Thiền sư Nguyên Thiều (chữ Hán: 元韶, 1648-1728) là một thiền sư người Trung Quốc, thuộc phái Lâm Tế đời thứ 33, nhưng sang Việt Nam truyền đạo vào nửa cuối thế kỷ 17. Ông là vị Tổ truyền phái Lâm Tế vào Miền Trung Việt Nam đầu tiên, và đã đóng góp nhiều công đức trong việc phục hưng và phát triển Phật giáo ở Đàng Trong.
Ngài họ Tạ, quê ở Trình Hương, phủ Triều Châu, Tỉnh Quảng Đông, sanh ngày 18 tháng 05 năm Mậu Tý 1648(theo tài liệu ở chùa Quốc An, Huế và quyển lịch sử Phật Giáo Việt Nam – tài liệu ở chùa Thập Tháp Di Đà lại ghi Ngài sinh năm Bính Tý 1636 – theo sách Thiền Sư Việt Nam của HT Thích Thanh Từ thì Ngài sinh năm 1649). Ngài xuất gia ở Chùa Báo Tư vào năm 1667 (19 tuổi) và học đạo với Đại lão Hòa Thượng Bổn Khao – Khoán Viên, chuyên cần đạo hạnh.
Theo sách Đại Nam liệt truyện tiền biên vào năm Tự Đức thứ 5 (1852) thì vào niên hiệu Cảnh Trị, năm thứ 3, đời vua Lê Huyền Tôn (tức năm Ất Tỵ, thứ 17, đời Chúa Thái Tông Hoàng Đế Nguyễn Phúc Tần, 1665) Ngài theo đoàn tàu buôn qua Quảng Nam, trú ở phủ Quy Ninh (Bình Định) lập chùa Thập Tháp Di Đà, mở Trường dạy học (Việt Nam Phật Giáo sử lược của TT Mật Thể). Sau Ngài ra đất Phú Xuân, tỉnh Thuận Hóa lập Hà Trung, thuộc huyện Phú Lộc, nay hãy còn; rồi lên Xuân Kinh, Huế lập Chùa Vĩnh Ân và xây Tháp Phổ Đồng. Đến năm Chính Hòa thứ 10 (ngày 27/05 năm Kỷ Tỵ, 1689) chúa Ngãi Vương Anh Tông Hoàng Đế Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691) đổi hiệu chùa là Quốc An Tự, tên chùa Quốc An có từ đây.
Ngài phụng mạng Chúa Anh Tông Hoàng Đế Nguyễn Phúc Trăn trở về Trung Quốc mời các danh Tăng và thỉnh pháp tượng, pháp khí. Ngài trở về Quảng Đông cung thỉnh Ngài Thạch Liêm (Thích Đại Sán) và một số danh Tăng đương thời, như Hòa Thượng Minh Hoằng Tử Dung (có ghi rõ tại bia chùa Quốc An).
Nhưng theo sách Lược khảo Phật Giáo Sử Việt Nam của Thầy Vân Thanh thì Ngài Nguyên Thiều có phụng mệnh Chúa Anh Tông Nguyễn Phúc Trăn trở về Trung Hoa thỉnh Ngài Thạch Liêm, nhưng Hòa Thượng không nhận lời; Chúa Nguyễn cho người thỉnh đã hai lần, nhưng Hòa Thượng Thạch Liêm cũng không đến Đại Việt. Xin trích ra nơi đây để chư đọc giả tiện việc nghiên cứu.
Đến lần thứ 3, chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu sai hai vị sứ giả là Trần Thiệm Quan và Ngô Tư Quan mời, Hòa Thượng Thạch Liêm mới nhận lời sang Đại Việt. Hòa Thượng đến vào đêm 15 tháng giêng năm At Hợi (nhằm hiệu Khương Hy 34, ngày 27/02/1695, theo tài liệu ký sự hải ngoại của HT Thạch Liêm). Khi Hòa Thượng Thạch Liêm đến Đại Việt, Chúa Nguyễn sắc mở Đại giới đàn truyền giới long trọng tại Chùa Thiên Mụ (Huế).
