Bầu không khí chính trị trên thế giới hiện nay đang nóng bỏng vì khuynh hướng độc tài, cực đoan, chia rẽ, hận thù và cuồng vọng không thua kém gì bầu khí quyển của địa cầu đang nóng dần lên do khí thải nhà kính gây ra.

Cả hai đều do con người tạo ra và đều là thảm họa cho nhân loại! Nhưng thảm họa này không phải là điều không thể giải quyết được, bởi lẽ những gì do con người gây ra cũng đều có thể do con người ngăn chận và hóa giải được. Cụ thể là hàng chục năm qua, Liên Hiệp Quốc đã nỗ lực kêu gọi, bằng các nghị quyết, các quốc gia cố gắng thực hiện các biện pháp giảm khí thải nhà kính, với các chính sách cắt giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, gia tăng sản lượng xe chạy bằng điện năng, v.v… Dù kết quả chưa đạt được mức yêu cầu, nhưng cũng đã gây được ý thức và thể hiện quyết tâm của cộng đồng thế giới trong việc giải quyết thảm họa của khí thải nhà kính.

Trong lãnh vực chính trị thì phức tạp hơn nhiều, bởi vì khuynh hướng độc tài, cực đoan, hận thù và cuồng vọng bắt nguồn từ tâm thức của con người, hay nói theo nhà Phật, chúng là những phiền não câu sinh, tức là chúng nằm ngay trong tâm, trong bản chất của con người, nên chúng sinh ra cùng lúc với con người có mặt trên trần gian này. Vì vậy, muốn diệt trừ chúng thì phải chuyển hóa tâm thức một cách tận gốc rễ. Nhưng muốn con người từ bỏ tham, sân, si thì không dễ dàng chút nào cả!

Đức Phật là bậc Thầy dẫn đầu trong việc dạy phương pháp diệt trừ tham, sân, si để giải thoát khổ đau. Lúc sinh tiền, Đức Phật cũng có nhiều vị đệ tử tại gia là những vị vua trị vì các quốc gia ở tiểu lục địa Ấn Độ như Vua Tần-bà-sa-la (Bimbisāra) của nước Ma-kiệt-đà (Magadha), Vua Ba-tư-nặc (Pasenadi) của nước Kiều-tát-la (Kosala), và Vua A-xà-thế (Ajātaśatru), con của Vua Tần-bà-sa-la, của nước Ma-kiệt-đà. Những vị vua này đến với Đức Phật, ngoài việc tìm cầu phương pháp tu tập để diệt khổ, còn để lắng nghe Ngài dạy về pháp trị quốc an dân.

Vậy Đức Phật nói gì về chính trị và pháp trị quốc?

Đức Phật nói gì về chính trị?

Hơn ai hết, Đức Phật là nhà cách mạng xã hội triệt để, nếu có thể gọi như vậy, khi Ngài phá bỏ truyền thống kỳ thị giai cấp khắc nghiệt của xã hội Ấn Độ vốn chia làm 4 giai cấp từ cao xuống thấp như sau: Một, giai cấp Tăng Lữ Bà-la-môn (Brahmin) nắm quyền tối cao về tâm linh và tế tự, lấy Kinh Vệ-đà làm Thánh thư mặc khải; hai, giai cấp chính trị Sát-đế-lợi (Kshastriya) nắm quyền điều hành đất nước; ba, giai cấp kinh doanh lao động Phệ-xá (Vaisya) nắm quyền kinh tế trong tay; và thấp nhất là giai cấp Thủ-đà-la (Sudra) không có quyền hành gì trong xã hội và được đối xử như những người nô lệ. Trong Tăng đoàn của Đức Phật bao gồm đầy đủ tất cả mọi người từ 4 giai cấp trên và sống bình đẳng trong Chánh pháp. Cuộc cách mạng xã hội này của Đức Phật đã ảnh hưởng sâu rộng môi trường chính trị tại Ấn Độ vào thời đại của Ngài. Đó là thông điệp rất sớm trong lịch sử nhân loại về sự tôn trọng phẩm giá của con người, mà ngày nay chúng ta gọi là tôn trọng nhân quyền.

Trong Kinh Tạp A-hàm[1] kể rằng, một hôm Vua Ba-tư-nặc đến thăm Đức Phật với quần áo đầy bụi bặm và thân thể mệt mỏi, căng thẳng. Được Đức Phật hỏi vì sao thì ông trả lời là việc triều chính quá bận rộn và cực nhọc. Nhân đó, Đức Phật nêu ra một sự kiện rất nguy cấp để hỏi Vua Ba-tư-nặc với tư cách là một ông vua quán đảnh, tương đương với Chuyển Luân Vương, làm sao giải quyết. Sự kiện mà Đức Phật nêu ra là như thế này: Ở cả bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc cùng một lúc đều có bốn ngọn núi đá lớn đến nỗi trên đụng trời, dưới giáp mặt đất đang đi tới và bất cứ nơi nào bốn ngọn núi này đi qua đều dẫm nát cỏ cây và giết hết mọi sinh vật!

