Là một Phật tử dù đức tin có vững vàng đến đâu mà những hình ảnh, tin tức xấu xí về Phật giáo hàng ngày cứ đập vào mắt mình như thế, tôi cảm thấy rất đau lòng!
Một vài năm gần đây những ai thường theo dõi hoặc quan tâm tới truyền thông trên mạng xã hội đều dễ dàng nhận ra rằng tin tức hình ảnh nói đến những việc làm của một số chùa, lời nói một số Tăng, Ni có một vài lệch lạc bị đưa lên mạng để cho cộng đồng bêu rếu, xúc phạm, thậm chí chửi rủa với những lời lẽ hết sức thô tháo, nặng nề.
Thường thì chiến dịch tập kích truyền thông này sẽ rộ lên vào những dịp lễ Vu lan là chuyện phóng sanh, cầu siêu, đốt vàng mã…, dịp Tết Nguyên đán là dâng sao giải hạn, xin xăm, bói toán… cá biệt là có chùa tổ chức trục vong, giải trừ oan gia trái chủ. Nếu không phải các dịp lễ Tết thì ngày thường khi nghe ngóng có chuyện một Tăng Ni nào có hành vi lệch lạc hoặc vài sự vụ nào đó là hình ảnh, tin tức sẽ tràn ngập các trang mạng, hoặc một số phát ngôn của Tăng, Ni trong một bài giảng nào đó (ở trong chùa chứ không phải nơi công cộng) bị cắt cúp một đoạn, hoặc thậm chí nhét vào miệng những người bị “đấu tố” những lời nói hoặc một đoạn văn mà chính họ không nói, thế là rất nhiều người dù không biết thực hư thế nào cũng nhảy vào bình luận tha hồ mà thóa mạ, chửi rủa với thứ ngôn ngữ hạ đẳng nhất một cách không thương tiếc.
Đỉnh điểm của chiến dịch tập kích truyền thông xúc phạm Phật giáo gần đây nhất là được cho là clip talk show do VTV NOW thuộc Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC phỏng vấn bà Tiến sĩ Đoàn Hương mà nội dung công kích, xúc phạm Phật giáo với những phát ngôn một cách hàm hồ đầy ác ý được phát tán rộng rãi trên mạng xã hội khiến dư luận dậy sóng!
Tại sao Phật giáo (và dường như chỉ là Phật giáo) bị “quan tâm” một cách ác liệt như vậy? Họ là ai mà chỉ chăm bẵm vào một vài điều lệch lạc của một số Tăng sĩ để mà thóa mạ, chỉ trích? Thật ra cũng không quá khó để biết thành phần này. Đối tượng của họ đánh phá là một số ít những ngôi chùa mà vị trụ trì có những phát ngôn thiếu chuẩn mực hoặc những hình thức lễ lượt không đúng với Chánh pháp và họ lấy cái đó để công kích Phật giáo. Việc làm này là cơ hội tốt cho những kẻ ác ý chủ trương phá hoại phát tán, lăng mạ Phật giáo.
Những hình ảnh, bài viết có tính tiêu cực đó tràn ngập trang mạng xã hội khiến cho cộng đồng nghĩ rằng Phật giáo là thế đó, là những việc làm lệch lạc, sai trái như thế, Phật giáo là một tôn giáo mang màu sắc mê tín dị đoan như thế. Ít ai suy xét cho kỹ rằng theo thống kê năm 2020 Phật giáo VN có 18.491 ngôi chùa, có 54.773 Tăng Ni đang tu hành, thì số Tăng Ni có một số hành vi lệch lạc, như đã nêu, chiếm tỷ lệ rất, rất nhỏ nên đó không phải là hình ảnh của Phật giáo Việt Nam.
Phật giáo hiện đang đóng góp rất lớn cho tổ quốc, xã hội cả trên tinh thần lẫn vật chất nhưng những sự đóng góp và những hình ảnh tích cực đó đã bị cố tình khuất lấp mà cộng đồng xã hội chỉ thấy hình ảnh một Phật giáo VN tối tăm, méo mó như một tôn giáo đầy rẫy hình thức mê tín dị đoan, tham ô, trục lợi, thậm chí lừa đảo tín đồ nhẹ dạ cả tin để kiếm tiền để hưởng thụ, Tăng Ni coi việc đi tu là một cái nghề hái ra bạc một cách dễ dàng.