Chúng ta biết rằng Tổ Sư Nguyên Thiều tịch vào ngày 19/10 âl niên hiệu Bảo Thái thứ 10 nhà Lê (1729 ?), khi Ngài làm Trụ Trì tại Chùa Hà Trung, thọ 81 tuổi (sách của HT Thích Thanh Từ và TT Thích Mật Thể). Theo tài liệu của chùa Quốc An và Lịch sử Phật Giáo Việt Nam thì nói rằng : Tổ Sư thị tịch ngày 19/10 âl Mậu Thân (tức 20.11.1728 ?).
Còn Ông Trần Kính Hòa thì viết : “Tổ Sư Nguyên Thiều có lẽ tịch vào khoảng năm đầu chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu mới lên ngôi (1691) và trước ngày tới nước Đại Việt của Thạch Liêm Hòa Thượng (Thích Đại Sán,1695) vì vậy quyển Hải Ngoại Ký Sự của Thích Đại Sán không hề nhắc đến Tổ Sư Nguyên Thiều ?
Về năm sinh , năm thị tịch, năm hoằng đạo của Tổ Sư có quá nhiều sách dẫn ? Thật là như đường thiên lý thiên sai vạn biệt !
Nay hậu học truyền thừa mạng mạch Phật Pháp, chỉ trông cậy vào những di tích cụ thể, xin ký gởi niềm tin vào Văn bia Bảo tháp, cũng như “nguyện lực, hạnh nguyện hải” của Tổ Sư. Nên chúng ta tin Tổ Sư có dừng chân và hoằng dương chính pháp trên vùng đất Đồng Nai xa xưa!
Việc Tổ Sư có đến Đồng Nai hay không, Văn phòng Tỉnh Hội Phật Giáo Đồng Nai thuộc hàng hậu học nên không dám tranh luận. Cũng không tranh luận “vấn đề Tháp thật hay Tháp vọng”. Vì theo giáo pháp Viên giáo của Đức Phật, nếu Tổ Sư không “thân hành giáo hóa”, thì cũng có phương pháp khác là Ngài đến đây bằng “hạnh nguyện giáo hóa” …
Tổ sư Nguyên Thiều thị tịch ở Chùa Hà Trung (Thuận Hóa, theo Việt Nam Phật Giáo Sử Lược của TT Mật Thể), đồ chúng lập Tháp Hóa Môn ở Phú Xuân để thờ. Khi sắp thị tịch Ngài có làm bài kệ :
Tịch tịch kính vô ảnh
Minh minh châu bất dung
Đường đường vật phi vật
Liêu liêu không vật không
Nghĩa :
Lẳng lặng gương không ảnh
Sáng sáng châu không hình
Rõ ràng vật không vật
Vắng lặng không vật không
Đại ý bài kệ như sau : Ngài dạy chúng, pháp thân thanh tịnh trùm khắp như gương sáng lặng lẽ chiếu soi, không vướng mắc bất cứ hình bóng nào như ngọc báu rạng ngời trong suốt, không chút bụi nhơ tỳ vết.
Rỡ rỡ vật mà chẳng phải vật, thênh thang không mà chẳng không. Ngài ngồi an nhiên mà thị tịch.
Sau Hiển Tông Hoàng Đế ban thụy hiệu : Hạnh Đoan Thiền Sư (theo tài liệu của chùa Quốc An thì nói là Túc Tông Hoàng Đế. Lý do : Hiển Tông băng hà vào năm 1725, Tổ Sư thì tịch vào năm 1729 làm gì có việc Hiển Tông ban thụy hiệu cho Tổ Sư, nên tài liệu tại chùa Quốc Ân sửa lại để là Túc Tông Hoàng Đế 1725-1738) và có làm bài minh khắc bia để tán thán công đức của Ngài:
Ưu ưu bát nhã – Đường đường phạm thất
Thủy nguyệt ưu du – Giới trì chiến lật
Trạm dịch cô kiên – Trác lập khả tất
Quán thân bổn không – Hoằng pháp lợi vật
Biến phú từ vân – Phổ chiếu huệ nhật
Chiêm chi nghiêm chi – Thái sơn ngật ngật
Đại ý bài nầy là Hoàng Đế ca tụng đạo phong trí tuệ cũng như công hạnh giáo hóa lợi sanh của Ngài, tất cả đều hoàn bị tốt đẹp (tư liệu của Văn phòng TH-PG Đồng Nai lưu trử từ năm 1999)
Về tông tịch : Tổ sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch, Ngài còn có pháp hiệu là “Hoán Bích” hay húy “Nguyên Thiều Thọ Tôn” thụy “Hạnh Đoan Lão Hòa Thượng”. Ngài là vị Thiền sư thuộc Thiền phái Lâm Tế, thế hệ thứ 33, được các bậc Tôn Túc xa xưa kính tôn là vị Tổ Sư khai sơn Phật Giáo Đàng Trong; pháp môn Thiền Tịnh song tu từ Tổ Đình Thập Tháp Di Đà đã có mặt sớm nhất trên vùng đất Biên Hòa Đồng Nai. Thời điểm nầy các Chúa Nguyễn giúp Phật Giáo Việt Nam phục hưng, phát triển và còn truyền thừa cho đến ngày nay, đại đa số các vị chức sắc trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đều thuộc truyền thừa của Tổ Sư .
