Hòa Thượng thế danh Nguyễn Hữu Ký, sinh ngày 20 tháng 11 năm Ất Dậu niên hiệu Thành Thái (1895), nguyên quán làng Đa Nghi, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị nhưng sinh trưởng tại làng Lang Xá Bàu, xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Hữu Tý, pháp danh Thanh Phòng, hiệu Sung Dật; thân mẫu là cụ bà Võ Thị Ngọ người làng Thần Phù, xã Thủy Châu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Với những túc duyên thiện nghiệp đã gieo trồng trong tiền kiếp nên hòa thượng sinh trưởng trong một dòng họ với nhiều đời thâm tín Tam bảo và là nơi lưu xuất các bậc cao tăng thạc đức như thiền sư Nguyễn Hữu Huấn (1858 – 1923), pháp danh Thanh Thái, hiệu Phước Chỉ, trú trì đời thứ ba tổ đình Tường Vân; thiền sư Nguyễn Hữu Chắc, pháp danh Thanh Vân, tự Thoại Tường, hiệu Tâm Thành khai sơn chùa Từ Quang – Huế đều là chú ruột của ngài; Hòa thượng Hồ Vĩnh Hựu, pháp danh Thanh Phước, tự Vĩnh Hựu, hiệu Tâm An tăng cang Diệu Đế Quốc tự, sùng kiến chùa Thọ Đức là cậu ruột. Thuở ấu thơ, hòa thượng đã tỏ ra là người thông minh trác việt, vào tuổi trăng rằm (1909), được sự cho phép của song thân ngài phát tâm xuất gia tại chùa Tường Vân, thờ Hòa thượng Phước Chỉ – người chú ruột lúc ấy đã vào tuổi “tri thiên mệnh” làm thầy.
Sau 14 năm học tập, tu hành dưới sự chỉ dạy của người thầy vừa là chú ruột – Hòa thượng Phước Chỉ viên tịch nên phải nương nhờ hòa thượng pháp danh Trừng Thanh, tự Hiền Lương, hiệu Tịnh Nhãn (? – 1924) đệ tứ trú trì tổ đình Tường Vân là đệ tử của Hòa thượng Phước Chỉ làm bổn sư và được hòa thượng cho pháp danh Tâm Ấn tự Vĩnh Thừa. Với bài kệ phú pháp sau:
Chữ Hán:
心 印 圓 明 悟 道 先
參 禪 了 達 透 真 源
拈 花 付 汝 如 來 藏
續 焰 玄 燈 萬 古 傳。
Phiên âm:
Tâm ấn viên minh ngộ đạo tiên,
Tham thiền liễu đạt thấu chân nguyên.
Niêm hoa phó nhữ như lai tạng,
Tục diệm huyền đăng vạn cổ truyền.
Nghĩa:
Tâm Ấn sáng trong thấy đạo đầu
Tham thiền đạt đến cảnh thâm sâu
Đưa hoa giao giữ Như Lai tạng
Thắp sáng ngàn sau ngọn lửa mầu .
Thiện Quang
Năm Giáp Tý (1924) đến tuổi “tam thập nhi lập” hòa thượng mới thọ cụ túc giơi tại giơi đàn Từ Hiếu.Sau khi thọ đại giới không lâu thì hòa thượng bổn sư viên tịch, hòa thượng vào nương và cầu học với hòa thượng Huệ Pháp chùa Thiên Hưng – Huế.
Năm Đinh Mão (1927), Hòa Thượng vào chùa Thập Tháp thuộc tỉnh Bình Định theo học với hòa thượng Phước Huệ, sau đó vân du vào Sài Gòn Gia Định tham học với các vị Hoa Kiều nên thông thạo được tiếng Quảng Đông. Con đường tham vấn cầu học của hòa thượng thật ứng hợp với tâm nguyện “thượng cầu Phật đạo” của bậc thượng sĩ buổi đầu gửi vào chí nguyện xuất trần.
Bằng tinh thần “thiệu long thánh chúng”, hòa thượng đã tiếp nối các bậc tiền bối cha ông của mình trở thành “tùng lâm thạch trụ” của phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam nói chung và xứ Huế nói riêng thể hiện qua những mốc thời gian sau:
Năm Quý Dậu (1933), hòa thượng trở về Thuận Hóa, đến ấm Cữ Sỹ, làng Dương Xuân lập thảo am, đặt tên là Pháp Uyển Châu Lâm, nay là chùa Châu Lâm, tại địa chỉ 14/54 Lê Ngô Cát, phường Thủy Xuân, thành phố Huế, cách đàn Nam Giao khoảng 1 km.
