Cả cuộc đời của ngài sống hết mình, bình dân, giản dị, hòa nhã, nhẫn nhục, tuy rất nghiêm khắc với bản thân nhưng đối với tứ chúng lại khiêm cung hòa nhã và thường dạy các đệ tử noi gương Tổ Bách Trượng “ngày không làm thời cũng không ăn”.
Phó pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN; Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Ninh Bình; Nguyên Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN; Nguyên Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Ninh Bình; Nguyên Trưởng ban Trị sự GHPGVN huyện Kim Sơn; Chứng minh tổ đình Kim Liên (Chùa Đồng Đắc), tổ đình Hàm Ân, tổ đình Yên Bình; Viện chủ chùa Hòa Lạc, xã Như Hòa, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
I. Thân thế
Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Đàm, thế danh là Phan Văn Phàn sinh năm 1924 (tức năm Giáp Tý) tại thôn Kim Định, xã Kim Định, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Thân phụ là cụ ông Phan Văn Kỳ, tự Nguyên Đạo; thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Âu hiệu Diệu Giáo, song thân của ngài đều là những Phật tử thuần thành. Ngài sinh trưởng trong gia đình có 6 người con, bốn trai, hai gái.
II. Thời kỳ xuất gia tu học
Vốn được sinh ra trong gia đình có truyền thống thâm tín Phật pháp, nên hạt giống bồ-đề của ngài sớm nảy nở. Năm 15 tuổi (1936), ngài được song thân cho đến xuất gia với Sư tổ là Hòa thượng Thích Thanh Tường, trụ trì chốn Tổ Yên Bình, thôn Yên Bình, xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Sau khi nhập vào chốn thiền môn ngài sớm hôm siêng năng tu tập và được sư tổ hết lòng yêu mến dạy dỗ bảo ban. Sau bảy năm sớm khuya nỗ lực kiên trì tinh chuyên đạo hạnh, làm tròn phận sự của người sơ tâm học đạo, được thầy tổ yêu mến, năm 1941 ngài được nghiệp sư hạ đao thế phát. đăng đàn thụ Sa-di giới tại chốn Tổ chùa Yên Bình.
Sau khi thụ giới Sa-di, ngài chuyên tâm miệt mài kinh luật, giữ gìn uy nghi tế hạnh để tiến tu đạo nghiệp. Do thâm sâu căn lành nơi Phật pháp, lại có đạo tâm kiên cố, đạo niệm tinh chuyên, nên cho dù thế sự có biết bao biến động đổi thay, nhưng hạt giống Bồ đề lại không bao giờ thất thoái mảy may. Tháng, năm siêng năng cần mẫn với đức khiêm cung từ hòa, hết lòng phụng Phật sự sư, niềm tin nhân quả vẫn tròn đầy như ngày sơ tâm nhập đạo. Ngài luôn tỏ ta tinh tiến tu hành, thời giờ khắc niệm công phu, đường giải thoát tự tu không bao giờ sao nhãng, luôn được Nghiệp sư thương quý, pháp phái sơn môn kỳ vọng.
Năm 1944, khi “Xuân đạo lý đã đơm bông trí tuệ, tâm bồ-đề toả ngát giới hương thơm”, nghiệp sư nhận thấy Ngài học hành thông minh, đạo hạnh, đã hoan hỷ hứa khả cho đăng đàn thụ Tỷ-khiêu giới tại Tổ đình chùa Yên Bình, xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Giới đàn do cố Đại lão Hoà thượng Thích Thanh Đoàn – trụ trì chùa Thổ Mật làm ngôi Hòa thượng; cố Đại lão Hoà thượng Thích Thanh Tường – viện chủ tổ đình Yên Bình làm thầy Yết-ma, cố Đại lão Hoà thượng Thích Vĩnh Quang làm thầy giáo thụ, cố Đại lão Hoà Thượng Thích Chính Long – chùa Cổ Lâm, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình làm thầy tôn chứng, cố Đại lão Hoà Thượng Thích Thanh Khâm – trụ trì chùa Vệ, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình làm thầy Tôn chứng.
Sau khi đắc pháp ngài được dự vào hàng Tăng bảo với trọng trách thượng cầu Phật đạo, hạ hoá chúng sinh, tiếp tục phát huy Phật tính sẵn có của mình.
Thật vậy!“Duyên phúc căn xưa vốn thẳm sâu/ Một lời pháp ngữ tự quay đầu/ Bồ đề tính Phật nay tươi nhuận/ Nối gót thiền gia đạo nhiệm màu”.
