Tóm tắt: Tăng đoàn thời Đức Phật còn tại thế không những có hai giai cấp quyền quý tại Ấn Độ là Bà La Môn như: Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Đại Ca Diếp,… và Sát đế lợi như: Đề Bà Đạt Đa, A Nan, Ma Ha Ba Xà Ba Đề, Da Du Đà La,… mà còn có giai cấp thấp nhất Thủ Đà La như: thợ hớt tóc Ưu Bà Ly, chàng sát nhân Angulimala,…; không chỉ có chư Tăng như: Tu Bồ Đề, Phú Lâu Na, Châu Lợi Bàn Đặc,… mà còn có chư Ni như Ma Ha Ba Xà Ba Đề, Khema, Patacara, Soma,…; không những có vị lớn tuổi như Đại Ca Diếp, Tu Bạt Đà La,… mà còn có một số vị thiếu niên như: La Hầu La, Quân Đề,… Đức Phật đã hoá độ La Hầu La rời bỏ hoàng cung, xuất gia thành vị Sa di đầu tiên trong Tăng đoàn, từng bước gột rửa những điều bất thiện mà tu tập trở thành vị A La Hán Mật hạnh đệ nhất. Tôn giả La Hầu La là một tấm gương sáng cho các thế hệ thiếu niên Phật giáo nói riêng và mọi người trong xã hội nói chung noi theo tu học.
Từ khoá: Giáo dục thiếu niên, La Hầu La, Mật hạnh đệ nhất.
1.LA HẦU LA – SA DI ĐẦU TIÊN TRONG TĂNG ĐOÀN CỦA ĐỨC PHẬT
La Hầu La (S. Rāhula, C. 羅睺羅) là con trai của Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhattha) và Công chúa Da Du Đà La (Yashodara). Theo Từ điển Phật học Huệ Quang cho rằng: “Khi sinh Ngài nhằm lúc La Hầu La A Tu La vương dùng tay che mặt trăng nên có tên Chướng Nguyệt; hơn nữa ở trong thai mẹ 6 năm nên Ngài còn có tên Phú Chướng” [1]. Ngoài ra, Ngài còn được gọi là La Hộ La, La Hổ La, Chấp Nhựt, Hạt La Hổ La,… [2]. Ngài là cháu nội duy nhất của vua Tịnh Phạn (Suddhōdana) và Hoàng hậu Ma Da (Mahāmāyā). Khi La Hầu La sinh ra được 07 ngày thì thân phụ Tất Đạt Đa đã vượt thành xuất gia (sau này chứng quả là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni) nên Ngài lớn lên trong sự giáo dưỡng và thương yêu của ông nội Tịnh Phạn, bà nội Ma Ha Ba Xà Ba Đề [3] và mẫu thân Da Du Đà La; mà không biết mặt phụ thân của Ngài.
Đức Phật và Tăng đoàn về thăm quê hương xứ sở tức thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavasthu). Người mẹ Da Du Đà La đã dạy cho Ngài rằng: “Này Rāhula con yêu, Đức Phật cao thượng đang ngự kia, chính là phụ vương của con. Con hãy đến xin thừa hưởng bốn kho báu đã biến mất từ khi phụ vương của con xuất gia” [4]. Lần đầu tiên hội ngộ với phụ thân, cậu bé ngây thơ mới bảy tuổi như La Hầu La trong lòng băn khoăn: “Bấy giờ chẳng biết phải gọi phụ thân của mình như thế nào? Xưng hô là cha cha ư? Đấy là một bậc Thánh trang nghiêm, tự miệng cậu chẳng dám gọi như thế. Xưng hô là Phật Đà, chẳng biết trúng hay không?” [5]. La Hầu La cảm nhận được bóng mát tình thương vô thượng của phụ thân, lòng ngập tràn niềm vui mà quên mất lời mẫu thân Da Du Đà La căn dặn hỏi xin gia tài và tự nguyện theo Đức Phật.