Khi được Đức Phật hỏi như vậy, Vua Ba-tư-nặc đáp rằng không có ai và không có cách nào để thoát khỏi đại nạn ấy ngoại trừ tin vào Phật Pháp và tu tập các thiện pháp.

Rồi thì Đức Phật đã nói với Vua Ba-tư-nặc về sự tối quan trọng để tin vào Phật Pháp và tu tập các thiện pháp để giải thoát khỏi sanh, già, bệnh và chết, mà được ví như bốn ngọn núi ở trên.

Đức Phật nói: “Đúng vậy Đại vương! Đúng vậy Đại vương! Hòn núi của sự già nua có thể hủy hoại sắc đẹp tròn đầy của tuổi tráng niên. Hòn núi bệnh tật có thể hủy hoại tất cả sự khỏe mạnh tráng kiện. Hòn núi chết chóc có thể hủy hoại tất cả thọ mạng. Hòn núi suy hao có thể hủy hoại tất cả sự vinh hoa phú qúy, vợ con chết mất, quyến thuộc phân ly, tiền tài mất mát. Đại vương! Có bốn hòn núi từ bốn phương như vậy nghiền nát thế gian, đuổi theo con người. Thật đúng như lời Bệ hạ nói, chỉ có tu hành Chánh pháp, ngoài Phật pháp ra không còn cách nào khác.”

Quyền lực của một ông vua quán đảnh nắm trong tay sinh mệnh của hàng triệu thần dân trên lãnh thổ rộng lớn bao la cũng không thể chế phục và thoát khỏi cái khổ của sanh, già, bệnh và chết! Chỉ có con đường tu tập Phật Pháp thì mới thoát khổ hoàn toàn.

Đó là lý do tại sao Thái Tử Tất-đạt-đa (Siddhartha) đã không kế vị vương triều Shakya của Vua Tịnh Phạn để trị vì giang sơn và an bang tế thế, mà đã từ bỏ tất cả vinh hoa phú quý của thế gian để xuất gia tầm đạo giải thoát trong rừng già Hy-mã-lạp Sơn. Vì vậy, sau khi chứng đắc đạo quả giác ngộ và giải thoát hoàn toàn dưới cội Bồ-đề, Đức Phật đã đi khắp vùng châu thổ Sông Hằng để thuyết pháp độ sinh trong 45 năm cho đến ngày Ngài nhập Niết-bàn lúc 80 tuổi. Toàn bộ Giáo Pháp của Đức Phật tập trung vào phương pháp tu tập để khai mở tuệ giác viên mãn và giải thoát rốt ráo mọi khổ đau. Giáo Pháp ấy không là lý thuyết suông mà là thực tiễn, là hiệu quả tức thì ngay trong hiện tại, ngay trong đời này nếu tinh tấn tu tập như lời Đức Phật dạy.

Vì vậy Đức Phật khuyên chư đệ tử xuất gia của Ngài là đừng mất thì giờ bàn luận về quốc sự. Trong Kinh Tăng Nhất A-hàm, bản dịch Việt của Thích Đức Thắng do Thích Tuệ Sỹ hiệu đính và chú thích,[2] Đức Phật dạy các Thầy Tỳ-kheo:

“Cho nên, Tỳ kheo, chớ móng tâm luận bàn quốc sự. Vì không do sự luận bàn này mà có thể đạt đến Niết-bàn diệt tận; cũng không phải là pháp chánh hành của sa-môn. Nếu bàn luận những sự việc ấy, đó không phải là chánh nghiệp. Các ngươi nên học mười đề tài bàn luận. Những gì là mười? Tỳ kheo tinh cần, thiểu dục, tri túc, có tâm dũng mãnh, đa văn mà có thể nói pháp cho người, không sợ hãi, giới luật đầy đủ, tam muội thành tựu, trí tuệ thành tựu, giải thoát thành tựu, giải thoát tri kiến thành tựu. Nếu muốn luận bàn, các người hãy luận mười đề tài này. Vì sao? Chúng thấm nhuần tất cả, mang lại nhiều lợi ích, khiến có thể tu phạm hạnh, đạt đến chỗ vô vi diệt tận, là thiết yếu của Niết-bàn.”

Nhà chính trị nếu biết đem Chánh pháp để trị quốc thì có thể mang lại sự thịnh vượng cho quốc gia và hạnh phúc cho dân chúng, nhưng không thể nào nhổ sạch tận gốc rễ khổ đau cho mọi người để đạt đến sự an lạc viên mãn. Gốc rễ của khổ đau là vô minh và các phiền não tham, sân, si vốn nằm trong tâm thức chúng sinh. Cho nên, muốn nhổ sạch cội rễ khổ đau thì phải tu tập giới, định và tuệ. Cũng trong Kinh Tăng Nhất A-hàm, Đức Phật dạy Vua Ba-tư-nặc cai trị đúng pháp.

