Hay tin Ôn bệnh đã lâu, đêm qua bất chợt tôi lại thao thức đến gần 2h sáng. Những niệm cảm xúc trượt qua tâm tư cứ ghim chặt tại chỗ không muốn rời đi, nhói lòng. Chúng ta đều sở hữu thân phàm, không ai có thể tránh khỏi lực hút của vòng xoáy sinh, lão, bệnh, tử. Vòng xoáy ấy đã nuốt chửng cha tôi nhiều năm trước, di chứng còn sót lại đôi lúc vẫn vẹn nguyên như mới hôm qua. Dù đã quen với cảnh “sinh ly tử biệt”, tôi vẫn không tránh được sự ngậm ngùi của cảm xúc phàm trần khi biết bệnh tình Ôn nay đã trở nặng.
Một thiên tài Phật học, một bậc đại trí với tài năng không thể diễn đạt toàn vẹn qua câu chữ trên giấy trắng mực đen. Thông qua sư phụ, tôi mới biết đến Ôn. Tác phẩm đầu tiên tôi đọc, không phải là những quyển sách đã được xuất bản và lưu hành, mà lại là bản thảo “Căn bản thuyết nhất thuyết Hữu bộ” do chính tay Ôn đánh máy trên văn bản Word, vẫn còn nguyên đó vài lỗi chính tả chưa qua chỉnh sửa. Phần lời tựa, Ôn viết lịch sử truyền thừa của phái Hữu Bộ quá hay, quá phong phú về kiến thức. Hơn nữa, Ôn trích đoạn khá nhiều những nghiên cứu trong “Văn hiến Phật giáo và Luật tạng bộ phái” của Frauwallner, mà khi ấy tôi đang phụ dịch bản tiếng Anh với sư phụ. Sự kết nối giữa hai tác phẩm khiến tôi càng thấy lời tựa Ôn viết rất cuốn hút. Đến nỗi, dù bận rộn vì đang học năm cuối Tiến sĩ, tôi vẫn dành thời gian mỗi đêm hơn một tiếng để đọc và nghiền ngẫm thấu đáo. Tôi dần đam mê kiến thức Phật học từ đó. Nhờ Ôn tôi mới biết, Phật học không chỉ đơn thuần là câu Kinh tiếng kệ, mà là một bộ môn nghiên cứu Hàn Lâm đã phát triển hàng chục thế kỷ rồi.
Trí tuệ vượt bậc của một con người sẽ khiến họ trở nên bất tử. Xác phàm có thể hư hoại, nhưng những tác phẩm vĩ đại Ôn để lại cho đời sẽ còn tiếp tục được lưu truyền hàng ngàn năm sau nữa. Cách đây vài năm, khi quyển “Yết ma yếu chỉ” sắp tái bản, vì đam mê mảng Luật học nên tôi có xin phép sư phụ cho tham gia sửa lỗi chính tả. Tôi đọc kỹ quyển sách từng chi tiết, với mong muốn có cơ hội về Việt Nam học hỏi thêm kiến thức Phật học với Ôn. Bây giờ, dù mong ước ấy không thực hiện được nữa, tôi vẫn nguyện một lòng tận tụy Hộ pháp và phụ giúp hoàn thành bản dịch Việt của Thanh Văn Tạng. Đó là tâm nguyện dang dở cuối cùng Ôn gửi gắm lại cho hậu thế.
Trải nghiệm thăng trầm hơn nửa đời người, tôi hiểu có những nỗi buồn, có những chênh vênh sẽ trở thành nội lực không tưởng, như sự phát nguyện của chư tổ, Bồ tát: “Hư không hữu tận, ngã nguyện vô cùng“. Dù Duy-ma-cật là huyền thoại, hay Thắng Man không chắc là tín sử, nhưng vẫn là những tấm gương sáng cho hàng cư sĩ tại gia dõng mãnh, tinh tấn tu học và hộ trì cho đạo.
Thiên Yết