Hoà thượng họ Võ, huý Trọng Tường, Pháp danh Tâm Phật, tự Trí Đức, hiệu Thích Thiện Siêu. Hoà thượng sinh ngày 15 tháng 7 năm Tân Dậu (1921) trong một gia đình thâm tín Phật giáo nhiều đời, ở làng Thần Phù, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
I. Thân thế.
Hoà thượng họ Võ, huý Trọng Tường, Pháp danh Tâm Phật, tự Trí Đức, hiệu Thích Thiện Siêu. Hoà thượng sinh ngày 15 tháng 7 năm Tân Dậu (1921) trong một gia đình thâm tín Phật giáo nhiều đời, ở làng Thần Phù, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Thân phụ là Cụ ông Võ Trọng Giáng, thân mẫu là Cụ bà Dương Thị Viết. Hoà thượng là con trưởng trong một gia đình gồm có 5 anh em: 3 trai và 2 gái. Người em kế của Ngài cũng noi theo chí nguyện của anh mình và xuất gia, đó là Cố Thượng tọa Thích Thiện Giải, nguyên là Chánh Đại diện GHPGVNTN tỉnh Lâm Đồng, trú trì chùa Phước Huệ – Bảo Lộc.
II. Quảng đường tu học và hoằng hoá.
Vốn có túc duyên với Phật pháp, năm 14 tuổi (1935), ý thức được rằng chỉ có noi theo con đường của đức Phật đã đi mới giải đáp được trọn vẹn ý nghĩa của cuộc sống. Hòa thượng xin phép song thân được xuất gia đầu Phật. Ngài đếân tham học Phật pháp tại Phật học đường chùa Trúc Lâm – Huế. Phật học đường này đặt dưới sự chứng minh chủ trì của Hoà thượng Thích Giác Tiên, Hoà thượng Thích Trí Độ làm Đốc giáo, Hoà thượng Thích Tịnh Khiết làm Phó Đốc giáo, Cư sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám làm phụ giảng. Đây là Phật học đường đầu tiên của hội An Nam Phật học. Những vị tốt nghiệp taị đây đã và đang là rường cột của PGVN như quý Hoà thượng Thích Trí Tịnh, Thích Trí Quang, Thích Trí Nghiểm tức cố hoà thượng Thích Thiện Minh, pháp đệ của Ngài…
Sau gần 10 năm theo học các khóa Sơ, Trung, và Cao đẳng Phật học, Hoà thượng đã Tốt nghiệp hạng ưu Đai Học Phật Giáo (1944). Cũng trong năm ấy, Trường lại được chuyển lên Đại tòng lâm Kim Sơn, Tòng Lâm duy nhất của Phật giáo ở Trung phần thời bấy giờ, thuộc xã Lựu Bảo, ngoại ô kinh thành Huế. Tại đây, Hoà thượng vừa làm Giảng sư của Hội, vừa phụ trách giảng dạy các lớp Sơ và Trung đẳng của Trường. Trong số những vị tham học với Ngài lúc đó, có nhiều vị đã và đang phục vụ Giáo hội như quý Hoà thượng Thiện Châu, Thiện Giải, Thiện Bình, Đổng Minh, Chánh Trực, Thiện Duyên, Từ Mẫn, Quảng Liên …
Năm 26 tuổi, 1947, Hòa thượng được Sơn môn Tăng già cử làm Trú trì Tổ đình Từ Đàm – Huế, đồng thời giảng dạy cho Tăng Ni ở Phật học đường Báo Quốc và Ni viện Diệu Đức – Huế.
Năm 28 tuổi (1949), Ngài được bổn sư là Hoà thượng thượng Trừng hạ Thuỷ, hiệu Thích Giác Nhiên cho phép thọ Cụ túc giới tại Đại Giới Đàn Báo Quốc – Huế. Giới Đàn này, do Hoà thượng Thích Tịnh Khiết làm Đàn đầu. Với sở học uyên thâm và đạo hạnh trong sáng, Ngài đã được chọn làm vị thủ Sa-di.