“Đại vương, cai trị đúng pháp thì tự cứu giúp được tự thân, cha mẹ, vợ con, nô tỳ, thân tộc, chăm lo quốc sự. Cho nên, Đại vương, hãy cai trị đúng pháp, chớ đừng phi pháp. Mạng người rất ngắn; sống trên đời chỉ trong thoáng chốc mà thôi. Sanh tử lâu dài, nhiều điều đáng sợ. Khi cái chết đến, bấy giờ mới kêu khóc; gân cốt lìa tan, thân thể đông cứng; bấy giờ không ai có thể cứu được; không phải có cha mẹ, vợ con, nô tỳ, thuộc hạ, quốc thổ nhân dân, mà có thể cứu được. Gặp tai họa này, ai có thể chịu thay cho? Duy chỉ có sự bố thí, trì giới, nói năng thường từ hòa không làm thương tổn ý người, tạo các công đức, hành các gốc rễ thiện.”

Chánh Pháp được nói ở đây, theo Giáo Sư Khoa Học Chính Trị tại Đại Học Georgia State University William J. Long, trong bài viết “Buddha on Politics, Economics, and Statecraft” [Đức Phật Đối Với Chính Trị, Kinh Tế, và Nghệ Thuật Lãnh Đạo Đất Nước],[3] là Giáo pháp của Đức Phật mà tiêu biểu là giáo lý duyên khởi, rằng tất cả các pháp đều do duyên mà sinh, không một pháp nào tự sinh hay không nhờ vào các duyên khác để hiện hữu. Tất cả mọi duyên đều bình đẳng và đều cần thiết như nhau. Từ giáo lý duyên khởi này, các nhà lãnh đạo quốc gia có thể ứng dụng vào phương thức trị quốc bằng chính sách bình đẳng và tôn trọng phẩm giá của mỗi cá nhân trong quốc độ của mình. Do đó, chế độ chính trị không nên sử dụng bạo lực để đối phó với người dân mà phải đối xử công bằng và tôn trọng phẩm giá làm người cho mọi công dân. Từ bi, bao dung và bất hại, hay bất bạo động là cách trị quốc phù hợp với Chánh Pháp.

Trong Kinh Tiểu Duyên (Aggaññasutta) của Trường A-hàm (Dīrgha-āgama), theo bản dịch Việt của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Đức Phật khi nói về nguồn gốc thể chế chính trị xuất hiện đầu tiên trong thời buổi hoang sơ của lịch sử loài người đã đề cập đến chức vị lãnh đạo được dân chúng bầu lên để giải quyết các vấn đề tranh chấp trong cộng đồng được gọi là mahāsammato, là vua hay nhà lãnh đạo được dân chúng bầu lên. Đây có thể nói là cơ chế chính trị dân chủ đầu tiên trên thế gian này. Chế độ này đã được áp dụng phổ biến tại các vương quốc ở Ấn Độ trước và vào thời Phật, như tại nước Shakya, Koliyas, Moriyas, Mallakas, và Licchavikas, v.v…

Thể thức sinh hoạt dân chủ này cho đến nay vẫn còn tồn tại trong cộng đồng Tăng-già có từ thời Đức Phật, qua hình thức tác pháp Yết-ma (Karma) để lấy quyết định đồng thuận trong những công tác Phật sự lớn nhỏ trong Thiền môn như bố-tát, thọ giới, giải quyết tránh sự trong Tăng, v.v…

Đức Phật dạy pháp trị quốc

Như được nói ở trên, đối với hàng đệ tử xuất gia thì Đức Phật không cho bàn luận hay tham dự vào việc chính trị vì sẽ cản trở con đường tu tập để giải thoát khổ đau, nhưng đối với hàng Phật tử tại gia thì Đức Phật không ngăn cấm họ tham chính để góp phần xây dựng xã hội. Tuy nhiên, để hướng dẫn những đệ tử tại gia làm sao có thể trị quốc cho đúng Chánh pháp hầu mang lại lợi lạc cho mình và người, Đức Phật đã nhiều lần dạy pháp trị quốc.

Trong Kinh Bổn Sinh (Jataka), Đức Phật nói đến mười pháp mà một vị vua cần có để làm một minh quân trị quốc. Mười pháp này gọi là Thập Vương Pháp (Dasa Raja Dharma).[4] Mười vương pháp này như sau:

  • Dāna: Bố thí cho người nghèo. Đây là bổn phận của nhà vua biết chăm sóc phúc lợi cho người cần đến và bố thí cho họ thức ăn, quần áo và những thứ nhu yếu khác.
  • Sīla: Đạo đức. Nhà vua làm gương mẫu đạo đức cho người dân noi theo.
  • Pariccāga: Vị tha, không ích kỷ, rộng lượng. Nhà vua nên đặt quyền lợi của quốc gia dân tộc lên trên cá nhân, và ghi công và tưởng thưởng cho những người tận tâm phục vụ đất nước.
  • Ājjava: Chính trực. Nhà vua phải ngay thẳng và không bao giờ sử dụng thủ đoạn gian trá để đạt mục đích.
  • Maddava: Dịu dàng. Tính dịu dàng sẽ làm cho nhà vua quân bình lại với đức tính cứng rắn dễ gây bất hòa.
  • Tapa: Tự chế. Nhà vua phải biết tự kiềm chế giác quan của mình đừng để bị sa lầy trong dục lạc.
  • Akkodha: Không hận thù. Nhà vua phải thoát ra khỏi mọi thù hận.
  • Avihimsa: Bất hại, hay bất bạo động. Nhà vua không tham dự vào những vụ làm tổn thương hay giết chóc, mà phải luôn thực hành bất bạo động.
  • Khanti: Kham nhẫn. Nhà vua phải thực hành sự kham nhẫn, trầm tĩnh trong mọi trường hợp.
  • Avirodhana: Không chống đối. Nhà vua biết tôn trọng ý kiến của người khác, không có thành kiến, và tạo sự hòa thuận.