Mãi đến sau khi thọ trai xong, La Hầu La đem việc mẫu thân dặn mà bạch Đức Phật: “Bạch Ngài Đại Sa môn, con là trưởng tử của Ngài. Sau khi kế vị ngai vàng, con sẽ là một Chuyển Luân Thánh Vương giàu sang bốn biển, nên con cần phải có những kho sản quý giá, vì lẽ phụ nghiệp thì tử năng thừa, xin Ngài ân tứ cho con những hầm châu báu của Ngài” [6]. Đức Phật nghĩ rằng tài sản thế gian mong manh tạm bợ, nên đã quyết định trao Thất Thánh tài – bảy tài sản của bậc Thánh (tín tài, giới tài, tàm tài, quý tài, văn tài, thí tài và tuệ tài) cho La Hầu La. Bấy giờ, Đức Phật bảo Tôn giả Xá Lợi Phất (Sāriputta) hãy xuất gia cho La Hầu La làm Sa di và làm vị Bổn sư giáo dưỡng. Nhân đây, Đức Phật chỉ dạy cách thức tác pháp thế phát xuất gia cho Sa di: “Trước tiên hãy cho Rāhula xuống tóc, khoác y cà sa (kāsāva), thọ Tam quy, rồi thọ các giới căn bản để tập sự nếp sống xuất gia” [7]. Lễ xuất gia của La Hầu La được tổ chức trang nghiêm tại chùa Nigrodhā (gần kinh thành Ca Tỳ La Vệ) với sự chứng minh của Bổn sư tế độ Xá Lợi Phất, Yết ma A xà lê Mục Kiền Liên, Giáo thọ A xà lê Đại Ca Diếp.
Trước đó, vua Tịnh Phạn vô cùng đau buồn khi hai người thân mà ông thương yêu lần lượt xuất gia học đạo: Thứ nhất là Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia tu tập chứng quả vị Phật (hiệu là Thích Ca Mâu Ni), thứ hai là Nan Đà – người em trai khác mẹ của Thái tử Tất Đạt Đa. Nay hay tin cháu nội La Hầu La mà ông trông mong sau này kế vị ngai vàng cũng đi xuất gia, khiến lòng càng sầu muộn và thầm nghĩ rằng: “Như vậy là dòng hoàng đế của các vị Thích Ca đến đây đã chấm dứt. Sự vinh quang và vẻ uy nghi của vị Chuyển Luân Vương còn đâu nữa” [8]. Nhân đó, vua thưa với Đức Phật rằng: “Khi Đức Thế Tôn lìa bỏ thế gian ra đi, trẫm vô cùng đau xót. Rồi đến Nanda và nay lại có trường hợp Rāhula, tình thương của người cha mất con quả thật cũng dường như bị ai cắt da, xẻ thịt, cắt gân, cắt luôn cả xương, cả tuỷ. Xin Đức Thế Tôn chấp nhận lời thỉnh cầu này, sẽ không ban hành lễ xuất gia cho một người con nào mà chưa được cha mẹ cho phép” [9]. Đức Phật đồng ý với lời thỉnh cầu đó của vua cha Tịnh Phạn sau sự việc xuất gia cho Sa di La Hầu La và áp dụng cho Tăng đoàn kể từ đó về sau.
2. MỘT SỐ PHÁP HÀNH ĐƯỢC ĐỨC PHẬT DẠY CHO TÔN GIẢ LA HẦU LA
Thứ nhất là hạnh chân thật, qua bài Kinh Giáo Giới La Hầu La, Đức Phật muốn chỉ cho tất cả các vị Sa di nói riêng và hàng đệ tử xuất gia cũng như tại gia nói chung về việc nói dối mà không sanh lòng hổ thẹn và ăn năn giống như chậu nước dơ: “Cũng đổ đi vậy… cũng lật úp vậy… cũng trống không vậy, này Rāhula, là Sa môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tàm quý” [10]. Lời nói của người nói dối được Đức Phật ví là “lời nói như phân”, đồng thời cũng cảnh tỉnh rằng:
“Ai vi phạm một pháp
Ai nói lời vọng ngữ,
Ai bác bỏ đời sau,
Không ác nào không làm” [11].