Là một Phật tử dù đức tin có vững vàng đến đâu mà những hình ảnh, tin tức xấu xí về Phật giáo hàng ngày cứ đập vào mắt mình như thế, tôi cảm thấy rất đau lòng! Tôn giáo nào cũng hướng con người đến những điều thiện lành, Phật giáo là một đạo từ bi thì điều đó càng rõ nét hơn nữa, “mía sâu có đốt, nhà dột có nơi” không thể lấy một thiểu số ít ỏi như thế để khoác lên bộ mặt Phật giáo được!
Trước vấn nạn được cho là tập kích truyền thông nhắm vào Phật giáo như thế, người Phật tử nghĩ gì và làm gì để bảo vệ Chánh pháp?, câu hỏi cần được giải đáp từ những vị tôn túc trong GHPGVN. Có những người đã trích dẫn trong Luận Bảo vương tam muội rằng: “Oan ức không cần bày tỏ, vì bày tỏ thì oán hận càng tăng”, để rồi im lặng như kẻ bàng quan, như người ngoài cuộc! Tha thứ cho kẻ đã xúc phạm mình là thể hiện tấm lòng bao dung, quảng đại nhưng tinh thần của đạo Phật là Bi-Trí-Dũng, từ bi phải đi đôi với trí tuệ, và để thực hành hạnh từ bi phải dùng trí tuệ để soi xét và phải dùng dũng lực để thực hành, ba yếu tố đó như kiềng ba chân luôn luôn đi với nhau, nếu thiếu một trong ba yếu tố đó thì hành giả sẽ không thể nào thực hành được tâm nguyện của mình.
Trên tất cả các trang mạng xã hội chỉ một tôn giáo bị truy kích nhiều nhất là Phật giáo, nhân vật bị đem ra bêu rếu nhiều nhất vẫn là nhân vật của Phật giáo, tôi tự hỏi tại sao thế? Phải chăng là đạo Phật vốn từ bi thường chỉ im lặng khi bị người khác công kích, phê phán và những Phật tử cũng không bao giờ đề cập đến những hành vi sai trái của các tôn giáo khác.
Thế nên chính sự im lặng đó đã khiến cho những người chủ trương đánh phá Phật giáo như múa gậy vườn hoang và thu hút thêm rất nhiều người khác hùa vào. Người xưa có câu: “Nhất khuyển phệ hình, bách khuyển phệ thanh” (một con chó sủa hình, trăm con chó sủa tiếng), ý nói một con chó sủa là do nó thấy rõ cái gì đó nên mới sủa; nhưng nhiều con chó sủa là do chúng nghe tiếng sủa của nhau mà sủa theo, dù chẳng biết ất giáp gì. Phải chăng câu ngạn ngữ đó đúng hoàn toàn trong trường hợp này.
Khi nói chuyện về việc tập kích truyền thông trên mạng xã hội, có lần tôi đã thưa với một vị Thượng tọa rằng: Để khỏi bị người ta công kích thì trước hết mình đừng có nói sai, làm sai trước đã.
Đừng tạo cơ hội cho kẻ khác dựa vào đó để khuếch tán, phóng đại những việc hành đạo sai Chánh pháp. Điều này phải được khởi đầu từ chư Tăng, Ni và lan rộng ra hàng Phật tử tại gia.
Không phải vì đức tính từ bi mà để cho người khác thoải mái nhục mạ, xúc phạm đức tin của mình mà Tăng Ni, Phật tử cũng cần phải lên tiếng trong tinh thần bảo vệ Chánh pháp trên tinh thần nhu hòa, từ bi, trí tuệ một cách chuẩn mực, không kích động nhưng chính xác và thuyết phục.
Một vài trăn trở của một cư sĩ tại gia, kính được thể hiện dù rằng hành văn còn lủng củng, ngôn ngữ, văn phong thô thiển nhưng xin được hiểu ý quên lời.