Xét về mặt giá trị thực dụng và hữu ích lớn lao, các nhà lãnh đạo quốc gia hiện nay có thể và nên áp dụng Mười vương pháp này trong pháp trị quốc của mình.  Chỉ riêng điểm thứ 10 về việc tôn trọng ý kiến của người khác thì đã thấy hàm tàng tinh thần dân chủ đúng nghĩa mà ngày nay nhân loại đang nỗ lực đấu tranh để có được.

Trong Kinh Tăng Nhất A-hàm, Phẩm Kết Cấm, Kinh số 7,[5] Đức Phật đã dạy mười pháp mà nếu một vị quốc vương thực hành được thì sẽ tồn tại lâu dài. Đoạn Kinh ấy như sau:

“Nếu quốc vương thành tựu mười pháp thì sẽ được tồn tại lâu dài ở đời. Những gì là mười?

“Quốc vương không tham đắm tài vật, không nổi thịnh nộ, cũng không vì chuyện nhỏ mà sinh tâm thù oán. Đó là pháp thứ nhất khiến được tồn tại lâu dài.

“Lại nữa, quốc vương hằng nghe lời can gián của quần thần, không nghịch lời của họ. Đó là thành tựu pháp thứ hai thì được tồn tại lâu dài.

“Lại nữa, quốc vương thường ưa huệ thí, cùng chung vui với dân. Đó pháp thứ ba khiến cho tồn tại lâu dài.

“Lại nữa, quốc vương trưng thu tài vật hợp pháp chứ không phải phi pháp. Đó là pháp thứ tư khiến tồn tại lâu dài.

“Lại nữa, quốc vương kia không tham đắm sắc người khác, hằng tự thủ hộ với vợ của mình. Đó là thành tựu pháp thứ năm khiến tồn tại lâu lâu dài.

“Lại nữa, quốc vương không uống rượu, tâm không hoang loạn. Đó là thành tựu pháp thứ sáu, khiến tồn tại lâu dài.

“Lại nữa, quốc vương không cười giỡn, mà hàng phục kẻ thù bên ngoài. Đó là thành tựu pháp thứ bảy, tồn tại lâu dài.

“Lại nữa, quốc vương y theo pháp mà trị hóa, không bao giờ bẻ cong. Đó là thành tựu pháp thứ tám, tồn tại lâu dài.

“Lại nữa, quốc vương cùng với quần thần hòa thuận, không có tranh chấp. Đó là thành tựu pháp thứ chín, tồn tại lâu dài,

“Lại nữa, quốc vương không có bệnh hoạn, khí lực cường thịnh. Đó là pháp thứ mười, khiến tồn tại lâu dài.

“Nếu quốc vương thành tựu mười pháp này sẽ được tồn tại lâu dài, không có gì lo ngại.”

Trong Kinh Trường A-hàm, Kinh Du Hành,[6] kể rằng một hôm Vua A-xà-thế (Ajātasattu) của nước Ma-kiệt-đà (Magadha) vì muốn đánh chiếm nước Bạt-kỳ (Vajji) nhưng nhà vua cũng muốn biết suy nghĩ của Đức Phật về việc này ra sao nên đã sai đại thần Vũ-xá (Vassakāra) đến tham vấn Đức Phật về ý định xâm chiếm nước Bạt-kỳ. Thay vì trả lời thẳng với Vũ-xá, Đức Phật quay sang tôn giả A-nan đang làm thị giả đứng hầu quạt bên cạnh hỏi và nói về 7 yếu tố để làm cho nước Bạt-kỳ hưng thịnh mà không nước nào có thể xâm chiếm được. Bảy yếu tố đó như sau:

  • Người dân thường nhóm họp để bàn những việc chân chánh.
  • Dân và vua hòa thuận, trên dưới kính nhường nhau.
  • Người dân thường tôn trọng pháp luật, hiểu điều cấm kỵ, không trái lễ độ.
  • Người dân hiếu dưỡng cha mẹ, kính thuận sư trưởng.
  • Người dân thường tôn trọng tông miếu, kính nể quỷ thần.
  • Người dân giữ gìn khuê môn trinh chính, thanh khiết, không bậy bạ, ngay cả lúc nói năng vui đùa cũng không tà vạy.
  • Người dân tôn kính Sa-môn và người trì giới, và thân cận hỗ trợ.

