Hòa thượng Mật Hiển tại chánh điện chùa Trúc Lâm (ảnh 18/7/1989)

1.-    山有乔木 – Sơn hữu kiều mộc.

Rừng già, vì trong đó có cổ thụ. Cây cao, bóng cả sừng sững giữa trời. Từ những mầm non mong manh, rồi chen chúc với cỏ dại, lau lách; năm tháng chồng chất bởi nắng, gió, nhiều khi giông bão. Những cây cối thuộc chủng loại thấp hèn bị đào thải dần, những cây đồng loại nhưng non yếu cũng lần hồi bị đào thải. Còn lại một mình trơ vơ, đứng thẳng, vươn ngọn lên cao.

Khu rừng ấy, thoạt đầu tiên chỉ là đám cỏ dại, chỉ đủ chỗ cho rắn rết bò trườn. Rừng không phải càng lúc càng bành trướng rộng theo chiều ngang dọc. Rừng lớn lên theo tầm vóc của các cây rừng cứng cõi chống lại sức tàn phá của khí hậu, của mưa lũ, cho đến con người. Cho đến lúc, từ những phương rất xa mà có thể trông thấy tàn ngọn của một cây cao. Rừng già, nhưng không cằn cỗi, thưa thớt. Cây cao không tiếp sức, cũng không vun bồi, và cũng không cần che chở cho những cây non yếu. Những gì non yếu đã bị gãy đổ, còn lại những gì cứng mạnh, tự mình vươn dậy để trưởng thành những đám cây con dưới bóng cây già. Bấy giờ, rừng không còn là đám cỏ dại, không còn là tập hợp của những cụm cây con, lùm cây thấp. Rừng già, và rồi là rừng thiêng, là một cõi oai hùng cho sư tử, hay hổ báo; đôi khi còn là chỗ cho các thần linh, thiện cũng có mà ác cũng có. Dù thiện hay ác, trong từng thời điểm nhất định, nơi đó là trú xứ của các Tiên nhân, là chốn hành Đạo của những bậc xuất thế, từ chốn thâm u làm ánh sáng soi đường cho sinh loại sinh tồn và tiến hóa, soi vào tận những nơi tối tăm, hiểm ác mà mặt trời rực rỡ kia không thể soi đến.

Thế nhưng, rừng già, rừng thiêng luôn luôn cũng là hình ảnh đáng kinh sợ cho loài người mà tâm tư vốn thấp kém, bị trùm kín trong ước muốn thấp hèn, bị trói buộc, bưng kín bởi cái thấy, cái nghe thiển cận. Bóng Người thấp thoáng đỉnh cao; nhưng, mây dày phủ kín, biết đâu mà tìm.

Những tàn cổ thụ như vậy, trải qua biết bao nhiêu đời, đã là biểu tượng tôn nghiêm cho rừng Thiền Việt nam. Tuy cũng có nhiều khi nước lũ cuốn theo rác bẩn tanh hôi từ nguồn cao cuồn cuộn đổ xuống tàn phá. Lớp cây con bị bật rễ, bị gãy ngang; cổ thụ vẫn đứng sững không hề uốn mình rạp xuống dưới sức ép hung tợn của giông bão. Người ta tưởng cổ thụ đã trụi lá trơ cành, chỉ chờ đợi khắc khoải trong bóng điêu tàn để khô héo dần rồi ngả gục; để cho rừng già thành bãi hoang chen chúc cỏ dại, cửa Thiền thành cửa chợ tập nập bọn giảo đồng:

山有乔松,隰有游龙。
不见子充,乃见狡童。
Sơn hữu kiều tùng, thấp hữu du long.
Bất kiến tử sung, nãi kiến giảo đồng 
(Kinh Thi).