Năm 1951, Hoà thượng được mời tham gia phái đoàn Phật giáo miền Trung dự Hội nghị Thống nhất Phật giáo ba miền tại chùa Từ Đàm – Huế.
Với Đạo phong và sở học của Ngài, năm 1950-1955, Hoà thượng được bầu làm Chánh Hội trưởng Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên. Chính trong thời gian này, với chức vụ mà ngài đảm nhiệm, Hòa thượng đã quyết định hợp thức hoá nội qui thành lập các Khuôn Tịnh độ trong khắp toàn tỉnh với mục đích kiện toàn tổ chức để sự hướng dẫn và tu học Phật Pháp được thống nhất.
Năm 1957, Tổng Trị sự Phật giáo Trung phần suy cử Hoà thượng làm Đốc giáo Phật học đường Trung Việt tại chùa Hải Đức – Nha Trang.
Năm 1962, Ngài lại trở về Huế để giảng dạy cho Tăng Ni ở Phật học đường Báo Quốc và Ni viện Diệu Đức, cũng như tham gia các Phật sự tại Tổng trị sự Phật giáo Trung phần và Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên – Huế.
Trong suốt thời gian Ngô Đình Diệm lên nắm quyền tại miền nam đã thực hiện chính sách kỳ thị Phật giáo, bắt giam, tra tấn, thủ tiêu nhiều Phật giáo đồ, dụ dỗ cải đạo, mà đỉnh cao là nhân mùa Phật đản năm 1963, khi chính quyền ra lệnh triệt hạ cờ Phật giáo và thảm sát các Phật tử tại Đài phát thanh Huế, Hoà thượng đã đại diện cho Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên-Huế cùng ký vào “Bản tuyên ngôn của Tăng tín đồ PGVN” gồm 5 điều để phản đối chế độ độc tài Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo và nói lên thái độ của hàng Phật tử VN là đấu tranh bằng đường lối bất bạo động cho lý tưỡng công bằng xã hội, bình đẵng tôn giáo. Do vậy đêm 20-8-1963, Hòa thượng đã cùng bị bắt giam tại Ty Công an Thừa Thiên, cho đến khi chính quyền Diệm bị lật đổ, Ngài mới được trả tự do.
Từ năm 1964-1974, Hoà thượng được cung cữ làm Phó đại diện Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất miền Vạn Hạnh; trong thời gian này, Ngài cũng điều hành và giảng dạy lớp Cao đẳng Phật học chuyên khoa Liễu Quán tại chùa Linh Quang – Huế; đó là lớp đào tạo Giảng sư Phật học của miền Vạn Hạnh. Các vị đã tốt nghiệp tại lớp chuyên khoa này đã và đang hành đạo khắp nơi, mà gần gũi với chúng ta như Hòa thượng Thích Thiện Trì, Thích Tịnh Từ, và cố Thượng tọa Thích Thiện Tường .vv.. Đồng thời Hòa thượng còn được mời giảng dạy cho các tòng lâm ở nhiều nơi khác như Đà Nẵng, Nha Trang, Tây Nguyên và Sài Gòn…Mặc dù phải gánh vác nhiều trọng trách, nhưng Ngài vẫn chu toàn các Phật sự được Giáo hội giao phó.
Năm 1965, Hoà thượng được mời khai đạo giới tử tại Đại giới đàn Từ Hiếu – Huế.
Năm 1968, Ngài được cung thỉnh làm Tuyên luật sư và khai đạo giới tử tại Đại Giới đàn ở Phật học viện Hải Đức – Nha Trang.
Năm 1970, Ngài là vị khai đạo giới tử Đại Giới Đàn Vĩnh Gia – Đà Nẵng.
Năm 1973-1974, Hòa thượng được cung cử chức vụ Viện trưởng Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức – Nha Trang. Chính trong thời gian này, dưới sự hướng dẫn của Ngài, bộ kinh Trung A-hàm được dịch ra Việt ngữ.