Khi nghe 7 yếu tố trên, đại thần Vũ-xá bạch với Đức Phật rằng dù người dân Bạt-kỳ chỉ thực hiện đúng một yếu tố thôi thì A-xà-thế cũng không thể nào đánh chiếm được, huống chi họ đã thực hiện được hết 7 yếu tố đó. Khi Vũ-xá về tâu lại với A-xà-thế về những gì Đức Phật dạy thì A-xà-thế tức khắc bãi bỏ ý định xâm chiếm Bạt-kỳ.

Có thể có người sẽ hỏi rằng liệu pháp trị quốc mà Đức Phật đã dạy ở trên có quá lý tưởng và khó thực hiện được chăng? Hay, một cách hỏi khác là, trong lịch sử hơn hai mươi lăm thế kỷ truyền bá của đạo Phật trên thế giới đã có vị vua hay nhà lãnh đạo quốc gia nào áp dụng những pháp trị quốc được Đức Phật dạy một cách thành công chưa?

Câu trả lời nhanh là: Có. Nhưng để chứng minh bằng những thí dụ điển hình về câu trả lời “có” đó thì xin nêu ra một vài trường hợp lịch sử như sau.

Trị quốc bằng Chánh pháp

Vua A-dục (304-232 trước Tây lịch) là vị hoàng đế thứ ba của triều đại Mauryan của nước Ma-kiệt-đà (Magadha) tại Ấn Độ. Ông trị vì từ năm 268 đến năm 232 trước Tây lịch. Vương quốc Ma-kiệt-đà mà Vua A-dục trị vì bao gồm phần lớn tiểu lục địa Ấn Độ, theo địa dư ngày nay là phía tây giáp Afghanistan, phía đông giáp Bangladesh, với thủ đô là Hoa Thị Thành (Pataliputra). Ông là vị vua ủng hộ Phật Giáo mạnh mẽ. Ông đóng vai trò quan trọng trong việc giúp truyền bá Phật Pháp đi khắp Châu Á thời bấy giờ. Cụ thể là ông đã phái Tỳ-kheo Mahinda (con trai của ông) và Tỳ-kheo-ni Sanghamitta (con gái của ông) sang Đảo Tích Lan (Sri Lanka) để truyền bá Phật Pháp, theo Richard Gombrich.[7]

Cũng theo Richard Gombrich, Vua A-dục theo tinh thần Đạo Phật đã bãi bỏ tội tử hình, theo Sắc Chỉ số 4 được khắc trên trụ đá. Ông cho trồng cây đa và cây xoài, xây nhà nghỉ và đào giếng nước cách nhau nửa dặm dọc theo các con đường để cho người qua đường có thể nghỉ mát và uống nước, theo Sắc Chỉ số 7 được khắc trên trụ đá. Ông hạn chế việc giết thú vật trong nhà bếp của hoàng tộc, theo Sắc Chỉ số 1 được khắc vào đá. Ông cho xây các cơ sở y tế để phục vụ cho con người và thú vật, theo Sắc Chỉ số 2 trên đá. Ông khuyến khích con cái vâng lời cha mẹ, đối xử tử tế với các tu sĩ và nhà tu khổ hạnh và tiết kiệm chi tiêu, theo Sắc Chỉ số 3 trên đá. Ông giao nhiệm vụ cho các quan chức để phục vụ phúc lợi và hạnh phúc cho người nghèo và người già, theo Sắc Chỉ số 5 trên đá. Ông hỗ trợ phúc lợi cho tất cả chúng sinh để trả nợ của ông đối với muôn loài và phục vụ vì hạnh phúc của họ trong đời này và đời sau, theo Sắc Chỉ số 6 trên đá.

Vua Lương Võ Đế (Emperor Wu of Liang – 464-549) là người sáng lập triều đại nhà Lương thời Nam-Bắc Triều (420-589 Tây lịch) ở Trung Hoa. Ông trị vì nhà Lương từ năm 502 đến năm 549 Tây lịch. Thời gian ông trị vì là giai đoạn thịnh vượng nhất của nhà Lương ở Nam Triều, theo www.en.widipedia.org. Ông đã 4 lần vào chùa Đồng Thái Tự (同泰寺) xuất gia (năm 527, 529, 546 và 547 Tây lịch) để sống những ngày tĩnh tâm trong chốn Thiền môn. Mỗi sáng ông đều đến chùa lễ Phật và giảng Phật Pháp cho mọi người. Ông ăn chay trường và còn thực hiện việc cúng chay cho các vị tiên đế của hoàng thất. Từ năm 502 đến 519 ông ăn chay ngày một bữa và không ăn sau giờ ngọ.

Theo tinh thần Phật Giáo, ông ngăn cấm việc cúng tế bằng cách giết động vật và chống lại việc tử hình. Ông là vị hoàng đế hiếu thảo, yêu thương, khiêm cung, thanh đạm, trí thức và có tài văn chương. Ông làm việc rất siêng năng, thức dậy khoảng 3, 4 giờ sáng để duyệt xét và giải quyết các vấn đề của quốc gia. Ông sống rất tiết kiệm, không bao giờ xài cái gì phung phí. Ông không thích rượu và âm nhạc. Ông đối xử với những người hầu hạ như đối với khách trọng vọng, không xem thường họ. Ông đối xử rất khoan dung với các quan lại.

