên trụ trì tổ đình Quốc Ân sau khi tổ Nguyên Thiều viên tịch.

Ở trong Nam, ngài có các vị đệ tử nổi tiếng sau:

1) Minh Vật Nhứt Tri truyền đến các vị thuộc thế thệ sau nữa như Thiệt Thành Liễu Đạt trụ trì chùa Khải Tường, Thiệt Thoại Tánh Tường khai sơn chùa Huệ Nghiêm ở Thủ Đức;

2) Thành Đẳng Minh Lượng trụ trì chùa Đại Giác (Đồng Nai) truyền đến các đời như Phật Ý Linh Nhạc khai sơn chùa Từ Ân; Phật Ý lại có các đệ tử là Tổ An Mật Hoàng làm tăng cang chùa Thiên Mụ và Tổ Tông Viên Quang trụ trì chùa Giác Lâm;

3) Thành Nhạc An Sơn trụ trì chùa Long Thiền (Đồng Nai) có đệ tử là Phật Chiếu Linh Quang khai sơn chùa Phước Tường (Thủ Đức);

4) Minh Giác Kỳ Phương, có đệ tử là Phật Tỉnh Từ Nghiêm trụ trì chùa Hưng Long. Từ Nghiêm có đệ tử là Tổ Trí Khánh Hưng hoằng hóa ở chùa Hội Tôn (tỉnh Bến Tre) và chùa Đức Lâm (tỉnh tiền Giang); Tổ Trí Khánh Hưng có các đệ tử hoằng hóa ở các tỉnh miền Tây Nam bộ như Tiên Thiện Từ Lâm, Tiên Tịnh Bảo Chất, Tiên Liễu Chánh Niệm…

Điều đáng tiếc là ngoài một bài kệ thị tịch, hiện chúng ta không có được những thiền ngữ hoặc các trước tác khác của ngài. Chính vì vậy, hẳn là chúng ta còn rất nhiều điều phải tìm hiểu để làm sáng tỏ hành trạng của một vị Tổ đã có hơn nửa đời người tích cực truyền pháp ở Việt Nam.

Tu viện Nguyên Thiều - Bình Định. Nguồn: st
Tu viện Nguyên Thiều – Bình Định. Nguồn: st

3. Tư tưởng thiền học của thiền sư Nguyên Thiều

Cuộc đời của các bậc đại sư thường không có ý lưu lại dấu vết như “nhạn quá trường không” nhưng hàng hậu học chúng ta không thể không noi theo những tấm gương trí đức sáng ngời của chư tổ. Bài kệ của thiền sư Nguyên Thiều trước lúc ngài thị tịch chính là thông điệp, là trí tuệ của ngài muốn khai thị cho các hàng đệ tử thông suốt Phật pháp mà duy trì phát dương quang đại tông chỉ của Phật tổ:

寂寂鏡無影
明明珠不容
堂堂物非物
寥寥空沕空”

Tịch tịch cảnh vô ảnh
Minh minh châu bất dung
Đường đường vật phi vật
Liêu liêu không vật không

Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo Sử luận đã có một bài dịch rất hay:

Lặng lẽ gương không chiếu bóng
Sáng trưng ngọc chẳng thâu hình
Rõ ràng Vật không phải Vật
Mênh mông Không chẳng là Không

Toàn bài kệ chỉ có 20 chữ mà đã có 4 cặp chữ lặp lai. Tịch tịch chỉ sự lặng lẽ, Minh minh cho thấy sự sáng rõ. Đường đường thể hiện sự kiện cụ thể rõ ràng không còn nghi ngờ gì được và liêu liêu mang lại cảm giác về một không gian vô cùng khoảng khoát.