Ai có thể nói gì về những gốc cổ thụ ấy, trong bóng soi của dòng nước khi trong, khi đục? Thế hệ học tăng chúng tôi trưởng thành trong bóng che chỡ của những gốc cổ thụ như vậy; có người nhận thức được điều đó, và cũng có người không hề nhận thức được; cũng không ít người bị nước lũ làm bật gốc, bị cuốn trôi theo dòng đời. Riêng những học tăng trưởng thành dưới bóng sơn môn Huế không ai lại không biết đến một trong những gốc cổ thụ như vậy của rừng Thiền, một thời bằng sự nghiêm khắc đã giữ gìn vững giềng mối của Tòng lâm. Khi hoài niệm về các bậc Cao tăng, như những gốc cây già che chở đàn cây non yếu, tôi nhớ đến hình bóng khắc khổ, uy nghiêm của Hòa Thượng Mật Hiển.

Quí Hòa Thượng đàm đạo nhân dịp Tết Tân Mùi, 1991
Từ trái sang phải: Hòa Thượng Thiện Siêu, Hòa Thượng Hưng Dung, Hòa Thượng Mật Hiển, Đại Đức Trí Tựu (thị giả Ôn Đôn Hậu), Hòa Thượng Đôn Hậu.
(Ảnh tư liệu)

2.-  山不在高有僊則名 – Sơn bất tại cao hữu tiên tắc danh.

Thanh u, nhàn tịnh; đó là cảm giác của những người du lãm đến các sơn môn. Trong hầu hết các bài thơ đề vịnh danh lam, từ Đường, Tống bên Tầu qua đến Lý, Trần bên Ta, đều có chung ấn tượng ấy. Núi Yên tử, trước đó nghìn năm vẫn vậy; sau đó nghìn năm cũng vẫn vậy; không vì thêm một chòi tranh, hay một nhà đá mà khác đi. Song, Yên tử quả thực có đổi khác trong lòng người; cho nên sỏi đá vô tri cũng có lúc trở thành niềm tự hào của một dân tộc, là hồn thiêng sông núi. Hồn thiêng ấy cũng chỉ thỉnh thoảng chợt sống dậy trong khoảng khắc, rồi lại rơi vào quên lãng, bởi người sống vẫn phải lăng xăng với trăm nghìn mối lợi để giành giựt giữa chợ đời. “Mù tỏa Lô sơn khói Chiết giang”; cảnh đẹp thực, mà chỉ đẹp cho các ngài văn học bưng chén trà, ngắm ánh trăng, bên khóm hoàng lan thơm ngát. Ngoài bờ đá kia, khói Triết giang lạnh cắt da; một ông câu rách rưới, ôm cần ngồi đợi mấy con cá ham ăn dại dột lượn đến đớp mồi. Sông núi đẹp vô tình, hiền lành đối với những người ít nhất có một vài phút nhàn hạ; lại cũng hiểm ác đối với vô số quần sinh khốn khổ vì lẽ sống thường nhật.

Đồi Dương xuân, trong trí nhớ, và trong trí tưởng tượng mông lung của tôi, ở một mõm đá nào đó, vào một thời nào đó, sáng tinh sương người ta có thể lần theo dấu vết của đôi bàn chân nhỏ bé nhưng đã chai sạn phong trần, đã phải hằng ngày trực diện với đói, no, sống chết. Một thời khác, ban đêm thì một nhóm người từ rừng sâu xuất hiện ban bố mệnh lệnh, quyết định sống hay chết cho người này hay người kia; ban ngày lại nhóm khác đến thay. Cùng một dân tộc, cùng gọi nhau là anh em dù bên này sông hay bên kia núi, nhưng khi gặp nhau thì dòng sông được tắm máu, bến cỏ lăn lóc xác người.

Dễ chừng suýt soát 40 năm tôi chưa được trở lại Trúc lâm, tuy cũng có lần trở lại để mong tìm lại vết tích xa xưa, nhưng sự vật biến thiên, mà lòng người chắc cũng đổi khác. Cái gì cao thì tất phải xa, càng cao lại càng xa ngoài tầm mắt. Cây đa bến cũ, con đò năm xưa; cảm hứng văn chương ấy có khi là hiện thực trong thi ca nhưng quá xa vời, không có thực trong đời thường.

