Ngài Liễu Quán là người Việt Nam đầu tiên thọ pháp và nối truyền dòng Lâm Tế ở Việt Nam (đời thứ 35 dòng Lâm Tế chánh tôn truyền từ Trung Quốc) mở mang nền đạo học hợp với thời đại và dân tộc, phát triển thành thiền phái Lâm Tế Liễu Quán lớn nhất.
Ngài Liễu Quán sinh trưởng trong thời kỳ nhiễu nhương của Nam Bắc phân tranh (Trịnh – Nguyễn), thế đất mới lập (Nam – Ngãi – Bình – Phú), dân ly tán hay di cư là chủ yếu, đời sống khó khăn, tín ngưỡng chưa phổ quát. Ngài nhờ thiện duyên và chí nguyện tu học, độ sanh trở nên một vị Thiền sư nổi tiếng của phái Lâm Tế, đàng Trong. Nếu ở đàng Ngoài, Thiền sư Chân Nguyên được xem như là nhân vật then chốt cho cuộc phục hưng Chánh Pháp ở đàng Ngoài; thì ở đàng Trong, Tổ Liễu Quán cũng là nhân vật quan trọng đặc biệt về vấn đề lãnh đạo phong trào Phục Hưng Phật Giáo ở đàng Trong vậy.
Thiền sư Liễu Quán là một cao tăng Việt Nam, thuộc đời pháp thứ 35, tông Lâm Tế. Liễu là hiểu được, quán tức là quán chiếu, là nhìn cho sâu. Tên hiệu là Liễu Quán, pháp danh là Thật Diệu. Thật là sự thật, diệu là sáng tỏ, chiếu sáng, sự thật chiếu sáng. Suốt bao nhiêu năm tu hành, học tập, đã khai sáng ra chi phái Thiền mới (Thiền Phái Liễu Quán), mang đậm phong cách của văn hóa Phật Giáo Việt Nam còn truyền lại đến ngày nay. Tăng và tín đồ miền Trung và miền Nam hiện nay hầu hết là thuộc dòng Lâm Tế, mà người có công khai hóa hơn hết chính là Thiền sư. Vì thế mà thành một nhánh lớn gọi là Liễu Quán, Ngài chính là Sư Tổ trong Phái này.
Cuộc đời Tổ Liễu Quán
Tên Ngài là Lê Thiệt Diệu, sinh năm 1670 (tịch năm 1742, thọ 72 tuổi), quê ở làng Bạch Mã, Huyện Ðồng Xuân Sông Cầu, Tỉnh Phú Yên, miền Trung nước Việt trong một gia đình không mấy khá giả. Ngài là người thông minh, chí khí hơn người. Tu học từ thuở nhỏ, Ngài tỏ ra thông minh khí tiết hơn các bạn đồng học.
Mồ côi mẹ khi Ngài vừa lên sáu tuổi. Năm 1682, lúc vừa được 12 tuổi, theo cha đi chùa Hội Tôn lễ Phật, gặp Thiền sư Tế Viên, Ngài cảm mến và xin phụ thân xuất gia tại đây. Ngài rất được Thiền sư Tế Viên thương mến và hết lòng dạy dỗ. Những năm hành điệu tại chùa Hội Viên, Ngài chỉ làm những công việc nhỏ nhặt như gánh nước cũng như hai thời khóa công phu và luật tiểu Sa Di. Tu tập ở đây được chín năm thì Thiền sư Tế Viên viên tịch, Ngài tròn 19 tuổi. Sau khi chu tất tang lễ của Thầy, Ngài từ giả quý huynh đệ đồng tu ở đây rồi một mình lên đường tìm thầy học đạo tiếp tục.
Năm 1690, vượt Trường Sơn ra đất Thuận Hóa, đầu sư với Giác Phong lão tổ ở chùa Thiên Thọ, núi Hàm Long (tức Phật Học Đường Báo Quốc bây giờ). Được một năm thì phụ thân thọ bệnh, Ngài xin phép được trở về nhà để săn sóc. Hằng ngày vào rừng lo đốn củi đổi gạo và thuốc men để chăm sóc cho phụ thân. Bốn năm sau, phụ thân mãn phần, lo tang chay và giao hết nhà cửa hương hỏa cho bà con quyến thuộc xong xuôi, Ngài tiếp tục lên đường học đạo.
Năm 1695, nghe Thiền sư Thạch Liêm tổ chức giới đàn ở chùa Thiền Lâm, cố đô Huế, Ngài xin cầu thọ Sa Di thập giới với đạo hiệu thượng Liễu hạ Quán húy Thiệt Diệu, thuộc dòng Lâm Tế chánh tông đời thứ 35.