Thánh Đức Thái Tử (Shōtoku Taishi – 574-622) là con trai thứ hai của Dụng Minh Thiên Hoàng (Yōmei-tennō – 517-587) của Nhật Bản.[8] Thánh Đức Thái Tử học Phật với Thiền Sư Huệ Từ, cao Tăng đến từ Cao Ly để truyền bá Phật Pháp tại Nhật. Ông là một Phật tử nhiệt thành và là nhà luận giải 3 bộ Kinh Phật, gồm Kinh Pháp Hoa, Kinh Duy-ma-cật, và Kinh Thắng Man. Trong ba bộ luận giải này thì bộ Pháp Hoa Nghĩa Sớ được viết xong vào năm 615 và là văn bản tiếng Nhật đầu tiên, do vậy ông cũng được xem như là tác giả Nhật Bản đầu tiên trong lịch sử Nhật, theo Kazuo Kasahara.[9] Ông đã lãnh đạo dự án quốc gia khổng lồ hỗ trợ Phật Giáo và xây dựng ngôi Tứ Thiên Vương Tự (Shitennō-ji) tại Osaka, Nhật Bản.

Nhờ thấm nhuần giáo pháp của Đức Phật ông đã thành công trong việc thiết lập chính quyền trung ương trong thời gian tại vị. Trong vai trò quan nhiếp chính, vào năm 603 Tây lịch, ông đã thành lập Hệ Thống Quan Chế 12 Cấp để xây dựng bộ máy hành chánh vững mạnh cho Nhật Bản. Năm sau, 604, Thánh Đức Thái Tử ban hành Thập Thất Chương Ước Pháp (17 Chương Ước Pháp) là Hiến Pháp đầu tiên của nước Nhật. Trong 17 Chương Ước Pháp này có chương nói về việc chống chế độ độc tài và cổ võ dân chủ và nhân quyền.

Duc Phat noi gi ve chinh tri 02
Vua Trần Nhân Tông, người đã đưa Chánh Pháp của Đức Phật vào việc trị quốc vào thời nhà Trần (1226-1400) ở Đại Việt.(Photo: www.en.wikipedia.org)

Vua Trần Nhân Tông (1258-1308), tên húy là Trần Khâm, là vị vua thứ ba của triều đại nhà Trần (1226-1400) của nước Đại Việt. Ông trị vì từ năm 1278 đến năm 1293, sau đó lên làm Thái Thượng Hoàng. Vua Trần Nhân Tông đã từng lãnh đạo quân Đại Việt đánh bại 2 cuộc xâm lượt của quân đội Mông-Nguyên vào năm 1285 và 1287. Vào năm 1294, Vua Trần Nhân Tông xuất gia học đạo và tôn Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung làm Thầy. Chính Tuệ Trung Thượng Sĩ là người truyền tâm ấn cho Trần Nhân Tông, theo Giáo Sư Lê Mạnh Thát.[10] Ngài tự gọi mình là Hương Vân Đại Đầu Đà và vào núi Yên Tử tu hành 12 hạnh đầu đà. Ngài là vị khai tổ của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Ngài mở các hội bố thí tiền bạc cho người nghèo trong xã hội. Ngài cũng đã vân du khắp làng xóm để giảng dạy mọi người từ bỏ mê tín và khuyên họ thực hành 10 điều thiện. Mười điều thiện gồm, không tham, không sân, không si, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nói lời thêu dệt, không nói lưỡi hai chiều, và không nói lời ác độc. Vua Trần Nhân Tông cho rằng đây là pháp trị quốc hữu hiệu nhất mà một vị minh quân hay nhà lãnh đạo nên thực hiện để xây dựng con người và xã hội lương thiện và thịnh vượng. Theo Giáo Sư Lê Mạnh Thát thực hành 10 điều thiện là “pháp luật quốc gia,” là “chính sách quốc gia,” mà đã được nói đến trong cuốc kinh Phật xưa nhất tại Việt Nam là Kinh Lục Độ Tập. Vào năm 1304, Ngài cũng đã truyền giới Bồ Tát tại gia cho vua quan nhà Trần dưới thời Trần Anh Tông. Ngài còn là nhà thơ, nhà văn và nhà tư tưởng lớn của Phật Giáo và Dân Tộc Việt Nam. Trong các tác phẩm của Vua Trần Nhân Tông có bài phú Cư Trần Lạc Đạo rất phổ biến và còn lưu truyền đến ngày nay.

Nói tóm lại, đối với Đức Phật, chính trị không giải quyết tận gốc khổ đau của con người và chúng sinh. Vì vậy, Ngài đã dạy những vị đệ tử xuất gia trong Tăng đoàn của Ngài không nên can dự vào chính trị mà phải tập trung vào nỗ lực tu tập để chứng đắc các quả vị giải thoát. Đối với hàng đệ tử tại gia, Đức Phật không ngăn cấm họ tham chính mà chỉ dạy họ nếu muốn xây dựng xã hội bằng con đường chính trị thì phải lấy Chánh Pháp để trị quốc mới làm cho đất nước thanh bình và dân chúng hạnh phúc.

