Trưởng lão Giác Chánh là một trong những cao đồ của đức Tổ sư Minh Đăng Quang – người khai sáng Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam. Trước khi vắng bóng, đức Tôn sư đã phó chúc cho Tỳ kheo Giác Chánh là người kế thừa trách nhiệm điều hành Tăng đoàn Khất Sĩ. Bởi thế về sau, hàng hậu bối tôn Ngài là Đệ nhị Tổ sư. Đặc biệt, Ngài là sinh ra ở miền Bắc, lại trở thành Tổ sư đời thứ hai của một tông phái Phật giáo đặc thù ra đời ở miền Nam, quả là nhân duyên hiếm có.

Trưởng lão Giác Chánh là một trong những cao đồ của đức Tổ sư Minh Đăng Quang – người khai sáng Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam. Trước khi vắng bóng, đức Tôn sư đã phó chúc cho Tỳ kheo Giác Chánh là người kế thừa trách nhiệm điều hành Tăng đoàn Khất Sĩ. Bởi thế về sau, hàng hậu bối tôn Ngài là Đệ nhị Tổ sư. Đặc biệt, Ngài là sinh ra ở miền Bắc, lại trở thành Tổ sư đời thứ hai của một tông phái Phật giáo đặc thù ra đời ở miền Nam, quả là nhân duyên hiếm có.

Nhân tưởng niệm 20 năm Đức Nhị tổ viên tịch (17/6 Giáp Thân 2004 – 17/6 Giáp Thìn 2024 Âm lịch), xin ôn lại đôi nét về công hạnh cao quý của ngài.

Đức Trưởng Lão Giác Chánh (1912 – 2004) Đệ Nhị Tổ sư Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam

Cuộc đời và đạo nghiệp của Đức Nhị tổ Giác Chánh

Đức Nhị tổ Giác Chánh thế danh Bạch Văn Biện, sinh ngày 1 tháng 9 năm 1912, quê quán làng Mỗ Lao, tổng Thiên Mỗ, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội (nay là phường Mộ Lao, Hà Đông, Hà Nội). Thân phụ là cụ ông Bạch Ngọc Lang, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Nhâm, ông bà đều là nông dân hiền lương và có niềm tin Phật giáo. Ngài là con thứ bảy trong gia đình có tám anh chị em (năm trai, ba gái). Do hoàn cảnh gia đình không khá giả, ngài nghỉ học sớm, ở nhà cùng anh chị em phụ giúp việc ruộng rẫy với cha mẹ.

Bước sang tuổi đôi mươi, ngài được cha mẹ sắp xếp việc gia thất. Tuy không dám cãi lời song thân, nhưng ngài đã ấp ủ ý chí xuất trần, không mặn mà với chuyện vợ con. Sau vài năm, có lẽ nhận ra được ý chí đó, người bạn đời xin cha mẹ chồng cho phép trở về gia đình, để ngài được tự do theo tâm nguyện. Năm 1937, ngài từ giã gia đình theo anh thứ ba là Bạch Văn Tô vào Sài Gòn làm công nhân, khi đó ngài 25 tuổi.

Năm 1946, ở làng Phú Mỹ thuộc tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), Sư trưởng Minh Đăng Quang khai sáng Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam với tôn chỉ “Nối truyền Thích Ca Chánh pháp”. Năm 1948, Ngài  và các đệ tử bắt đầu hành đạo đến Sài Gòn và các tỉnh lân cận, mang đến luồng gió mới cho tình hình Phật giáo lúc bấy giờ: “Ánh sáng của lá y vàng phất phơ thổi mạnh làm bật tung cánh  cửa các ngôi chùa tông giáo, kêu gọi Tăng chúng tản cư khắp xứ, kéo nhau quay về kỷ luật.”(1)

Giữa đô thành xa hoa, những nhà sư Khất sĩ bỗng xuất hiện đầy khác biệt: Người đắp y vàng, tay ôm bát đất, đầu trần, chân không, mỗi ngày đi khất thực hóa duyên, thuyết giảng đạo pháp… Hình ảnh đó gieo vào lòng người sự chấn động và kính phục. Người đương thời thuật lại: “Bấy giờ hợp thời duyên, Đoàn Du tăng Khất sĩ vào Đô thành truyền giáo. Ai nhìn vào Đoàn Du tăng đều cảm phục và tiếng Pháp từ từ lan tràn giữa cõi xa hoa, vật chất, tranh giành.”(2)

