Trong lịch sử Phật giáo, cũng như trong lịch sử Việt Nam, 1963 là một niên biểu trọng đại. Một đỉnh cao, một mốc thời gian trong đó máu và nước mắt của Phật tử chan hòa và tiếp nối máu và nước mắt oai hùng của cả một dân tộc đã đổ ra trong hơn một thế kỷ để giành lại độc lập toàn vẹn cho đất nước.

Người Việt Nam phải thuộc sử Việt Nam. Và người Phật tử thì không phải chỉ 50 năm một lần, 60 năm một lần đọc lại trang sử 1963, mà đọc lại hàng năm, mỗi ngày Phật đản, đọc thầm cũng được, để thấy máu và nước mắt của một thời thấm vào tim mình. Bài học 1963 không những còn nguyên giá trị, mà còn sáng rực ngọn đuốc Quảng Đức trong vô minh của mọi đêm tối.

Tưởng niệm ngọn đuốc 1963 ảnh 1

Trong vô minh ấy của chính chúng ta, 1963 để lại những bài học gì? Nhiều lắm. Nhưng hãy tạm hạn chế trong bốn yếu tố căn bản:

1. Thứ nhất là yếu tố quần chúng. Tuyệt đẹp, tuyệt hảo là tình cảm gắn bó thiết tha giữa quần chúng và Phật tử, giữa một tầng lớp quần chúng với chùa chiền trong suốt thời gian Pháp nạn. Không có quần chúng thì chắc chắn không có 1963, chắc chắn không có Phật giáo ngày nay, chắc chắn lịch sử chiến tranh sẽ khác.

Ngay từ đầu, ngay sau vụ thảm sát ở Đài Phát thanh Huế, biểu tình là tự phát, quần chúng đổ ra đường cùng với Phật tử. Đâu có đàn áp, lập tức đấy có tự phát biểu tình. Càng về sau, càng đàn áp khủng bố, quần chúng lại càng đồng hóa với Phật tử, chính dùi cui cũng không biết phân biệt đầu nào là đầu dân, đầu nào là đầu thầy chùa: pháp nạn với dân nạn, quốc nạn là một. Vì vậy mà dù Từ Đàm bị bao vây, chim bay tưởng khó lọt, quần chúng vẫn vô ra mà không cần địa đạo.

Cứ tưởng tượng lại quang cảnh bi hùng ấy mà thương quần chúng: cảnh sát, quân đội, chiến xa bao vây ba vòng, máy bay uy hiếp trên không, Từ Đàm bị phong tỏa như một chiến khu, bằng cách nào bên ngoài tiếp tế lương thực, áo quần, thuốc men cho các thầy và hàng chục Phật tử luân phiên tuyệt thực, cầu nguyện ở bên trong? Trả lời: Ban đêm, tìm lối sau, xuyên qua nhà dân, từ nhà này qua nhà khác, vườn nọ tiếp vườn kia, không ai tố giác, tin tức trao qua đổi lại không lộ bí mật, một lời phóng ra từ bên trong, bên ngoài chấn động cả thành phố.

Tưởng niệm ngọn đuốc 1963 ảnh 2

Có quần chúng, chưa đủ, nếu quần chúng ấy vô kỷ luật. Vô kỷ luật thì càng đông càng ô hợp. Quần chúng của 1963 là quần chúng biết nghe, nghe theo kỷ luật, nghe theo phải trái. Và bởi vì phải trái đã quá phân minh, chỉ cần nghe theo lẽ phải của chính lòng mình là không cần ai bắt buộc cũng thành kỷ luật. Cho nên, ở Huế cũng như ở Sài Gòn về sau, hàng hàng lớp lớp biểu tình mà bạo loạn không xảy ra. Chúng ta tự hào đã là một tấm gương kỷ luật để quần chúng noi theo.