Trong những năm đầu 60, khi tôi còn là chú tiểu lang bạt trong các tỉnh miền Nam; mà nói một cách khoa đại lên, thì ngồi ở các bến xe đò nhốn nháo nhiều hơn là ngồi trong các lớp học thanh tĩnh tại các chùa. Vì vậy, tôi biết rất ít về Phật giáo Huế; mặc dù cũng có thời gian ngắn sống ở Huế thời trẻ nít, sau những ngày mới hòa bình, khi đất nước mới chia hai; những ngày mà bọn con nít lên mười của chúng tôi nghe người lớn kể chuyện lội sông Bến Hải như là chuyện thần tiên hay kiếm hiệp.

Thỉnh thoảng tìm thấy đâu đó một vài số báo Viên âm của Hội An nam Phật học, biết một số vị giảng sư danh tiếng của miền Trung; ấn tượng về Phật giáo Huế qua những trang sách, trang báo như thế, trong khi lưu lạc bụi đường như thế, bây giờ cũng thật khó mà mô tả được nó như thế nào. Trong đó, có một ấn tượng mà những chú tiểu bụi đường hình như rất lưu ý, nếu có ý tưởng một ngày nào đó hành cước về đất Thần kinh. Ở đó, có một vị Thầy nghiêm khắc, không chỉ với chúng điệu trong chùa, mà với bất cứ ai, gặp bất cứ đâu, tất nhiên bất cứ đâu trên đất Thừa thiên Huế, miễn là “đầu tròn áo vuông”, mà đi đứng không phải phép, phục sức không phải đạo, thì hãy coi chừng, bị phạt ngay tại chỗ. Chuyện kể dù thực hay hư cũng là cách điệu hóa một thời sinh hoạt Phật giáo Huế, với quy cũ Thiền môn nghiêm khắc.

Những lúc về Huế thăm bà con, tôi không có duyên may để phải cẩn thận cử chỉ đi đứng của mình giữa chỗ đông người, vì những chỗ tôi đi và đến bấy giờ là những nơi mà hầu như không hề tìm thấy dấu chân của các bậc cao tăng đại đức. Tất cả hiểu biết của tôi từ chỗ “dọc đường gió bụi” về bậc tông tượng của tòng lâm là như vậy, với tất cả sự tôn kính xa vời.

Lần đầu tiên tôi được hầu chuyện Ôn Trúc Lâm khoảng chừng sau 1963, khi Thượng tọa Giám viện, tức Hòa thượng Trí Thủ, khiến tôi ra Huế tham vấn Ôn Quy Thiện một số vấn đề, những công án Thiền chẳng hạn, trong văn học cổ Phật giáo Việt nam; nhân đó tôi cũng được nhắc nhở lên Trúc lâm bái phỏng ngài Mật Hiển. Ấn tượng đầu tiên của tôi không phải là hình ảnh vị Sư trưởng nghiêm khắc, dò xét cử chỉ môn sinh để trách phạt; thay vì thế, là nỗi buồn của người cha mất con. Ôn hỏi thăm tôi về người đệ tử trưởng. Huynh ấy được Ôn gởi cho Thầy Nhất Hạnh để theo học tại Vạn Hạnh, cùng chung với tôi một lớp. Huynh ấy có lẽ là người duy nhất được Ôn gởi đi tham phương hành cước, nói theo ngôn ngữ Thiền môn thời xưa; như cha già gởi con trẻ du học với tất cả thương yêu và hy vọng. Nhưng khi hay tin người đệ tử ấy do duyên đời chướng ngại nên thoái thất sơ tâm, tình thương yêu vẫn còn, mà kỳ vọng thì mất mát. Sự việc như thế không phải hiếm hoi trong nhà chùa. Song ở đây, trong đôi mắt mà trước kia tôi hằng có ấn tượng bởi cái nhìn nghiêm khắc, bất chợt thoáng bóng tiếc thương một chiếc lá đang bị cuốn theo chiều gió. Ấn tượng ấy bình thường mà cũng dị thường; tâm tư xúc cảm của người thường không dễ gì phô diễn thành lời cho chính xác.

