“Ngày mai tôi được làm lễ xuất gia”, đó là niềm vui sướng khi tôi lên bàn Phật tụng kinh tối. Hôm ấy là một đêm trăng sáng, ba mẹ và người thân của tôi cũng có mặt đầy đủ để dự lễ xuất gia của tôi vào buổi sáng ngày mai. Tụng kinh xong, tiếng chuông mõ còn ngân giữa đêm thanh vắng lặng của núi rừng Đại Ninh, tôi lìa bàn Phật, xuống phương trượng, nhìn thấy Thầy tôi ngồi xếp bằng đoan nghiêm trên tấm phản gỗ, tay đang đâm kim chỉ khâu lại hạt nút của một chiếc áo lam cũ kĩ.
– Điệu đâu! Lại bận chiếc áo này xem có vừa không?
Tôi: “Mô Phật”, tôi chạy đến chắp tay đứng trước Thầy. Thầy bảo tôi đưa tay và khoác chiếc áo dài vào, như khoác tất cả sự trân trọng mà Thầy ban cho. Tôi vô cùng sung sướng.Thầy tôi hạ giọng, ôn tồn nói:
– Đây là chiếc áo nhật bình cũ của Thầy, đã mấy mươi năm rồi mà Thầy vẫn còn giữ. Giờ Thầy trao lại cho con.
Chao ôi là sung sướng, chiếc áo này tuy có vài chỗ chầm vá, nhưng ngày xưa Thầy tôi đã bận nó đi thuyết pháp ở khắp mọi nơi, tôi có cảm tưởng như được Thầy “truyền y bát” vậy. Ngày mai, huynh đệ tôi có đến ba người xuất gia, nhưng chỉ mỗi tôi là được Thầy cho áo, lý do thật đơn giản: Mẹ tôi ngày đó không đủ tiền để mua vải may cho tôi một chiếc áo mới. Ban đầu tôi tủi tủi, hai huynh đệ kia có áo mới mà mình thì không. Nhưng rốt cuộc nhờ vậy mà tôi được mặc áo của Thầy. Dưới ánh đèn dầu hiu hắt của đêm thanh trong trượng thất, Thầy tôi bắt đầu bài dạy đầu tiên:
– Đây là áo nhật bình, áo bận thường ngày của Tăng sĩ. Sở dĩ nó có nhiều nút là để mỗi khi bận áo, vị Sadi để tâm mình trụ nơi hàng nút, cài hết hàng nút áo này từ trên xuống dưới. Cài nút xong là một tay cầm lai áo ở phía dưới, một tay chằng ở giữa thân áo sao cho thẳng thớm, rồi mới được đi đâu thì đi. Như vậy, bận áo tức là tu, thân ở đâu thì tâm ở đó, chậm rãi, khoan thai, không được chạy nhảy. Nếu thực hành đúng như vây, chiếc áo này sẽ giúp vị Sadi không phóng tâm lung tung, đi đứng nằm ngồi tề chỉnh oai nghi. Áo vừa kín đáo, vừa gọn gàng, nhìn vị Sadi bận áo, người ta có thể đoán biết vị ấy tu bao nhiêu lâu rồi. Con có hiểu không?
Tôi đứng chắp tay thẳng thớm để nghe thầy dạy. Thầy nói về ý nghĩa, lợi ích và giá trị của chiếc áo. Hồi đó, tôi không lãnh hội được hết, nhưng sau này học Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu, tôi mới hiểu hết được bài pháp đầu tiên Thầy ban trọn vẹn cho mình, từ một chiếc áo.