Mít-tinh trước chùa hay biểu tình ngoài phố, đi, đứng, ngồi xuống đường, chắp tay cầu nguyện mặc đánh đập, tiến, thoái, khẩu hiệu, biểu ngữ, hiệu lệnh truyền ra, nhất nhất Tăng Ni, Phật tử hành động đồng loạt, mà Tăng Ni trẻ là hình ảnh nổi bật hàng đầu trong tấm gương. Hòa thượng Trí Quang đặc biệt tán dương các vị Tăng Ni trẻ trong Hồi ký, dành những lời thiết tha nhất để nhắc lại dũng khí của kỷ luật và giới đức trang nghiêm như một tấm gương để quần chúng soi hình ảnh của Phật giáo bấy giờ và mãi mãi. Xin trích:

“Ấy vậy, Tăng Ni tương lai của Phật pháp phải nhìn đạo và nhìn đời, nhìn mình và nhìn người (…) để rồi tự ý thức cái nghĩa vụ của Phật giáo mà các vị là biểu tượng. Các vị phải bồi dưỡng trước và suốt đời về giới đức và tâm đức. Chính giới đức, và chỉ giới đức, mới làm cho các vị và Phật giáo của các vị thành hoa sen trong bùn. Nên giới đức mới cảm hóa được ma quân, chế ngự được ngoại đạo…”. Xin đọc tiếp Hồi ký để nghe lại lời của Người Lãnh Đạo vang vọng lại từ 1963. Và như vậy, xin bước qua yếu tố thứ hai.

Tưởng niệm ngọn đuốc 1963 ảnh 3

2. Yếu tố thứ hai là lãnh đạo. Có quần chúng mà không có lãnh đạo thì mọi chuyện bất thành. Phước báu mà chư Phật mang đến cho Phật tử trong Pháp nạn 1963 là sự xuất hiện của một nhà lãnh đạo xuất chúng hiếm thấy trong lịch sử Phật giáo cận đại. Khi Thầy Trí Quang hô hào Phật tử đứng dậy, không ai có thể tưởng tượng chế độ kia sẽ tan rã.

Chính Thầy cũng thấy cái chết của chính mình, một thách đố mạng đổi mạng. Hòn đá đổi mạng với cái núi. Châu chấu đổi mạng với cỗ xe. Nhưng đừng tưởng đây là manh động. Đừng tưởng đây là tự tử. Ai ở gần Thầy đều biết: mọi chuyện bắt đầu từ lòng tin. Và lòng tin nơi Thầy phải nói là kỳ lạ, sắt đá không lay chuyển. Tin ở sức mạnh trong chính mình. Ở sức mạnh trong mỗi con người. Trong con người trước lẽ phải. Hai sức mạnh ấy gộp lại trong một bàn tay điều khiển sáng suốt, sách lược.

Tưởng niệm ngọn đuốc 1963 ảnh 4

Khi mở đầu, khó tưởng tượng tranh đấu sẽ thành công. Cũng khó tưởng tượng sức mạnh ấy có thể mãnh liệt đến mức ấy, sẽ là nước vỡ bờ. Cái mà mọi đối thủ từng sợ nơi Người Lãnh Đạo ấy của chúng ta là đức tin nơi con đường phải đi: chỉ có một con đường ấy mà thôi để Phật giáo còn sống. 1963 không phải là một nước cờ liều. Đó là chuyện tất nhiên phải thế. Chúng ta bái lạy cái thấy “tất nhiên phải thế” bừng lên từ Người Lãnh Đạo qua quần chúng Phật tử, biến những con người vốn hiền hòa trong một thành phố vốn hiền hòa thành thủy triều lan ra cả nước.

Tưởng niệm ngọn đuốc 1963 ảnh 5

3. Yếu tố thứ ba là mục tiêu. Từ đầu, khi một ký giả ngoại quốc hỏi “Thầy muốn gì?”, Thầy của chúng ta trả lời: “Chỉ muốn dịch kinh sách”. Câu nói biểu trưng cho lý tưởng và mục tiêu trong suốt của Phật giáo. Từ trong lịch sử, Phật giáo đã chọn cho mình một chỗ đứng, một tư thế xa lánh quyền hành, tranh chấp chính trị. Văn hóa – hay dùng chữ của Nguyễn Trãi, văn hiến – là chỗ đứng muôn đời của Phật giáo. Đứng với dân. Chan hòa trong buồn vui của dân tộc.