Qua đó, Đức Phật khuyến tấn mọi hành giả cần phải có chánh niệm tỉnh giác và đầy đủ tàm quý thì sẽ chánh định, rõ biết như thật vạn pháp, thời nhàm chán và ly tham mọi cám dỗ cuộc đời, hướng tâm tu tập giải thoát tri kiến. Bằng tình thương của một vị giác ngộ, Đức Phật đã hình ảnh cụ thể trong thực tế để dạy cho chú Sa di La Hầu La tác hại của việc nói dối, từ đó nỗ lực thực hành hạnh chân thật trong nếp sống Tăng đoàn.
Thứ hai là hạnh phản tỉnh và sám hối, Đức Phật mượn hình ảnh chiếc gương để vấn đáp với La Hầu La:
“Này Rāhula, ông nghĩ thế nào? Mục đích của gương là gì?
Bạch Thế Tôn, mục đích là để phản tỉnh.
Cũng vậy, này Rāhula, sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành thân nghiệp. Sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành khẩu nghiệp. Sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành ý nghiệp” [12].
Để ba nghiệp thanh tịnh, Đức Phật nhắc nhở La Hầu La phải chánh niệm quán xét mọi vấn đề trước khi làm, trong khi đang làm và sau khi việc đã hoàn thành. Đối với việc bất thiện hại người, Đức Phật dạy: “Này Rāhula, ông phải thưa lên, cần phải tỏ lộ, cần phải trình bày trước các vị Đạo sư hay trước các vị đồng phạm hạnh có trí. Sau khi đã thưa lên, tỏ lộ, trình bày, cần phải phòng hộ trong tương lai” [13]. Việc quán xét hành động đưa đến sự tổn hại và khổ đau, qua đó hành giả dõng mãnh nói ra việc sai quấy của mình và phát lộ sám hối là điều cần làm của một đệ tử Phật dù xuất gia hay tại gia, dù Tỳ kheo (Tỳ kheo Ni) hay Sa di (Sa di Ni). Việc phản tỉnh và phát lộ sám hối giúp cho hành giả phát triển lòng chánh trực, tăng trưởng giới hạnh của mình.
Thứ ba là hạnh của tứ đại, tứ đại gồm có đất (địa đại), nước (thuỷ đại), gió (phong đại) và lửa (hoả đại). Nhằm huấn luyện và điều phục tâm, Đức Phật dạy La Hầu La về hạnh của đất: “Ví như trên đất người ta quăng đồ tịnh, quăng đồ không tịnh, quăng phân uế, quăng nước tiểu, nhổ nước miếng, quăng mủ và quăng máu; tuy vậy đất không lo âu, không dao động, hay không nhàm chán; cũng vậy, này Rāhula, hãy tu tập như đất. Này Rāhula, do tu tập sự tu tập như đất, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại” [14]. Bằng hạnh nhẫn nhục và bao dung, đất dung chứa tất cả; cũng vậy hàng đệ tử Phật luôn trau dồi hạnh nhẫn nhục, an nhiên điều phục trước mọi hoàn cảnh, kiên cố vững tâm trước những đổi thay của cuộc đời.
Về hạnh của nước, Đức Phật dạy cho La Hầu La tu tập gột rửa những phiền não, tâm được thanh tịnh sáng suốt và hoà hợp với mọi người, với vạn vật. Về hạnh của gió, trước những được-mất, thịnh-suy, thăng-trầm, khen-chê,… La Hầu La cần phải có nghị lực, vững tâm trước những phong ba của cuộc đời. Về hạnh của lửa, Đức Phật dạy: “Ví như lửa đốt các đồ tịnh, đốt các đồ không tịnh, đốt phân uế, đốt các nước tiểu, đốt nước miếng, đốt mủ, đốt máu; tuy vậy lửa không lo âu, không dao động, không nhàm chán; cũng vậy, này Rāhula hãy tu tập sự tu tập như lửa, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại” [15]. Một hành giả tu tập phải luôn nung nấu năng lượng thiêu đốt mọi thị phi, không còn muộn phiền ngoài thân và trong tâm, biết cảm hoá mọi người và hoá giải phiền não khuấy nhiễu tâm tu tập hàng ngày.