Năm 1979, Hoà thượng Bổn sư là đức đệ nhị Tăng Thống GHPGVNTN viên tịch. Để kế thừa bổn sư, Ngài được môn phái cung thỉnh giữ chức vụ Trú trì Tổ đình Thiền Tôn – Huế.
Năm 1981-1984, Ngài được mời giảng dạy tại Trường Cao cấp Phật học ở chùa Quán Sứ – Hà Nội.
Năm 1982-1988, Hoà thượng được cung thỉnh lãnh đạo Phật giáo tỉnh Phú Khánh liên tiếp trong hai nhiệm kì.
Năm 1984-1988, Ngài được mời giữ chức Phó hiệu trưởng và giáo thọ cho Trường Cao cấp Phật học tại Sai Gòn.
Năm 1987, Hoà thượng được thỉnh làm khai đạo giới tử tại Đại Giới đàn Báo Quốc – Huế.
Năm 1991, Ngài được cung cử làm Phó chủ tịch Hội đồng Phiên dịch Đại tạng kinh Việt Nam, đặc trách Hán tạng.
Năm 1993, Ngài được cung thỉnh làm Tuyên Luật sư, Yết-ma cho giới đàn Thiện Hòa tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Năm 1994, Hoà thượng lại được cử làm Yết-ma tại Đại Giới đàn Báo Quốc – Huế. Cũng trong năm này, Ngài làm trưởng phái đoàn PGVN sang chiêm bái Phật tích tại Ấn Độ.
Năm 1994-2001, Ngài được cung kiêm Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Khi Học Viện PGVN tại Huế được thành lập năm 1997, Ngài được cung cử làm Viện trưởng của Học viện này cho đến nay. Song song với chức vụ Viện trưởng, ngài đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế để làm nơi đào tạo Tăng tài cho cả nước.
Năm 1999, Hoà thượng được cung thỉnh làm Đàn đầu Hoà thượng Đại Giới đàn Tịnh Khiết tại chùa Tường Vân – Huế.
Để tri ân thầy tổ và làm rạng rỡ tông phong, nên năm 2000, với cương vị trú trì, Ngài đã đứng ra chủ xướng công cuộc đại trùng tu Tổ đình Thiền Tôn-Huế, một trong những ngôi tổ đình lớn của PGVN, trở nên nguy nga, hùng vĩ hơn xưa để xứng đáng với công hạnh của Tổ Liễu Quán. Đồng thời với công trình này, Hòa thượng đã tôn tạo ngoại thành tháp Tổ với mục đích là bảo vệ nơi di tích lịch sữ và văn hóa không những của PGVN mà còn là của dận tộc VN.
Năm 2001, Ngài chủ trì Lễ tốt nghiệp và Cấp phát văn bằng Cử nhân Phật học cho Tăng Ni sinh Học viện PGVN tại Huế, khoá I (1997-2001). Cũng trong năm này, Ngài đã chứng minh Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Gia đình Phật tử Việt Nam, tổ chức tại Tổ đình Từ Đàm – Huế.
III. Công trình dịch thuật và biên soạn:
Mặc dù bận rộn với nhiều công việc của Giáo hội, giãng dạy Tăng ni và hướng dẫn tín đồ tu học, Ngài cũng đã dành nhiều thì giờ cho việc phiên dịch, biên soạn và in ấn Kinh, Luật, Luận cho Tăng Ni Phật tử có tài liệu để tu học. Những công trình dịch thuật và biên soạn gồm:
1. Dịch thuật:
– Kinh Thủ Lăng Nghiêm (1940).
– Phát Bồ-đề tâm văn (1952).
– Kinh Kiến Chánh (1953).
– Kinh 42 chương (1958).
– Kinh Trường A-hàm (lược dịch – 1959).
– Kinh Pháp Cú (1962).
– Tân Duy thức luận (1962)
– Luận Thành duy thức (1995).
– Luận Đại trí độ (5 tập, 1997-2001).