Ở khu vực Phú Lâm – Chợ Lớn, do cảm mến đức hạnh Tăng già, người dân hiến đình Phú  Lâm  cho  chư  Tăng,  đổi thành Ngọc Lâm tự (về sau đã trả lại). Tại đây, chàng thanh niên Bạch Văn Biện hay tin về Tăng đoàn Khất Sĩ đã tìm đến nghe pháp, học đạo, quy y Tam Bảo. Năm 1949, tâm bồ đề phát khởi, ngài quyết định từ bỏ đời sống thế tục, xuống tóc xuất gia, tìm cầu con đường giải thoát, khi đó ngài 37 tuổi. Mùng 1 tháng 9 năm 1950, ngài thọ giới Sa-di. Rằm tháng 7 năm  1951, ngài thọ giới Tỳ kheo.(3)

Giai đoạn nầy, Giáo hội Tăng già Khất Sĩ tích cực hoằng pháp khắp hai miền Tây và Đông Nam Bộ, thâu nhận hàng trăm đệ tử xuất gia, cảm hóa hàng vạn cư sĩ tại gia, xây cất trên 20 ngôi tịnh xá. Rằm tháng 7 năm 1953, nhân dịp lễ Tự tứ có sự tham dự của đông đủ môn đồ, Sư trưởng phân công sư Giác Chánh làm Thượng tọa, có trách nhiệm điều hành giáo hội.

Đây là “chức danh” thể hiện sự ủy nhiệm công việc, không phải “giới phẩm” như cách sử dụng ngày nay (Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức). Bởi, Phật giáo Khất Sĩ khi đó chỉ có một nhà sư duy nhất ở vị trí Thượng tọa, có thể hiểu là “người ngồi trên”, hàm ý chỉ bậc lãnh đạo giáo hội.(4)

Cuối năm đó, Sư trưởng bổ sung sư Giác Tánh làm Trưởng lão Chứng minh và sư Giác Như làm Tri sự. Như dự tri vị lai, sau khi sắp xếp công việc giáo hội ổn định, mùng 1 tháng 2 năm Giáp Ngọ 1954, Ngài thọ nạn và vắng bóng.

Từ đây, Giáo hội Tăng già Khất Sĩ được ngài Giác Chánh lãnh đạo, cùng với vai trò cố vấn của ngài Giác Tánh và vai trò trợ lý của ngài Giác Như. Đáng lưu ý, khi đó Tỳ kheo Giác Chánh mới ba hạ lạp, nếu không có những yếu tố đặc biệt trong con người và thành quả tu tập, ắt không được giao phó trọng trách cao cả như thế.

Trước đó, Sư trưởng có hoài bão: “Cuộc đi du hành sau khi giác ngộ sẽ lan dần ra các xứ. Ban đầu đi quanh xứ Việt miền Nam, kế đó lần ra Trung, Bắc cùng khắp cõi Đông Dương nếu con đường thuận tiện.”(5) Do vậy sau khi Ngài vắng bóng, Đoàn Du tăng Khất sĩ do  Thượng tọa Giác Chánh dẫn đầu đã nối tiếp hoài bão đó, tinh tấn hành đạo ở nhiều nơi.

Đặc biệt, các năm 1956, 1957, 1958, 1961, chư Tôn đức đã tổ chức bốn chuyến hành đạo ra miền Trung,(6)  đến địa phương xa nhất là Quảng Trị – nơi vĩ tuyến 17 chia đôi đất nước. Từ đây, giáo pháp Khất Sĩ bước đầu được người dân miền Trung tiếp cận, một số nhà sư quyết định trụ lại hoằng pháp, về sau hình thành các giáo đoàn.

Đức Nhị tổ Giác Chánh và chư tăng vào thập niên 1960

Khi Phật giáo Khất Sĩ bắt đầu bén rễ ở miền Trung, Thượng tọa Giác Chánh trở về miền Nam và tập trung hoằng pháp tại đây trong các thập niên 1960 – 1980. Ngài hướng dẫn chư tăng hành đạo qua nhiều tỉnh thành, thâu nhận đệ tử xuất gia, giáo hóa cư sĩ tại gia. Đồng thời, Ngài chứng minh thành lập các tịnh xá như Ngọc Đồng (Định Tường, 1959), Ngọc Giang (An Giang, 1960), Ngọc Tường (Định Tường, 1961)…(7)

Từ thập niên 1980 về sau, do tuổi cao sức yếu, Trưởng lão Giác Chánh dừng bước chân du hóa, ẩn dật tịnh tu ở các trú xứ. Trải qua hơn 30 năm là lãnh đạo tinh thần tối cao của Phật giáo Khất Sĩ, do đó ngài được môn đồ tứ chúng đồng tôn xưng là Nhị tổ.