III. Thời kỳ hoằng dương Phật pháp – phụng sự dân tộc
Ngài được Nghiệp sư thường dạy bảo:“Là trưởng tử của Như Lai, đâu chúng sinh cần thì đến, đạo pháp cần thì đi, chẳng quản gian lao, không nài khó nhọc”, chính vì thế năm 1948, ngài được sự ủng hộ của chính quyền và Giáo hội, Sư tổ đã cho tới trụ trì chùa Hán Văn, xã Đức Tân, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Trong thời gian ba năm trụ trì chùa Hán Văn (1948 – 1951), ngài đã dốc tâm tu sửa cảnh giới chùa Hán Văn ngày càng thêm trang nghiêm tố hảo.
Do yêu cầu của Giáo hội, năm 1951, ngài lại được về trụ trì chùa Lai Thành, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Trong 8 năm trụ trì (1951 – 1959), ngài đã cùng tín đồ Phật tử và dân làng tu sửa tôn tạo cảnh giới già lam và xây dựng bảo tháp tôn thờ các bậc tổ sư khai sáng. Thời gian này, giặc Pháp bị thua trên các mặt trận, chúng điên cuồng càn quét, bắn phá và đuổi nhà sư ra khỏi chùa vì chúng nghi chùa là nơi trú ẩn của du kích Việt Minh, song ngài vẫn kiên cường giữ chùa cùng chung với dân làng, ủng hộ kháng chiến chống giặc ngoại xâm để giành lại độc lập cho dân tộc.
Năm 1959, ngài lại được trở về chốn tổ Yên Bình, lãnh chức vụ đăng gia và phục vụ sư trưởng. Với lòng hiếu học đã ấp ủ trong lòng đã nhiều tháng năm để được sự tuyển Phật trường, nhằm tô bồi giáo lý Phật Đà ngày thêm sâu rộng.
Ngày 24-3-1973, Hòa thượng đã được sư tổ cho đi học trường Phật học của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại chùa Quán Sứ – Thủ đô Hà Nội. Khóa học từ ngày 24-3-1973 đế ngày 21-8-1975 do Hòa thượng Thích Trí Độ làm hiệu trưởng.
Tháng 11 năm Giáp Dần (1975), Hòa thượng được đăng đàn thụ giới Bồ-tát giới tại chùa Quán Sứ – TP.Hà Nội. Giới đàn do cố Đại lão Hòa thượng Thích Tâm An, chùa Thiên Phúc, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội trao truyền. Từ đó giới đức chu viên, tâm từ sáng tỏ mười phương rạng ngời, đem ra giáo hóa đạo đưa người thoát khỏi bờ mê, cảnh khổ, chúng sinh nương nhờ, Tăng Ni tứ chúng đượm nhuần từ đây.
Ngày 21-8-1975, ngài được Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức tấn phong giáo phẩm Thượng tọa.
Chùa Hòa Lạc (Linh Sơn tự) là ngôi chùa thuộc chốn tổ Yên Bình, sau khi cố Hòa thượng Thích Thanh Tĩnh viên tịch vào ngày 24-1-1983 chùa vắng bóng trụ trì, với lòng nhiệt tình và nguyện vọng khát khao của đông đảo tín đồ Phật tử cùng dân làng Giáp Lương, Hòa Lạc, được sự nhất trí của chính quyền các cấp và Giáo hội, ngày 24-9-1983 Hòa thượng đã về tiếp nhận ngôi vị trụ trì chùa Hòa Lạc (Linh Sơn tự). Với công lao, đạo hạnh trong quá trình tu dưỡng rèn luyện, đối chiếu với yêu cầu tiêu chuẩn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay “Dĩ công thưởng đức”.
Ngày 28-8-1997 tại Đại Hội Phật giáo toàn quốc lần thứ III, Ngài đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tấn phong lên hàng giáo phẩm “Hòa thượng”. Đây là ngôi vị cao quý nhất đánh dấu cuộc đời tu hành của Hòa thượng.
Ngày 28-4-1998 Hòa thượng chính thức trao ngôi vị trụ trì cho Đại đức Thích Trí Như và lên ngôi Viện chủ chùa Hòa Lạc cho đến ngày viên tịch.
Tại Đại hội Phật giáo tỉnh Ninh Bình lần thứ V (2007), ngài được Đại hội tín nhiệm suy cử làm Trưởng ban trị sự Phật Giáo tỉnh Ninh Bình và trưởng Ban Trị sự Phật giáo huyện Kim Sơn.
Tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII (2012) ngài được Đại hội suy tôn ngôi Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đảm nhiệm ngôi vị chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Ninh Bình.