Năm 1697, Thiền sư Từ Lâm làm Đàn Đầu Hòa Thượng, Ngài tròn 27 tuổi được tấn đàn Tỳ Kheo Giới. Đắc giới xong, Ngài ở lại đây hai năm để cầu học những giới pháp đã thọ cho được thông suốt, rồi lại tiếp tục tham cầu Phật Pháp với các bậc tôn sư khắp nơi.
Năm 1699, Ngài đi khắp Tòng Lâm, Tổ chẳng quản gian lao, sống đời đạm bạc. Đi tham học với các bậc thạc đức cao tăng, thăm viếng nhiều chùa để học hỏi đạo lý, và quyết định hiến thân cho đời sống đạo. Bấy giờ Tổ thường tự nghĩ: “Pháp nào là vi diệu tối thượng bậc nhất, ta nguyện quyết xả thân mạng, y vào pháp đó tu hành”. Từ đó Ngài tinh chuyên tu tập.
Năm 1702, Ngài bái yết Tử Dung Hòa Thượng cầu dạy pháp tham thiền tại chùa Ấn Tôn (tức tổ đình Từ Đàm bây giờ), ở núi Long Sơn, cố đô Huế. Bấy giờ, Tổ Tử Dung dạy cho Ngài tham cứu câu thoại đầu:
Muôn Pháp về một, một ấy đi về đâu?
Từ câu thoại đầu nầy, làm cho Ngài ngày đêm suy nghĩ miên mang. Cuối cùng, Ngài lại phải trở về chốn cũ Phú Yên để tịnh tu và tham cứu cho được câu mà Tổ đã trao. Suốt năm năm liền mà vẫn chưa làm bung vỡ được thâm ý của câu thoại đầu, lòng tự hổ thẹn.
Một hôm, nhân đọc cuốn Truyền Đăng Lục, khi đọc đến câu:
Chỉ vật mà truyền tâm, chính vì vậy mà người ta không hiểu nổi; thoạt nhiên Ngài tỏ ngộ và buông sách xuống với một tâm niệm an lạc.
Năm 1708, Ngài quay trở lại núi Long Sơn để gặp tổ Tử Dung và trình bày ý của Ngài cho Tổ rõ về công phu đã tu tập trong mấy năm qua, và cầu Hòa Thượng Tử Dung ấn chứng.
Qua sự trình bày công phu tu tập tỏ ngộ và biện tài lanh lẹ lâm cơ ứng biến rất là phù hợp, Hòa Thượng Tử Dung rất vui mừng ấn khả.
Sau khi được truyền tâm ấn, Ngài thường ra vào Huế – Phú Yên để tùy duyên hóa đạo, chẳng nề xa xôi, khó nhọc.
Từ năm 1704 đến năm 1730, Ngài tinh tấn hóa đạo khắp xứ Thuận – Quảng, Phú – Khánh, lập nên 32 tu viện, độ rất nhiều chúng Tăng, Phật Tử.Năm Quý Sửu (1733), Giáp Dần (1734) và Ất Mảo (1735), theo lời thỉnh cầu của chư Tăng trong tông môn cùng các bậc tể quan, cư sĩ ở Huế, Ngài dự bốn lễ lớn về Ðại Giới Ðàn, qua năm Canh Thân (1740) Ngài tấn đàn Long Hoa phóng giới, rồi trở về núi Thiên Thai ẩn tu (nay là chùa Thiền Tôn do Ngài khai sơn).
Mùa xuân năm Nhâm Tuất (1742) Ngài dự lễ Giới Ðàn ở chùa Viên Thông, cuối mùa thu năm đó, Ngài bị bệnh, gọi môn đồ đến dạy rằng: “Nhân duyên đã hết, ta sắp đi đây”, khi ấy môn đồ điều khóc, Ngài dạy rằng: “Các ngươi khóc mà làm gì? Các Đức Phật ra đời còn nhập Niết Bàn, nay ta đi lại rõ ràng, về tất có chỗ, các ngươi không nên khóc và cũng đừng buồn thảm lắm”.
Ðến ngày 22-11-Nhâm Tuất (1742) sau khi dùng trà, Ngài viết bài kệ:
Ngoài bảy mươi năm trong thế giới
Không không sắc sắc thảy dung thông
Ngày nay nguyện mãn về nơi cũ
Nào phải ân cần hỏi tổ tông.
Viết xong, Ngài gọi môn đồ đến từ biệt “sau khi ta đi, các ngươi phải nghĩ cơn vô thường nhanh chóng cần phải siêng năng tu học, các ngươi phải cố gắng, tinh tấn chớ quên lời ta”, rồi Ngài an nhiên thị tịch.
Sự nghiệp truyền thừa và công hạnh Tổ Liễu Quán
Truyền thừa:
Ngài Liễu Quán là Thiền sư đời thứ 35 của phái Thiền Lâm Tế (Trung Quốc), khai sơn chùa Thiền Tôn (Huế), Ngài đặc biệt xuất dòng kệ phái Liễu Quán.