Bởi vậy, khi Phật giáo đứng lên để “bảo vệ đạo pháp”, quần chúng thấy rõ mục tiêu “dân tộc” mà cao trào tranh đấu nhắm đến. Đây không phải là tranh giành quyền lực: đây là bảo vệ phần hồn của dân tộc, nghĩa là văn hiến, mà chế độ Diệm muốn quật chết trong chính sách. Quần chúng thấy rõ, thấy quá rõ: chính sách thực dân là diệt phần hồn, chính sách ông Diệm là tiếp nối. Dụ số 10 mà Phật tử đứng lên đòi hủy bỏ là cây cầu tiếp nối giữa ông Diệm với thực dân. Dụ ấy là cái nhục của nước, cái nhục nô lệ. Phật giáo đứng lên rửa nhục là rửa nhục chung! Quần chúng thấy rõ đâu là cái hồn phải giữ. Chỉ có một con đường ấy thôi. Cùng đi! Cho nên sức nước vỡ bờ. 1963 là vậy.

Tưởng niệm ngọn đuốc 1963 ảnh 6

4. Yếu tố thứ tư là phương pháp: bất bạo động. Bất bạo động nằm trong bản chất của Phật giáo. Cho nên nằm ngay trong câu nói mở đầu tranh đấu của Thầy Trí Quang, câu nói chắc nịch như đinh đóng cột:

“Bất bạo động. Phương pháp này thích đáng với Phật giáo. Dẫu biết bất bạo động thì rất khó. Phải có cái Dũng ngay từ bên trong con người của mình mới bất bạo động được. Gandhi đã nói nhát gan mà bất bạo động thì thà bạo động. Chính tôi cũng thấy bạo động dễ hơn. Dẫu vậy, Phật giáo sẽ không bao giờ từ bỏ bất bạo động. Lý do chỉ vì Phật giáo thì phải là như vậy”.

Phật giáo thì phải là như vậy, không thể khác. Phải trích thêm một câu nữa:

“Ông Diệm đã gây hấn, sinh sự, dồn Phật giáo vào cái thế phải kháng cự, tự vệ. Tôi lại dự liệu nếu chúng tôi chết thì cái chết ấy như chân lý chết vì bạo lực, không phải chết vì bạo lực này kém bạo lực khác”.

Tưởng niệm ngọn đuốc 1963 ảnh 7
Hòa thượng Thích Thiện Hoa đón Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam từ Huế vào Sài Gòn, đến chùa Xá Lợi, nơi tổ chức tang lễ Bồ-tát Thích Quảng Đức sau khi ngài vị Pháp thiêu thân – Ảnh: Tư liệu GN

Cho nên quang cảnh Phật tử ngồi xếp bằng, chắp tay trước cảnh sát, quân đội, xe tăng, và cả chó trận, là thường xuyên, làm chấn động lương tâm của quần chúng, bắt đầu từ Huế trước khi lan đến Sài Gòn. Mặc đàn áp, mít-tinh, tuyệt thực trước các chùa ở Sài Gòn, nhất là Xá Lợi, vẫn diễn ra vào mỗi buổi sáng và trước tối, với sự tham gia của học sinh.

Dưới mắt của các ký giả ngoại quốc, bây giờ mới được tận mắt chứng kiến, quang cảnh ấy được mô tả là “kỳ diệu”. Mà kỳ diệu thật, báo đăng hai tấm hình song song, một tấm chụp đoàn Thanh nữ Cộng hòa của bà Nhu đứng thị uy, một tấm chụp các em nữ sinh bận đồng phục quỳ gối chắp tay cầu nguyện. Quần chúng nhìn vào tấm gương bất bạo động ấy mà giữ kỷ luật về sau, trong các cuộc biểu tình lớn giữa đường phố, tránh bạo loạn mà chính quyền muốn xảy ra.

Tưởng niệm ngọn đuốc 1963 ảnh 8

1963 dạy ta gì qua những hình ảnh bất bạo động tiếp nối nhau từ đầu đến cuối? Dạy: Không sợ! Chúng ta đã không sợ. Chính bọn tàn bạo đã sợ chúng ta. Cho nên hàng ngũ của chúng nó lung lay. Lung lay từ trong cảnh sát. Lung lay đến tận quân đội. Đến khi ngài Quảng Đức tự thiêu thì cả bộ máy chiến tranh đỡ đầu cũng lung lay. 60 năm nhìn lại, ôi, lịch sử nhiệm mầu, hãy nhìn lại ngọn đuốc Quảng Đức còn rực cháy trong lòng:

“Lúc ngọn lửa bùng lên gần khắp người Ngài rồi, còn lại chỉ có một bên vai, gần một nửa trên đầu, trán cũng đã có lửa, chỉ mặt còn nguyên. Chính trong lúc như vậy mà nét mặt của Ngài hoàn toàn bình thản, siêu thoát, không một nét nhăn hay một chút ráng sức. Lửa bùng lên hoàn toàn mà Ngài vẫn an tọa. Cho đến khi lửa tắt, Ngài ngồi như pho tượng đồng đen. Sau đó một lúc Ngài mới gật đầu xuống như thể cúi chào Tăng Ni”.

Phật giáo Việt Nam đã cống hiến cho đất nước một vị Bồ-tát. Phật giáo Việt Nam thừa sức hộ quốc như vậy trong hiện tại và tương lai với ngọn đuốc Quảng Đức soi đường và soi tâm.

Cao Huy Thuần/Báo Giác Ngộ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Bước đầu khảo cứu mộc bản kinh sách Phật giáo Đàng Trong thời chúa Nguyễn
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Thông qua hoạt động tổ chức khắc in kinh sách, chúng ta thấy được mối quan hệ mật thiết giữa chính quyền chúa Nguyễn với các vị cao tăng, bên cạnh đó là mối quan hệ gắn bó, cầu tiến, giúp đỡ lẫn nhau giữa các vị sư tăng ở các tông phái khác nhau....

Quá trình phát triển giáo dục Phật giáo miền Nam 1954-1981
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Giáo dục Phật giáo là nền tảng cho mọi hoạt động hoằng pháp của tăng ni, tri thức giúp họ gặt hái được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp truyền thừa mạng mạch phật pháp. Lời mở đầu Lịch sử Việt Nam được hình thành và phát triển trên hai nghìn năm văn...

Bồ-tát Quán Thế Âm Trong Văn Hóa Tín Ngưỡng Của Người Việt
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Đức Quán Thế Âm trở nên thân thiết trong đời sống của người dân Việt đến mức trong sâu thẳm trái tim của mỗi người đều có hình ảnh về vị Bồ-tát luôn đầy lòng bi mẫn này. Ngài là một đối tượng tín ngưỡng thiêng liêng nhưng đồng thời là một người Mẹ thân thương luôn là chỗ dựa cho con cái trên đường đời lắm thác ghềnh,...

Thuyết tái sinh góp phần xây dựng giá trị đạo đức xã hội
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Theo nhân quả nghiệp báo thì một hành động thiện sẽ dẫn đến các cảnh giới tái sinh tốt đẹp, do đó, tinh thần bất bạo động được xây dựng dựa trên nền tảng từ bi vô ngã trí tuệ của Phật giáo. Tóm tắt: Thuyết tái sinh và nghiệp báo là một trong những chủ...

Hòa thượng Tâm An phụng sự Đạo pháp và Dân tộc
Danh Tăng, Lịch sử, Nghiên cứu

Từ những buổi đầu Phật giáo suy vi, dân tộc chịu ách thống trị của thực dân Pháp, ngài tham gia cuộc chấn hưng Phật giáo Bắc Kỳ. Khi có Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, ngài tích cực tham gia phong trào Phật giáo Cứu Quốc. Dẫn nhập Phật...

Ảnh hưởng của đạo Phật đến các giá trị văn hóa xã hội
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Sự nhấn mạnh vào nhận thức bản thân, từ bi tâm và công lý xã hội đã biến đạo Phật thành một động lực kiên cường cho sự chuyển hoá tích cực. Đạo Phật ra đời ở Ấn Độ từ thế kỷ thứ 6 trước Tây lịch, trong điều kiện xã hội phân chia theo chế...

Những đóng góp của triều đại nhà Trần đối với Phật giáo Việt Nam về văn hoá, tư tưởng
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Triều đại nhà Trần không chỉ là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong công cuộc khôi phục và phát triển đất nước, mà còn là thời kỳ đánh dấu sự thăng hoa của Phật giáo trong mọi lĩnh vực văn hóa, giáo dục và tinh thần của dân tộc. Chương I. Khái quát...