Giới đức của ngài vang khắp gần xa người người quy ngưỡng, trong các Đại giới đàn tuyển người làm Phật của tỉnh Ninh Bình và các tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Nam Định, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Nội… Ngài đảm nhiệm ngôi vị Hòa thượng Đường đầu để trao truyền giới châu, tuệ mệnh cho hàng Tăng tài kế nhiệm.
Tuy niên cao, lạp thọ nhưng Ngài luôn hăng say trong các hoạt động Phật sự, sách tấn Tăng Ni tích cực hoằng pháp ở những nơi vùng sâu, vùng xa biên giới hải đảo, những nơi mà thiếu ánh sáng từ bi của Phật pháp. Ngài vinh dự được Nhà nước xác lập kỷ lục “Người cao tuổi nhất Việt Nam đi đảo Trường Sa”. Hành động này của ngài đã đưa Phật pháp tới biển đảo thân yêu, góp phần không nhỏ trong việc ổn định chính trị đất nước và trong khu vực.
Trong cuộc đời tu hành của Ngài đã nhận thấy “nhân năng hoằng đạo, phi nhân hoằng đạo”, liễu được lời tổ Quy Sơn dạy: “Tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”. Ngài đã tiếp nhận đệ tử xuất gia, hạ đao thế phát, tế độ cho nhiều vị đệ tử làm Tỷ-khiêu Tăng, từ đó có người truyền đăng cho thế hệ Phật pháp mai sau.
Ngài đã tùy duyên vân du giáo hoá cho chúng đệ tử tại gia, để đưa chúng sinh tới cõi nhân thiên. Hoà thượng thường trao truyền giới pháp, Tam quy, Ngũ giới cho các đạo tràng Phật tử.
Cả cuộc đời của ngài sống hết mình bình dân, giản dị siêng năng cần cù, hòa nhã, nhẫn nhục. Tuy rất nghiêm khắc với bản thân nhưng đối với tứ chúng lại khiêm cung hòa nhã và thường dạy các đệ tử noi gương Tổ Bách Trượng “ngày không làm thời cũng không ăn”. Với đạo hạnh từ bi, khiêm cung, ái kính, lời nói chân thành chất phác nên khi tiếp xúc với mọi người, mọi tầng lớp tín đồ Phật tử lời dạy của Ngài như dòng suối mát dịu hiền khiến ai cũng cảm mến và nhất mực cung kính Hòa thượng.
Do có nhiều công lao đóng góp đối với đạo pháp và dân tộc, Ngài đã được Đảng, Nhà nước, MTTQVN trao tặng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của UBND tỉnh Ninh Bình và nhiều Bằng tuyên dương công đức của GHPGVN.
IV. Thời kỳ viên tịch
Ngài đã trọn đời hiến dâng cho lý tưởng hoằng pháp lợi sinh; ngài đã nhiệt tâm góp phần to lớn vào sự nghiệp làm sáng danh đạo Phật và dân tộc Việt Nam. Cuộc đời ngài từ sơ tâm cho đến lúc hoá duyên đã mãn là tấm gương lung linh chiếu sáng trong công phu tu thân, hành đạo cho cả giới xuất gia và tại gia; ngài luôn lấy giới hạnh tinh nghiêm làm thân giáo để răn dạy, sách tấn kẻ hậu lai; ngài đã thể hiện tinh thần bi, trí, dũng trong công hạnh vô ngã vị tha, tận lực chuyên tâm vào sự nghiệp hoằng dương chính pháp, phục vụ nhân sinh.
Thời khắc thiêng liêng tương hội, công đức hóa duyên viên mãn, Đại lão Hòa thượng Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thu thần thị tịch vào hồi 13 giờ 30, ngày 18-1-2022 (nhằm ngày 16-12-Tân Sửu), tại chùa Hòa Lạc, xã Như Hòa, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình,để lại trong lòng môn đồ tứ chúng, Tăng Ni Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước niềm kính thương vô hạn. Tấm gương trong sáng, hiền đức uy nghi nơi ngài mãi mãi hằng hữu trên trang sử vàng Phật giáo Việt Nam thời hiện đại.
NAM-MÔ VIỆT NAM PHẬT GIÁO GIÁO HỘI CHỨNG MINH HỘI ĐỒNG PHÓ PHÁP CHỦ, MA-HA SA-MÔN TỶ-KHIÊU BỒ-TÁT GIỚI PHÁP HÚY THÍCH THANH ĐÀM, ĐẠO HIỆU NHÂN TỪ, THẾ DANH PHAN THANH PHÀN ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG GIÁC LINH THIỀN TỌA HẠ.