Một đôi khi ở lại trên chùa vài hôm, cảnh trí Trúc lâm khi ấy không có gì gọi là cuốn hút đối với tôi. Thật sự, cho đến bây giờ, dù cố gắng mà vẫn chưa có xúc cảm gì đặc biệt gọi là văn chương về một ít bài thơ đề vịnh cảnh chùa mà tôi được đọc. Âu cũng là cảm hứng cá biệt của từng người. Thế nhưng, từ một góc nhìn nào đó, Trúc lâm có những nét quyến rủ đặc biệt. Thiên nhiên ở đây, những cây rừng, dòng suối, hình như không hài hòa hay như tranh vẽ được mô tả theo luật thơ. Tôi muốn nói đến ấn tượng về một thiên nhiên cau có. Những cành cây lớn nhỏ chỉa ngang, chỉa dọc. Khe suối tuy cũng róc rách, nhưng những bờ cây gai góc gây cảm giác châm chích. Mọi thứ ở đây thường xuyên trong tình trạng gây hấn với nhau, nhưng cùng tồn tại và trưởng thành mà không hề có vẻ khuynh loát nhau, triệt hại nhau. Đấy là một thứ thiên nhiên nghịch lý, trái nghịch giữa xung đột và che chở; chống trái nhau mà lại y tựa nhau; hòa trong bất hòa. Trong đó, sinh vật được che chở trong giới hạn mà nó đi lại thích hợp và tùy thuận, nhưng cũng bị trừng phạt nghiêm khắc nếu vượt qua giới hạn an toàn nào đó. Thủa xưa, đức Phật nhiều lần đề cập đến các khu rừng mà thậm chí các đạo sỹ lánh đời cũng phải cảm thấy kinh sợ. Phật nói: những ai mà tâm tư còn ô nhiểm, khu rừng ấy thật là đáng kinh sợ.

Có lẽ hình ảnh Ôn Trúc lâm đối với tôi từ trước đã được phác họa theo chuyện kể của các thầy các chú từ miền Trung vào Nam. Rồi từ một điểm nhìn khác, đứng ngay giữa núi rừng Trúc lâm, ngay giữa gai góc châm chích, sự nghiêm khắc mà người ta thường có cảm giác lạnh lùng đáng sợ, đáng tránh, bất chợt được thấy là nơi che chở an toàn cho những bước chân non yếu, dễ bị cám dỗ và sa ngả trên đường đời.

Người ta kể trước chùa có hồ nước hình chữ S. Hồ nước thì tôi còn nhớ như in, nhưng hình chữ S thì không hiểu sao tôi quên mất, không còn chút ấn tượng gì. Áng chừng hình thể hồ nước như vậy do chính Ôn Trúc lâm tạo hình dáng, mà ngụ ý tất nhiên cũng khá rõ ràng. Thay vì không nhớ được hình dáng hồ nước, tôi lại nhớ đến mấy pho tượng nhỏ được biết do chính Ôn nắn. Tượng không đẹp, vì không theo tiêu chuẩn nghệ thuật nào cả; hoàn toàn tự phát theo cách nghĩ của người nghệ sỹ mà qua đó rất dễ nhận thấy là không nhìn cái đẹp của đời theo con mắt thế gian. Nghệ sỹ thường mơ ước sáng tạo, dựng lên hình ảnh thế giới của mình nhưng phải được mọi người chiêm ngưỡng. Người đạo sỹ cũng dựng lên một thế giới tĩnh lặng cho chính mình, nhưng không phải để cho người đời đến thưởng ngoạn, giải trí. Danh sỹ trí thức viết lên sách: “Để cho thân và danh này cùng mục nát với cỏ cây” rồi ký tên vào đó, rồi in và phổ biến sách ấy không chỉ muốn cho đời nay mà muốn cho cả nghìn đời sau đều biết ai đã nói câu ấy.

Sau hậu liêu của Ôn, tôi còn nhớ có treo một cặp sáo dọc. Tôi chưa hề được nghe Ôn thổi sáo. Vào đêm khuya, khi đứng trước sân chùa trong bóng âm u, tuy không thấy rõ hồ nước và con suối, nhưng cái tĩnh mịch khiến người ta dễ mường tượng âm hưởng của sáo len lỏi qua mấy lùm cây man dại. Những lúc ấy tôi muốn vào lấy trộm sáo của Ôn ra dạo vài khúc. Có những điều mà tư duy không thể vươn tới, duy chỉ bằng âm vận được sáng tạo theo ước lệ bởi cảm thức riêng biệt của con người. Không dễ gì tìm thấy tình cảm vừa u uất và ưu ái của thiên nhiên trên một cánh gai nhọn; cũng vậy, không dễ gì khám phá những nét đẹp bất chợt, phù du chung quanh một Lão Tăng trong dáng vẻ nghiêm khắc, làm biểu tượng cho quy cũ, mực thước của tăng già.