Ngoài ra, Đức Phật còn dạy cho Tôn giả La Hầu La về hạnh quán hơi thở, quán vô ngã, quán vô thường, hạnh quán tứ niệm xứ (quán thân, quán thọ, quán tâm, quán pháp), hạnh thực hành bốn tâm vô lượng. Trong Đại Kinh Giáo giới La Hầu La, hành giả thực hành quán hơi thở sẽ từng bước thanh lọc tâm nhiễm ô, vượt qua cũng như chấm dứt những đau buồn, bước vào lộ trình dòng Thánh, chứng ngộ giải thoát. Đối với quán vô ngã và vô thường cũng như tu tập bốn niệm xứ, Đức Phật muốn La Hầu La thực hành quán năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) để thấy được năm uẩn là vô thường, là biến hoại đổi thay nên “không phải là ta, không phải của ta và không phải là tự ngã của ta”. Về hạnh thực hành bốn tâm vô lượng, nhờ tâm từ diệt trừ sân hận, tâm bi diệt trừ hại mình và người, tâm hỷ diệt trừ sự đố kỵ và ích kỷ, tâm xả diệt trừ hận chất chứa trong tâm. Khi đó, tình thương như mặt trời chiếu khắp vạn vật, như trận mưa thấm ướt các cỏ cây, biết giúp đỡ khi họ khó khăn và tha thứ khi họ ăn năn và sửa đổi lỗi lầm.
3. ỨNG DỤNG THỰC TIỄN
Về phương diện giáo dục thứ lớp, Đức Phật mượn hình ảnh biển để khuyến tấn các vị xuất gia trẻ tuổi và mọi hành giả tu tập nói chung rằng: “Biển lớn tuần tự thuận xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm. Trong pháp và luật này, các học pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí thình lình” [16]. Đức Phật đã dạy về giới học khi La Hầu La mới 7 tuổi, dạy thiền định khi La Hầu La 10 tuổi và dạy tuệ tu tập khi Tôn giả 20 tuổi. Đối với những tập khí hay lậu hoặc, hành giả từng bước đoạn trừ dần dần theo đúng phương pháp và trải qua thời gian rất lâu. Chính vì thế việc đào tạo từng bước là cơ sở giúp cho hành giả từng bước thấm dần giáo pháp Thế Tôn.
Về tính thiết thực hiện tại, những điều mà Đức Thế Tôn dạy cho Sa di La Hầu La và Tăng chúng cũng như vị thầy giáo dạy cho học sinh tiểu học và các cấp khác cũng phải dùng những hình ảnh cụ thể, liên hệ giữa đời và đạo. Việc giáo dục phải mang đến đời sống hạnh phúc thiết thực cho giới trẻ thiếu niên. Một thầy giáo hay vị Đạo sư phải hướng dẫn các em trẻ chế ngự, điều phục tâm để phát triển thiện lành, tạo dựng niềm tin tự thân vững chãi, vượt qua những khó khăn, sống an vui hoà hợp từ trong gia đình, tập thể hay trong thiền môn cho đến xã hội Việt Nam và trên thế giới nói chung.
Về đạo đức tự thân, sức mạnh của người tu hành là “nhẫn nhục và im lặng”. Chính vì thế, một chú Sa di hay một học sinh tiểu học nói riêng cần phải nhẫn nại trong việc học, áp dụng điều đã học điều trong đối nhân xử thế cũng như trong sinh hoạt thiền môn. Tiếp theo là hạnh khiêm cung giúp trừ tâm cao ngạo, ngã mạn nhằm tránh sự thù hận của người khác. Vì thế, trong gia đình, học đường và chốn thiền môn, người có khiêm tốn sẽ không kiêu căng, biết lắng nghe người khác chỉ dạy và quý trọng mọi người. Thứ ba là luôn làm chủ bản thân, phản tỉnh trước những hành động của ba nghiệp, đặc biệt là tàm quý mà cải sửa lỗi lầm. Thứ tư là thân cận bậc hiền trí, bạn tốt, người đó sẽ không giao du với thầy tà, bạn xấu, kẻ biếng nhác… nhằm tạo một môi trường tốt, tăng trưởng thiện lành. Thứ năm là nỗ lực tự thân, thiếu niên Phật giáo nói riêng và xã hội nói chung phải tránh xa mọi cám dỗ như ma túy, mại dâm, đua xe, làm các việc phi pháp và phải sống đạo đức lành mạnh.