– Trung luận (2001)
2. Biên soạn:
– Nghi thức tụng niệm (đồng soạn, 1958).
– Nghi thức thọ Bồ-tát giới tại gia (1958)
– Đại cương luận Câu-xá (1987).
– Vô ngã là Niết-bàn (1990).
– Toả ánh Từ quang (1992).
– Lối vào Nhân minh học (1995).
– Cương yếu Giới luật (1996).
– Ngũ uẩn vô ngã (1997)
– Kinh Pháp hoa giữa các Kinh điển Đại thừa (1997).
– Trí đức văn lục (9 tập, 1994-2001)
* Nhiều bài biên khảo khác đăng tải ở các Tạp chí từ 1940-2001, như:
– Tạp chí Viên âm (1940).
– Phật giáo Việt Nam (1960).
– Liên Hoa (1961).
– Giác ngộ, 1982.
– Tập văn – Ban Văn hoá Trung ương (1985).
IV. Nhiếp hóa đồ chúng.
Hòa thượng đã truyền thọ Ngũ giới, Thập thiện, và Bồ-tát giới tại gia cho hàng vạn Phật tử khắp 3 miền của đất nước. Ngài đã độ nhiều đệ tử xuất gia như: T.T. Đạo Dung, Hải Tịnh, Hải Ấn, Phước Tú, Kiên Tuệ,Kiện Định … Về phía Ni có Ni sư Chơn Cần, Hải Liên…
Như dự tri được sự ra đi của mình không còn lâu nữa, Ngài đã nỗ lực phiên dịch tác phẩm mà Ngài đã dự định, đó là bộ Trung luận. Trong vòng non một năm, Ngài đã hoàn tất sự phiên dịch. Do vì quá cố gắng làm việc, nên tháng 9 năm 2001, bệnh cũ tái phát, mặc dù đã được hàng đệ tử, các giáo sư bác sĩ và y sĩ bệnh viện Trung ương Huế tận tình chăm sóc chữa trị. Nhưng vì tuổi cao sức yếu, Ngài không vượt qua được căn bệnh hiểm nghèo. Ngài đã an tường xả báo thân lúc 16 giờ 30 ngày 03 tháng 10 năm 2001(nhằm ngày 17 tháng 8 năm Tân Tỵ) thọ 81 tuổi đời, 53 tuổi đạo.
Suốt cuộc đời, từ khi xuất gia hành đạo cho đến lúc viên tịch, Ngài đã nỗ lực không ngừng trong công việc xiễn dương đạo pháp. Đặc biệt, do kinh nghiệm bản thân cho thấy: nếu Tăng ni Phật tử không được học tập Phật pháp một cách nghiêm túc, thì sự tu tập sẽ dể bị lầm lạc. Do vậy, Ngài đã dành nhiều thì giờ cho công việc giáo dục, đào tạo Tăng ni với ước nguyện cung cấp cho đời nhiều vị chân tu, thực học để mang niềm hạnh phúc,an lạc đến cho mọi người. Và chính việc làm đó cũng là đóng góp cho quê hương, dân tộc, bởi vì Phật giáo với dân tộc Việt là bất khả phân. Cuộc đời Ngài là một tấm gương sáng ngời về đạo hạnh và sự nghiệp hoằng hóa cho Tăng ni và Phật tử noi theo. Mặc dù sắc thân của Ngài không còn nữa nhưng đạo hạnh và sự nghiệp hoằng hóa của Ngài sẽ mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho Tăng Ni Phật tử hậu lai.
NAM MÔ TỰ LÂM TẾ CHÁNH TÔN TỨ THẬP TAM THẾ, TRÙNG KIẾN THIỀN TÔN, TỪ ĐÀM NHỊ TỰ TRÚ TRÌ, HUÝ THƯỢNG TÂM HẠ PHẬT TỰ TRÍ ĐỨC HIỆU THIỆN SIÊU TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG GIÁC LINH THUỲ TỪ CHỨNG GIÁM.