Năm 2004, khi an dưỡng tại tổ đình tịnh xá Ngọc Viên (Vĩnh Long), sức khỏe Nhị tổ ngày mỗi yếu dần. Thấu rõ lý vô thường, từ mùng 7 tháng 6 Âm lịch, Ngài chủ động nhịn ăn uống để lắng sạch thân tứ đại trong 10 ngày. Lúc 17 giờ 30 phút ngày 17/06/Giáp Thân (0 2/08/2004), Ngài xả bỏ huyễn thân, an nhiên thị tịch, trụ thế 93 năm, hạ lạp 52 năm.

Tang lễ được tổ chức trọng thể trong bốn ngày, có hàng ngàn Tăng Ni và cư sĩ từ các miền tịnh xá trong và ngoài nước về viếng tang. Nhục thân ngài sau khi trà tỳ lưu lại nhiều xá lợi, hiện nay được tôn thờ tại tịnh xá Ngọc Viên.

Gương hạnh trong tu tập của Nhị tổ Giác Chánh

Không như Đức Tổ sư Minh Đăng Quang để lại bộ tác phẩm Chơn lý đồ sộ gồm 69 quyển, Đức Nhị tổ Giác Chánh không để lại tác phẩm nào. Tuy vậy đối với hàng môn đồ, cuộc đời tu hành bình dị mà thanh cao của ngài là bài pháp không lời. Từ ngày xuất gia, rồi nhận lãnh trách nhiệm đối với giáo hội, đến ngày viên tịch, ngài luôn tinh tấn trong tu tập, nghiêm trì giới luật, đồng thời tích cực hoằng pháp độ sinh. Đó là tấm gương sáng ngời lưu lại cho tăng, ni và cư sĩ Phật giáo Khất Sĩ.

Trong buổi đầu xuất gia nhập đạo, Tỳ kheo Giác Chánh luôn gần gũi Sư trưởng Minh Đăng Quang, thọ học và hành trì những lời dạy của thầy. Ngài là mẫu mực cho hình ảnh nhà sư Khất sĩ với ba y, một bát, đời sống thanh bần, Phạm hạnh thanh tịnh. Mặt khác, ngài cũng nỗ lực dấn thân vào sự nghiệp hoằng truyền giáo pháp, tham gia Đoàn Du tăng Khất sĩ đi hành đạo ở nhiều tỉnh thành tại Nam Bộ.

Đến khi Sư trưởng vắng bóng, Giáo hội Tăng già Khất Sĩ có sự khủng hoảng, có người phỏng đoán rằng, hội chúng này sẽ tan rã trong nay mai. Thế nhưng, điều đó không xảy ra. Trái lại, giáo hội vẫn tồn tại bền vững và phát triển  mạnh  mẽ. Người có công đầu trong gìn giữ giềng mối của dòng truyền thừa là Nhị tổ.(8) Chẳng những vậy, ngài còn hướng dẫn Đoàn Du tăng đưa giáo pháp Khất Sĩ ra miền Trung, thực hiện hoài bão mà đức Tổ sư từng ấp ủ nhưng chưa hoàn thành.

Trong vòng hai thập kỷ, nếu Đạo Phật Khất  Sĩ  Việt  Nam có trên 20 tịnh xá và hơn 100 tăng, ni vào năm 1954, thì hai con số tương ứng vào năm 1975 là khoảng 250 ngôi và 500 vị. Qua những con số nêu trên, có thể nhận thấy toàn thể tăng, ni hệ phái đã đồng tâm hiệp lực hoằng truyền giáo pháp, kế tục xứng đáng sự nghiệp của Đức Tổ sư. Để có được những thành tựu vẻ vang đó, chắc hẳn không thể thiếu vai trò lãnh đạo quan trọng của Đức Nhị tổ.