Tổ sư Nguyên Thiều có hiệu là Siêu Bạch là do Ngài thuộc dòng Lâm Tế (bên Trung Hoa), do Tổ Sư Nghĩa Huyền lập ra, đến đời thứ 21 là Ngài Sư Tổ Vạn Phong Thời Uy ở chùa Thiên Đồng biệt xuất một dòng kệ như sau:
Tổ đạo giới định tông
Phương quảng chứng viên thông
Hành “siêu minh thực tế”
Liễu đạt ngộ chơn không
Như nhựt quang thường chiếu
Phổ châu lợi ích đồng
Tín hương sanh phúc huệ
Tương kế chấn từ phong
Ngài Nguyên Thiều húy là Siêu Bạch, thuộc về chữ Siêu trong bài kệ trên .
Đến thời đệ tử của Ngài là chữ “Minh”, có Tổ Minh Hải qua Hội An, Quảng Nam lập chùa Chúc Thánh. Ngài Minh Hải lại biệt xuất thêm bài kệ nữa lưu truyền từ miền Trung vào Nam:
Minh “thật” pháp toàn chương
An chơn như thị đồng
Chúc thánh thọ thiên cửu
Đắc thành luật vi truyền
Tổ đạo hạnh giải thông
Giác hoa Bồ đề thọ
Sung mãn nhơn thiên trung
Kế chữ “Minh” là chữ “Thật” là đời thứ 35, Ngài Đạo Hạnh biệt lập ra bài kệ nữa và là Tổ khai sơn chùa Thiền Tôn ở Huế gọi là dòng Liễu Quán (ngài Liễu Quán họ Lê, huý Thiệt Diệu, sinh ngày 18/11/1667, Đinh Mùi), cũng được lưu truyền từ Trung vào Nam rất thịnh hành, kệ như vầy:
Thật tế đại đạo tánh hải thanh trừng
Tâm nguyên quảng nhuận đức bổn từ phong
Giới định phước huệ, thể dụng viên thông
Vĩnh siêu trí quả mật khế thành công
Truyền trị diệu lý, diễn xướng chánh tông
Hạnh giải tương ưng đạt ngộ chơn không
Cũng từ dòng pháp chữ “Minh” sau Ngài Nguyên Thiều – Siêu Bạch một chữ (đa số là đệ tử của Ngài), như Ngài Minh Vật – Nhất Tri truyền cho đến đời thứ 35 là Ngài Tế giác, truyền xuống đến đời thứ 41 là Ngài Trí Thắng – Bích Dung biệt xuất một bài kệ nữa :
Trí huệ thanh tịnh đạo đức viên minh
Chơn như tánh hải tịch chiếu phổ thông
Tâm nguyên quảng tục bổn giác xương long
Năng nhơn thánh quả thường diễn quang hoằng
Duy truyền pháp ấn chánh ngộ hội dung
Kiên trì giới hạnh vĩnh kế Tổ Tông
Dòng kệ nầy lưu truyền vô đến miền Nam. Các phái Lâm tế , chia thành nhiều chi phái như trên. Nhưng với Tổ Sư Nguyên Thiều húy “Siêu Bạch” – nối chữ “Siêu” là chữ “Minh” và chữ “Thật” truyền kế từ miền Trung đến miền Nam đến đời thứ 31 là Ngài Đạo Mân ở chùa Thiên Khai (Trung Hoa) mới biệt xuất thêm bài kệ :
Đạo bổn nguyên thành Phật Tổ tiên
Minh Như Hồng nhựt lệ trung thiên
Linh nguyên quảng nhuận từ phong phổ
Chiếu thế chơn đang vạn cổ huyền
Bài kệ trên đây trên đây mới đúng là dòng pháp được lưu truyền sâu rộng nhất khắp Trung Nam Việt Nam. Hầu hết chư Tăng Ni miền Nam xuất gia đầu Phật với các vị Bổn sư, đại đa số là thuộc dòng kệ trên, (trích Lược khảo Phật Giáo Sử của Vân Thanh, trang 150,151,155,156). Trong đó có TT Nhật Khánh là hậu duệ thứ bốn mươi mốt, cách chín đời so dòng kệ của Tổ.