Sau 8 chữ này lại còn tới 4 chữ chỉ sự phủ định, vô, bất, phi, vật, cuối cùng, cả bài kệ chỉ chỉ còn lại tám từ chỉ sự vật gồm cảnh là tấm kính, ảnh là hình bóng nhưng hoàn toàn không đọng lại trong tấm kính ấy, châu là viên ngọc nhưng viên ngọc dù sáng rỡ cũng không chứa gì cả (bất dung), bốn từ chỉ sự vật còn lại cũng là hai cặp, Vật là toàn thể cảnh giới bên ngoài rõ ràng đến như thế nhưng cảnh giới ấy có phải là thật đâu; và Không thể hiện chỗ trống rỗng, chốn hư không, nhưng đừng nên nghĩ rằng ở đấy không có gì cả. Bài kệ của ngài thể hiện rõ tư tưởng Bát nhã với một tâm thái ung dung, nhẹ nhàng, hoàn toàn không chấp trước của một bậc đã thấu suốt dung thông cả sự và lý.

Mặc dù chúng ta chỉ tìm thấy được tư tưởng Phật học của tổ sư Nguyên Thiều trong hai mươi chữ của bài kệ này trước lúc ngài sắp viên tịch, chúng ta cũng có thể cảm nhận được tài văn chương và sự uyên bác của ngài. Hiên nay chúng ta không có được nhiều di tác của ngài là một điều vô cùng đáng tiếc. Hy vọng sau này ngành sử học, sử học Phật giáo để tâm nghiên cứu nhằm góp phần làm sáng tỏ hơn nữa những công hạnh và tư tưởng thiền học của ngài đóng góp cho Phật giáo và dân tộc Việt Nam.

Tác giả: TS Thích nữ Thanh Quế – Thượng tọa TS Thích Hạnh Tuệ

Link bài viết gốc: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/hanh-trang-va-tu-tuong-phat-hoc-cua-to-su-hoan-bich-nguyen-thieu.html


Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học
2. Lê Mạnh Thát (2010), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1,2, Nxb Tổng hôp TPHCM.
3. Viện Trần Nhân Tông (2017). Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại, NXB Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội. 
4. Damien Keown (2016). Dẫn luận về đạo đức Phật giáo, Nxb Hồng Đức, TP HCM.
5. Lê Mạnh Thát (2010). Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 3 tập, NXB Tổng hợp, TP HCM
6. EDWARD CONZE, Thích Quảng Độ dịch (2015). Phật giáo: bản chất và sự phát triển, Nxb Phương Đông, TP HCM.
7. EDWARD CONZE, Nguyễn Hữu Hiệu dịch (2015). Tinh hoa và sự phát triển của Đạo Phật, Nxb Hồng Đức, TP HCM. 
8. Juniro Takakusu, Tuệ Sỹ dịch (2007), Tinh hoa triết học Phật giáo, Nxb Phương Đông 
9. Trần Quốc Vượng dịch (2001), Việt sử lược, Nxb Thuận Hóa
10. Trần Trọng Kim (2005), Việt Nam sử lược, Nxb Tổng hợp TPHCM
11. Thích Nhất Hạnh (2016). Đạo Phật của tuổi trẻ, NXB Thế giới, TP HCM. 
12. Đức Đạt - Lai Lạt - Ma & Sofia Strell - Rever (2019). Cuộc cách mạng từ bi, Nxb Hà Nội.
13. Trần Thuận (2019). Phật giáo Việt Nam góc nhìn lịch sử và văn hóa, NXB tổng hợp TPHCM 
14. Thích Hạnh Tuệ (2019), Nghiên cứu về Trúc Lâm Tông chỉ nguyên thanh, Nxb Khoa học xã hội, TP HCM.
15. Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG Hà Nội (2009), Văn hóa tôn giáo trong bối cảnh toàn cầu, Nxb tôn giáo, HN.
16. Đỗ Lai Thúy (2007). Phân Tâm học và tính cách dân tộc, Nxb Tri thức, HN
17. Phạm Minh Hạc - Nguyễn Khoa Điềm (2003), Về phát triển văn hóa và xây dựng con người thời kỳ CNH, HĐH, Nxb Chính trị quốc gia, HN.
18. Huỳnh Công Bá (2006), Lịch sử Phật giáo, Nxb Thuận Hóa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Góp thêm những tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh với Phật giáo
Lịch sử, Nghiên cứu

Nghiên cứu cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều chúng ta dễ dàng bắt gặp là ở chỗ Người có nhiều mối quan hệ gắn bó với Phật giáo, không chỉ ở mặt tư tưởng, tình cảm mà cả chính bằng những việc làm cụ thể. Trên bình diện...