Trong đời sống tu tập thường nhựt, Nhị tổ luôn giữ gìn thân – khẩu – ý thanh tịnh, thực hành trang nghiêm giới luật Tỳ kheo, đặc biệt là Tứ y pháp Trung đạo – nền tảng về Pháp hành của Phật giáo Khất Sĩ. Ngài duy trì hạnh trì bình khất thực mỗi ngày, nơi ở của ngài trong thời gian dài hành đạo ở Bạc Liêu là cốc nhỏ được cất sơ sài với vách ván, mái lá, nằm trong khu vườn của người địa phương. Bộ y mà ngài đắp lên người được sử dụng nhiều chục năm không thay đổi, rách tới đâu thì vá tới đó.

Ngài chuyên tu tập thiền định theo lời Phật dạy: “Này các Tỷ- kheo, đây là những gốc cây, đây là những ngôi nhà trống.  Này các Tỷ kheo, hãy thiền định, chớ có phóng dật, chớ có hối tiếc về sau.”(9) Bởi thân tâm luôn tập trung cho giáo pháp, không mảy may xao động việc thế gian, nên ngài luôn an nhiên, tự tại, nhẹ nhàng.

Ngài cũng giữ hạnh ít nói, khi thuyết pháp thì ôn lại những lời dạy trong kinh điển, còn không thì im lặng. Bởi, Đức Thế Tôn dạy: “Này các Tỷ kheo, lành thay khi Thiện nam tử các Người, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, cùng nhau hội họp để luận bàn đạo pháp. Này các Tỷ kheo, khi các Người hội họp với nhau, có hai việc cần phải làm: luận bàn đạo pháp hay giữ sự im lặng của bậc Thánh.”(10)

Đặc biệt, Ngài thuộc nhiều quyển trong Chơn lý mà bản thân tâm đắc, thường trùng  tuyên cho đại chúng trong những ngày cúng Hội tại các tịnh xá.

Trong giáo hóa hàng hậu học, ngài luôn khích lệ Tăng Ni tinh tấn thực tập thiền định, giữ gìn giới luật thanh  tịnh,  đặc  biệt là oai nghi của người xuất gia. Nhiều Tỳ-kheo là đệ tử trực tiếp hoặc ít nhiều gắn bó và nhận được sự hướng dẫn của ngài trong khoảng thời gian nhứt định, về sau trở thành những thạch trụ của  Tăng-già  Khất Sĩ như chư Hòa thượng Giác Nhiên, Giác Lý, Giác Nhu, Giác Huệ, Giác  Đức, Giác Trang, Giác Tường, Giác Nhường, Giác Giới, Giác Khang…

Có thể nói, Nhị tổ Giác Chánh tuy không phải đệ tử đầu tiên, nhưng lại là đệ tử ưu tú nhứt của Đức Sơ  tổ Minh Đăng Quang. Qua tìm hiểu về gương hạnh của ngài, chúng ta không khó để hiểu vì sao ngài được trao truyền sứ mạng thiêng liêng là người lãnh đạo Giáo hội Tăng già Khất Sĩ.

Tịnh xá Giác Chánh – lưu dấu cho mai sau

Tăng đoàn Khất Sĩ có hai bộ phận là Hành xứ và Trụ xứ. Các nhà sư Hành xứ đi giáo hóa khắp nơi, không ở đâu quá ba tháng. Các nhà sư Trụ xứ là người già bịnh ở tịnh xá để nghỉ dưỡng, hoặc tùy theo sự phân  công của giáo hội mà ở lại tịnh xá để dạy đạo cho cư gia.(11)  Theo chế định của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang, tịnh xá do cư gia hiến cúng cho giáo hội, giáo hội cử tăng, ni về trụ xứ giáo hóa, chứ không phải tài sản của cá nhân.

Tịnh xá Giác Chánh

Với nguyên tắc đó, có thể nói Đức Nhị tổ Giác Chánh là hình mẫu tiêu biểu cho Tăng chúng Hành xứ. Ngài hướng dẫn Đoàn Du tăng Khất sĩ luân phiên đi các nơi hoằng pháp, rày đây mai đó như hạc nội mây ngàn, không cư ngụ cố định ở trú xứ nào. Bởi thế, tuy là Đệ nhị Tổ sư của một hệ phái Phật giáo, nhưng ngài không có trú xứ riêng, cũng không lưu lại di tích tưởng niệm sau khi viên tịch.

