I:
Ngôn ngữ đơn âm và đa âm
Khó khăn lớn nhất đối với tôi khi dịch Waka (hoà ca) và Haiku (bài cú) sang tiếng Việt là phần âm tiết. Vì tiếng Nhật là ngôn ngữ đa âm, còn tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm (đôi khi một chữ trong tiếng Nhật có thể làm thành một câu với năm âm tiết, như chữ hototogisu – chim cuốc), cho nên việc dịch cho đầy đủ âm tiết của hai thể thơ này sang tiếng Việt là điều bất khả. Tuy thế, nếu dịch hai thể thơ này sang thể tự do, hoặc lục bát (cho Haiku) và thất ngôn tứ tuyệt hoặc ngũ ngôn (cho Waka) thì sẽ đánh mất tinh thần của hai thể thơ này. Từ đó trong tôi dấy lên ý nghĩ thiết lập những luật lệ và quy tắc riêng trong tiếng Việt cho hai thể thơ này. Bắt đầu từ 3000 bản dịch Waka và Haiku của tôi đã thực hiện trong thời gian qua, đặc biệt là các bản dịch Waka; chúng luôn được dịch trên một khung chữ và niêm luật nhất định, với số lượng chữ và cách gieo vần trước sau như một, đôi khi còn khó hơn cả nguyên tác.
II:
Thể thơ Ngũ ngôn ngũ cú (hoà ca) và Ngũ ngôn tam cú (haiku)
Nếu có thời gian sau này tôi sẽ viết một cuốn sách nho nhỏ bàn về các bước dịch và sáng tác 2 thể thơ Haiku và Waka trong tiếng Việt, về sự khác nhau của 2 thể thơ này giữa hai ngôn ngữ Nhật (đa âm tiết) và Việt (đơn âm tiết), về sự hình thành của 2 thể thơ này và mối liên hệ của chúng với thể thơ Renga (các bài Renga bắt đầu bằng 3 câu với 17 âm tiết, ngắt thành 5-7-5, tiền thân của thơ Haiku), và lý do tại sao tôi lại chọn thể thơ Đường luật Ngũ ngôn bát cú, lấy 5 câu cuối làm thành thể thơ Waka – Ngũ ngôn ngũ cú, với 25 âm tiết, gieo vần trắc ở các câu 2-4 và vần bằng ở các câu 1-3-5, và lấy 3 câu cuối làm thành thể thơ Haiku – Ngũ ngôn tam cú, với 15 âm tiết, gieo vần bằng ở câu 1 và 3.
Trăng về chốn xa xôi
mang theo lời nguyện ước
nhưng còn đám mây trôi
sao tôi không nhớ được
để nhắn tin đến người?
Waka của Murasaki Shikibu, bản dịch Việt ngữ của Pháp Hoan theo thể thơ Ngũ Ngôn Ngũ Cú.
Đầu năm tuyết trắng tinh
nhưng chỉ vừa đủ để
hoa thuỷ tiên cúi mình!
Haiku của Matsuo Basho, bản dịch Việt ngữ của Pháp Hoan theo thể thơ Ngũ Ngôn Tam Cú.
III:
3 cách gieo vần trong thể thơ Haiku Việt ngữ
Thơ haiku Nhật ngữ không hề có vần, nhưng đối với tôi, một bài haiku hay trong tiếng Việt là một bài haiku có vần tròn trịa. Hôm nay, tôi sẽ nói về ba cách tôi dùng để gieo vần bằng (hôm khác sẽ nói về cách gieo vần trắc và số lượng chữ trong thơ haiku Việt ngữ) cho một bài haiku tôi viết hoặc dịch. Cách thứ nhất là gieo vần vào cuối câu (vần chân hay cước vận), cách gieo vần này dễ và được tôi dùng nhiều. Cách thứ hai là gieo vần vào giữa câu (vần lưng hay yêu vận), cách này khó hơn nên ít được sử dụng hơn. Và cách thư ba là gieo cả vần chân và vần lưng vào một bài haiku. Cách này khó nhất. Tôi dẫn ra đây đôi bài haiku để mọi người dễ hình dung:
Tiếng sóng biển vọng vang
dẫu đi xa, tôi vẫn
ở trong cánh đồng vàng.
