Hơn 50 năm trôi qua, chiến tranh đã lùi vào quá khứ, mảnh đất Đồng Lộc năm xưa mang trên mình chi chít những hố bom giờ đã hồi sinh và khoác lên mình màu áo mới. Thế nhưng những câu chuyện về 10 cô gái thanh niên xung phong năm ấy dường như vẫn thật gần.

Chiều dần buông, chỉ còn lại những vạt nắng yếu ớt của một ngày dài còn vấn vương trên vòm lá, làn gió nhè nhẹ thoảng qua đủ để thổi vào hồn ta những bâng quơ. Chiều, có lẽ đó luôn là khoảng thời gian khiến cho nỗi lòng của con người thêm thật nhiều tâm trạng. Tôi đứng ở đây, giữa mảnh đất ghi dấu bao chiến công lịch sử của dân tộc, nơi đã từng gánh chịu thật nhiều đau thương, mất mát mà không khỏi xúc động, bùi ngùi. Chiến tranh đã lùi xa, nó bây giờ chỉ còn là những câu chuyện của con người, về những người đã ngã xuống, hay những người còn sống nhưng phải mang theo những vết thương chẳng bao giờ lành lặn,…

Và ngay ở đây, giữa mảnh đất Ngã ba Đồng Lộc này, nơi đã ghi dấu những câu chuyện hào hùng về những con người như thế. Mười cô gái thanh niên xung phong, 10 cái tên, 10 đóa hoa bất tử. Tuổi đời của họ vừa chớm độ mười tám, đôi mươi – cái tuổi đẹp nhất của đời người đã mãi mãi ra đi. Họ đi, mang trong tim bao nhiệt huyết, bao khát vọng và ước mơ còn dang dở. Mười đóa hoa trinh liệt ấy đã hy sinh cả tuổi xuân của mình cho non sông, đất nước, để rồi vào một ngày hè, nắng bỏng gắt, các cô đã ngã xuống, những trái tim “xanh” giờ đây cùng hòa chung nhịp đập, máu xương và tuổi trẻ của các cô đã hòa làm một, góp phần tô thắm màu cờ của Tổ Quốc thiêng liêng.

“Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc”

Quả thật, Ngã ba Đồng Lộc – một cái tên mà chỉ nghe đến thôi thì tất cả chúng ta hay những người còn sống và có lương tri trên thế giới này đều mong muốn được một lần ghé thăm, để được nhìn, được nghe kể, để hiểu và chia sẻ với những con người, những câu chuyện đã trở thành huyền thoại. Họ đã sống và cống hiến cho đất nước, cho ngày hòa bình dân tộc, họ đã chiến đấu và can trường như thể ngày hôm nay là ngày cuối cùng họ được sống trên đời.

Nhưng ngày tổ quốc rợp bóng cờ hoa, họ chẳng kịp trở về để góp mặt chung vui nữa. Chẳng ai có thể tưởng tượng được rằng, những cô gái nhỏ bé kia ngày đêm phải đối mặt với hiểm nguy, ranh giới giữa sự sống và cái chết quá mỏng manh, dù trên đầu cô là mưa bom hay bão đạn, dù là hố sâu đang chờ chực để nhấm chìm các cô bất cứ lúc nào, vậy mà họ vẫn say sưa làm việc, vẫn vui đùa và hát ca, vẫn rạng ngời niềm tin vào chiến thắng. Họ chiến đấu, chiến đấu cho tương lai của một đất nước, của hàng triệu triệu con người thống khổ, họ sẵn sàng dùng cái chết của mình để ngăn chặn những cái chết khác, đau đớn hơn – cái chết của một đất nước bị đế quốc xâm lược.

Hơn 50 năm trôi qua, chiến tranh đã lùi vào quá khứ, mảnh đất Đồng Lộc năm xưa mang trên mình chi chít những hố bom giờ đã hồi sinh và khoác lên mình màu áo mới. Thế nhưng những câu chuyện về 10 cô gái thanh niên xung phong năm ấy dường như vẫn thật gần. Nó là một phần đau thương mà hào hùng của Ngã ba Đồng Lộc, dù thời gian có trôi qua, tấm di ảnh có thể mờ đi nhưng câu chuyện về các cô sẽ vẫn luôn được muôn đời sau kể lại. Như câu chuyện về một lần nghỉ giải lao khi thực hiện nhiệm vụ, họa sĩ Trần Từ Thành đã hỏi chuyện chị Tần: “Sao o lại đi thanh niên xung phong?”/ “Ban đầu tôi ước mong được trở thành người lính, nhưng không được nên tôi vào thanh niên xung phong”/ “O ước mong điều gì?”/ “Tôi ước mong hòa bình, sau chiến tranh tôi sẽ trở về quê hương lấy chồng, xây tổ ấm“…