3.

ht thich mat hienCùng chung một nguồn gốc, cùng một dân tộc, cùng thừa hưởng một di sản tinh thần đạo lý, Phật giáo Việt nam dần lan rộng trên khắp ba miền theo nhịp tiến của lịch sử, nhưng mỗi miền vẫn có sắc thái riêng biệt. Tuy cũng hành trì chung một giới bổn nhưng tòng lâm thanh quy mỗi miền vẫn có những nét riêng. Khi hoàn cảnh lịch sử thuận tiện, bốn chúng đệ tử Phật, với nhiều tông phái khác nhau, cùng hòa hiệp thành một giáo hội duy nhất, với danh nghĩa là Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất, mà Ôn, tức Hòa thượng Mật Hiển được suy tôn vào ngôi vị Giám luật thuộc Viện Tăng thống. Trách nhiệm của ngài Giám luật là duy trì giềng mối và sách tấn việc hành trì giới luật của toàn thể Tăng già Việt nam, không phân biệt hệ phái. Trong cương vị đó, nhân cách của ngài Giám luật không chỉ đơn giản biểu lộ đức tu trì của cá nhân ngài, mà phản ảnh cụ thể tinh thần sinh hoạt của toàn thể Tăng già Việt nam, trong một thời điểm nhất định. Sự hiện diện của ngài có khi hữu hành, có khi vô hành, như cổ thụ trong rừng già; có khi đứng mà chịu giông bão để che chở những cây con; cũng có khi chỉ đứng trơ vơ đó. Nhưng sự hiện diện ấy, dù trong tình trạng hay hoàn cảnh nào, chính do sự hiện diện ấy mà khu rừng được kính trọng gọi là rừng già.

Đó là nói chung về uy đức của ngài Giám luật đối với toàn thể tăng trong toàn quốc. Riêng trong một địa phương cá biệt, như Thừa thiên-Huế là nơi sinh trưởng và hành đạo của ngài, sự hiện diện gần gũi ấy đã ảnh hướng nhất định đến sinh hoạt Thiền môn một thời. Không chỉ dừng lại ở một thời, mà ngay cả khi thời thế thay đổi, nhân tâm ly tán, Tăng-già có nguy cơ tan rã dưới sức ép đa dạng của xã hội, hình ảnh của ngài trong quá khứ vẫn hiện diện vô hành đủ uy đức để duy trì giềng mối Tăng luân, mặc dù có thể hầu hết tăng ni thế hệ hiện tại ở Huế khó có thể mường tượng được phong thái vừa nghiêm khắc vừa từ ái của ngài Giám luật trong quá khứ như thế nào. Thế hệ trưởng thành của chúng tôi trong hiện tại, dù trực tiếp hay gián tiếp tiếp nhận được sự giáo huấn giới luật của ngài, vẫn cảm nhận một cách cụ thể ấn tượng được che chở bởi thành trì giới luật mà chính ngài Giám luật là vị tướng quân đứng trấn giữ suốt trong những thời kỳ nhiễu nhương của đất nước và của đạo pháp. Tất cả chúng tôi, bất kể hiện đang đứng ở đâu trong hàng ngũ tăng già, đều có chung ấn tượng như vậy.

