Phần I. Văn khấn gia tiên mùng Một, ngày Rằm
1. Lễ vật và thời gian thực hiện
Lễ vật chuẩn bị cơ bản gồm có hoa tươi, trầu cau, nước, quả (số lẻ, thông thường là 3 loại quả, hoặc 5), hoặc là 1 chùm quả. Bên cạnh đó, tuỳ vào điều kiện và quan niệm riêng, có nhà sẽ chuẩn bị thêm bánh, kẹo, nước ngọt… và cả nến để làm sáng bàn thờ.
Ngoài ra, tuỳ vào gia đình, mà có thể chuẩn bị mâm cơm mặn gồm cơm, gà luộc, nem, canh, rau luộc, rượu. (Số lượng món ăn cũng là lẻ, thường là 5 món, có thể đa dạng món ăn).
Thời gian làm lễ cúng có thể thực hiện trong khoảng thời gian từ 30 âm đến mùng 1 (Đối với cúng mùng 1), và từ 14 âm đến 15 âm (Đối với cúng Rằm).
2. Văn khấn
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần kèm 3 lạy chắp tay)
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo Quân cùng chư vị Tôn Thần, quan Thần linh, bà Chúa đất cai quản xứ này.
Con kính lạy Gia tiên tiền tổ, bà Cô, ông Mãnh, chư vị Hương linh
Tín chủ (chúng) con là: …… Ngụ tại: ……
Hôm nay là ngày…. gặp tiết …. (ngày rằm, mùng một), tín chủ con nhờ ơn đức trời đất, chư vị Tôn thần, Tiên Tổ, thành tâm sắm lễ vật nhỏ mọn gồm có hương hoa, trầu cau, quả thơm vật ngọt cùng tấm lòng thành, thắp nén tâm hương dâng lên trước án.
Chúng con kính mời chư vị thần linh, tổ tiên tiền tổ giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật, phù hộ cho gia chủ chúng con nhà cửa mát mẻ, đời sống an lành, luôn luôn mạnh khỏe, mọi sự bình an, làm ăn phát tài, gia đình hòa thuận, điều dữ mang đi, điều lành ở lại.
Chúng con trẻ người non dại, việc âm chưa tường, việc dương chưa tỏ, con xin cúi đầu xám hối, lạy các quan cứu khổ, cứu nạn, đại xá từ bi.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin cảm tạ.
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần kèm 3 lạy chắp tay).
Phần II. Sự dung hoà tín ngưỡng Việt Nam và tinh thần Phật giáo
1. Tín ngưỡng dân gian
Tín ngưỡng dân gian trong văn khấn thể hiện qua việc tôn thờ các vị thần linh và tổ tiên, với mong muốn cầu xin sức khỏe, bình an, tài lộc. Những nhân vật này thường xuất hiện trong các nghi lễ thờ cúng dân gian của người Việt:
Hoàng Thiên Hậu Thổ
Đây là cặp đôi Thần Trời (Hoàng Thiên) và Thần Đất (Hậu Thổ), những vị thần cai quản trời đất trong tín ngưỡng dân gian.
Bản cảnh Thành Hoàng
Thần Thành Hoàng là vị thần bảo hộ cho làng xã, trừ bạo, yên dân, làm mưa thuận gió hoà.
Bản xứ Thổ Địa
Thổ Địa là vị thần đất, cai quản đất đai của căn nhà.
Bản gia Táo Quân
Táo Quân là vị thần bếp núc, đại diện cho sự ấm no của gia đình.
Quan Thần Linh, bà Chúa Đất
Các vị thần này cũng cai quản vùng đất và mang lại sự bình an, thịnh vượng cho người dân sống trên đó.
Bà Cô, ông Mãnh
Những người nữ – người nam chết trẻ (vào độ tuổi 12-18). Họ thường chưa lập gia đình và rất quyến luyến với người thân. Vì vậy, sau khi mất, bà Cô ông Mãnh chưa vội đi tái sinh mà sẵn sàng ở lại, phù hộ và chở che cho con cháu trong nhà.
Hương linh
Đây là tổ tiên, người thân đã khuất của gia đình.
2. Dung hoà tinh thần Phật giáo
Lễ vật thắp hương như trầu cau, chính là bản sắc của người Việt xưa.
Có nhiều cách giải thích cho lý do quả bày lên bàn thờ là số lẻ. Người Việt xưa quan niệm rằng số lẻ là những con số dương, còn số chẵn là số âm. Bên cạnh đó, số ưu tiên được dùng là 3 hoặc 5, vì nhiều nơi dung hoà tinh thần Phật giáo. Số 3 được giải thích là có thể đại diện cho Trời, đất và con người, nhưng cũng có thể là sự đại diện của Tam bảo. Số 5 được giải thích là đại diện cho ngũ hành: kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ, nhưng cũng có thể đại diện cho Ngũ giới,… Có rất nhiều cách giải thích cho điều này, còn theo tín ngưỡng xa xưa, sẽ luôn là số lẻ dâng lên bàn thờ.
Nam mô A Di Đà Phật
Câu niệm này là một phần quan trọng trong Phật giáo Tịnh Độ. Người Việt sử dụng lời tụng khấn này coi là cách cầu nguyện để đạt được sự che chở từ Phật A Di Đà, người được cho là dẫn dắt chúng sinh tới cõi Tây phương Cực Lạc. Bên cạnh đó việc tụng ba lần cùng ba lần lạy chắp tay cũng mang ý tưởng dành Phật, Pháp, Tăng.
Xám hối – Từ bi
Tinh thần của Phật giáo, xám hối những điều xấu từ thân, miệng, ý. Từ bi cũng là tinh thần chủ đạo của Phật giáo. Ý niệm “cúi xin xám hối, lạy các quan cứu khổ, cứu nạn, đại xá từ bi” chính là sự dung hoà, khi cúi xin ban phước, tha lỗi chính là yếu tố tín ngưỡng dân gian, kết hợp với tinh thần xám hối, từ bi của Phật giáo.
Phần III. Lời kết
Văn khấn gia tiên là một sự hoà hợp giữa niềm tin dân gian vào các vị thần bảo vệ, thần đất đai, và truyền thống thờ cúng tổ tiên, kết hợp với tinh thần từ bi, cứu khổ của đạo Phật. Điều này phản ánh cách mà Phật giáo và tín ngưỡng dân gian đã dung hòa và cùng tồn tại trong đời sống tinh thần của người Việt.
Đối với tín ngưỡng dâng lễ ngày mùng 1, ngày rằm, đây chính là hành động ẩn chứa trong đó là sự hướng về cội nguồn của con cháu. Một gia tộc nhiều thế hệ, các thế hệ đi sau luôn cần nuôi dưỡng lòng biết ơn, hiếu thảo tới những người đi trước.
Trong tục lệ này, người Việt Nam thể hiện lòng hiếu đạo, gìn giữ bản sắc dân tộc, và đặc biệt khi dung hợp tinh thần Phật giáo, chúng ta càng thấy rằng Phật giáo không bài trừ các tín ngưỡng theo từng lãnh thổ, Phật giáo xoá bỏ đi yếu tố mê tín và góp phần tô đậm nét đẹp bản sắc tín ngưỡng.
Phạm Tuấn Minh
Tài liệu tham khảo: “Văn khấn cổ truyền Việt Nam” – NXB Văn hoá Thông tin