Để thể hiện sự tri ân công hạnh của ngài, Giáo đoàn I – Hệ phái Khất Sĩ đã xây dựng tịnh xá mang tôn danh Giác Chánh tại thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Tịnh xá được khởi công năm 2021, tổ chức lễ An vị Phật năm 2022, đến nay các hạng mục đã cơ bản hoàn thiện.

Chính điện có hình bát giác theo truyền thống của hệ phái, nóc có ba tầng mái, lợp ngói đỏ, trên đỉnh là đèn Chơn lý – biểu trưng của Phật giáo Khất Sĩ.

Tuy vậy, không chỉ có cơ sở vật chất khang trang, hồn cốt ngôi đạo tràng nằm ở sự tu học và hành trì của người con Phật. Thuở sinh tiền, Nhị tổ từng căn dặn: “Trong ngày tưởng niệm Tổ sư, Tăng đoàn cùng trang nghiêm trì bình khất thực, sau đó quay về trú xứ tu thiền. Chỉ cần như vậy, đó là sự tưởng niệm cúng dường lên Tổ thầy.”

Lời dạy ấy cho thấy tinh thần đề cao Pháp hành của ngài. Nối tiếp tinh thần đó, ngày nay tịnh xá Giác Chánh duy trì nghiêm cẩn chương trình tu học theo quy tắc thiền môn như đọc kinh, thuyết pháp, tham thiền… Đồng thời, tịnh xá thường xuyên tổ chức các khóa tu dành cho cư sĩ tại gia như khóa tu Một ngày an lạc, khóa tu Bát quan trai, khóa tu Thanh thiếu niên Phật tử…

Cuộc đời tu hành của Trưởng lão Giác Chánh là tấm gương sáng ngời về nghiêm trì giới luật, tinh tấn thực hành giáo pháp, dấn thân hoằng pháp độ sinh. Tấm gương đó hoàn toàn xứng đáng để môn đồ tôn vinh là Tổ sư.

Tuy vậy đối với bậc xuất trần thượng sĩ, mọi danh vị cũng chỉ là phù vân. Ngoài ra, nhân duyên để người sáng lập tông phái Phật giáo đặc thù ở miền Nam lại giao phó trọng trách kế thừa cho một nhà sư xuất thân từ miền Bắc, phải chăng hàm ẩn thông điệp sâu sắc về tình pháp lữ – nghĩa đồng bào như sợi dây kết nối tâm thức thiêng liêng?

Công hạnh cao quý của Nhị tổ được hậu thế đúc kết qua câu đối ở nhà Tổ của ngôi tịnh xá mang tôn danh ngài:

“Giác hạnh bát y, Đệ nhị Tổ sư tuyên lưu đường giải thoát Chánh truyền Khất sĩ, minh quang Chơn lý nhuần rạng nẻo từ bi”

Tác giả: Vĩnh Thông Huỳnh Lê Triều Phú, 388/21 Bình Hòa, Bình Thủy, Châu Phú, An Giang Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2024 ***


CHÚ THÍCH:

(1) Tổ sư Minh Đăng Quang (2016), Chơn lý, Nxb Tổng hợp TPHCM, tr. 732.

(2) Huỳnh Minh (1967), Vĩnh Long xưa và nay, Nxb Cánh Bằng, tr. 290.

(3) Ngày thọ giới Sa-di và Tỳ-kheo được ghi theo Chứng điệp, trước đây một số bài viết đã nhầm lẫn thông tin nầy.

(4) Vĩnh Thông (2023), “Quá trình truyền bá Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 414, tr. 53.

(5) Tổ sư Minh Đăng Quang (2016), Sđd, tr. 695.

(6) Thích Giác Duyên (2014), Hệ phái Khất Sĩ 70 năm hình thành và phát triển, Nxb Tôn giáo, tr. 48-49.

(7) Tác giả ghi địa danh thực tế tương ứng với thời điểm đó, tỉnh Định Tường ngày nay là tỉnh Tiền Giang.

(8) Thích Minh Thành (2023), “Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam và bốn tinh thần tiêu biểu trước khi hòa nhập vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 390, tr. 38-39.

(9) Kinh Tăng chi bộ (2015), Tập II, Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn giáo, tr. 469.