Các thiền sư thời Lê sơ và sự nỗ lực chấn hưng truyền thống văn hóa dân tộc Đại Việt
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng với dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước, đánh bạt âm mưu xâm lược, nô dịch văn hóa của thế lực phương bắc ngay từ những thế kỷ đầu. Tóm tắt Phật giáo thời Lê sơ (1428 – 1527) tuy ít được triều đình...

Hoà thượng Tâm Ấn Vĩnh Thừa Thiền – Tịnh – Mật tam hành
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Tóm tắt: Sự biến động về chính trị, xã hội của Việt Nam từ nửa sau thế kỷ XIX đã ảnh hưởng rất nhiều đến Phật giáo nước nhà, nên tông chỉ tu tập giữa các tông phái dần bị phai mờ, mất đi ranh giới mà thay vào đó là sự pha lẫn, hoà...

Đức Phật nói gì về chính trị và pháp trị quốc?
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Bầu không khí chính trị trên thế giới hiện nay đang nóng bỏng vì khuynh hướng độc tài, cực đoan, chia rẽ, hận thù và cuồng vọng không thua kém gì bầu khí quyển của địa cầu đang nóng dần lên do khí thải nhà kính gây ra. Cả hai đều do con người tạo...

Trúc Lâm đầu đà – một phong cách xuất trần Thượng sĩ
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Hòa hợp xã hội là một phương pháp chính trị của vương quyền nhà Trần, nhưng cũng mang phong cách của Ngài từ ảnh hưởng giáo lý nhà Phật thấm nhuần. Tìm lại dấu xưa là để ôn cố tri tân vậy. Bài viết này chúng tôi muốn nói lên phong cách đặc thù của Tổ...

Đặc tính tư tưởng của Thiền phái Lâm Tế ở Việt Nam
Lịch sử, Nghiên cứu

Thiền phái Lâm Tế truyền vào Việt Nam từ Trung Hoa qua hai giai đoạn chính là vào thời nhà Trần và đời Lê Trung hưng (vua Lê chúa Trịnh, chúa Nguyễn). Sau khi truyền vào Việt Nam, Thiền phái Lâm Tế có những thay đổi cơ bản để thích nghi với văn hóa, phong...

Tín ngưỡng thờ Mẫu trong tiến trình phát triển tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Các hiện tượng siêu nhiên huyền bí, kết hợp với niềm tin và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, hình thành nên tín ngưỡng Tam Tứ Phủ đặc trưng của người Việt với các vị nữ thần chính trông coi các cõi của tự nhiên Việt Nam là nơi giao thoa các nền tôn giáo,...

Đạo Mẫu và Tín ngưỡng thờ Tam phủ, Tứ phủ qua trật tự các giá Hầu
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Đạo thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian có từ lâu đời và rất thuần Việt. Nói đến Đạo Mẫu người ta có thể liên tưởng ngay đến việc tôn vinh những vị nữ thần tối cao mà người ta tôn là Thánh Mẫu hay Quốc Mẫu, tuy nhiên trong đạo thờ Mẫu, người ta không...

Các kỳ kết tập Kinh điển Tam Tạng Pali
Lịch sử, Nghiên cứu

Công việc học Tam Tạng và Chú giải Pāḷi để bảo tồn trọn vẹn pháp học Phật giáo là bổn phận của mọi người Phật tử, là bậc xuất gia cũng như các hàng tại gia cư sĩ. Để giữ gìn duy trì pháp học Phật giáo cho được đầy đủ, không để rời rạc,...

Bốn trường phái nghiên cứu Phật học trên thế giới
Nghiên cứu

Đến thế kỷ XX, Phật giáo lan toả sang vô phương Tây, việc nghiên cứu Phật giáo ở phương Tây được định hình có phương pháp tư duy khoa học nên phát triển mạnh mẽ, với ba trường phái lớn tại các khu vực Anh – Đức, Pháp – Bỉ, và Nga. Mỗi trường phái...

Ads Blocker Image Powered by Code Help Pro

Đã phát hiện trình chặn quảng cáo!!!

Chúng tôi đã phát hiện thấy bạn đang sử dụng tiện ích mở rộng để chặn quảng cáo. Vui lòng hỗ trợ chúng tôi bằng cách vô hiệu hóa các trình chặn quảng cáo này.