Phật dạy, tâm vô thường, pháp vô ngã. Mọi hình ảnh dù là của đấng Chí tôn cao cả, cho đến một lúc nào đó cùng phai nhạt trong lòng thế gian. Hình ảnh của Ôn có lẽ cũng phải mờ dần theo sự đi xuống của nhiều thế hệ tiếp nối, tùy theo dòng xoáy thăng trầm của đạo đức xã hội. Hình ảnh của Ôn, hình ảnh của ngài Giám luật của Giáo hội, của vị Tăng trưởng duy trì giềng mối Tăng luân, không thuần cố định bởi tầm vóc của một cá nhân, mà đó là biểu tượng của Tăng già giữa lòng thế tục, được hóa thân theo từng thời đại khác nhau, để duy trì mạng mạch của Chánh pháp tồn tại và thích ứng theo từng biến động của xã hội. Trong tôi, hình ảnh của ngài bất diệt, là ngọn giới đăng hóa thân nhiều kiếp, có thay đổi hình hài, nhưng giới thân và pháp thân vẫn không sinh không diệt. Ngọn giới đăng ấy vẫn tiếp tục soi đường cho thế hệ chúng tôi, những người đệ tử, hay những môn sinh trực tiếp hay gián tiếp của ngài, soi đường để chúng tôi vững chân và tự tin trên bước đường hành đạo đầy chông gai hiểm trở và gian trá này.

Tuệ Sỹ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Trưởng lão Giác Chánh – Đệ nhị Tổ sư Phật giáo Khất Sĩ: Một đời nghiêm trì giới luật
Danh Tăng

Trưởng lão Giác Chánh là một trong những cao đồ của đức Tổ sư Minh Đăng Quang – người khai sáng Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam. Trước khi vắng bóng, đức Tôn sư đã phó chúc cho Tỳ kheo Giác Chánh là người kế thừa trách nhiệm điều hành Tăng đoàn Khất Sĩ. Bởi thế về...

Tiểu sử Hòa thượng Thích Huệ Trí (1952-2024)
Danh Tăng

Hòa thượng Thích Huệ Trí (1952-2024) Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN; Phó Trưởng ban Ban Tăng sự Trung ương; Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; Nguyên Phó Chánh Văn phòng 2 Trung ương GHPGVN; Nguyên Trưởng ban Ban Pháp chế Trung ương; Nguyên Trưởng ban Ban Trị sự...

Sơ lược tiểu sử Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh, Pháp chủ Giáo hội Tăng-già Nam Việt
Danh Tăng

Thời niên thiếu Đại lão Hòa thượng thượng Đạt hạ Thanh, pháp danh Như Thông, thế danh Võ Minh Thông, sau đổi tên là Võ Bửu Đạt. Ngài sinh vào giờ Ngọ, một ngày trong tiết Mạnh Xuân năm Đinh Sửu (1877), tại làng Tân Thới Thượng thuộc tổng Bình Thạnh Hạ, H.Bình Long, phủ...

Lược sử Hòa Thượng Thích Trí Thủ (1909 – 1984)
Danh Tăng

Hòa thượng húy Văn Kính, pháp danh Tâm Như, tự Đạo Giám, hiệu Thích Trí Thủ. Hòa thượng sanh giờ Hợi ngày 19.9 năm Kỷ Dậu tức ngày 1 tháng 11 năm 1909. Xuất thân từ một dòng tộc nối đời sùng mộ Phật pháp. Hòa thượng thuộc thế hệ thứ tám của họ Nguyễn,...

Tiểu sử Cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa(1918-1973)
Danh Tăng

I-THẾ TỘC: Hòa thượng húy Trần Thiện Hoa, pháp danh Thiện Hoa, hiệu Hoàn Tuyên, sanh ngày 7-8 năm Mậu Ngọ (1918), tại làng Tân Quy (sau đổi tên là An Phú Tân), quận Cầu Kè, tỉnh Cần Thơ (nay là tỉnh Trà Vinh). Hòa thượng là con út (thứ chín) trong gia đình. Thân...

Nguồn càng sâu – Dòng càng dài
Danh Tăng, Lịch sử, Nghiên cứu

Tác giả bài viết: TT. Thích Tâm Hạnh* Tóm tắt: Tổ sư Liễu Quán ở tổ trên nhánh cây, ăn rong “sột soạt” mà thiền cơ dĩnh ngộ, xuất kệ lập nên thiền phái, đời đời nối thạnh. Từ xưa đến nay, bậc Tổ đức nào miên mật công phu, chứng ngộ, bảo nhậm rồi sáng...