(10) Kinh Trung bộ (2012), Tập I, Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn giáo, tr. 212.

(11) Tổ sư Minh Đăng Quang (2017), Chơn lý – Luật nghi Khất sĩ, Nxb Tổng hợp TP.HCM, tr. 52.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Huỳnh Minh (1967), Vĩnh Long xưa và nay, Nxb Cánh Bằng.
2. Kinh Tăng chi bộ (2015), Tập II, Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn giáo.
3. Kinh Trung bộ (2012), Tập I, Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn giáo.
4. Thích Giác Duyên (2014), Hệ phái Khất Sĩ 70 năm hình thành và phát triển, Nxb Tôn giáo.
5. Thích Minh Thành (2023), “Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam và bốn tinh thần tiêu biểu trước khi hòa nhập vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 390.
6. Tổ sư Minh Đăng Quang (2016), Chơn lý, Nxb Tổng hợp TPHCM.
7. Tổ sư Minh Đăng Quang (2017), Chơn lý - Luật nghi Khất Sĩ, Nxb Tổng hợp TP.HCM.
8. Vĩnh Thông (2023), “Quá trình truyền bá Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 414.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Tiểu sử Hòa thượng Thích Huệ Trí (1952-2024)
Danh Tăng

Hòa thượng Thích Huệ Trí (1952-2024) Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN; Phó Trưởng ban Ban Tăng sự Trung ương; Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; Nguyên Phó Chánh Văn phòng 2 Trung ương GHPGVN; Nguyên Trưởng ban Ban Pháp chế Trung ương; Nguyên Trưởng ban Ban Trị sự...

Sơ lược tiểu sử Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh, Pháp chủ Giáo hội Tăng-già Nam Việt
Danh Tăng

Thời niên thiếu Đại lão Hòa thượng thượng Đạt hạ Thanh, pháp danh Như Thông, thế danh Võ Minh Thông, sau đổi tên là Võ Bửu Đạt. Ngài sinh vào giờ Ngọ, một ngày trong tiết Mạnh Xuân năm Đinh Sửu (1877), tại làng Tân Thới Thượng thuộc tổng Bình Thạnh Hạ, H.Bình Long, phủ...

Lược sử Hòa Thượng Thích Trí Thủ (1909 – 1984)
Danh Tăng

Hòa thượng húy Văn Kính, pháp danh Tâm Như, tự Đạo Giám, hiệu Thích Trí Thủ. Hòa thượng sanh giờ Hợi ngày 19.9 năm Kỷ Dậu tức ngày 1 tháng 11 năm 1909. Xuất thân từ một dòng tộc nối đời sùng mộ Phật pháp. Hòa thượng thuộc thế hệ thứ tám của họ Nguyễn,...

Tiểu sử Cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa(1918-1973)
Danh Tăng

I-THẾ TỘC: Hòa thượng húy Trần Thiện Hoa, pháp danh Thiện Hoa, hiệu Hoàn Tuyên, sanh ngày 7-8 năm Mậu Ngọ (1918), tại làng Tân Quy (sau đổi tên là An Phú Tân), quận Cầu Kè, tỉnh Cần Thơ (nay là tỉnh Trà Vinh). Hòa thượng là con út (thứ chín) trong gia đình. Thân...

Nguồn càng sâu – Dòng càng dài
Danh Tăng, Lịch sử, Nghiên cứu

Tác giả bài viết: TT. Thích Tâm Hạnh* Tóm tắt: Tổ sư Liễu Quán ở tổ trên nhánh cây, ăn rong “sột soạt” mà thiền cơ dĩnh ngộ, xuất kệ lập nên thiền phái, đời đời nối thạnh. Từ xưa đến nay, bậc Tổ đức nào miên mật công phu, chứng ngộ, bảo nhậm rồi sáng...

HT Thích Phước Sơn với văn hóa và giáo dục
Danh Tăng

Kể từ khi con người mới bắt đầu xuất hiện trên quả địa cầu nầy. Trong trang nghiêm kiếp của quá khứ, hiền kiếp của hiện tại, hay tinh tú kiếp của tương lai thì sự tu học của chư Tăng Ni và Phật tử vẫn là những điều kiện cần thiết để xiển dương...