Huỳnh Kim Quang


[1] Biệt Dịch Kinh Tạp A-hàm, Quyển I, Kinh 70, Núi Đá – Thích Nguyên Hiền dịch, Thích Tuệ Sỹ hiệu chỉnh và chú thích, Đại Tạng Kinh Việt Nam, Thanh Văn Tạng, Hội Đồng Hoằng Pháp GHPGVNTN.

[2] Kinh Tăng Nhất A-hàm, bản dịch Việt của Thích Đức Thắng do Thích Tuệ Sỹ hiệu đính và chú thích, Đại Tạng Kinh Việt Nam, Thanh Văn Tạng, Hội Đồng Hoằng Pháp GHPGVNTN.

[3] William J. Long, Buddha on Politics, Economics, and Statecraft, https://link.springer.com.

[4] David Dale Holmes, The Buddhist Ideals of Good Governance, https://www2.buddhistdoor.net.

[5] Tăng Nhất A-hàm, Thích Đức Thắng dịch, Thích Tuệ Sỹ hiệu đính và chú thích, Đại Tạng Kinh Việt Nam, Thanh Văn Tạng, Hội Đồng Hoằng Pháp GHPGVNTN.

[6] Kinh Trường A-hàm, Kinh Du Hành, Tuệ Sỹ dịch và hiệu chú, Đại Tạng Kinh Việt Nam, Thanh Văn Tạng, Hội Đồng Hoằng Pháp GHPGVNTN.

[7] Richard Gombrich, Aśoka: The Great Upāsaka được in trong “King Aśoka and Buddhism: Historical and Literary Studies,” xuất bản năm 1994.

[8] Richard Ponsonby-Fane, The Imperial House of Japan, 1959.

[9] Kazuo Kasahara, A History of Japanese religion, Tokyo: Kosei, 2007.

[10] Tiến Sĩ Lê Mạnh Thát, Trần Nhân Tông Con Người Và Tác Phẩm, Chương VI Thượng Hoàng Trần Nhân Tông Xuất Gia, www.thuvienhoasen.org.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Bước đầu khảo cứu mộc bản kinh sách Phật giáo Đàng Trong thời chúa Nguyễn
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viếtĐức Phật nói gì về chính trị?Đức Phật dạy pháp trị quốcTrị quốc bằng Chánh pháp Thông qua hoạt động tổ chức khắc in kinh sách, chúng ta thấy được mối quan hệ mật thiết giữa chính quyền chúa Nguyễn với các vị cao tăng, bên cạnh đó là mối quan hệ...

Quá trình phát triển giáo dục Phật giáo miền Nam 1954-1981
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viếtĐức Phật nói gì về chính trị?Đức Phật dạy pháp trị quốcTrị quốc bằng Chánh pháp Giáo dục Phật giáo là nền tảng cho mọi hoạt động hoằng pháp của tăng ni, tri thức giúp họ gặt hái được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp truyền thừa mạng mạch phật...

Bồ-tát Quán Thế Âm Trong Văn Hóa Tín Ngưỡng Của Người Việt
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viếtĐức Phật nói gì về chính trị?Đức Phật dạy pháp trị quốcTrị quốc bằng Chánh pháp Đức Quán Thế Âm trở nên thân thiết trong đời sống của người dân Việt đến mức trong sâu thẳm trái tim của mỗi người đều có hình ảnh về vị Bồ-tát luôn đầy lòng bi mẫn này. Ngài là một đối tượng tín ngưỡng thiêng liêng nhưng đồng...

Thuyết tái sinh góp phần xây dựng giá trị đạo đức xã hội
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viếtĐức Phật nói gì về chính trị?Đức Phật dạy pháp trị quốcTrị quốc bằng Chánh pháp Theo nhân quả nghiệp báo thì một hành động thiện sẽ dẫn đến các cảnh giới tái sinh tốt đẹp, do đó, tinh thần bất bạo động được xây dựng dựa trên nền tảng từ bi...

Hòa thượng Tâm An phụng sự Đạo pháp và Dân tộc
Danh Tăng, Lịch sử, Nghiên cứu

Mục lục bài viếtĐức Phật nói gì về chính trị?Đức Phật dạy pháp trị quốcTrị quốc bằng Chánh pháp Từ những buổi đầu Phật giáo suy vi, dân tộc chịu ách thống trị của thực dân Pháp, ngài tham gia cuộc chấn hưng Phật giáo Bắc Kỳ. Khi có Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh...

Ảnh hưởng của đạo Phật đến các giá trị văn hóa xã hội
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viếtĐức Phật nói gì về chính trị?Đức Phật dạy pháp trị quốcTrị quốc bằng Chánh pháp Sự nhấn mạnh vào nhận thức bản thân, từ bi tâm và công lý xã hội đã biến đạo Phật thành một động lực kiên cường cho sự chuyển hoá tích cực. Đạo Phật ra đời ở...