Từ đó chúng ta và mọi người đều có thể suy nghĩ rất đơn giản, Tổ sư Nguyên Thiều thuộc dòng kệ pháp trên : – Ngài là vị Tổ sư đời thứ 33 là chữ “Nguyên” .Các Chùa thuộc thiền phái Lâm Tế đời thứ 34, theo dòng kệ của Tổ Sư tại Đồng Nai thuộc chữ “Thành”, như
– Tổ Đình Long Thiền có Tổ sư Ứng Sơn – Thành Nhạc
– Chùa Bửu Phong có Tổ sư ? – Thành Chí
– Chùa Đại Giác có Tổ sư Minh Yên – Thành Đẳng (đời kế kiếp có Tổ Phật Ý ở Đại Giác Cổ Tự, đến tại Saigon kiến tạo nền Phật Pháp : dựng Chùa Giác Lâm, Chùa Giác Viên…)
– Kim Long Cổ Tự, có Tổ Minh Vật-Nhất Tri
Tổ Đình Quốc An Kim Cang hay gọi Chùa Kim Cang, Kim Cang Tự, Chùa Tháp đã bị thiêu hủy trong cuộc kháng chiến chống Pháp (năm 1946, theo lời kể của đệ tử hiện nay đang ở chùa Cửu Thiên, Thủ Đức), nhưng trước nền Chùa cũ vẫn còn hai ngôi Tháp Cổ trải qua hai thời kháng chiến, nơi đó rất hoang vắng, ít người lai vãng nên bị lu mờ !!!
“…những người dân gần bên làm vườn phát rẫy, phát hiện Tháp mộ nghĩ là của Chùa, nên báo cho Thượng Tọa Thích Minh Lượng, Trụ Trì Kim Long Cổ Tự được biết”.
Vào ngày 18/11 âl, năm Mậu Thìn (26.12.1988), Thượng Tọa và Tăng chúng phát hoang làm vườn, thấy đây là Tháp thờ Tổ Sư, nhưng chưa rõ là Tháp Tổ Sư nào ? có phải danh Tăng trong lịch sử Phật Giáo không ?
Thượng Tọa cho người cạo bỏ những phần đất ổ mối xung quanh Tháp, cạo sạch rong rêu đất cát từng nét chữ …làm lại cho trang nghiêm.
Sau có nhà sử học Nguyễn Hiền Đức tìm đến, nhờ các cụ già đọc chữ nho; từ đó nhận ra được là Tháp của Tổ Sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch. Trên Bia Tháp của Tổ Sư có ghi rõ :”Quốc An Kim Cang Đường Thượng Tam Thập Tam Thế húy Siêu Bạch hiệu Hoán Bích Hòa Thượng Tổ Sư chi tháp”.
Thế là TT Minh Lượng tiếp tục công việc xin phép Chính quyền địa phương, thương lượng với bà con nhân dân xung quanh để được trùng tu sửa chữa nền Tháp và xây vòng rào tạm thời để bảo vệ Tháp Tổ Sư. Công trình được thực hiện từ ngày 11/12 ÂL, năm Kỷ Tỵ (1988).
Đồng thời Thượng Tọa Thích Minh Lượng có trình báo về Tỉnh Hội và cung thỉnh Đức Đại Lão Hòa Thượng Phó Pháp Chủ thượng HUỆ hạ THÀNH quang lâm Chứng minh, nguyện hương (ảnh) cho công cuộc trùng tu.
HT Thích Giác Quang