Thiền sư Vô Ngôn Thông
Danh Tăng

Vô Ngôn Thông là một vị sư người Trung Quốc, nhưng có công truyền bá Phật giáo vào Việt Nam. Sư đến Việt Nam vào năm 820, ở tại chùa Kiến Sơ, làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Vô Ngôn Thông là một thiền sư, cũng là tên một thiền phái Phật...

Tiểu sử Hoà thượng Tuệ Sỹ
Danh Tăng

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, thế danh Phạm Văn Thương, sinh ngày 15-2-1943 theo khai sanh (gia đình khai tăng tuổi để thầy đi học), tuổi thật sinh ngày 05 tháng 4 năm 1945 (nhằm ngày 23 tháng 02 năm Ất dậu), tại tỉnh Paksé, Lào; Thân phụ: Cụ ông Phạm Văn Phận, Pháp danh Trung Thảo, Thân mẫu: Cụ...

Cổ thụ trong rừng thiền (Hòa thượng Mật Hiển)
Danh Tăng

Hòa thượng Mật Hiển tại chánh điện chùa Trúc Lâm (ảnh 18/7/1989) 1.-    山有乔木 – Sơn hữu kiều mộc. Rừng già, vì trong đó có cổ thụ. Cây cao, bóng cả sừng sững giữa trời. Từ những mầm non mong manh, rồi chen chúc với cỏ dại, lau lách; năm tháng chồng chất bởi nắng, gió,...

Hòa thượng Chơn Giám Trí Hải – Tổ khai sơn Bích Liên Tự và dòng kệ truyền thừa
Danh Tăng

Dòng kệ truyền thừa của Hòa thượng Chơn Giám Trí Hải, Tổ khai sơn Bích Liên Tự ở tỉnh Bình Định, dù chỉ mới xuất hiện hơn 70 năm trở lại đây, nhưng dòng kệ này cũng đã góp phần làm cho sự phát triển của các Thiền phái Phật giáo tại miền Trung thêm...

Tiểu sử Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Sam (1929 -2018)
Danh Tăng

Suốt một đời, Hòa thượng sống hết sức bình thường dung dị, siêng năng cần cù, nhu hòa nhẫn nhịn. Tuy nghiêm khắc với bản thân, nhưng lời nói và việc làm luôn “tri hành hợp nhất”, hết lòng phụng sự Tam bảo, nên hạt giống Bồ-đề luôn giữ trọn trong tâm. Đại lão HT.Thích...

Vài nét về tiểu sử Hòa thượng Thích Trí Độ (1894 – 1979)
Danh Tăng

Với học hạnh kiêm ưu, công hạnh Đạo – Đời toàn vẹn, và những đóng góp to lớn cho đạo pháp và dân tộc như thế, Hòa hượng xứng đáng là ngôi sao Bắc Đẩu trong phong trào chấn hưng và thống nhất Phật giáo Việt Nam. TIỂU SỬ PHÁP SƯ TRÍ ĐỘ(1894 – 1979)...

Hòa thượng Thích Thiện Hoa: Cây đại thụ Đạo pháp – Dân tộc
Danh Tăng

Trong phong trào chấn hưng Phật Giáo Việt Nam, các bậc Long Tượng tiếp nối ra đời làm sáng ngời lịch sử Phật Giáo phục hưng, nhất là trong thời kỳ cận đại, những tấm gương sáng chói của phong trào phục hưng trong đó có Hòa Thượng Thích Thiện Hoa. Trong lịch sử dân...

Hòa thượng Thích Hiển Tu – Cốt cách của bậc Long tượng
Danh Tăng

Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc. Các bậc cao tăng như Thiền sư Vạn Hạnh, Phật hoàng Trần Nhân Tông,… đã hiến dâng hoa đời hương đạo, xiển dương chánh pháp, phụng sự dân tộc. Tiếp nối dòng lịch sử ấy, Hòa thượng Thích Hiển Tu – bậc Long tượng thạch...

Đôi nét về tiểu sử Hòa thượng Thích Thanh Tứ
Danh Tăng

Hòa thượng Thích Thanh Tứ (1927 – 2011) Thành viên Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, XII; Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc...

Thiền sư Khương Tăng Hội
Danh Tăng

Thiền sư Khương Tăng Hội là một trong những danh Tăng Việt Nam có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam. Nghiên cứu về ngài là thiết thực tìm về cội nguồn Phật giáo Việt Nam, cũng như tiếp nối những giá trị từ học phong của các thế hệ...