Tưởng chừng như những ước mơ nhỏ bé đó rồi sẽ thành hiện thực thì ai ngờ đâu, chỉ mấy ngày sau đó, chị Tần cùng với chín người em của mình: Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh, Cúc đã mãi mãi nằm lại, họ gửi tuổi trẻ, gửi lại ước mơ của mình nơi Ngã ba Đồng Lộc máu lửa này. Nhũng lời hẹn thề với người ra trận, những mối tình mới vừa chớm nở chưa kịp ngõ lời yêu, hay ước mơ với chính mình của 10 nữ thanh niên xung phong ấy bởi chiến tranh mà trở thành dang dở…

Thương cho những kiếp người sinh ra thời bom đạn, họ khổ, khổ đến tận cùng nhưng có lẽ chưa một lần họ oán trách cuộc đời hay số phận. Họ chỉ sống và chiến đấu, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Trong vô vàn bức thư gửi về hậu phương, đọc bức thư của chị Võ Thị Tần gửi mẹ lúc ấy, tôi vẫn luôn xúc động: “Mẹ ơi, ở đây vui lắm mẹ ạ, ban đêm chúng nó thắp đèn để chúng con làm đường, còn ban ngày chúng mang bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của chúng con. Mẹ ơi, thời gian này mặc dù địch đánh phá ác liệt nhưng bọn con vẫn tập được nhiều bài hát mới. Cuốn sổ tay mẹ mới gửi cho con dạo nọ đã gần hết giấy rồi, mẹ gửi thêm cho con ít giấy. Mới về thăm mẹ mà sao con thấy nhớ mẹ quá, mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe và đừng lo cho con nhiều”.

Thế mới thấy, dù hằng ngày phải đi dưới mưa bom nhưng trong tim các cô vẫn chất chứa những nỗi yêu thương,nhớ nhung khắc khoải. Nhớ quê hương, gia đình, người thân và muôn nghìn nỗi nhớ chưa kịp gọi tên khác nữa. Chiến tranh – Đó là điều không bất kì ai, bất kì dân tộc nào mong muốn. Nhưng khi nó xảy đến, tất thảy đều phải đương đầu.

Xa xa, anh hướng dẫn viên mang bộ quần áo thanh niên xung phong, phía sau là chiếc mũ tai bèo đã bạc màu vì nắng gió vẫn say sưa kể cho du khách nghe những câu chuyện về 10 cô gái anh hùng. Nhắc về sự ra đi của cô, anh không khỏi xúc động: “Một ngày tháng 7 nắng gắt ở Đồng Lộc, Tiểu đội 4 được lệnh san lấp hố bom ở khu vực địch vừa thả bom để nhanh chóng thông đường cho xe qua. Họ làm việc không ngơi tay, vừa cười, vừa nói vừa í ới gọi nhau và đã ba lần các cô bị vùi lấp, nhưng tất cả đều rũ đất đá đứng dậy tiếp tục làm việc. Đến 16 giờ 30 phút ngày 24/7/1968, bỗng một tốp máy bay phản lực hướng từ Bắc vào Nam vượt qua trọng điểm. Tất cả chị em nhanh chóng nép mình vào triền đồi, nơi thành hố bom cũ tạo nên một cái rãnh lớn. Hết tiếng máy bay các cô lại chồm dậy làm việc. Bất ngờ tốp máy bay phản lực quay lại bay từ trong ra thả một loạt bom rơi đúng vào đội hình 10 cô gái. Tiếng nổ chát chúa, đất đá tung toé, khói bom mù mịt, đen ngòm.