***
Suốt mười mấy năm trời tu học, tôi chỉ mặc vỏn vẹn bốn chiếc áo nhật bình, từ thời còn thứ vải tám, vải thô, đến bây giờ là ka tê, siêu cát. Cứ mỗi lần mặc áo, tôi lại nhớ lời của Thầy. Bây giờ tôi có đủ điều kiện để mặc nhiều chiếc áo vải tốt và mới hơn, nhưng tôi vẫn thích những chiếc áo cũ bạc màu là vậy. Tôi thường xem áo nhật bình là một thứ thời trang thượng thặng, dù đã trải qua hàng trăm năm rồi mà vẫn à la mode như thường. Đặc biệt nó là một chiếc áo rất Việt Nam, Việt Nam một trăm phần trăm. Dù Phật giáo Việt Nam, kể cả y phục chịu ảnh hưởng Trung Hoa, nhưng chiếc áo nhật bình thì hoàn toàn của người Việt Nam. Hôm nọ, nhân đọc tài liệu Lịch sử Việt Nam để phụ lục vào bộ Từ điển Phật học Huệ Quang mà tôi đang được đóng góp, tôi mới phát hiện được tác giả của chiếc áo nhật bình này.
Người sáng tạo ra kiểu áo nhật bình, đó là Hòa thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh. Hòa thượng họ Hồ, sinh năm 1868, quê ở Thôn Trung Kiên, tổng Bích La, Quảng Trị. Thuở nhỏ Ngài thường theo cha mẹ đến chùa lễ Phật. Năm 13 tuổi, Ngài vào Huế xuất gia tại chùa Báo Quốc với Hòa thượng Diệu Giác, pháp danh Thanh Ninh. Năm 1894, Ngài thọ Đại giới, pháp hiệu Tâm Tịnh.
Năm 1895, Ngài được cử tới chùa Từ Hiếu y chỉ với Hòa thượng Hải Thiệu. Ba năm sau Hòa thượng viên tịch, Ngài kế tục trụ trì chùa Từ Hiếu. Năm Thành Thái thứ 14 (1902), Ngài rời chùa Từ Hiếu, đến ấp Thuận Hòa, làng Dương Xuân Thượng, phía sau Đàn Nam Giao dựng một thảo am, gọi là Thiếu Lâm trượng thất. Năm 1904, am được đổi tên thành Thiếu Lâm Tự. Năm 1910. Ngài được cung thỉnh làm Tôn chứng trong giới đàn chùa Phước Lâm ở Quảng Nam.
Năm 1911, Ngài phụng chỉ làm trụ trì chùa Diệu Đế, với sự trợ cấp của vua Duy Tân, Ngài đã chú tạc tượng A Di Đà, trùng tu Tăng xá, đổi tên chùa là Tây Thiên Phật Cung. Năm 1918, Ngài làm Tăng Cang chùa Diệu Đế. Năm 1924, theo lời khẩn cầu của Vua Khải Định, Ngài mở Đại giới đàn tại chùa Từ Hiếu, môn đồ đắc pháp có đến 94 vị.
Mùa xuân năm 1928, Ngài nhuốm bệnh, đến ngày 06 tháng 03 Ngài viên tịch, thọ thế 60 tuổi, pháp lạp 39. Tháp mộ Ngài dựng bên trái Chùa Tây Thiên. Bài bi ký lược thuật hành trạng của Ngài do Tiến sĩ khoa Kỷ Mùi là Hộ bộ Tả Thị Lang Nguyễn Cao Tiêu soạn.
Nhắc lại tiểu sử của Ngài là để tỏ lòng thành kính đối với một vị Hòa thượng tôn túc có đóng góp rất nhiều cho Phật giáo Việt Nam. Cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20 tình hình tu học của Tăng đồ giảm sút nghiêm trọng. Sinh hoạt ở các chùa viện cũng nghèo nàn, thiếu nề nếp. Hòa thượng Tâm Ninh Tâm Tịnh là người đã có công góp phần chấn chỉnh thanh quy, đào tạo được những mầm mống cho một thế hệ tăng sĩ mới. Những cao túc của Ngài đáng kể là Hòa thượng Giác Nguyên (Kế vị trụ trì Chùa Tây Thiên), HT. Giác Tiên (khai sơn chùa Trúc Lâm), HT. Giác Viên (khai sơn chùa Hồng Khê), HT. Giác Nhiên (Tăng cang chùa Thánh Duyên), HT. Giác Hạnh (trùng kiến chùa Vạn Phước), HT. Đôn Hậu (trụ trì chùa Linh Mụ)…và những trụ cột của công cuộc chấn hưng Phật giáo từ năm 1932 trở đi. Từ đó Phật Học đường Tây Thiên được thành lập, mở nhiều lớp Phật học, đào tạo tăng tài để hoằng dương Phật pháp.