Năm Đinh Sửu (1937) hòa thượng được cử làm trú trì Quốc tự Thánh Duyên thuộc núi Túy Vân, thôn Tư Hiền xã Vinh Hiền huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiền.
Năm Mậu Dần (1938), hòa thượng được thỉnh làm đệ tam Tôn Chứng tại giới đàn chùa Đại Bi tỉnh Thanh Hóa.
Năm Canh Thìn, Bảo Đại thứ 15 (1940) chùa Châu Lâm được vua Bảo Đại sắc phong “Sắc tứ Châu Lâm tự”.Năm Tân Tỵ (1941), hòa thượng được mời làm Tăng Cang chùa Diệu Đế.
Năm Nhâm Ngọ (1942) ngài được Sơn Môn mời làm trú trì chùa Từ Đàm.
Năm Mậu Tý (1948), hòa thượng được cung thỉnh làm đệ tam tôn chứng tại đại giới đàn Báo Quốc.
Năm Nhâm Thìn (1952), hòa thượng được mời làm giáo thọ A xà lê sư tại giới đàn Bảo Quốc.
Năm Giáp Thìn (1964), đại giới đàn Vạn Hạnh tổ chức tại chùa Từ Hiếu – Huế, hòa thượng được cung cư làm Yết ma sư.
Năm Canh Tuất (1970), đại giới đàn Vĩnh Gia tổ chức tại chùa Phổ Đà, thành phố Đà Nẵng, hòa thượng được cung thỉnh làm Yết ma sư.
Từ năm Quí Sửu (1973) cho đến khi viên tịch, hòa thượng cũng đả đảm nhận chức vụ trú trì đời thứ 6 của chùa Tường Vân, chùa Báo Quốc.
Ngoài thời gian bận rộn vì công việc Phật sự ra, hòa thượng vẫn thường xuyên mở lớp tại chùa Châu Lâm giảng dạy kinh điển, tiếp tăng độ chúng, truyền trao kiến thức cho hộ thế đúng tinh thần “tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”. Từ đó, hòa thượng đã giáo dưỡng nên các bậc danh tăng đệ tử tu học xuất chúng như hòa thượng Thích Thiên Ân – người Việt Nam tốt nghiệp với học vị Tiến sỹ văn học đầu tiên tại nước Nhật và được xem như là ổng tổ đầu tiên truyền bá du nhập Phật giáo Việt Nam vào Mỹ; hòa thượng Thích Thiên Hòa chứng minh đại đạo sư miền Cao nguyên Lâm Viên; hòa thượng. Thích Thiên Hỷ khai sơn chùa Thiên Hỷ… Tất cả đều là giáo phẩm lãnh đạo giáo hội lúc đó.
Với phước tướng trang nghiêm cao trên 1,8 mét, chất giọng oai hùng, tinh thông nhạc cụ pháp khí, kiến thức thông kinh bác sử, hòa thượng đã hoằng đạo bằng con đường giảng dạy song song với việc hành trì khoa nghi chẩn bạt nên đệ tử các chúng qui y ngài rất đông.
Đệ tử xuất gia tăng của hòa thượng gồm có: Hòa thượng Thích Thiên Hòa, Thích Thiên Nhiên(1), Hòa thượng Thích Thiên Ân, Hòa thượng Thích Thiên Hỷ, Hòa thượng Thích Hộ Nhẫn khai sơn chùa Thiền Lâm Nam Tông, Nguyễn Mộc(2), Tâm Dung(3), Bửu Đàm(4), Từ Huệ(5), Thượng tọa Thích Giác Hải trú trì chùa Châu Hoằng Liễn Xã thị trấn Tứ Hạ, huyện Hương Trà, Thượng tọa Thích Trí Minh trú trì chùa Khánh Sơn – Huế, thượng tọa Thích Tâm Đoan, Thích Đức Hậu, Nguyên Hậu(6), Hòa Thượng Thích Phước Thành, Phước Viên(7), Phước Lâm(8), Hòa thượng Thích Phước Sung (Tâm Minh), Phước Thắng(9), Phước Long(10).