Hôn nhân hạnh phúc trên nền tảng đạo đức Phật giáo
Nghiên cứu, Văn hóa

Việc ứng dụng giáo lý nhà Phật vào cuộc sống lứa đôi mang lại rất nhiều tích cực cho cuộc sống gia đình của các phật tử, hướng phật tử đến một cuộc hôn nhân tốt đẹp trên nền tảng đạo đức Phật giáo. A. Mở đầu Trong muôn vàn giá trị mà con người...

Sơn môn Bổ Đà-Dấu thiêng còn vang mãi
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt: Thời kỳ Lê Trung Hưng (Thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII) dòng thiền Lâm Tế Trung Hoa được truyền vào Việt Nam và đã vô cùng phát triển ở cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài. Ngoài những sơn môn nổi tiếng của Lâm Tế Đàng Ngoài như: chùa Phật Tích (Bắc Ninh), chùa...

Hoạt động đào tạo Tăng tài trong phong trào chấn hưng PGVN giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX
Lịch sử, Nghiên cứu

Tăng sĩ không tu tập, không am hiểu giáo lý để hoằng pháp, điều này ảnh hưởng rất lớn trong quần chúng tín đồ phật tử. 1. Dẫn nhập    Phật giáo du nhập vào nước ta đã trải qua hơn 2000 năm, những giá trị tâm linh Phật giáo để lại trên mảnh đất...

Ứng dụng Kinh tạng Pali về đạo đức, xây dựng mô hình kinh doanh hiệu quả và bền vững
Nghiên cứu

Sự phát triển của kinh tế hôm nay và sự bình ổn của xã hội, sự an toàn của môi trường trong tương lai không thể tách rời nhau, có mối quan hệ hỗ tương cho nhau A. Dẫn nhập Kinh doanh nhằm tạo ra lợi nhuận, nhưng kinh doanh như thế nào để tạo...

Vai trò của Phật giáo thời Lý trong lĩnh vực chính trị, tôn giáo và đoàn kết chống ngoại bang
Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt Khi đề cập đến sự tín ngưỡng tâm linh của người Việt thì không thể không nói đến Phật giáo. Phật giáo du nhập vào Việt Nam vòa khoảng thế kỷ thứ III trước Công nguyên, tư tưởng từ bi, vị tha của đạo Phật nhanh chóng được cư dân bản địa tiếp...

Chùa Diệu Ðế và hai bài thơ liên quan vừa được tìm thấy trong Cống Thảo Viên Tập của Nguyễn Phúc Miên Cư
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Trong dòng chảy lịch sử, văn hóa, văn học Việt Nam, có không ít những công trình kiến trúc từ lâu đã trở thành kinh điển, đại diện cho tinh thần và tư duy của một triều đại với những thăng trầm bi hùng. Không chỉ thế, nó còn mang xu hướng linh thiêng, là...

Mối liên hệ về chữ “Hiếu” trong Nho giáo và văn hóa Lễ Vu Lan ở Trung Quốc: từ thế tục tới tính thiêng!
Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt Phật giáo được truyền bá từ Ấn Độ sang Trung Quốc vào thời nhà Hán (202 TCN – 220 CN); kết hợp các nền văn hóa bản địa cố hữu, Phật giáo dần trở thành một tôn giáo có sức ảnh hưởng lớn ở Trung Quốc. Trong thời kỳ Phật giáo sơ truyền,...