Những đóng góp của triều đại nhà Trần đối với Phật giáo Việt Nam về văn hoá, tư tưởng
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viếtĐức Phật nói gì về chính trị?Đức Phật dạy pháp trị quốcTrị quốc bằng Chánh pháp Triều đại nhà Trần không chỉ là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong công cuộc khôi phục và phát triển đất nước, mà còn là thời kỳ đánh dấu sự thăng hoa của Phật...

Các thiền sư thời Lê sơ và sự nỗ lực chấn hưng truyền thống văn hóa dân tộc Đại Việt
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viếtĐức Phật nói gì về chính trị?Đức Phật dạy pháp trị quốcTrị quốc bằng Chánh pháp Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng với dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước, đánh bạt âm mưu xâm lược, nô dịch văn hóa của thế lực phương bắc ngay...

Hoà thượng Tâm Ấn Vĩnh Thừa Thiền – Tịnh – Mật tam hành
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viếtĐức Phật nói gì về chính trị?Đức Phật dạy pháp trị quốcTrị quốc bằng Chánh pháp Tóm tắt: Sự biến động về chính trị, xã hội của Việt Nam từ nửa sau thế kỷ XIX đã ảnh hưởng rất nhiều đến Phật giáo nước nhà, nên tông chỉ tu tập giữa các...

Trúc Lâm đầu đà – một phong cách xuất trần Thượng sĩ
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viếtĐức Phật nói gì về chính trị?Đức Phật dạy pháp trị quốcTrị quốc bằng Chánh pháp Hòa hợp xã hội là một phương pháp chính trị của vương quyền nhà Trần, nhưng cũng mang phong cách của Ngài từ ảnh hưởng giáo lý nhà Phật thấm nhuần. Tìm lại dấu xưa là...

Đặc tính tư tưởng của Thiền phái Lâm Tế ở Việt Nam
Lịch sử, Nghiên cứu

Mục lục bài viếtĐức Phật nói gì về chính trị?Đức Phật dạy pháp trị quốcTrị quốc bằng Chánh pháp Thiền phái Lâm Tế truyền vào Việt Nam từ Trung Hoa qua hai giai đoạn chính là vào thời nhà Trần và đời Lê Trung hưng (vua Lê chúa Trịnh, chúa Nguyễn). Sau khi truyền vào...

Tín ngưỡng thờ Mẫu trong tiến trình phát triển tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viếtĐức Phật nói gì về chính trị?Đức Phật dạy pháp trị quốcTrị quốc bằng Chánh pháp Các hiện tượng siêu nhiên huyền bí, kết hợp với niềm tin và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, hình thành nên tín ngưỡng Tam Tứ Phủ đặc trưng của người Việt với các vị nữ...

Đạo Mẫu và Tín ngưỡng thờ Tam phủ, Tứ phủ qua trật tự các giá Hầu
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viếtĐức Phật nói gì về chính trị?Đức Phật dạy pháp trị quốcTrị quốc bằng Chánh pháp Đạo thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian có từ lâu đời và rất thuần Việt. Nói đến Đạo Mẫu người ta có thể liên tưởng ngay đến việc tôn vinh những vị nữ thần tối cao...

Các kỳ kết tập Kinh điển Tam Tạng Pali
Lịch sử, Nghiên cứu

Mục lục bài viếtĐức Phật nói gì về chính trị?Đức Phật dạy pháp trị quốcTrị quốc bằng Chánh pháp Công việc học Tam Tạng và Chú giải Pāḷi để bảo tồn trọn vẹn pháp học Phật giáo là bổn phận của mọi người Phật tử, là bậc xuất gia cũng như các hàng tại gia...

Bốn trường phái nghiên cứu Phật học trên thế giới
Nghiên cứu

Mục lục bài viếtĐức Phật nói gì về chính trị?Đức Phật dạy pháp trị quốcTrị quốc bằng Chánh pháp Đến thế kỷ XX, Phật giáo lan toả sang vô phương Tây, việc nghiên cứu Phật giáo ở phương Tây được định hình có phương pháp tư duy khoa học nên phát triển mạnh mẽ, với...

Vai trò của vua Trần Thái Tông trong việc thiết lập nền tảng cho sự hình thành Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viếtĐức Phật nói gì về chính trị?Đức Phật dạy pháp trị quốcTrị quốc bằng Chánh pháp Tóm tắt: Bên cạnh vai trò là một vị vua hiền về mặt trị quốc, Trần Thái Tông còn được biết đến với tư cách là người đã có vai trò quan trọng trong việc tiếp...

Ads Blocker Image Powered by Code Help Pro

Đã phát hiện trình chặn quảng cáo!!!

Chúng tôi đã phát hiện thấy bạn đang sử dụng tiện ích mở rộng để chặn quảng cáo. Vui lòng hỗ trợ chúng tôi bằng cách vô hiệu hóa các trình chặn quảng cáo này.