Các tiểu đội thanh niên xung phong đi sau chồm lên gào thét, nhân dân xóm Bãi Dĩa quanh đấy cũng lao ra gọi tên từng người. Khi đến nơi quả bom vừa nổ chỉ thấy một hố bom sâu hoắm, một vài chiếc xẻng, cuốc vǎng ra nhưng không còn thấy một ai, không nghe thấy một tiếng người. Mặt đất mù mịt. Cả trận địa lặng đi rồi tiếng khóc vỡ òa. Tất cả 10 cô gái trẻ ấy đã hy sinh. Suốt đêm hôm đó và cả ngày hôm sau, đồng đội đã đào bới, tìm kiếm thi hài các chị, đem về tắm rửa sạch sẽ. Tất cả đều như đang vừa đi vào giấc ngủ dài. Đồng đội đã đặt các chị vào khu đồi Bãi Dĩa với lòng xót thương vô hạn.”

Riêng chị Hồ Thị Cúc, mãi sang ngày thứ 3 đồng đội mới tìm thấy chị trên đồi Trọ Voi cách hố bom cũ chừng 20m trong tư thế ngồi, đầu đội nón, bên cạnh là cái cuốc, 10 đầu ngón tay bị ứa máu vì đang bới đất để tìm đường ra. Thương xót người em, người đồng đội có số phận không may mắn, tác giả Yến Thanh (tên thật Nguyễn Thanh Bính – cán bộ phụ trách kỹ thuật ngành Giao thông vận tải) cùng có mặt lúc đó nghẹn ngào viết lên bài thơ: “Cúc ơi”:

Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc
Đất sâu bao nhiêu bọn anh không cần
Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng
Cúc ơi! em ở đâu?
Đất nâu lạnh lắm
Da em xanh
Áo em thì mỏng!
Cúc ơi! em ở đâu?”

Các cô đi trong một ngày hè nắng bỏng rát, nước sinh hoạt thiếu thốn, trên trời bom vẫn không ngừng rơi. Người ta nhắc lại rằng, khi khâm liệm, nhiều nữ thanh niên xung phong đầu còn chưa được gội sạch, quần áo vẫn lấm bùn. Có lẽ vì thế mà khi đến thăm Nghĩa trang 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc và phát hiện ra tất cả “chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu”, “Bữa ăn cuối cùng mười chị em không có gạo/ Nắm mì luộc chia nhau rồi vác cuốc ra đường” nên nhà thơ Vương Trọng đã có những “Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc” gây rúng động tâm can người đọc. Trong đó có những câu được khắc lên bia đá:

“Ngày bom vùi tóc tai bết đất
Nằm xuống mộ rồi, mái đầu chưa gội được
Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang
Cho mọc dậy vài cây bồ kết
Hương chia đều trong hư ảo khói nhang”.

Và lời thỉnh cầu đó đã trở thành sự thật khi Anh hùng – Đại tá Nguyễn Tiến Tuẫn, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, nguyên cảnh sát giao thông thời chống Mỹ sau khi đọc được bài thơ đã lặn lội lên Hương Sơn tìm cho được 2 cây bồ kết đem vào trồng trong Nghĩa trang ngã ba Đồng Lộc bên cạnh mộ 10 liệt nữ thanh niên xung phong. Đến thăm 10 cô gái năm xưa, bạn sẽ được ngắm nhìn 2 cây bồ kết xanh rờn, xanh hơn tất thảy những loài cây khác trong khu mộ, có lẽ các cô đang vui sướng lắm. Ngắm nhìn hình ảnh cây bồ kết, đơn giản mà thân thương, hít một hơi thật sâu mùi hương bồ kết thoang thoảng trong gió để cảm nhận rằng các cô dù đã đi thật xa nhưng vẫn luôn ở đâu đó quanh đây, trong trái tim những người đang sống.

Khép lại những dòng nhật kí dành cho những người đã khuất, tôi muốn nhắn nhủ đôi lời đến những người đang sống trên đời, nhất là các bạn trẻ, là tương lai của đất nước rằng:

Chúng ta, không ai có quyền quyết định nơi mình sinh ra, càng không có quyền quyết định thời điểm mình sinh ra nhưng chúng ta có quyền quyết định cách mình sẽ sống. Ai rồi cũng chỉ sống một lần duy nhất, bạn sống mười năm, hai mươi năm hay năm mươi năm sau không quan trọng, quan trọng là bạn đã sống như thế nào. Cuộc đời cũng giống như một thước phim đa màu sắc mà chính chúng ta là người tạo ra những khoảnh khắc cho thước phim của cuộc đời mình. Dù ta không có quyền được lựa chọn một thước phim hay nhưng chính chúng ta lại được toàn quyền chỉnh sửa nội dung của nó.