Đệ tử xuất gia ni quy y và nương tựa ngũ giới với hòa thượng: Ni trưởng Thích Nữ Chơn Thông(11) trú trì chùa Diệu Viên, Chơn Nguyên trú trì chùa Phò Quang, ni trưởng Thích Nữ Chơn Hiền trú trì chùa Diệu Hỷ, ni trưởng Thích Nữ Chơn Hào(12) chùa Diệu Viên, ni trưởng Thích Nữ Chơn Viên trú trì chùa Hoa Nghiêm, ni trưởng Chơn Tịnh chùa Diệu Viên, ni trưởng Thích Nữ Chơn DIệu trú trì chùa Đàm Hoa, ni trưởng Chơn Định trú trì chùa Liên Hương, ni trưởng Thích Nữ Minh Tánh(13) trú trì chùa Long Thọ, ni trưởng Thích Nữ Huyền Thâm chùa Hồng Ân, ni sư Thích Nữ Như Trang trú trì chùa Đại Bi Sài Gòn,ni sư Thích Nữ Như Hải chùa Tây Linh, ni sư Thích Nữ Diệu Thuận chùa Diệu Nghiêm, Ni Sư Thích Nữ Bích Châu chùa Diệu Đức, ni sư Thích Nữ Diệu Thoại, ni sư Thích Nữ Minh Pháp trú trì chùa Hương Lưu, ni sư Thích Nữ Diệu Lý, ni sư Thích Nữ Diệu Trang chùa Liên Hương, sư cô Thích Nữ Chơn Huy…
Đệ tử tại gia quy y với hòa thượng qua các thế hệ trên 4000 người khắp các vùng thuộc tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị, tiêu biểu như: Thế hẹ đầu cư sỹ Phan Ngọc Hoàng, cư sỹ Võ Như Nguyện,…; sau này: cư sỹ Nguyễn Tường Bách, cư sỹ Trần Kiêm Đoàn, cư sỹ Hoàng Hữu Tuệ,…
Tiết xuân năm Bính Thìn (1976) sau khi tham dự buổi húy kỵ tổ sư khai sơn chùa Báo Quốc về, hòa thượng lâm bệnh nhẹ và đã xã báo vào buổi sáng ngày 14 tháng giêng, thọ 82 tuổi đời và 53 hạ lạp. Hòa thượng thuộc đời thứ 43 dòng thiền Lâm tế, đời thứ 9 Pháp phái Liễu Quán Nam Hà.
Mặc dù hòa thượng đã mãi mãi chia xa trong cuộc tương phùng với hậu thế chúng ta, nhưng những âm vang chất giọng oai hùng của bài kệ trống tại chùa Báo Quốc năm 1962 và những băng ghi âm chẩn tế, cộng với những vần thơ mộc mạc đầy tính thời cuộc, hài hước của hòa thượng được hậu bối sưu tầm vẫn còn vang vọng đến hôm nay.
Thơ ca của hòa thượng số lượng tuy khiêm tốn nhưng đề tài thể hiện khá phong phú. Về thể loại, với thế hệ hòa thượng, chúng ta bắt gặp là thể thơ Đường luật truyền thống “thất ngôn tứ tuyệt” hay “thất ngon bát cú” Nhưng đối với hòa thượng lại ngoại lệ có thêm thể tự do như bài “Mừng các tướng lãnh Cách mạng thành công” được làm dựa theo sách “Tam thiên tự”.
Thích Thiện Quang
Chú thích:
(1) Đã hoàn tục
(2) Viên tịch vì bệnh sau khi thọ sa di, chú ruột hòa thượng Phước Thành, người làng Triều Sơn Tây.
(3) Đã hoàn tục Trần Thanh Tú làng La Khê.
(4) Đã hoàn tục Lê Thiện Mãn làng An Lưu.
(5) Đã hoàn tục Thới làng La Chữ.
(6) Đã hoàn tục Nguyễn Hữu Đức (Hung Nhơn, Hải Hòa, Quảng Trị)
(7) Đã hoàn tục Lê Hiền làng Triều Sơn Tây.
(8) Đã hoàn tục Xuyên.
(9) Đã hoàn tục Nguyễn Hữu Đông.
(10) Đã hoàn tục Nguyễn Hiến làng Triều Sơn Tây.
(11) Trú trì chùa Diệu Viên, đã thuận tịch.
(12) Đã thuận tịch.
(13) Đã thuận tịch.