Chữ “ Tiến ” và chữ “ Điện ”
- Khi cúng linh thường dùng chữ Tiến linh.(薦 靈) Trong nghi lễ, chữ Tiến (薦) có nghĩa là Dâng cúng lên người đã quá vãng ( sau khi an táng ).
- Riêng chữ Điện ( 奠) chỉ dùng trong nghi lễ đám tang, khi quan tài còn nằm trên đất, tức chưa hạ huyệt, chưa an táng. Cúng ban mai gọi là triêu Điện, (朝奠)buổi chiều gọi Tịch Điện. (夕奠)
- Chữ Tiến có nhiều trường hợp gọi khác nhau tùy theo cấp bực thấp cao của chư hương linh:
- Thượng cung Tiến (上 恭 薦) Dùng cho trường hợp Bổn Âm Đường Thượng.
- Cung Tiến ( 恭 薦) Dùng cho trường hợp Thượng Cao Cao Tổ.
- Truy Tiến (追 薦) Dùng cho trường hợp Cao Tổ, Tằng Tổ.
- Kỉnh Tiến ( 敬 薦)Dùng cho trường hợp Hiển Tổ.
- Chánh Tiến (正 薦) Dùng cho trường hợp người chính thức được giỗ ngày hôm đó.
- Phối Tiến:( 配 薦) Dùng cho trường hợp người ngang hàng với người được chánh tiến.
- Câu Tiến (俱 薦) Dùng cho trường hợp nhỏ hơn người được chánh tiến.
- Cung Tiến (恭 薦) Dùng cho hương linh lớn hơn người đứng cúng.
- Cầu Tiến: ( 求 薦)Dùng cho trường hợp hương linh nhỏ hơn người đứng cúng.
* * * *
- Chữ Thần ( 神) và chữ Chánh : (正)Thần hồn dùng cho phái nam. Chánh hồn dùng cho phái nữ. Chỉ dùng từ khi đã an táng xong về sau.
- Thí dụ như : “ Phụng vì …chánh hồn chi hương linh ” ( 奉 為… 正 魂 之 香 靈)
- Khi đám chưa chôn thì dùng chữ linh cữu (靈 柩) phái nam dùng phủ quân chi linh cữu (府 君 之 靈 柩 ) phái nữ dùng nhụ nhân chi linh cữu (孺 人 之 靈 柩) Chứ không dùng thần hồn hay chánh hồn.
- Tuổi nhỏ chết : Gọi là Thương hồn. (傷 魂)
- Đối với khoa Bạt Độ Giải Oan ( chết nghiệp ), từ thanh hồn được dùng cho phải nam và linh hồn dùng cho phái nữ. Ví dụ “Nguyễn Văn A chi thanh hồn ”, hay “ Trần Thị B chi linh hồn”, v.v…
- Chữ thi ( 尸 ), thi hài, thây người chết và cữu ( 柩 ) áo quan.
- Chữ lang ( 郎 ) và chữ hàng ( 行 ): cả hai được dùng để viết thứ tự anh chị em trong gia đình. Tỷ dụ như người con thứ nhì trong hàng trai là đệ nhị lang (第 二 郎 ) , người con thứ ba trong hàng gái là đệ tam hàng ( 第 三 行 )
– Chữ tự (字 ) và hiệu ( 號 ): tự được dùng cho phái nam, hiệu dùng cho phái nữ. Ví dụ như : “ Phụng vị … tự Thành Công thần hồn chi hương linh ( 奉 為 … 字 成 功 神 魂 之 香 靈 ) hay “ Phụng vị Thuần Thục Chánh hồn chi hương linh ( 奉 為 …… 號 純 淑 正 魂 之 香 靈)
– Khi viết các lá Triệu, Bài Vị, Thần Chủ, v v.., đều áp dụng nguyên tắc thứ tự gọi là “ Quỷ Khốc Linh Thính ” ( 鬼 哭 靈 聽 ) . Số lượng chữ dài bao nhiêu tùy theo nội dung của lá Triệu hay Bài Vị, v v.., nhưng đối với hương linh nam thì chữ cuối cùng phải gặp đúng chữ Linh ( số lẽ ), khi tính theo thứ tự “ Quỷ Khốc Linh Thính ”, và hương linh nữ thì gặp đúng vào chữ Thính ( số chẵn ). Trong Phật giáo, với tư cách là phương tiện để đưa người vào Đạo, chư vị cổ đức đã dùng thuật ngữ Phật học để thay vào các từ trên như “ Trừng Trạm Triền Phược ” (澄 湛 纏 縛 ) Phái nam gặp vào chữ Trừng, và nữ chữ Trạm.
– Khi viết bảng cáo phó, người vợ đứng tên thì gọi chồng đã mất là Tiên Phu (先 夫 ) . Đối với người con chưa kết hôn, cha mẹ gọi là Ái Tử ( 愛 子). Nếu anh em đứng tên thì gọi người mất là Tiên Huynh (先 兄) Tiên Tỉ ( 先 姊 ) hay Vong Đệ ( 亡 弟 ). Tóm lại có nhiều cách xưng hô rất nhiều nhưng cách dùng khác nhau tùy theo địa phương, mỗi nơi mỗi khác.