HT Thích Phước Sơn với văn hóa và giáo dục
Danh Tăng

Kể từ khi con người mới bắt đầu xuất hiện trên quả địa cầu nầy. Trong trang nghiêm kiếp của quá khứ, hiền kiếp của hiện tại, hay tinh tú kiếp của tương lai thì sự tu học của chư Tăng Ni và Phật tử vẫn là những điều kiện cần thiết để xiển dương...

Thiền sư Vô Ngôn Thông
Danh Tăng

Vô Ngôn Thông là một vị sư người Trung Quốc, nhưng có công truyền bá Phật giáo vào Việt Nam. Sư đến Việt Nam vào năm 820, ở tại chùa Kiến Sơ, làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Vô Ngôn Thông là một thiền sư, cũng là tên một thiền phái Phật...

Tiểu sử Hoà thượng Tuệ Sỹ
Danh Tăng

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, thế danh Phạm Văn Thương, sinh ngày 15-2-1943 theo khai sanh (gia đình khai tăng tuổi để thầy đi học), tuổi thật sinh ngày 05 tháng 4 năm 1945 (nhằm ngày 23 tháng 02 năm Ất dậu), tại tỉnh Paksé, Lào; Thân phụ: Cụ ông Phạm Văn Phận, Pháp danh Trung Thảo, Thân mẫu: Cụ...

Hòa thượng Chơn Giám Trí Hải – Tổ khai sơn Bích Liên Tự và dòng kệ truyền thừa
Danh Tăng

Dòng kệ truyền thừa của Hòa thượng Chơn Giám Trí Hải, Tổ khai sơn Bích Liên Tự ở tỉnh Bình Định, dù chỉ mới xuất hiện hơn 70 năm trở lại đây, nhưng dòng kệ này cũng đã góp phần làm cho sự phát triển của các Thiền phái Phật giáo tại miền Trung thêm...

Tiểu sử Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Sam (1929 -2018)
Danh Tăng

Suốt một đời, Hòa thượng sống hết sức bình thường dung dị, siêng năng cần cù, nhu hòa nhẫn nhịn. Tuy nghiêm khắc với bản thân, nhưng lời nói và việc làm luôn “tri hành hợp nhất”, hết lòng phụng sự Tam bảo, nên hạt giống Bồ-đề luôn giữ trọn trong tâm. Đại lão HT.Thích...

Vài nét về tiểu sử Hòa thượng Thích Trí Độ (1894 – 1979)
Danh Tăng

Với học hạnh kiêm ưu, công hạnh Đạo – Đời toàn vẹn, và những đóng góp to lớn cho đạo pháp và dân tộc như thế, Hòa hượng xứng đáng là ngôi sao Bắc Đẩu trong phong trào chấn hưng và thống nhất Phật giáo Việt Nam. TIỂU SỬ PHÁP SƯ TRÍ ĐỘ(1894 – 1979)...

Hòa thượng Thích Thiện Hoa: Cây đại thụ Đạo pháp – Dân tộc
Danh Tăng

Trong phong trào chấn hưng Phật Giáo Việt Nam, các bậc Long Tượng tiếp nối ra đời làm sáng ngời lịch sử Phật Giáo phục hưng, nhất là trong thời kỳ cận đại, những tấm gương sáng chói của phong trào phục hưng trong đó có Hòa Thượng Thích Thiện Hoa. Trong lịch sử dân...

Hòa thượng Thích Hiển Tu – Cốt cách của bậc Long tượng
Danh Tăng

Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc. Các bậc cao tăng như Thiền sư Vạn Hạnh, Phật hoàng Trần Nhân Tông,… đã hiến dâng hoa đời hương đạo, xiển dương chánh pháp, phụng sự dân tộc. Tiếp nối dòng lịch sử ấy, Hòa thượng Thích Hiển Tu – bậc Long tượng thạch...

Đôi nét về tiểu sử Hòa thượng Thích Thanh Tứ
Danh Tăng

Hòa thượng Thích Thanh Tứ (1927 – 2011) Thành viên Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, XII; Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc...

Thiền sư Khương Tăng Hội
Danh Tăng

Thiền sư Khương Tăng Hội là một trong những danh Tăng Việt Nam có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam. Nghiên cứu về ngài là thiết thực tìm về cội nguồn Phật giáo Việt Nam, cũng như tiếp nối những giá trị từ học phong của các thế hệ...