“Thiệt tế đại đạo, tánh hải thanh trừng
Tâm nguyên, quảng, nhuận, đức bổn từ phong
Giới, định, phước huệ, thể dụng viên thông
Vĩnh siêu trí quả, mật khế thành công
Truyền tri diệu lý, diễn xướng chánh tông
Hạnh giải tương ưng, đạt ngộ chơn không”
Thực tế đường lớn
Biển tánh lắng trong
Nguồn tâm nhuần khắp
Gốc đức từ phong
Giới định phước huệ
Thể dụng viên thông
Trí quả vĩnh siêu
Thầm hợp thành công
Truyền giữ lý mầu
Tuyên dương chánh tông
Biết làm đồng nhất
Đạt ngộ chân không.
Theo tuần tự bài kệ trên, dòng Liễu Quán hiện nay đến đời chữ Tâm, Nguyên, Quảng, Nhuận; từ chữ Trừng, Thanh trở về trước thì đã hiếm; số lượng Phật Tử quy y theo dòng kệ này đến nay cũng khó tính đếm cho được.
Công hạnh:
Ngài Liễu Quán là người Việt Nam đầu tiên thọ pháp và nối truyền dòng Lâm Tế ở Việt Nam (đời thứ 35 dòng Lâm Tế chánh tôn truyền từ Trung Quốc) mở mang nền đạo học hợp với thời đại và dân tộc, phát triển thành thiền phái Lâm Tế Liễu Quán lớn nhất.
Ngài đã khai nguồn Thiền Học, giúp thế hệ sau liễu ngộ chân tâm bằng con đường trực chỉ kiến tánh thành Phật.
Ngài thể hiện đạo phong thuần thắm, đạo nghiệp viên thành, góp phần mở mang xã hội tươi đẹp bằng nguồn đạo học chân chính của Ngài truyền bá.
Sự xuất hiện của Tổ Sư Liễu Quán như là một Bồ Tát Bổ Xứ, thực hiện sứ mệnh lịch sử: không chỉ duy trì và phát triển mạch sống Phật Giáo Việt Nam giữa bối cảnh xã hội tối tăm, Phật Pháp suy đồi, mà còn thể hiện sự xả thân vì đạo; lập thảo am, ăn rong, uống nước suối, hơn mười năm tham cứu công án, tu hành đắc đạo.
Từ giữa thế kỷ 18 trở lại đây, tại miền Trung Việt Nam, một phái Thiền do vị Thiền Sư Việt Nam – Tổ Sư Liễu Quán khai sáng đã phổ cập sâu rộng trong nhân gian. Tại các tỉnh miền Trung Việt Nam, phái Thiền Liễu Quán chiếm một vị thế quan yếu và sâu đậm trong sinh hoạt của các chốn thiền môn. Điểm đặc biệt cần nhấn mạnh ở đây chính là bản sắc thuần túy Việt Nam của phái Thiền Liễu Quán đã được người Việt Nam tiếp dụng một cách tích cực. Chính điều này là chứng liệu cụ thể về khả tính khế lý, khế cơ ưu việt của phái Thiền Liễu Quán suốt hai thế kỷ qua.
Cái gốc của phái Liễu Quán là Lâm Tế. Ban đầu thì được các thầy từ Quảng Đông truyền sang nên có tính cách rất Quảng Đông, nhưng từ Thiền Sư Liễu Quán trở về sau thì truyền thống này càng ngày càng được Việt hóa, từ văn hóa, nghi lễ, kiến trúc, thực tập. Tổ Sư Liễu Quán đã làm cho thiền phái Lâm Tế trở thành một tông phái đặc thù và linh động, có một nền móng vững chắc để truyền thừa.
Ngài Liễu Quán viên tịch năm Nhâm Tuất (1742), 43 tuổi hạ, 72 tuổi đời, hơn 30 năm thuyết pháp độ sanh, với 49 đệ tử xuất gia danh tiếng và rất đông đệ tử tại gia. Hòa Thượng Liễu Quán là một Thiền Sư Việt Nam chánh tông, đạo đức cao siêu, tâm quang sáng rực, được tôn làm Tổ, mà cuộc đời của Ngài thật là một tấm gương tốt chói lọi của một trong những vị Sư thông thái nhất của dân tộc Việt. Chúng ta học hỏi về công hạnh của Tổ Liễu Quán với mục đích nhắc nhở cho đàn hậu tấn biết về sự diễn tiến chánh pháp từ sơ khởi cho đến lúc huy hoàng về Thiền Phái Liễu Quán để quán chiếu, hiểu được và áp dụng trong đời sống hằng ngày của người Huynh Trưởng hầu có thể phát triển Tổ Chức lớn mạnh theo ý nghĩa của sự thật chiếu sáng.