Người ta thường than thân, trách phận nhưng mấy ai hiểu rằng chúng ta không thể lựa chọn cho mình một số phận tốt đẹp hơn nhưng chúng ta lại có thể lựa chọn cách sống để tạo ra những may mắn cho chính cuộc đời mình. Bạn sinh ra ở đâu không có nghĩa là bạn phải kết thúc cuộc đời mình ở đó. Bạn sinh ra nghèo khó nhưng không có nghĩa bạn phải chết trong nghèo khó. Bạn thường kém may mắn hơn người khác không có nghĩa là bạn không cố gắng để tìm cơ hội cho riêng mình. Có lẽ cách sống là thứ duy nhất quyết định con người bạn, làm thay đổi điểm xuất phát vốn không được tốt đẹp của bạn.

Thế nên, hãy sống một đời đáng sống. “Khi bạn chào đời bạn khóc, còn mọi người xung quanh cười. Hãy sống sao cho đến khi qua đời, mọi người khóc, còn bạn, bạn cười”. Đó là nụ cười của “ngày ra đi” thanh thản, mãn nguyện vì đã sống trọn vẹn một đời người với tất cả những hoạch định, những ước mơ và niềm hanh phúc tràn đầy nhất… Bạn nhé!


Thích Nghiêm Thuận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Thơ: Rồi Mai Em Đi (Toại Khanh)
Thơ, Văn học

Rồi mai em đi Tay trắng mang theo được gì Một đời cho ước mơ chi Hay là một kiếp sân si

Mái chùa che chở hồn dân tộc
Thơ, Văn, Văn học

Bài thơ Nhớ chùa là một tác phẩm bất hủ của thơ ca Phật giáo Việt Nam. Bài thơ này đi vào lòng người mến đạo một cách dịu dàng và nồng ấm như câu ca dao của mẹ, tự nhiên và nhẹ nhàng như hơi thở, bình yên và trong sáng như một mảnh trăng...

Bậc Thầy của những vị Thầy
Danh Tăng, Tuỳ bút, Văn học

Cách đây hơn hai mươi năm, vào khoảng cuối thiên niên kỷ trước, tôi có dịp gặp và trò chuyện với thầy Tuệ Sỹ lần đầu tiên. Tôi cùng đi với Đỗ Quốc Bảo, đến thăm thầy khi ấy đang ở trên một căn gác trong khuôn viên chùa Quảng Hương Già Lam. Lúc ấy thầy...

Về Bài Thơ Hai Mùa Thu Của Masaoka Shik
Thơ, Văn học

Sau khi tham dự Tang lễ của một người bạn đồng môn vừa qua đời ở tuổi còn tương đối trẻ, về nhà tôi lại nhớ đến bài thơ hài cú Hai Mùa Thu của Nhà thơ người Nhật Shiki diễn tả bối cảnh cùng một thời gian và cùng một nơi chốn mà có hai mùa thu khác nhau, một mùa thu của người đang nằm dưỡng bệnh ở trong...

Hình ảnh trăng và hoa trong thơ thiền Lý – Trần
Thơ, Văn, Văn học

Hoa và trăng trong thơ thiền Lý-Trần không chỉ là những hình ảnh đẹp đẽ mà còn là những triết lý sâu sắc về cuộc sống, khuyến khích con người sống trọn vẹn, tỉnh thức và hòa nhập với thiên nhiên. Nước Việt Nam, từ thuở khai hoang lập địa, trải qua nhiều thời đại,...

Hương thu vườn Huế
Tuỳ bút, Văn học

Trái cây xứ Huế nhiều nhất và ngon nhất vẫn là ở những khu vườn xanh um cổ thụ thuộc hai phường Thủy Xuân, Thủy Biều phía Tây nam thành phố. Vườn ở đó là những khu vườn rộng trên đồi, nhũng khu vườn thoai thoải bên sông Hương. Đất đai màu mỡ, không khí...

Thơ: Xin lỗi mẹ (Toại Khanh)
Thơ, Văn học

Xin Lỗi Mẹ Về mới thấy, đi là tìm Ta mười năm đó cánh chim mù lòa Ta đi những phố phù hoa Cửa khuya thao thức, mẹ ta ngồi chờ Ta lưu lạc kiếm vần thơ Thứ thơ của một gã khờ đa mang Trót yêu giếng đá trăng vàng Mười năm một chuyến...