(Natsume Sōseki)
Trong mưa gió bão bùng
trên anh đào, đổ xuống
tiếng gióng chuông đại hùng.
(Kobayashi Issa)
Đây là 2 bài haiku có vần chân, với vần ”ang” và vần ”ung” nằm ở chữ cuối cùng ở câu 1 và câu 3.
Trong tiếng hát sơn ca
ta có thể nghe ra
tiếng khóc con chim trĩ.
(Matsuo Basho)
Chạm cánh hoa thôi
đủ khiến tim tôi
thổn thức.
(Kobayashi Issa)
Đây cũng là 2 bài haiku có vần chân, nhưng vần được gieo vào cuối câu 1 và câu 2 thay vì cuối câu 1 và câu 3 như thường lệ.
Ni sư vào làng
một con bướm trắng
đậu tràng áo nâu.
(Pháp Hoan)
Chèo thuyền qua màn sương
trước mặt ta rộng mở
cả đại dương muôn trùng.
(Masaoka Shiki)
Còn đây là 2 bài haiku có vần lưng, với vần “ang” và vần ”ung” nằm ở cuối câu 1 và giữa câu 3 (nên nhớ là vần trong câu 3 phải luôn được gieo và chữ thứ 3 tính từ phái qua trái, không phân biệt số lượng chữ trong câu), và chữ thứ 1 và thứ 3 (tính từ phải qua trái) trong câu cuối phải luôn có một chữ dấu huyền, và chữ còn lại không dấu.
Cuối cùng là cách gieo vần hiệp cả vần lưng và vần chân vào một bài.
Mỗi lần cơn gió lay
bướm kia tìm chỗ mới
trên thân cây liễu gầy.
(Matsuo Basho)
Bài haiku trên có vần ‘’ay’’xuất hiện lần lượt ở cuối câu 1, cuối câu 3 và chữ thứ 3 từ phải qua của câu 3, và chữ thứ 1 và thứ 3 (tính từ phải qua) ở câu thứ 3 có một chữ dấu huyền và một chữ không dấu).
Ngoài ra còn có một cách nữa là không gieo vần gì cả (haiku tự do).
IV:
Biến tấu trong việc dịch 2 thể thơ Waka và Haiku
Dịch thơ đôi khi cũng cần ”biến tấu”, như bài waka này của Lương Khoan Đại Ngu, từ một bài 5 câu 31 âm tiết trong tiếng Nhật thành một bài 3 câu 18 âm tiết trong tiếng Anh qua bản dịch của John Steven:
‘’The hour grows late, but the sound of hail
striking the bamboo
keeps me from sleep.’’
‘’Đêm đã muộn, nhưng tiếng cơn mưa đá
đánh vào thân cây tre
khiến cho tôi không thể nào chợp mắt.’’
Tôi dịch ra tiếng Việt như vầy:
”Bây giờ đã canh ba
và tiếng cơn mưa đá
đánh vào cội tre già
trên giường tôi nằm thức
lắng nghe đời đi qua.”
Hay bài haiku này của Cao Bang Hư Tử, bản dịch tiếng Anh như vầy:
”In my hand, caught a petal fallen from a cherry tree
opening the fist
i find nothing there.”
”Tay tôi bắt lấy cánh hoa đang rơi xuống từ cây anh đào
khi mở nắm tay ra
tôi không thấy gì cả.”
Tôi dịch thành như vầy:
Bắt cánh đào hồng
mở ra chỉ thấy
một màu hư không.
Tôi khá tự tại và mạnh tay với chuyện này. Đích đến là làm sao các bản dịch thơ nhất có thể.
Pháp Hoan