Xu thế biến đổi trong Kiến trúc, cảnh quan chùa Huế
Kiến trúc-Mỹ thuật, Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt: Phật giáo Huế với một bề dày lịch sử, gắn liền với thăng trầm vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân xưa, đã hàm chứa, bảo tồn được nét riêng có trên nhiều mặt của yếu tính truyền thống Phật giáo. Tuy nhiên, trong chiều hướng phát triển của xã hội thì trong...

Tín ngưỡng thờ Long Vương trong Phật giáo Nam bộ
Nghiên cứu, Văn hóa

Tượng Long Vương ở Tổ đình Hội Khánh (Bình Dương). LONG VƯƠNG TRONG PHẬT GIÁO Trong Phật giáo, rồng là một trong Bát bộ chúng thủ hộ Phật pháp. Lãnh tụ của Long tộc gọi là Long Vương, có đầy đủ uy lực lớn mạnh, thường theo bảo vệ Phật. Trong các kinh sách Phật...

Vai trò nhập thế qua những biểu hiện, một số vấn đề đặt ra và giải pháp nhằm phát huy vai trò của nữ Phật tử
Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt: Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhân loại. Ở phương diện tích cực, chúng phục vụ nhiều nhu cầu, đem lại hiệu suất làm việc cao cho con người. Song ở phương diện tiêu cực, chúng khiến đời sống tinh thần đứng...

Các công chúa triều Trần với đạo Phật và chốn thiền môn
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Khi công chúa Thái Đường mắc lỗi, triều đình tịch thu điền trang của bà sung vào ruộng quốc khố. Bà bèn đi tu ở chùa Nghĩa Xá, gần Lạc Quần (Xuân Trường). Thời nhà Trần, đạo Phật được nhân dân Đại Việt rất coi trọng và tôn sùng. Các vua Trần từ Trần Thái...

Đóng góp của gia đình danh y Lê Hữu Trác đối với Phật giáo Việt Nam
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt: Với việc xây chùa Tượng Sơn, gia đình đại danh y Lê Hữu Trác có những đóng góp nhất định đối với Phật giáo Hà Tĩnh. Tượng Sơn tự cũng là nơi Hải Thượng Lãn Ông dành phần lớn thời gian lưu lại chùa để bốc thuốc, chữa bệnh cứu người và hoàn thành...

Nghiên cứu về một vài ngộ nhận đối với lịch sử phát triển Ni đoàn
Lịch sử, Nghiên cứu

TÓM TẮT Từ khi Đức Phật còn tại thế, Ngài đã cho phái nữ xuất gia thành Tỳ kheo Ni với điều kiện là thọ trì Bát kỉnh pháp. Có Ni giới, hàng xuất gia của Đức Phật được tăng đông lên. Tứ chúng của Đức Phật trở nên đầy đủ. Sự xuất hiện của...

Đức Từ Cung với sự phát triển và chấn hưng Phật giáo xứ Huế từ những năm 30 đến những năm 80 Thế kỷ XX
Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt: Đức Từ Cung hay Đoan Huy Hoàng thái hậu không chỉ quan tâm chăm lo hương khói, cúng tế tổ tiên nhà Nguyễn, mà còn là một tín đồ thuần thành của Phật giáo. Trên cương vị Hoàng Thái hậu triều Nguyễn, bà Từ Cung đã có nhiều đóng góp trong công cuộc chấn...

Kiến trúc chùa Huế
Chùa Việt, Kiến trúc-Mỹ thuật, Nghiên cứu

Với lối kiến trúc đặc trưng nhưng vẫn nằm trong dòng chảy kiến trúc đặc trưng của những ngôi chùa Việt, chùa Huế thực sự đã tạo ra một dấu ấn đậm nét đối với khách thập phương. Với nét đặc trưng đó những ngôi chùa xứ Huế không chỉ góp phần làm phong phú cho...