Thơ: Xin hẹn (Toại Khanh)
Thơ, Văn học

Xin hẹn Nói ít, thì bảo vô tri, Nói nhiều, lại trách tu gì… đa ngôn. Nói kinh, thì trách sáo mòn, Nói đời, lại trách tu còn ham chơi. Nhân gian bát ngát biển trời, Khó lòng kiếm được một người dễ thương. Thì thôi tạm hoãn hoằng dương, Am mây khép cửa, phong...

Tản mạn về việc Viết và Dịch hai thể thơ Haiku và Waka
Thơ, Văn học

I: Ngôn ngữ đơn âm và đa âm Khó khăn lớn nhất đối với tôi khi dịch Waka (hoà ca) và Haiku (bài cú) sang tiếng Việt là phần âm tiết. Vì tiếng Nhật là ngôn ngữ đa âm, còn tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm (đôi khi một chữ trong tiếng Nhật có...

Thơ: Tượng Pháp (Toại Khanh)
Thơ, Văn học

TƯỢNG PHÁP Con vô phúc sinh nhầm thời vắng Phật dấu vết Ngài còn lại mấy pho kinh Nam với Bắc tha hồ mà bất nhất kinh so kinh…ngồi gẫm lại giật mình Thầy dạy con dựng chùa to, tượng bự tổ dạy con xăng áo độ quần sanh trộn hai món, đời tu con...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Vị lãnh đạo truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ
Tuỳ bút

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một học trò lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã truyền cảm hứng và nguồn năng lượng tích cực về nhân cách, đạo đức cho nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Bằng trí tuệ, sự thông thái ẩn sâu bên trong một con người dung...

Sống chậm để yêu thương
Thơ, Văn học

Thấy gì ngoài ô cửa Chim hót chào ban mai Sau một đêm mưa bão Nắng ngập tràn tương lai. Bầu trời cao lồng lộng Mơ làm cánh chim thôi Mang niềm vui bé mọn Chia sẻ đến mọi người. Trước sông dài biển rộng Bão tố đầy phong ba Hạnh phúc từ đâu đến...

Ngát Hương – Vô Ưu
Sự kiện, Tuỳ bút, Văn học

Hằng năm cứ độ tháng Tư lại về, bầu trời trong xanh tươi mát, gió thoảng đong đưa, người trời hân hoan đón mừng bậc Thế Tôn giáng trần. Là người con Phật ai ai cũng hiểu ngày đó, chính là ngày Đức Thế Tôn đản sanh tại thành Ca Tỳ La Vệ thuộc xứ Ấn Độ thời bấy giờ. Chúng ta một lòng hướng về cội...

Thơ: Giấc mộng phù sinh
Thơ, Văn học

Giấc mộng phù sinh Đời như giấc mộng phù sinh Nửa chừng tỉnh giấc thấy mình đã xa Một thời phiếm mộng phù hoa Tàn cơn gió lạnh như là khói sương Ngẫm nhìn một đoá liên hương Trầm lao phủ lối tà dương ngược dòng Hoa yên nhuộm áo nâu sòng Đường xa tuyết...

Lời Kinh Từ Những Buồng Biệt Giam
Tuỳ bút, Văn học

Cách đây khá lâu, tôi đã có lần đọc câu chuyện về những người phạm nhân ở trong trại cải tạo và mối tương quan đồng cảm của những người giám thị trại giam dành cho họ, đó là chia sẻ về Phật pháp, đặc biệt là đối với những tử tội. Hãy tưởng tượng rằng những người đang...

“Xuân Khai Phúc Lạc” qua góc nhìn chư Tổ
Thơ, Văn học

“Xuân Nhật Tức Sự” được lưu truyền là của Thiền sư Huyền Quang (1254- 1334) là vị Tổ thứ ba Thiền phái Trúc Lâm. Đây là bài thơ hay, bài thơ này rất đẹp về “Xuân”, vì sao? Vì Ngài diễn tả một hành động thong dong tự tại của cô gái tuổi tròn trăng...

Ads Blocker Image Powered by Code Help Pro

Đã phát hiện trình chặn quảng cáo!!!

Chúng tôi đã phát hiện thấy bạn đang sử dụng tiện ích mở rộng để chặn quảng cáo. Vui lòng hỗ trợ chúng tôi bằng cách vô hiệu hóa các trình chặn quảng cáo này.