Tóm lại, sự nghiệp giáo dục Phật giáo nói riêng và giáo dục tiểu học nói chung cần phải được quan tâm, phát triển tầm nhìn giáo dục thiết thực và mang tính toàn diện. Những lời dạy của Đức Phật và chư vị Tổ sư truyền trao là những tinh hoa đạo đức góp phần rèn luyện giới trẻ trở thành người hữu ích cho Phật giáo, cho cộng đồng và cho đất nước trong bối cảnh hiện nay và cho mai sau. Tâm hạnh của vị Tôn giả Mật hạnh đệ nhất nhắc nhở Tăng Ni trẻ sống chánh niệm tỉnh giác, thúc liễm thân tâm, ít muốn và biết đủ, và thực hành một cách khéo léo việc tu học để lợi mình và lợi người. Những pháp hành mà Đức Phật dạy cho Tôn giả Mật hạnh đệ nhất La Hầu La là bài học quý giá cho thế hệ Tăng Ni trẻ, cư sĩ trẻ nói riêng và giới trẻ nói chung từ ngàn xưa đến nay.
SC. Thích Nữ Thắng Tâm
Nguồn: Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo
Chú thích:
[1] Thích Minh Cảnh (chủ biên, 2016), Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 3, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr.2350.
[2] Thích Minh Cảnh (chủ biên, 2016), Sđd, tr.2350.
[3] Hoàng hậu Ma Da sau khi sinh ra thái tử Tất Đạt Đa thì bảy ngày sau mất và tái sinh về cõi trời. Sau đó, vua Tịnh Phạn đã kết hôn cùng Ma Ha Ba Xà Ba Đề (em gái của hoàng hậu Ma Da) để bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề nuôi dưỡng thái tử Tất Đạt Đa.
[4] Hộ Pháp (2002), Gương bậc xuất gia, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.140.
[5] Thích Nữ Như Đức (2019), “Sự ra đời của La Hầu La – Người con duy nhất của Đức Phật khi chưa xuất gia, Phật giáo, đăng ngày 08/04/2019, truy cập ngày 14/09/2023. Nguồn: https://phatgiao.org.vn/su-ra-doi-cua-la-hau-la–nguoi-con-duy-nhat-cua-duc-phat-khi-chua-xuat-gia-d34527.html
[6] Indacanda (dịch, 2017), Tạng luật: Đại phẩm, tập 1, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.160.
[7] Indacanda (dịch, 2017), Sđd, tr.161.
[8] Mingun Sayadaw – Minh Huệ (dịch, 2019), Đại Phật sử, tập 3, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.90.
[9] Narada Thera – Phạm Kim Khánh (dịch, 2019), Đức Phật và Phật pháp, Nxb. Tổng hợp TP. HCM, tr.82.
[10] ĐTKVN – Thích Minh Châu (dịch, 2017), Kinh Trung Bộ, tập 1, Kinh Giáo giới La Hầu La ở rừng Am Bà La, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.507-508.
[11] ĐTKVN – Thích Minh Châu (dịch, 2018), Kinh Tiểu Bộ, tập 1, Kinh Pháp cú, số 176, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.67.
[12] Kinh Giáo giới La Hầu La ở rừng Am Bà La, Kinh đã dẫn, tr.508.
[13] Kinh Giáo giới La Hầu La ở rừng Am Bà La, Kinh đã dẫn, tr.510.
[14], [15] Kinh Giáo giới La Hầu La ở rừng Am Bà La, Kinh đã dẫn, tr.518.
[16] ĐTKVN – Thích Minh Châu (dịch, 2018), Kinh Tăng Chi Bộ, tập 2, Chương Tám pháp, Đại phẩm, Kinh A tu la Pahārāda, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.326-327.