Riêng chiếc áo nhật bình, phải nói đó là một sáng tạo độc đáo của Hòa Thượng. Sơn môn Huế từ xưa vẫn duy trì chế độ Nông Thiền. Đối với Huế, chiếc áo dài vẫn là chiếc đẹp muôn thuở, bất kể già, trẻ, nam, nữ. Tăng sĩ tuy lấy hoại sắc làm y phục, nhưng đối với một giáo đoàn sinh hoạt giữa đất thần kinh vốn lấy lễ giáo làm trọng, thì trang phục vẫn là yếu tố cần thiết, biểu hiện đức hạnh của một vị tăng. Chiếc áo nhật bình có thể được xem như biến tấu của một chiếc áo tứ thân, đặc biệt vẫn còn giữ chiếc yếm trên cổ, được gài ngang bằng nút thắt để tránh bị bung ra khi đi đứng hay làm việc, biểu hiện sự kín đáo, nghiêm túc. Ngoài hàng nút bấm còn có hàng nút thắt bên ngoài và một đường vải lót bên trong, rất sáng tạo. Thử tưởng tượng hình ảnh chiếc nón lá, đôi guốc mộc và chiếc áo nhật bình, dung dị và thơ mộng làm sao! Hình ảnh ấy đã đi vào rất nhiều bài thơ, nốt nhạc mà mãi đến nay, gần 100 năm sau, chiếc áo ấy vẫn còn mãi đẹp. Gần đây, người ta có may loại áo nhật bình lở tức là kiểu áo nhật bình được cắt ngắn, nhưng nó chỉ thay thế được áo vạt khách, chứ áo dài để đi ra thì không gì qua áo nhật bình. Màu nâu hay màu đen, tăng hay ni, áo nhật bình đều thích hợp, và đặc biệt chiếc áo này càng cũ lại càng đẹp.
***
Mỗi lần Thầy tôi đi thuyết pháp ở xa, tôi đều được đi làm thị giả. Trông tôi có vẻ lượm thượm trong chiếc áo dài quá cỡ của Thầy, ai trông thấy cũng cười. Sau đó, mẹ tôi có chắt mót tiền bạc mua vải tốt may cho tôi một chiếc áo nhật bình. Đó là chiếc áo thứ hai trong đời tu của tôi. Mẹ tôi dặn: “Sau này mẹ già, trước khi mẹ chết, mẹ chỉ xin một mảnh vải của chiếc áo này thôi”. Tôi hiểu rằng ý mẹ muốn nói tôi phải giữ màu áo này mãi mãi. Không ngờ sau đó ít lâu thì mẹ mất. Bây giờ dù màu áo đã bạc trắng, cũ và rách lâu rồi, nhưng đi đâu tôi cũng đem theo hai chiếc áo nhật bình của Thầy và của mẹ, như những gia tài quý báu trong đời tu của tôi. Hôm nọ đi giảng, quý ni cô thấy tôi mặc áo cũ quá nên may cho tôi một chiếc áo mới, bằng vải siêu thượng hạng. Tôi cả nể mặc vào, thay cho chiếc áo cũ mà lòng cứ bâng khuâng như khó dứt với những kỉ niệm cũ, những kỉ niệm về một chiếc áo của Thầy và một chiếc áo của Mẹ mà nhờ nó tôi mới có được ngày hôm nay. Chiếc áo nâu sòng sạm vạt, nào có phải pháp y bất khả ly thân, nhưng nó khả kính làm sao! Thân thương làm sao! Tôi thật sự hạnh phúc khi được mặc những chiếc áo nhật bình ấy, như chính sự hạnh phúc được sống trong chánh pháp nhiệm mầu mà dung dị của Như Lai.
Mạnh Đông năm Mậu Dần
Nhất Thanh